Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh liên Triều sắp diễn ra

2018-04-19

Vì một bán đảo thống nhất

Chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh liên Triều sắp diễn ra
Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh song phương, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 27/4 tới đây. Chính phủ Seoul đang nỗ lực nhằm đưa cam kết mạnh mẽ của nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un về phi hạt nhân hóa và các cuộc hội đàm liên Triều cấp thượng đỉnh vào một tuyên bố chung cho Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018. Hai miền Nam-Bắc sẽ thiết lập một đường dây nóng giữa lãnh đạo hai nước vào ngày 20/4, và Chánh văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Hàn Quốc Chung Eui-yong hoặc Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Suh Hoon có thể sẽ tới thăm Bắc Triều Tiên một lần nữa trước thềm hội nghị thượng đỉnh. Dư luận quốc tế hiện rất quan tâm tới sự kiện quan trọng này, vốn đang được Seoul và Bình Nhưỡng hoàn tất các khâu chuẩn bị cuối cùng. Hãy cùng lắng nghe ông Chung Young-tae, Giám đốc Viện nghiên cứu Bắc Triều Tiên, phân tích các điểm nổi bật của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều sắp tới.

Phi hạt nhân hóa là vấn đề then chốt cho cả Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên, cũng là mối quan tâm của cộng đồng quốc tế. Như chúng ta đã biết, căng thẳng quân sự đã leo thang trên bán đảo Hàn Quốc do những chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của miền Bắc. Việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều là cần thiết nhằm làm giảm căng thẳng và thiết lập hòa bình dài lâu trong khu vực. Cả Seoul và Bình Nhưỡng cần chứng tỏ với thế giới rằng hai bên đã đạt được nhất trí về các vấn đề này. Họ cũng cần phải tạo ra được dư luận thuận lợi cho hội nghị thượng đỉnh. Do đó, điều vô cùng quan trọng là phải công khai đưa tin về sự kiện.

Hai Hội nghị thượng đỉnh liên Triều trước đây được tổ chức vào năm 2000 và 2007 đã diễn ra hoàn toàn bí mật. Nhưng Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 đang được tổ chức theo một phương cách cởi mở. Thậm chí, việc truyền hình trực tiếp sự kiện này cũng đang được cân nhắc. Ngoài ra, do Tổng thống Trump đã khẳng định hai miền Nam-Bắc đang thảo luận về việc chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, cộng đồng quốc tế cũng hết sức quan tâm tới hình thức, thời gian và địa điểm của các cuộc hội đàm nhằm kết thúc chiến tranh. Đặc biệt, địa điểm cho Hội nghị thượng đỉnh liên Triều có ý nghĩa rất quan trọng.

Làng đình chiến Bàn Môn Điếm chính là nơi Hiệp định đình chiến 1953 được ký kết. Nói cách khác, địa điểm này chính là kết quả của Hiệp định đình chiến. Việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Bàn Môn Điếm đã thể hiện tầm nhìn hướng tới tương lai của Chính phủ hai miền, cũng như mong muốn biến tình trạng ngừng bắn hiện tại trở thành một sự chấm dứt hoàn toàn chiến tranh, thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Hàn Quốc.

Chiến tranh Triều Tiên đã nổ ra vào ngày 25/6/1950 và kéo dài ba năm cho tới ngày 27/7/1953, khi một Hiệp định đình chiến được ký kết tại Bàn Môn Điếm. Kể từ đó, làng đình chiến đã trở thành biểu tượng đau thương cho sự chia cắt trên bán đảo Hàn Quốc. Nhưng giờ đây, nơi này đang nổi lên như một địa điểm của hòa bình và hòa giải nhằm thảo luận về một bán đảo Hàn Quốc không có hạt nhân, khi Hội nghị thượng đỉnh liên Triều sẽ được tổ chức tại đây vào tuần sau. Dĩ nhiên sự thay đổi quan trọng này xuất phát từ cam kết tiến tới phi hạt nhân hóa của cả Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên.

Trước đây, Bắc Triều Tiên chỉ muốn trực tiếp thảo luận các vấn đề quân sự và an ninh với Mỹ, hoàn toàn đẩy Hàn Quốc ra ngoài cuộc. Bình Nhưỡng thậm chí đã bước ra khỏi phòng họp khi Seoul đưa ra các vấn đề hạt nhân hoặc quân sự. Nhưng trong một diễn biến quan trọng, Seoul và Bình Nhưỡng đã dàn xếp một địa điểm nhằm thảo luận một vấn đề nhạy cảm là việc phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc. Miền Bắc đã phải chịu nhiều áp lực và các lệnh trừng phạt ngày một nặng nề từ cộng đồng quốc tế, hậu quả của việc nước này tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa. Bình Nhưỡng giờ đây hy vọng có thể thảo luận vấn đề phi hạt nhân hóa nhằm thoát khỏi vòng vây của các biện pháp trừng phạt. Về phần mình, Chính phủ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tin rằng căng thẳng quân sự dai dẳng trong khu vực sẽ ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của đất nước. Lãnh đạo của cả hai miền đang cảm nhận được sự cần thiết cho một bước tiến lớn, và Hội nghị thượng đỉnh song phương sẽ diễn ra giữa bối cảnh lợi ích giữa hai bên là trùng khớp.

Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã phát biểu vào ngày 18/4 rằng Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ thảo luận các phương thức nhằm chuyển tình trạng đình chiến hiện tại thành một hiệp ước hòa bình thông qua việc công bố chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên. Công bố này sẽ là khởi điểm cho sự kết thúc lệnh ngừng bắn khác thường vốn đã tồn tại suốt 65 năm qua, và thiết lập một Chính phủ hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Nếu nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un thể hiện một thái độ tích cực hơn tiến tới phi hạt nhân hóa tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, hy vọng rằng hai miền có thể đem đến một bàn đạp cho hòa bình và ổn định trong khu vực.

Nếu cam kết tiến tới phi hạt nhân hóa của Bắc Triều Tiên là thật, sẽ có rất nhiều tiến triển tích cực. Chẳng hạn, Bình Nhưỡng sẽ phần nào thoát khỏi các lệnh trừng phạt và áp lực quốc tế cũng như tích cực hơn trong việc hợp tác và trao đổi với thế giới bên ngoài. Hơn nữa, việc phi hạt nhân hóa miền Bắc cũng sẽ giúp cải thiện quan hệ liên Triều, vốn đã đi vào ngõ cụt do vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng, cũng như làm giảm căng thẳng quân sự trong khu vực. Nếu hai miền Nam-Bắc có nhiều nỗ lực vì mục tiêu xây dựng lòng tin về mặt quân sự, nhất là tại cấp thượng đỉnh, hai bên chắc chắn sẽ tìm thấy cơ hội nhằm hạn chế tối đa nguy cơ quân sự và thay vào đó, thiết lập hòa bình.

Lựa chọn của ban biên tập