Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Tổng thống Mỹ Trump cải tổ bộ máy anh ninh và đối ngoại; Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-un tới thăm Trung Quốc

2018-03-29

Vì một bán đảo thống nhất

Tổng thống Mỹ Trump cải tổ bộ máy anh ninh và đối ngoại; Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-un tới thăm Trung Quốc
Vào ngày 22/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ định cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc John Bolton làm Cố vấn an ninh quốc gia mới.

Bắc Triều Tiên đang cố gắng kéo dài đàm phán hòng có thêm thời gian. Đây là điều nước này vẫn liên tục làm suốt 25 năm qua. Chúng ta cần tập trung vào không chỉ một cuộc thảo luận lý thuyết chung chung về các vấn đề trên mà vào cần đi vào các phương án cụ thể làm thế nào để phi hạt nhân hóa miền Bắc.

Ông John Bolton được biết đến như một trong những người theo trường phái cứng rắn trong bộ máy chính sách đối ngoại của Mỹ. Ba ngày sau khi được chỉ định là Cố vấn an ninh hàng đầu cho Tổng thống Trump, ông này đã nhắc lại quan điểm của mình về Bắc Triều Tiên, nói rằng nước Mỹ cần phải có một cuộc thảo luận cực kỳ thẳng thắn về phi hạt nhân hóa miền Bắc. Hãy cùng lắng nghe Giáo sư Shin Beom-cheol từ Học viện ngoại giao quốc gia, thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, phân tích các thay đổi đối ngoại quanh bán đảo Hàn Quốc theo sau sự xuất hiện của ông Bolton, một nhân vật theo đường lối cứng rắn với Bắc Triều Tiên.

Trước đây, với tư cách là Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách Kiểm soát vũ khí và An ninh quốc tế, John Bolton đã yêu cầu Bắc Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa khi cuộc khủng hoảng hạt nhân miền Bắc nổ ra, đồng thời chỉ trích nặng nề chính quyền chuyên chế Bình Nhưỡng. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi ông Bolton được coi là nhân vật ít được miền Bắc chào đón nhất. Thậm chí, Bình Nhưỡng đã tuyên bố thẳng là sẽ không nói chuyện với Bolton. Bởi vậy, ông này đã bị loại ra ngoài các cuộc đối thoại về phi hạt nhân hóa giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ. Ông Bolton đã liên tục phát biểu chống miền Bắc, và giờ đây, ông này được dự đoán sẽ thi hành một chính sách đối ngoại cứng rắn, gọi là “hòa bình thông qua sức mạnh.”

Đội ngũ an ninh và đối ngoại của ông Trump đang được tái cơ cấu nhằm đưa vào nhiều nhân vật cứng rắn hơn. Ông Trump đã thay Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bằng Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mike Pompeo, và chọn ông Bolton, người vừa qua đã đề xuất một cuộc tấn công phủ đầu Bình Nhưỡng, là Cố vấn an ninh quốc gia. Quyết định này chắc hẳn sẽ tác động không mấy tốt đẹp đến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vốn được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 5, bởi tân Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đang ủng hộ việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên theo cách giải giáp hạt nhân Libya.

Năm 2003, nhà lãnh đạo Libya khi đó là ông Muammar Gaddafi đã từ bỏ vũ khí hạt nhân. Vào thời điểm đó, ông Bolton là Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách Kiểm soát vũ khí và An ninh quốc tế. Mỹ đã vô hiệu hóa năng lực hạt nhân của Libya và mang các công cụ liên quan về Mỹ nhằm khiến đất nước này không thể nào phát triển vũ khí hạt nhân một lần nữa. Đáp lại, Mỹ đã hứa bình thường hóa quan hệ với Libya. Nhưng quá trình này đã kéo dài hai đến ba năm. Từ quan điểm của Bắc Triều Tiên, Libya đơn thuần là đã đầu hàng Mỹ. Đây là điều Bình Nhưỡng không hề mong muốn. Nước này đã tuyên bố sẽ đàm phán sòng phẳng với Mỹ như một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Do đó, kể cả nếu Bolton đề cập đến trường hợp phi hạt nhân hóa Libya, miền Bắc sẽ không chấp nhận phương án này.

Từ khóa trong trường hợp phi hạt nhân hóa Libya là “từ bỏ hạt nhân trước rồi nhận được đền bù sau.” Libya đã công bố quyết định từ bỏ chương trình hạt nhân của mình năm 2003 và dừng hẳn chương trình này 22 tháng sau đó. Năm 2006, Mỹ đã đền bù cho Libya bằng cách bình thường hóa quan hệ với nước này. Nhưng Bắc Triều Tiên lại muốn từ bỏ các vũ khí hạt nhân cùng lúc với việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Nếu ông Bolton tham gia vào các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân giữa bối cảnh quan điểm khác biệt giữa Bình Nhưỡng và Washington, quá trình đàm phán song phương sẽ không hề dễ dàng. Dường như cảm nhận được áp lực từ việc thiếu vắng các nhân vật theo trường phái ôn hòa trong chính quyền ông Trump, nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un đã tìm kiếm một bước ngoặt bằng chuyến thăm Trung Quốc vừa qua.

