Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 và các triển vọng cho đối ngoại khu vực

2018-05-03

Vì một bán đảo thống nhất

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 và các triển vọng cho đối ngoại khu vực
Điểm khởi đầu cho Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 chính là “Sáng kiến Berlin” hay còn gọi là “Sáng kiến hòa bình bán đảo Hàn Quốc” được Tổng thống Moon Jae-in công bố trong bài phát biểu tại Quỹ Korber, thủ đô Berlin, Đức, vào ngày 7/6 năm ngoái. Tổng thống Moon trong “Sáng kiến Berlin” đã hình dung sự tan rã cơ chế của chiến tranh lạnh, việc thiết lập hòa bình dài lâu trên bán đảo Hàn Quốc, cũng như cam kết về đối thoại. Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên đã chỉ trích đề xuất này, nói rằng đây chỉ là một sự ngụy biện. Vào tháng 9 năm ngoái, miền Bắc đã tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân thứ sáu. Quan hệ Mỹ-Triều cũng tiếp tục xấu đi do Bình Nhưỡng liên tục có các động thái khiêu khích, khiến bán đảo Hàn Quốc chìm trong nguy cơ chiến tranh. Tuy vậy, Tổng thống Hàn Quốc vẫn kiên định trong cam kết đối thoại với miền Bắc. Tiến sĩ Bong Young-shik đến từ Viện nghiên cứu Bắc Triều Tiên của trường Đại học Yonsei phân tích:

Chỉ mới một năm trước thôi, hiểm họa chiến tranh vẫn còn bao trùm bán đảo Hàn Quốc, và miền Bắc còn nói rằng sẽ không đời nào từ bỏ các vũ khí hạt nhân vốn giúp nước này tự vệ. Tuy nhiên, Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in đã giữ vững lập trường kiên định của mình như đã thể hiện lần đầu tiên trong Sáng kiến Berlin. Seoul đã khẳng định rằng Hàn Quốc sẽ trở thành một người đưa tin trung thực giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ. Điều này đã tạo dựng được niềm tin cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Đây chính là bí quyết đằng sau thành công của sự kiện vừa qua. Hàn Quốc đang hợp tác nhiều mặt với Mỹ vì mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn miền Bắc. Nhưng mục tiêu cuối cùng của Seoul là ngăn ngừa chiến tranh trên bán đảo Hàn Quốc và thuyết phục Bắc Triều Tiên cải cách và mở cửa, để hai miền Nam-Bắc có thể đạt được thịnh vượng chung. Seoul đã truyền tải một cách rõ ràng thông điệp này tới Bình Nhưỡng, và điều này đã góp phần rất lớn vào thành công của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vừa qua.

Như Tiến sĩ Bong Young-shik vừa phân tích, chính các nỗ lực đối thoại bền bỉ của chính phủ Hàn Quốc đã mang lại một sự thay đổi. Nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un đã bày tỏ mong muốn đối thoại trong bài diễn văn chào mừng năm mới vào tháng 1 năm ngoái. Một bầu không khí hòa giải đã được hình thành trong tháng 2, khi em gái của ông Kim là bà Kim Yo-jong, Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động, đã tới thăm Hàn Quốc dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông PyeongChang. Giữa bối cảnh quan hệ liên Triều có nhiều tiến triển mau chóng, một phái đoàn Hàn Quốc do Chánh văn phòng an ninh quốc gia Chung Eui-yong dẫn đầu đã tới thăm Bình Nhưỡng vào ngày 5/3 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Cuối cùng, vào ngày 27/4, lãnh đạo của hai miền Nam-Bắc đã có cuộc gặp mặt lịch sử ngay tại đường ranh giới quân sự tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm.

Khi Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tới phần phía Bắc của Bàn Môn Điếm vào lúc 9 giờ 28 phút sáng ngày 27/4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cười rạng rỡ và bắt tay ông Kim. Đứng ở hai phía của đường ranh giới quân sự – biểu tượng của sự chia cắt bán đảo Hàn Quốc – hai nhà lãnh đạo đã bắt tay và chào hỏi lẫn nhau. Ngay sau đó, một sự việc nằm ngoài dự kiến đã diễn ra. Nhà nghiên cứu Oh Gyeong-seop từ Viện nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc cho hay:

Ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un đã gặp nhau tại đường ranh giới quân sự. Trong một động thái bất ngờ, hai nhà lãnh đạo đã cùng nhau bước sang phần phía Bắc của đường ranh giới rồi quay trở lại phần phía Nam. Cảnh tượng này hết sức ấn tượng. Một cách biểu tượng, hai nhà lãnh đạo đã cho thấy rằng Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên có thể vượt qua sự chia cắt và cùng nhau phát triển thịnh vượng thông qua hòa giải và hợp tác.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa ông Moon và ông Kim đã gây ấn tượng với toàn thế giới, biến đường ranh giới quân sự vốn đã chia cắt hai miền Nam-Bắc trong suốt 65 năm qua thành một biểu tượng của hòa bình. Sau nghi lễ duyệt binh của quân đội Hàn Quốc, hai nhà lãnh đạo đã tổ chức đối thoại thượng đỉnh, mở đầu bằng các bài diễn văn giới thiệu vào lúc 10 giờ 15 phút tại Ngôi nhà Hòa bình thuộc làng đình chiến Bàn Môn Điếm phía miền Nam. Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã khiến bầu không khí trở nên thoải mái hơn khi nói đùa về món mỳ lạnh Bình Nhưỡng.

Phiên họp buổi sáng giữa hai nhà lãnh đạo liên Triều đã kéo dài 100 phút. Sau đó, họ cùng dạo bước trên cây cầu đi bộ, rồi ngồi xuống trò chuyện ở hai chiếc ghế đặt ở cuối cây cầu này mà không có các nhân viên an ninh. Phiên họp buổi chiều của hội nghị thượng đỉnh bắt đầu lúc 5 giờ 19 phút, và hai nhà lãnh đạo đã ký Tuyên bố chung hay còn gọi là Tuyên bố Bàn Môn Điếm vào lúc 5 giờ 58 phút. Họ đã cùng lúc công bố Tuyên bố Bàn Môn Điếm vào lúc 6 giờ trước các máy quay, mà thông qua đó đã được truyền hình trực tiếp đi toàn thế giới. Hai nhà lãnh đạo đã nêu rõ mục tiêu “phi hạt nhân hóa một cách toàn diện” trong Tuyên bố chung này. Tiến sĩ Bong Young-shik phân tích sâu hơn:

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đã thành công. Đó là điều không thể phủ nhận. Nhưng Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in nhận thức rõ rằng vẫn còn một chặng đường dài trước khi hòa bình thực sự được thiết lập, bởi sự phi hạt nhân hóa hoàn hoàn miền Bắc nên được tiến hành trước nhất như một điều kiện tiên quyết. Sẽ rất khó để hai miền Nam-Bắc giảm được căng thẳng quân sự và xây dựng sự tin cậy lẫn nhau chừng nào miền Bắc còn tiếp tục sở hữu vũ khí hạt nhân, tên lửa. Việc đưa cụm từ “phi hạt nhân hóa một cách toàn diện” vào Tuyên bố Bàn Môn Điếm cho thấy rằng Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên sẽ hợp lực nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Hàn Quốc. Sau cùng, các cuộc đàm phán về giải trừ hạt nhân sẽ được tổ chức giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ. Nhưng trước đó, dường như miền Bắc muốn thảo luận về việc cải thiện quan hệ liên Triều với Tổng thống Moon Jae-in và thông qua sự thành công của đối thoại liên Triều, chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh với Mỹ.

Lần đầu tiên trong lịch sử Bình Nhưỡng đã ký vào một văn bản có cụm từ “phi hạt nhân hóa.” Đây được xem như sự biểu đạt quan điểm của nhà lãnh đạo miền Bắc về việc giải trừ hạt nhân hoàn toàn trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều và một tín hiệu tới Tổng thống Mỹ Donald Trump, người vốn đã liên tục yêu cầu việc gỡ bỏ hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược các vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Lãnh đạo hai miền Nam-Bắc cũng đã nhất trí công bố chấm dứt chính thức cuộc chiến tranh Triều Tiên trong năm nay và biến Hiệp định đình chiến thành một hiệp định hòa bình. Vì mục tiêu này, hai bên đã lên kế hoạch tích cực theo đuổi đối thoại ba bên giữa hai miền Nam-Bắc và Mỹ, hoặc đối thoại bốn bên giữa hai miền với Mỹ và Trung Quốc. Tuyên bố Bàn Môn Điếm cũng đã được “thiết kế” cho việc cải thiện trong quan hệ liên Triều. Trên thực tế, sáu trên 13 điểm của Tuyên bố này liên quan tới việc thúc đẩy quan hệ xuyên biên giới. Chủ tịch Kim Jong-un đã bày tỏ sự thất vọng về bế tắc trong quan hệ liên Triều trước đó, mô tả giai đoạn này như là “11 năm mất mát.”

