Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Triển vọng cho đối ngoại khu vực trong tháng 4/2018

2018-04-05

Vì một bán đảo thống nhất

Triển vọng cho đối ngoại khu vực trong tháng 4/2018
Tháng 4 đã mở ra với các diễn biến đối ngoại quan trọng đang được chờ đón. Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã nhất trí tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh mang tính điểm mốc vào ngày 27/4. Đây là Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên sau 11 năm và là hội nghị thượng đỉnh lần thứ III giữa hai miền Nam-Bắc trên bán đảo Hàn Quốc, sau hai hội nghị trước đó diễn ra vào năm 2000 và 2007. Cũng trong tháng 4, Hàn Quốc và Mỹ đã bắt đầu tập trận chung thường niên, trong khi Bắc Triều Tiên sẽ tổ chức kỷ niệm một sự kiện chính trị quan trọng vào giữa tháng này. Hãy cùng lắng nghe ông Hong Hyon-ik, chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu Sejong, phân tích sâu hơn về vấn đề này.

Tháng 4 sẽ mang đến sức đẩy quan trọng cho sự hình thành hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Seoul và Bình Nhưỡng đã nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào ngày 27/4, và các nghệ sĩ Hàn Quốc đã có chuyến lưu diễn thành công tại Bình Nhưỡng. Rõ ràng, căng thẳng giữa hai miền đã được giảm đi đáng kể và một không khí cho hợp tác song phương đang được hình thành. Sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, Bắc Triều Tiên và Mỹ sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên trong lịch sử. Nếu hai miền Nam-Bắc xây dựng quan hệ và đặt nền móng cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân miền Bắc một cách phù hợp tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới, Bình Nhưỡng và Washington có thể bước vào giai đoạn giải quyết vấn đề hạt nhân tại cuộc họp thượng đỉnh lịch sử giữa hai nước này vào tháng 5. Do đó, tháng 4 là một tháng vô cùng quan trọng, có thể quyết định vận mệnh của bán đảo Hàn Quốc.

Không khí hòa bình được tạo ra nhờ Thế vận hội mùa đông PyeongChang rất có thể sẽ được tiếp tục tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều cuối tháng này và cả Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều được lên kế hoạch diễn ra vào tháng 5. Không giống như trước đây, chuỗi đối thoại cấp thượng đỉnh này đang được tổ chức với tốc độ mau chóng. Đặc biệt, cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ năm nay đang diễn ra trong một bầu không khí tương đối khác biệt, cùng với việc Hội nghị thượng đỉnh liên Triều sắp diễn ra được xem như sự mở đầu cho hành trình phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc.

Các cuộc tập trận chung thường niên của liên quân Hàn-Mỹ thường bắt đầu vào giữa tháng 3 và kéo dài cho tới hết tháng 4. Nhưng năm nay, sự kiện này đã bị hoãn lại gần một tháng cho tới khi Thế vận hội mùa đông PyeongChang và Thế vận hội dành cho người khuyết tật PyeongChang kết thúc. Hơn nữa, các cuộc tập trận phần lớn ở cường độ thấp và tập huấn phòng vệ, phản ánh không khí đối thoại vừa qua trong khu vực.

Xét tới các Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều đã được lên kế hoạch, Hàn Quốc và Mỹ dường như đã giảm cường độ tập trận chung thường niên để không khiêu khích miền Bắc. So với năm ngoái, cuộc tập trận năm nay không có sự tham gia của các vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ. Trong khi cuộc tập trận “Giải pháp then chốt”, vốn phần lớn là mô hình giả lập trên máy tính, sẽ được tổ chức như các năm trước, thì thời gian cho cuộc tập trận “Đại bàng non” đã được rút ngắn xuống còn khoảng một tháng. Bắc Triều Tiên rất nhạy cảm với cuộc tập trận “Đại bàng non” vốn đòi hỏi huy động binh lực và vũ khí chiến đấu trên quy mô lớn. Việc giữ cho các cuộc tập trận không quá sôi nổi được hy vọng sẽ có ảnh hưởng tích cực đến Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều.