Chính phủ đã xác nhận nhân vật cấp cao miền Bắc tới thăm Trung Quốc từ ngày 25/3 vừa qua chính là nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong-un. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng đưa tin nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un đã tới thăm Trung Quốc để hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Kim đã có chuyến thăm không chính thức tới Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương tại Bắc Kinh. Đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông Kim kể từ khi lên cầm quyền vào cuối năm 2011, cũng là lần xuất hiện đầu tiên của ông này trên vũ đài đối ngoại quốc tế. Sự chú ý đang tập trung vào lý do vì sao nhà lãnh đạo miền Bắc lại đến thăm Trung Quốc trước thềm Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đã được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 4 và tháng 5.

Trong lần ra mắt vũ đài quốc tế, ông Kim Jong-un đã chọn tới thăm Trung Quốc đầu tiên như một bước đi mang tính chiến lược và biểu tượng nhằm củng cố vị thế đối ngoại của mình và củng cố mối quan hệ truyền thống giữa hai đồng minh cộng sản. Miền Bắc đang cố gắng cải thiện quan hệ với Trung Quốc hòng tăng cường khả năng đàm phán của mình. Đối với Bắc Triều Tiên, sự xuất hiện của các nhân vật cứng rắn trong nội các Mỹ hiện tại có thể giảm bớt các cơ hội của nước này hòng đạt được một thỏa hiệp với Mỹ. Trong bối cảnh đó, miền Bắc dường như đang nâng cao vị thế chiến lược của mình bằng cách sử dụng Trung Quốc.

Ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000, nhà lãnh đạo miền Bắc khi đó là Kim Jong-il đã tới thăm Trung Quốc để gặp Chủ tịch Trung Quốc khi đó là Giang Trạch Dân. Thông qua chuyến thăm bất ngờ tới đồng minh truyền thống, Bắc Triều Tiên đã chứng minh được mối quan hệ đồng minh khăng khít và đạt được một bước tiến quan trọng để đi đến thế cân bằng đối ngoại so với các nước láng giềng. Nếu nhìn vào lịch sử, chuyến thăm vừa qua tới Bắc Kinh thể hiện ý định của Bình Nhưỡng sử dụng mối quan hệ vừa được khôi phục với Bắc Kinh như đòn bẩy nhằm tăng cường khả năng đàm phán, và tái xây dựng nền kinh tế của nước này với sự giúp đỡ của Trung Quốc. Tương tự, Bắc Kinh cũng cảm thấy việc cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng là rất quan trọng.

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, có nhiều suy đoán rằng hai nước sẽ đạt được một thỏa thuận quan trọng và hai miền Nam-Bắc bán đảo Hàn Quốc và Mỹ sẽ tuyên bố chấm dứt chính thức cuộc chiến tranh Triều Tiên. Trong bối cảnh này, Trung Quốc đang bắt đầu thay đổi thái độ. Trên thực tế, Trung Quốc đã tham gia vào các lệnh trừng phạt quốc tế với Bắc Triều Tiên, góp phần khiến miền Bắc phải ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, chính việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cũng khiến kinh tế Trung Quốc chịu thiệt hại. Nếu Bắc Triều Tiên và Mỹ đạt được một thỏa hiệp về việc việc công nhận lực lượng quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc và quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ, Washington sẽ nâng cao được vị thế chiến lược của mình trên bán đảo Hàn Quốc, trong khi Trung Quốc lại càng bị thua thiệt. Do đó, Trung Quốc sẽ cố gắng thể hiện lập trường của Bắc Kinh thông qua Bình Nhưỡng. Nếu đánh giá một cách tích cực, Trung Quốc sẽ đồng tình với việc phi hạt nhân hóa miền Bắc, và sẽ thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ việc phát triển vũ khí hạt nhân. Nhưng để có thể liên tục gây ảnh hưởng lên đối ngoại khu vực, Bắc Kinh có thể sẽ yêu cầu Bình Nhưỡng nêu ra các vấn đề về quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc và mối quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ. Trong trường hợp đó, rất khó để Bình Nhưỡng và Washington đạt được một thỏa hiệp.


Hội nghị thượng đỉnh Trung-Triều đã cho thấy rằng Bình Nhưỡng muốn đảm bảo các mối quan hệ thân hữu, trong khi Bắc Kinh muốn xóa bỏ các mối quan ngại về cái gọi là “sự phớt lờ Trung Quốc” trong các diễn biến của đối ngoại khu vực. Mối quan hệ vừa được khôi phục giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc nổi lên như một nhân tố mới có thể ảnh hưởng tới các vấn đề trên bán đảo Hàn Quốc. Nếu Trung Quốc can thiệp vào đối thoại trước thềm Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều, các tính toán đối ngoại về việc phi hạt nhân hóa sẽ càng thêm phức tạp. Trong lúc Tổng thống Mỹ Trump đã bổ nhiệm các nhân vật cứng rắn vào các chức vụ an ninh chủ chốt thì Hội nghị thượng đỉnh Trung-Triều đã diễn ra. Trong tình thế này, chúng ta cùng chờ đợi Hàn Quốc sẽ thể hiện thể hiện khả năng đối ngoại của mình như thế nào.

Lựa chọn của ban biên tập