Tuyên bố Bàn Môn Điếm đã kế thừa nhiều điểm trong Tuyên bố 4/10 được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2007, làm dấy lên các kỳ vọng về hợp tác kinh tế liên Triều, bắt đầu từ việc nối lại các tuyến đường xe lửa và đường bộ xuyên biên giới. Hơn nữa, Tuyên bố này cũng bao hàm các thỏa thuận về việc mở một văn phòng liên lạc, tổ chức đoàn tụ các gia đình bị ly tán vào ngày 15/8, dừng mọi hành động thù địch lẫn nhau và chuyến thăm Bình Nhưỡng của Tổng thống Moon vào mùa thu năm nay. Nhà nghiên cứu Oh Gyeong-seop nhận định:

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vừa qua là rất quan trọng bởi ba lý do. Thứ nhất, hai nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Bàn Môn Điếm, vốn có mục đích là theo đuổi hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Hàn Quốc cũng như sự thống nhất. Thứ hai, hai bên đã khẳng định mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa hoàn toàn và cam kết cùng hợp tác vì mục tiêu này, từ đó tạo ra sức đẩy quan trọng nhằm cải thiện quan hệ song phương, làm giảm căng thẳng quân sự và thiết lập hòa bình dài lâu trên bán đảo Hàn Quốc. Thứ ba, họ đã đặt nền móng cho sự cải thiện quan hệ liên Triều dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau, như đã thể hiện trong việc Tổng thống Moon Jae-in chấp nhận lời mời tới thăm Bình Nhưỡng.

Trong lúc ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un công bố cam kết của mình nhằm đập tan xiềng xích của chia cắt, thù địch và đối đầu, và tiến tới một kỷ nguyên mới của hòa bình và thịnh vượng, hai Đệ nhất phu nhân đã gặp gỡ nhau lần đầu tiên trong lịch sử.

Đệ nhất phu nhân Tổng thống Hàn Quốc Kim Jung-sook đã nồng nhiệt tiếp đón người đồng cấp miền Bắc là bà Ri Sol-ju, người đã đến Ngôi nhà Hòa bình lúc 6 giờ 18 phút tối. Hai phu nhân đã cùng bước vào phòng tiệc để dùng bữa tối, bắt đầu vào lúc 6 giờ 39 phút. Tiệc tối kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ trong bầu không khí thân thiện và dễ chịu. Sau buổi lễ chia tay, Hội nghị thượng đỉnh liên Triều kéo dài 12 tiếng đã kết thúc. Sự kiện quan trọng này được nhiều quốc gia trên thế giới chào đón. Đặc biệt, Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá cao việc đưa điều kiện “phi hạt nhân hóa một cách toàn diện” vào Tuyên bố Bàn Môn Điếm và bày bỏ kỳ vọng về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Một số người nghi ngờ rằng Tuyên bố Bàn Môn Điếm sẽ không được hiện thực hóa thành hành động. Trong quá khứ, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã đạt được các thỏa thuận đầy ý nghĩa nhưng lại thường thất bại khi thực thi chúng, khiến cho quan hệ song phương phải trở về điểm xuất phát. Như để xóa tan các mối lo ngại này, Phủ Tổng thống Seoul đã tổ chức họp báo vào ngày 29/4 và công bố các thỏa thuận liên Triều bổ sung. Nhà nghiên cứu Oh Gyeong-seop phân tích:

Nhằm chứng minh cam kết chắc chắn tiến tới phi hạt nhân hóa, Bắc Triều Tiên đã tuyên bố sẽ đóng cửa bãi thử nghiệm hạt nhân ở xã Punggye, phía Bắc nước này, đồng thời hứa hẹn sẽ mời các phóng viên và chuyên gia Hàn Quốc và Mỹ tới chứng kiến. Dường như Bình Nhưỡng đã quyết định công khai quá trình đóng cửa bãi thử nghiệm hạt nhân này nhằm xua tan các chỉ trích quốc tế rằng việc gỡ bỏ các bãi thử nghiệm vốn không còn giá trị sử dụng chỉ là một màn kịch. Ông Kim Jong-un còn cho biết có hai đường hầm nữa tại bãi thử nghiệm này vẫn còn đang trong điều kiện hoạt động tốt. Nếu việc đóng cửa bãi thử nghiệm hạt nhân ở xã Punggye được công khai, đây sẽ là một tín hiệu tích cực cho thấy miền Bắc đang có bước tiến đầu tiên đầy ý nghĩa tới phi hạt nhân hóa. Về vấn đề này, Tổng thống Moon Jae-in cũng đề nghị Liên hợp quốc tham gia kiểm chứng việc miền Bắc đóng cửa bãi thử nghiệm hạt nhân.

