Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Triển vọng của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018

2018-04-26

Vì một bán đảo thống nhất

Triển vọng của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018
Chỉ còn một ngày nữa thôi là Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 sẽ diễn ra. Giám đốc Trung tâm báo chí Phủ Tổng thống Kwon Hyuk-ki cho hay Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã chốt được kế hoạch cho sự kiện này. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un sẽ gặp nhau lần đầu tiên vào sáng thứ Sáu ngày 27/4 tới. Cuộc gặp mặt sẽ được phát sóng trực tiếp trên toàn thế giới, báo hiệu sự mở màn của hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa hai miền Nam-Bắc trên bán đảo Hàn Quốc. Cả thế giới đang dõi xem Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên sẽ nhất trí điều gì trong “Tuyên bố chung 27/4” tới đây. Hãy cùng lắng nghe giáo sư Park Won-gon, đến từ trường Đại học Quốc tế Handong, phân tích tầm quan trọng và những triển vọng của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều quan trọng này.

Trước hết, Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 được xem như bước tiến đầu tiên tới hòa bình và ổn định trên bán đảo Hàn Quốc. Chỉ mới năm ngoái thôi, căng thẳng leo thang trên bán đảo Hàn Quốc đến mức luôn thường trực nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh thì giờ đây, điều phi thường đang xảy ra chính tại thời điểm này bởi hai miền Nam-Bắc đã và đang tham gia vào đối thoại. Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 có mục tiêu là loại bỏ nguy cơ chiến tranh và thúc đẩy hòa bình. Do đó, bản thân sự kiện đã là một bước phát triển quan trọng. Thứ hai, nó mang tính biểu tượng to lớn ở chỗ đây là lần đầu tiên kể từ khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), một nhà lãnh đạo miền Bắc đặt chân tới lãnh thổ miền Nam. Thứ ba và cũng là điểm quan trọng nhất, hội nghị thượng đỉnh này là nhằm phi hạt nhân hóa miền Bắc. Lần đầu tiên trong lịch sử Seoul và Bình Nhưỡng sẽ trực tiếp đề cập đến vấn đề hạt nhân. Điều này là vô cùng quan trọng, xét tới việc miền Bắc phát triển vũ khí hạt nhân đã gây ra cả một cuộc khủng hoảng an ninh trên bán đảo Hàn Quốc.

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm nay đang được kỳ vọng sẽ quyết định vận mệnh của bán đảo Hàn Quốc. Ông Kim Jong-un là nhà lãnh đạo miền Bắc đầu tiên vượt qua biên giới liên Triều để tới miền Nam. Nếu các nhà lãnh đạo của hai bên chấm dứt Hiệp định đình chiến đã ký kết tại Bàn Môn Điếm vào năm 1953 và ký một hiệp định hòa bình chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên, hai bên sẽ mở đường cho một tương lai hòa bình vĩnh cửu trên bán đảo Hàn Quốc theo một phương thức chưa từng có tiền lệ. Đó là lý do vì sao từng giây từng phút của sự kiện này, bắt đầu từ cuộc gặp mặt giữa nhà lãnh đạo hai nước, đều thu hút được sự quan tâm chú ý.

Một trong những điểm chính mà chúng ta có thể tập trung vào chính là cuộc gặp mặt giữa Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Kim Jong-un. Sau khi ông Kim Jong-un, lãnh đạo tối cao đầu tiên của Bắc Triều Tiên vượt qua đường ranh giới quân sự liên Triều để tới gặp Tổng thống Moon Jae-in, tôi cứ băn khoăn họ sẽ chào đón nhau như thế nào và liệu họ có bắt tay hay ôm hôn nhau không. Dù họ có biểu hiện trên gương mặt hay cử chỉ ra sao, đó sẽ là một khoảnh khắc mang tính biểu tượng của quan hệ liên Triều. Tại tầng hai của Ngôi nhà Hòa bình, Bàn Môn Điếm, hai nhà lãnh đạo sẽ có bài phát biểu giới thiệu trước khi hội nghị bắt đầu. Các bài phát biểu này chắc chắn sẽ gây sự chú ý. Nhưng điểm then chốt của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều chính là một thỏa thuận song phương sẽ được công bố vào lúc kết thúc hội nghị. Chúng ta phải chờ đợi và dõi xem thỏa thuận này sẽ bao gồm những nội dung gì.

Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau gần đường ranh giới quân sự liên Triều và tham dự vào lễ khai mạc chính thức tại Ngôi nhà Tự do trước khi bắt đầu hội đàm tại Ngôi nhà Hòa bình. Khoảng 3.000 phóng viên từ 460 đơn vị truyền thông của hơn 40 quốc gia sẽ đưa tin tới toàn thế giới về Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên sau 11 năm. Sự chú ý đặc biệt đang được dành cho thỏa thuận về phi hạt nhân hóa - một trong những nghị sự then chốt - bên cạnh các chủ đề khác như một Chính phủ hòa bình và việc cải thiện quan hệ liên Triều. Đó là bởi thành công hay thất bại của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều phụ thuộc vào tiến triển của vấn đề phi hạt nhân hóa. Trong khi đó, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, Bình Nhưỡng đã đưa ra một công bố quan trọng.

Trong Hội nghị toàn thể lần thứ ba đảng Lao động khóa VII ngày 20/4, Bắc Triều Tiên tuyên bố sẽ ngừng các cuộc thử nhiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và dỡ bỏ bãi thử nghiệm hạt nhân ở xã Punggye, phía Bắc nước này. Dường như một sức đẩy mới đã xuất hiện nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân, vốn đã làm trầm trọng thêm tình hình an ninh trên bán đảo Hàn Quốc kể từ khi Bình Nhưỡng tuyên bố rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1993. Tuy nhiên, miền Bắc cũng cho hay nước này vẫn sở hữu các vũ khí hạt nhân hiện có. Do đó, để tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn miền Bắc, không thể không có các cuộc đàm phán nghiêm túc.

Tuyên bố vừa qua của Bắc Triều Tiên về việc ngừng thử nghiệm hạt nhân, tên lửa cũng như dỡ bỏ một bãi thử nghiệm hạt nhân là một dấu hiệu tích cực. Đây chính là các biện pháp phi hạt nhân hóa thẳng thắn mà Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế đã liên tục yêu cầu nước này phải thực hiện. Nhưng trong công bố vừa qua của miền Bắc không thấy xuất hiện cụm từ “phi hạt nhân hóa”. Thay vào đó, miền Bắc đã tuyên bố rõ ràng rằng nước này là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, thay vì quan tâm đến ý định của Bình Nhưỡng, điều quan trọng hơn cả chính là cách thức đưa nước này tiến tới phi hạt nhân hóa. Các diễn giải về lập trường của miền Bắc là rất phong phú, nhưng tôi cho rằng điều thiết yếu là phải thuyết phục nước này thi hành các biện pháp nhằm mục tiêu phi hạt nhân hóa.

Để phi hạt nhân hóa hoàn toàn miền Bắc, cần phải tiến hành các biện pháp tương ứng, như xóa bỏ các mối đe dọa quân sự và một sự đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng. Về vấn đề này, Tổng thống Moon đã nhấn mạnh vào ngày 23/4 rằng sẽ đảm bảo một tương lai tươi sáng cho Bắc Triều Tiên nếu nước này dừng các chương trình vũ khí hạt nhân. Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã cho tắt các loa phóng thanh tuyên truyền chống Cộng dọc biên giới liên Triều với hy vọng động thái trên sẽ giúp dừng công kích giữa hai miền. Kỳ vọng đang được đặt ra về một bán đảo Hàn Quốc không hạt nhân và sự chuyển giao sang một Chính phủ hòa bình.

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào ngày 27/4 là vô cùng quan trọng bởi nó sẽ mang lại một bước tiến lớn cho hòa bình trong khu vực. Sự phát triển hạt nhân của miền Bắc đã đi đến giai đoạn cuối cùng, và khả năng cho một giải pháp trì hoãn vấn đề hạt nhân là vô cùng nhỏ. Hàn Quốc đang phải đối mặt với một thực tế là rất khó để có thể cải thiện quan hệ liên Triều và thiết lập hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc nếu không giải quyết vấn đề hạt nhân. Việc thành lập một Chính phủ hòa bình vĩnh viễn, việc công bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên đều là những vấn đề phức tạp. Tôi cho rằng rất khó để hai bên có thể tiến xa tới mức công bố chấm dứt chiến tranh. Nhưng Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên có thể nhất trí rằng hai bên không còn tham gia vào các hành động thù địch nữa.

Vào ngày 27/4, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên sẽ bước trên một hành trình vĩ đại tiến tới hòa bình thông qua việc thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa, tuyên bố chấm dứt chiến tranh và ký kết hiệp định hòa bình lần đầu tiên sau 73 năm đất nước bị chia cắt. Phi hạt nhân hóa chính là một nhiệm vụ đầy thử thách, khó mà hoàn thành được chỉ trong một cuộc họp. Nhưng cộng đồng quốc tế đang hy vọng rằng Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 sẽ mở đường cho hòa giải và hợp tác song phương để cuối cùng giải quyết thành công các vấn đề trên bán đảo Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập