Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên hoãn hội đàm cấp cao liên Triều, dọa xem xét lại hội nghị thượng đỉnh với Mỹ

2018-05-17

Vì một bán đảo thống nhất

Bắc Triều Tiên hoãn hội đàm cấp cao liên Triều, dọa xem xét lại hội nghị thượng đỉnh với Mỹ
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 12/6 đang phải đối mặt với một bước thụt lùi bất ngờ. Trong khi lộ trình tiến tới phi hạt nhân hóa miền Bắc của Washington đang được hình thành, Bình Nhưỡng đã đột ngột hoãn cuộc hội đàm cấp cao liên Triều, vốn được lên kế hoạch diễn ra vào ngày 16/5 vừa qua. Sau đó vào cùng ngày, nước này lại đưa ra một tuyên bố liên quan đến cuộc họp thượng đỉnh đã được dự trù với Mỹ. Việc hoãn đột ngột hội đàm liên Triều cùng thông điệp cứng rắn tới Washington của Bình Nhưỡng đã khiến cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đứng trước thời điểm then chốt. Hãy cùng lắng nghe ông Shin Beom-chul, chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu chính sách Asan, phân tích sâu hơn.

Tôi nghĩ Bắc Triều Tiên và Mỹ sẽ tiếp tục giằng co cho tới khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh song phương. Dường như Washington đã quyết tâm phi hạt nhân hóa hoàn toàn miền Bắc, trong khi Bình Nhưỡng lại đang cố gắng thu về được nhiều nhất có thể, kể cả khi nước này thi hành cam kết tiến tới phi hạt nhân hóa. Điểm mấu chốt là liệu sự phi hạt nhân hóa hoàn toàn có hoàn tất được hay không, hay hai bên sẽ tiến tới thỏa hiệp ở một cấp độ thấp hơn. Mỹ đã lên ý tưởng chuyển giao các vũ khí hạt nhân và các nguyên liệu liên quan sang lãnh thổ Mỹ trong giai đoạn đầu của phi hạt nhân hóa. Sẽ phải mất rất nhiều thời gian để việc phi hạt nhân hóa tiến triển theo từng bước một, như đóng cửa, công bố, thanh sát và phá dỡ. Trong quá trình đó, Bắc Triều Tiên có thể sẽ đổi ý đột ngột. Thông qua vận chuyển bằng đường biển các vũ khí hạt nhân và nguyên liệu sang Mỹ, Washington muốn dẫn dắt quá trình phi hạt nhân hóa theo một cách ổn định, chắc chắn.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã nêu rõ mục tiêu “phi hạt nhân hóa hoàn hoàn” miền Bắc. Vì mục tiêu đó, Mỹ muốn xóa bỏ hoàn toàn các vũ khí sinh học, hóa học, các tên lửa đạn đạo có khả năng chở vũ khí hạt nhân, cũng như các cơ sở, đầu đạn và nguyên liệu hạt nhân của Bắc Triều Tiên, để nước này không thể nào sản xuất vũ khí hạt nhân trong tương lai. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã vạch rõ lộ trình tiến hành các kế hoạch này.

Ông Bolton đã nhấn mạnh sự cần thiết phải phi hạt nhân hóa mau chóng, thậm chí còn đề cập tới một bãi thử nơi các vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên có thể sẽ bị phá hủy. Bằng cách đẩy nhanh tốc độ và gia tăng cường độ của quá trình giải trừ hạt nhân, Mỹ dường như đang theo đuổi việc phi hạt nhân hóa miền Bắc cho tới năm 2020, năm cuối cùng trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Trump. Tuy nhiên, bên cạnh sức ép này, Mỹ cũng đưa ra các đề nghị khác. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong phát biểu vào ngày 13/5 đã nhấn mạnh trong trường hợp Bắc Triều Tiên chấp nhận giải trừ hạt nhân hoàn toàn, nước này không những sẽ được gỡ bỏ cấm vận mà còn nhận được đền bù kinh tế.