Đồng thời, Bắc Triều Tiên đã quyết định đổi múi giờ sớm lên 30 phút nhằm thống nhất với múi giờ ở Hàn Quốc. Trước đây, hai miền cùng sử dụng một múi giờ tiêu chuẩn, nhưng Bình Nhưỡng đã thiết lập múi giờ riêng bằng cách đẩy lùi múi giờ tiêu chuẩn chậm đi 30 phút vào tháng 8/2015. Múi giờ tại phần lớn các quốc gia đều là trọn một tiếng chứ không phải nửa tiếng. Việc miền Bắc quay trở lại múi giờ ban đầu được xem như một ý định nhằm thể hiện rằng nước này là một quốc gia bình thường và nhằm cải thiện quan hệ với Hàn Quốc. Bình Nhưỡng đã công bố vào ngày 30/4 rằng nước này sẽ thống nhất múi giờ với Seoul bắt đầu từ ngày 5/5. Bởi miền Bắc đã thực thi thỏa thuận bằng miệng của nhà lãnh đạo nước này về việc sẽ đổi lại múi giờ tiêu chuẩn, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng cho thi hành một trong các biện pháp theo sau Tuyên bố Bàn Môn Điếm. Seoul đã bắt đầu dỡ bỏ các loa phóng thanh chĩa về phía Bắc Triều Tiên được lắp đặt dọc biên giới liên Triều bắt đầu từ ngày 1/5. Các nỗ lực nhằm thực thi Tuyên bố Bàn Môn Điếm cũng đang được diễn ra trên vũ đài ngoại giao quốc tế. Nhà nghiên cứu Oh Gyeong-seop cho biết thêm:

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, Tổng thống Moon Jae-in sẽ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump. Sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản vào ngày 9/5, ông Moon cũng sẽ họp riêng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Trong khi từng bước giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa thông qua các cuộc thảo luận với Bắc Triều Tiên và Mỹ, Hàn Quốc cũng sẽ tham gia vào các hoạt động đối ngoại nhằm có được sự ủng hộ từ Trung Quốc và Nhật Bản, hai quốc gia có liên quan mật thiết đến các vấn đề trên bán đảo Hàn Quốc.

Thông qua một chuỗi các hội nghị thượng đỉnh, Hàn Quốc sẽ giải thích đầy đủ về các thỏa thuận liên Triều với cộng đồng quốc tế và thu được sự ủng hộ quốc tế cho thành tựu của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vừa qua. Bởi Seoul đang tích cực đóng vai trò như một cầu nối giữa Bình Nhưỡng và Washington, khả năng thành công của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đang ngày một tăng lên. Tiến sĩ Bong Young-shik đưa ra đánh giá:

Tôi lạc quan về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Một trong những phần đáng lưu ý trong Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vừa qua chính là hình ảnh của ông Kim Jong-un đã được cải thiện rất nhiều như một nhà lãnh đạo lý trí, có cá tính và đầu óc cởi mở, người có thể đàm phán hiệu quả với ông Trump về phi hạt nhân hóa. Do Bắc Triều Tiên đã nhất trí phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Hàn Quốc tại cuộc họp thượng đỉnh liên Triều rồi, Mỹ không còn lý do gì để tranh luận về nguyên tắc cơ bản của phi hạt nhân hóa tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới với miền Bắc. Nói cách khác, hai bên có thể trực tiếp đi vào các chi tiết cụ thể. Tôi rất mong đợi các tiến triển trong vấn đề phi hạt nhân hóa.

Washington cũng đang rất kỳ vọng vào hội nghị thượng đỉnh với Bình Nhưỡng. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người đã gặp ông Kim Jong-un trong chuyến thăm bí mật tới Bắc Triều Tiên, đã nhấn mạnh rằng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ mang đến một cơ hội thực sự cho việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Cam kết tiến tới phi hạt nhân hóa và việc thiết lập một chính phủ hòa bình dài lâu trên bán đảo Hàn Quốc đã được khẳng định trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm, và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới đây được kỳ vọng sẽ hoàn chỉnh cam kết này. Chúng ta vẫn cần phải dõi xem các nhà lãnh đạo của Bắc Triều Tiên và Mỹ sẽ đưa ra các quyết định gì từ các cuộc đàm phán trong tương lai.

Lựa chọn của ban biên tập