Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Triển vọng của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều

2018-04-12

Vì một bán đảo thống nhất

Triển vọng của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều
Mỹ và Bắc Triều Tiên đang đẩy nhanh các công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh song phương. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, người được biết đến với quan điểm cứng rắn với miền Bắc, đã chính thức nhậm chức ngày 9/4, trong lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu rằng Washington đã liên lạc với Bình Nhưỡng nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại một cuộc họp Nội các tại Nhà trắng.

Vào ngày 10/4, nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un cũng đã xác nhận rằng Bình Nhưỡng đang nỗ lực đối thoại với Washington. Các nhà lãnh đạo của cả Bắc Triều Tiên và Mỹ đã cùng lúc đề cập tới hội nghị thượng đỉnh song phương, cho thấy những bước tiến triển trong quá trình chuẩn bị. Hãy cùng lắng nghe ông Moon Sung-mook, Giám đốc Trung tâm chiến lược thống nhất, thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc gia, phân tích sâu hơn về điều này.

Sau khi Tổng thống Trump gặp các đặc phái viên Hàn Quốc và khẳng định sẽ gặp nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un, đã không hề có dấu hiệu liên lạc nào giữa Bình Nhưỡng và Washington. Do đó, nhiều người nghi ngờ rằng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ không được diễn ra như đã lên kế hoạch. Cũng có suy đoán rằng cuộc hội đàm này có thể bị hoãn lại. Tuy nhiên mới đây, truyền thông Mỹ đã đưa tin về cuộc tiếp xúc cấp chuyên viên giữa Washington và Bình Nhưỡng, trong khi đó, Tổng thống Trump cũng bày tỏ mong muốn được gặp Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-un vào tháng 5 hoặc đầu tháng 6, và hy vọng hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận về phi hạt nhân hóa miền Bắc tại hội nghị này. Những diễn biến này đã nâng cao khả năng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Có lẽ hai bên đã gần thống nhất được lịch trình cho các cuộc thảo luận.

Nhiều người đã lo ngại rằng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ không diễn ra. Đề xuất của ông Kim Jong-un về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Mỹ đã được công bố một cách gián tiếp thông qua đoàn đặc phái viên Hàn Quốc tới thăm Bắc Triều Tiên. Nhưng sau đó, Bình Nhưỡng đã không hề đề cập gì tới hội nghị này, và nhiều chính trị gia Mỹ đã có phản ứng tiêu cực với đề xuất của miền Bắc. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của cả hai nước vừa qua đã khẳng định rằng sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương, đập tan những nghi ngờ về sự kiện này. Có suy đoán rằng hai bên đã trao đổi phần lớn quan điểm của mình về nghị sự, địa điểm và thời gian của hội nghị.

Về địa điểm của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, miền Bắc dường như muốn tổ chức tại Bình Nhưỡng hoặc Ulaanbaatar, thủ đô của Mông Cổ. Trong khi đó, Mỹ lại mong muốn tổ chức tại các quốc gia trung lập như Thụy Sĩ và Thụy Điển hơn. Ngoài ra còn có một số lựa chọn khác như đảo Jeju của Hàn Quốc và làng đình chiến Bàn môn điếm tại biên giới liên Triều. Dường như hai phía đã nhất trí được về địa điểm. Ông Trump đã tiết lộ thời điểm tổ chức vào tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Điều này cho thấy hai bên đã gần thống nhất về lịch trình phác thảo, mặc dù chưa chốt được một ngày cụ thể. Có lẽ hai nước cần thêm thời gian để tối ưu hóa các chủ đề thảo luận. Về vấn đề phi hạt nhân hóa, Bắc Triều Tiên xem xét tới phương án phi hạt nhân hóa “đồng bộ và theo giai đoạn”, trong khi Mỹ yêu cầu phi hạt nhân hóa ngay lập tức và hoàn toàn thông qua một gói thỏa thuận. Tôi cho rằng hai bên cần thêm thời gian để trao đổi quan điểm của mình về vấn đề hóc búa này.

Dường như địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đang được thảo luận, trong đó Bình Nhưỡng, Washington và các quốc gia thứ ba như Mông Cổ, Thụy Sĩ và Thụy Điển đang được đề xuất. Nghị sự của hội đàm, điều thu hút được sự chú ý nhất, vẫn chưa chắc chắn. Tuy nhiên, vào ngày 8/4, truyền thông Mỹ đưa tin miền Bắc cho biết nước này đã sẵn sàng thảo luận vấn đề phi hạt nhân hóa. Ông Trump đã bày tỏ kỳ vọng của mình về hội nghị thượng đỉnh sắp tới, nói rằng Bắc Triều Tiên đã thể hiện cam kết của nước này về phi hạt nhân hóa.

Dường như ông Trump rất tự tin về việc phi hạt nhân hóa miền Bắc thông qua hội nghị thượng đỉnh song phương Mỹ-Triều lần này. Là một bậc thầy về thương lượng, ông Trump dường như tin rằng mình có thể thuyết phục Bình Nhưỡng nhằm thu được một kết quả tích cực, không như những người tiền nhiệm. Nói cách khác, ông Trump đang thúc giục miền Bắc đáp lại lời kêu gọi phi hạt nhân hóa của mình như chính yêu cầu của phía Mỹ vậy.

Trong bối cảnh ông Trump đã bày tỏ kỳ vọng về hội nghị thượng đỉnh với miền Bắc và đề cập tới khả năng thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa, công tác chuẩn bị cho sự kiện này đang diễn ra thuận lợi. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết, do quan điểm của Bình Nhưỡng và Washington về định nghĩa và quy trình tiến hành phi hạt nhân hóa rất khác biệt.

Bắc Triều Tiên đã phát biểu rằng nước này sẵn sàng thảo luận vấn đề phi hạt nhân hóa. Đây là một chuyển biến tích cực so với trước đây. Miền Bắc đã từng khăng khăng rằng “Các nước đừng đề cập tới vấn đề phi hạt nhân hóa; trông chờ nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân thì việc chờ sông cạn đá mòn còn khả thi hơn”. Mặc dù Bình Nhưỡng đã bày tỏ thái độ mềm mỏng hơn, nước này vẫn sẽ không dễ dàng chấp nhận các yêu cầu của Mỹ. Hơn nữa, Trung Quốc ủng hộ lập trường của miền Bắc, và Nga cũng có thể sẽ đứng về phía nước này. Do đó, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều rất khó đạt được thành quả mà Mỹ và Hàn Quốc kỳ vọng. Miền Bắc và Mỹ có thể tổ chức hội nghị thượng đỉnh chưa từng có tiền lệ. Nhưng Hàn Quốc vẫn không thể chắc chắn rằng Bắc Triều Tiên sẽ xóa bỏ các chương trình hạt nhân của nước này theo cách mà Seoul mong muốn, do Bình Nhưỡng và Washington vốn đã có quan điểm vô cùng khác biệt về vấn đề phi hạt nhân hóa.

Cách thức tiến hành phi hạt nhân hóa miền Bắc chính là cốt lõi của bất đồng và là vấn đề lớn nhất quyết định thành công hay thất bại của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần này. Các nghi ngờ về khả năng tổ chức sự kiện này đã được xóa bỏ, chúng ta cùng chờ đợi và dõi xem hội nghị thượng đỉnh mang tính lịch sử này sẽ tiến triển ra sao.

Lựa chọn của ban biên tập