Bắc Triều Tiên có thể đã không mong đợi Mỹ sẽ theo đuổi việc phi hạt nhân hóa mau chóng đến vậy. Đổi lại, Mỹ đã đề xuất đền bù lớn hơn. Nhìn chung, Mỹ được kỳ vọng sẽ gỡ bỏ cấm vận với miền Bắc để đổi lại các biện pháp phi hạt nhân hóa từ Bình Nhưỡng. Nhưng Washington còn tiến một bước xa hơn, đề cập tới việc đầu tư dân sự vào Bắc Triều Tiên. Mỹ yêu cầu phi hạt nhân hóa ở cường độ cao, đổi lại cam kết một tương lai tươi sáng cho miền Bắc. Cố vấn an ninh quốc gia Bolton đã nhấn mạnh việc phi hạt nhân hóa, còn Ngoại trưởng Pompeo lại nhắc đến viện trợ kinh tế. Tuy vậy, về mặt cơ bản, hai quan chức này đang cùng nói về một câu chuyện mà thôi.

Đầu tư dân sự vào Bắc Triều Tiên quả là một đề xuất rất hấp dẫn với miền Bắc, nơi mà phát triển kinh tế là vấn đề sống còn. Nhưng Bình Nhưỡng cũng có thể cảm thấy khá áp lực trước yêu cầu của Washington về việc thanh sát đầy đủ các cơ sở bị nghi ngờ có hoạt động liên quan tới vũ khí hạt nhân, cũng như việc vận chuyển bằng đường biển các vũ khí hạt nhân ra khỏi nước này. Trong khi chờ đợi, miền Bắc đã hoãn cuộc hội đàm cấp cao liên Triều đã được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 16/5 vừa qua.

Lý giải về quyết định bất ngờ của mình, Bắc Triều Tiên đã viện dẫn cuộc tập trận trên không “Sấm sét cực đại” của liên quân Hàn-Mỹ. Nhưng miền Bắc vốn đã biết về các cuộc tập trận chung này rồi. Trước Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào cuối tháng 4, Hàn Quốc đã công bố rằng thời gian tập trận của chiến dịch “Đại bàng non” sẽ được rút ngắn xuống còn một tháng, và các cuộc tập trận trên không sẽ được diễn ra sau đó. Hoàn toàn biết trước điều này, Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã gặp mặt Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hai lần. Vì vậy, tôi cho rằng miền Bắc đang cố tình viện cớ. Đây có thể coi là biểu hiện không đồng tình của nước này nhắm tới Mỹ một cách gián tiếp trước yêu cầu nghiêm ngặt của Washington về phi hạt nhân hóa.

Trên thực tế, đây là thông điệp của Bình Nhưỡng hướng tới Mỹ về hội nghị thượng đỉnh song phương sắp tới. Vào ngày 16/5, thông qua Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao miền Bắc Kim Kye-gwan tuyên bố rằng nếu Mỹ đang cố gắng dồn Bắc Triều Tiên vào thế chân tường để ép nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân, miền Bắc sẽ không còn muốn tham gia vào đối thoại. Sự chú ý đang tập trung vào ảnh hưởng của quyết định này của Bình Nhưỡng tới việc phá dỡ bãi thử nghiệm hạt nhân tại xã Punggye, huyện Kilju, tỉnh Bắc Hamgyong vào tuần sau.

Tôi nghĩ việc phá dỡ bãi thử hạt nhân tại xã Punggye sẽ được tiến hành như đã định, tức là trong khoảng ngày 23 đến ngày 25/5. Tách bạch với hội đàm cấp cao liên Triều, sự kiện này là một thông điệp khác hướng tới cộng đồng quốc tế, thể hiện cam kết của miền Bắc tiến tới phi hạt nhân hóa. Kể cả như vậy, Bắc Triều Tiên vẫn sẽ cảm thấy khó mà chấp nhận hoàn toàn yêu cầu của Mỹ, xét tới các lợi ích riêng của nước này. Nhưng nhìn chung Bình Nhưỡng đã nhất trí về sự cần thiết phải phi hạt nhân hóa, thể hiện rằng nước này sẵn sàng chấp nhận yêu cầu của Washington ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, hai bên vẫn có quan điểm khác biệt về tốc độ và cường độ phi hạt nhân hóa. Chỉ còn một tháng nữa thôi là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ diễn ra. Trong khoảng thời gian đó, hai nước cần phải san bằng những khác biệt để đạt được một thỏa thuận.

Lựa chọn của ban biên tập