Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Các hoạt động đối ngoại sôi nổi của Bắc Triều Tiên và Mỹ trước thềm hội nghị thượng đỉnh

2018-05-10

Vì một bán đảo thống nhất

Các hoạt động đối ngoại sôi nổi của Bắc Triều Tiên và Mỹ trước thềm hội nghị thượng đỉnh
Những diễn biến hết sức gay cấn đang diễn ra trên bán đảo Hàn Quốc do các nước liên quan đến vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên tích cực triển khai các hoạt động ngoại giao.

Sau cuộc hội đàm thượng đỉnh đầu tiên với Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 3 tại Bắc Kinh, nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un đã tới thăm Trung Quốc lần nữa vào ngày 7/5 và 8/5, tiếp tục có cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc. Việc một nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên tới thăm Trung Quốc hai lần chỉ trong khoảng thời gian ngắn là vô cùng hiếm. Hãy cũng lắng nghe Giáo sư Kim Jun-hyung của Đại học Quốc tế Handong, cũng là một thành viên trong ban cố vấn của Ủy ban chuẩn bị Hội nghị thượng đỉnh liên Triều (nay đã được đổi tên là Ủy ban xúc tiến thực hiện Tuyên bố chung liên Triều), phân tích sâu hơn.

Có nhiều suy đoán cho rằng Bắc Triều Tiên đang cầu xin sự giúp đỡ từ Trung Quốc bởi có một vấn đề nghiêm trọng trong các cuộc đàm phán với Mỹ, nhưng tôi thì không nghĩ như vậy. Thay vào đó, dường như miền Bắc đang có trong đầu một viễn cảnh rộng hơn. Kể cả nếu Bắc Triều Tiên tiến gần hơn với Mỹ sau hội nghị thượng đỉnh, Bình Nhưỡng sẽ tìm kiếm một thế cân bằng đối ngoại giữa Trung Quốc và Mỹ, hơn là tự mình xa cách với Trung Quốc. Nói cách khác, miền Bắc dường như đang muốn thể hiện rằng Trung Quốc cũng sẽ nằm trong viễn cảnh đối ngoại của Bình Nhưỡng trong tương lai. Cũng từng có ý kiến cho rằng liệu Trung Quốc đang bị loại ra khỏi quá trình tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên hay không. Song cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Triều lần này cho thấy Bình Nhưỡng đang duy trì thế cân bằng giữa hai cường quốc là Washington và Bắc Kinh.

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật vào ngày 9/5 và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đang tới gần, các nhà lãnh đạo của Bắc Triều Tiên và Trung Quốc đã gặp mặt vào ngày 8/5 nhằm chứng tỏ tình hữu nghị truyền thống và nhấn mạnh mối quan hệ chiến lược giữa hai nước. Áp lực của Washington lên Bình Nhưỡng dường như đã thôi thúc hai đồng minh cộng sản tăng cường hợp tác song phương.

Dường như các quan chức trong chính quyền Mỹ đang kiểm soát Tổng thống Trump để giữ cho ông này không đàm phán một cách quá dễ dàng với miền Bắc. Nói cách khác, nhiều tiếng nói bên trong nước Mỹ đang kêu gọi rằng Washington cần phải thu được nhiều nhượng bộ hơn từ Bình Nhưỡng. Trên thực tế, Mỹ đã yêu cầu về việc “giải trừ một cách vĩnh viễn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” các vũ khí hạt nhân của miền Bắc. Washington cũng đã đề cập đến các vũ khí sinh học của Bình Nhưỡng và vấn đề nhân đạo của nước này. Cũng có phỏng đoán cho rằng dường như Mỹ muốn nhiều hơn. Chính vì thế, có thể Bắc Triều Tiên đã tới thăm Trung Quốc lần nữa nhằm sử dụng đồng minh của mình như một sự đảm bảo.