Năm nay, cuộc tập trận chung có sự tham gia bởi 300.000 lính Hàn Quốc và 15.000 lính Mỹ, kể cả quân tiếp viện ở nước ngoài. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc phát biểu rằng các cuộc tập trận đang diễn ra ở cường độ tương tự với các năm trước, nhưng thời gian tập trận đã được rút ngắn một nửa. Hơn nữa, Mỹ sẽ không triển khai các vũ khí chiến lược như tàu sân bay và các tàu ngầm có đầu đạn hạt nhân. Bắc Triều Tiên đang tránh chỉ trích cuộc tập trận thường niên này. Có suy đoán cho rằng năm nay, Bắc Triều Tiên cũng sẽ có thể giảm mức độ tổ chức kỷ niệm Ngày Thái dương vào hôm 15/4 – ngày sinh của nhà sáng lập miền Bắc Kim Nhật Thành.

Năm ngoái, kỷ niệm lần thứ 105 ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, miền Bắc đã tổ chức rất hoành tráng với diễu hành quân sự quy mô lớn và một vụ phóng tên lửa. Theo truyền thống, Bình Nhưỡng rất chú trọng tới các lễ kỷ niệm lần thứ V và thứ X. Nhưng năm nay, Ngày thái dương 15/4 này lại là lễ kỷ niệm lần thứ 106. Hơn nữa, Hội nghị thượng đỉnh liên Triều sẽ được tổ chức sau đó chỉ khoảng 10 ngày. Do đó, miền Bắc rất có thể sẽ tránh bất cứ hành động nào làm phật ý Hàn Quốc và Mỹ, như diễu hành quân sự, phóng tên lửa hoặc thử nghiệm hạt nhân.

Năm ngoái, Bắc Triều Tiên đã tổ chức một lễ diễu hành quân sự quy mô lớn để kỷ niệm Ngày Thái dương. Nước này cũng đã phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan nhằm phô diễn sức mạnh quân sự của mình. Nhưng năm nay, miền Bắc rất có thể sẽ không tổ chức diễu hành quân sự hoặc không có hành động khiêu khích vũ trang, bởi nước này cũng đang mong muốn sức đẩy đối thoại được duy trì. Dường như hai miền Nam-Bắc đang cố gắng vượt qua sự đối đầu trước thềm hội nghị thượng đỉnh song phương, làm dấy lên các hy vọng về sự kiện sắp tới này.

Seoul và Bình Nhưỡng đã làm dịu căng thẳng một cách đáng kể và hy vọng sẽ tái thiết lập quan hệ giữa hai nước, điều vô cùng có ý nghĩa. Xét đến cuộc khủng hoảng an ninh trên bán đảo Hàn Quốc năm ngoái, Chính phủ Hàn Quốc đang rất cố gắng để không rơi vào tình trạng bất ổn khi đó. Hai miền Nam-Bắc có thể sẽ nhất trí ký kết một hiệp định nào đó nhằm định hình một cách cơ bản quan hệ liên Triều hoặc sẽ định kỳ chuẩn bị cho hiệp định này. Tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, tôi cho rằng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ thuyết phục nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un thể hiện rõ ràng quyết tâm từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Bắc Triều Tiên có thể tiến tới một hay hai giai đoạn nữa khi làm rõ ý định của mình nhằm công bố các cơ sở hạt nhân, cho phép nước ngoài kiểm chứng, dừng hoạt động và dứt điểm chúng. Nếu miền Bắc thể hiện ý định này một cách rõ ràng tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vào tháng 5 sẽ thu được kết quả.

Kết quả của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào cuối tháng này được kỳ vọng sẽ là một phép thử quan trọng cho hiện tại và tương lai của Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên, vốn đã lặp lại căng thẳng và xung đột một cách đáng tiếc kể từ chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Giờ đây, cả hai bên đang đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh quan trọng này. Chúng ta cùng chờ đợi và dõi xem các nhà lãnh đạo của hai miền Nam-Bắc sẽ nhất trí điều gì, nhất là về vấn đề hạt nhân miền Bắc và sự chia cắt bán đảo Hàn Quốc. Dựa trên kết quả của hội nghị này, tháng 4 có thể là một tháng lịch sử, mở đường cho hòa giải liên Triều.

Lựa chọn của ban biên tập