Bắc Triều Tiên và Mỹ dường như đang bắt đầu một cuộc giằng co. Trong hoàn cảnh đó, chuyến thăm tới Trung Quốc vừa qua của nhà lãnh đạo miền Bắc được nhìn nhận như ý đồ sử dụng đồng minh truyền thống như một đòn bẩy để nâng cao khả năng đàm phán của Bình Nhưỡng với Mỹ. Cùng lúc đó, Bắc Triều Tiên đã một lần nữa chứng tỏ cam kết mạnh mẽ tiến tới phi hạt nhân hóa, bày tỏ kỳ vọng vào hội nghị thượng đỉnh với Mỹ và thể hiện một sự cân bằng đối ngoại giữa Bắc Kinh và Washington. Sau khi gặp nhà lãnh đạo miền Bắc tại Đại Liên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã điện đàm để thảo luận các vấn đề trên bán đảo Hàn Quốc với Tổng thống Donald Trump. Tuy vậy, chặng đường đàm phán giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ vẫn còn khá gập gềnh.

Vào ngày 8/5, Tổng thống Trump đã tuyên bố kế hoạch rút khỏi thỏa thuận hạt nhân I-ran. Các nhà phân tích cho rằng tuyên bố này ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ có ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán hạt nhân giữa hai nước.

Có hai luồng ý kiến về việc Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân I-ran. Thứ nhất, việc Chính phủ hiện giờ của Mỹ đã đảo ngược quyết định của Chính phủ trước đó có thể đồng nghĩa với việc kết quả của các cuộc đàm phán hạt nhân với miền Bắc sẽ phải đối mặt với một kịch bản tương tự. Vì lý do trên, nhiều chuyên gia cho rằng quyết định vừa qua của Washington về thỏa thuận hạt nhân I-ran sẽ tác động tiêu cực đến các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, một số khác lại tiên đoán rằng động thái trên cho thấy Mỹ sẽ có thể đạt được thỏa thuận với Bắc Triều Tiên chỉ khi nước này nhượng bộ một cách rõ rệt. Giữa nhiều dự đoán rất khác nhau, miền Bắc lại dường như không mảy may quan tâm đến thỏa thuận hạt nhân I-ran.

Quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân I-ran của Washington được xem như một con dao hai lưỡi. Đây là một thông điệp rằng Mỹ sẽ tìm kiếm sự phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên một cách vĩnh viễn và không thể đảo ngược. Thông điệp này có để gây sức ép hoặc khiêu khích miền Bắc. Nhưng như Giáo sư Kim vừa phân tích, quyết định của Washington về thỏa thuận hạt nhân I-ran sẽ không ảnh hưởng tiêu cực tới các cuộc đàm phán của Mỹ với Bình Nhưỡng. Trong khi công bố quyết định này tại một cuộc họp báo, Tổng thống Trump cũng đã có một công bố bất ngờ khác.

Với việc Ngoại trưởng Mike Pompeo có chuyến thăm thứ hai tới Bắc Triều Tiên, Bình Nhưỡng và Washington rất có thể sẽ sớm kết thúc các cuộc thảo luận về hội nghị thượng đỉnh.

Chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Pompeo tới Bắc Triều Tiên được đánh giá là khá thành công, mặc dù vẫn chưa hề được công bố chi tiết. Có suy đoán cho rằng Bình Nhưỡng đã chấp nhận một phần đáng kể yêu cầu của Washington về việc thanh sát hạt nhân. Việc ông Pompeo tới thăm miền Bắc lần thứ hai có thể là để hoàn tất các vấn đề khác, bao gồm quá trình giải trừ các vũ khí hạt nhân của nước này cũng như thời gian và địa điểm của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Bởi đây là giai đoạn phối hợp cuối cùng, hai bên có thể sẽ đàm phán về phương thức và thời hạn hoàn tất việc phi hạt nhân hóa, cũng như phương thức và thời hạn tiến hành các biện pháp tương ứng để “bù đắp” cho miền Bắc.

Phụ thuộc vào kết quả chuyến thăm tới miền Bắc của Ngoại trưởng Pompeo, trong vòng ba ngày, Mỹ dự kiến công bố thời gian và địa điểm cho hội nghị thượng đỉnh. Một cuộc chiến cân não dường như đang diễn ra giữa hai bên. Chúng ta cùng chờ đợi và dõi xem kết quả chuyến thăm tới miền Bắc của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Lựa chọn của ban biên tập