Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Tổng thống Hàn Quốc và Mỹ tổ chức họp trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Triều-Mỹ

2018-05-24

Vì một bán đảo thống nhất

Tổng thống Hàn Quốc và Mỹ tổ chức họp trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Triều-Mỹ
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã có cuộc gặp thượng đỉnh song phương tại Washington vào ngày 22/5 vừa qua theo giờ địa phương. Đây là Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ lần thứ tư kể từ khi Tổng thống Moon nhậm chức. Cuộc gặp này đã thu hút được sự quan tâm chú ý đặc biệt, do diễn ra khi Bắc Triều Tiên thể hiện lập trường cứng rắn ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh với Mỹ, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 12/6 tới tại Singapore. Điều được chú ý nhất trong Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ là liệu Tổng thống Hàn Quốc có tiếp tục đóng vai trò trung gian giữa Bình Nhưỡng và Washington, tăng cường sức đẩy cho các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa hay không, giữa bối cảnh Mỹ đang lo lắng về hội nghị thượng đỉnh song phương với Bắc Triều Tiên. Hãy cùng lắng nghe Giáo sư Park Won-gon đến từ Đại học Quốc tế Handong phân tích Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ vừa qua.

Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ vừa qua mang tính chất cuộc họp trọng điểm, do đó các nghi thức ngoại giao được tối giản và chỉ tập trung vào vài chủ đề quan trọng. Cuộc gặp này đã diễn ra rất đúng lúc, bởi hợp tác song phương Hàn-Mỹ đang ngày càng trở nên quan trọng khi Bắc Triều Tiên đột ngột chuyển sang trạng thái đối đầu vào ngày 16/5. Trong khi các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ sẽ được tổ chức, chính phủ Hàn Quốc vẫn không thay đổi quan điểm của mình rằng vấn đề này chỉ có thể được giải quyết thông qua đối thoại. Mỹ đã xác nhận cam kết tiến tới phi hạt nhân hóa của miền Bắc thông qua nhiều kênh khác nhau, bao gồm hai chuyến thăm tới Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa qua. Trong suốt hội nghị thượng đỉnh, Hàn Quốc và Mỹ có lẽ đã xác nhận lại, cũng như so sánh những gì Hàn Quốc đã biết về lập trường của Bắc Triều Tiên và những gì Mỹ đã thảo luận với miền Bắc.

Tại hội nghị thượng đỉnh song phương, Hàn Quốc và Mỹ đã trao đổi quan điểm về sự thay đổi thái độ vừa qua của Bắc Triều Tiên và các biện pháp nhằm giải tỏa những lo lắng của miền Bắc về thể chế, kết quả của phi hạt nhân hóa. Hai đồng minh Hàn-Mỹ cũng đã nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ vì một hội nghị thượng đỉnh thành công giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhấn mạnh không cần phải nghi ngờ về mong muốn tổ chức hội đàm thượng đỉnh Mỹ-Triều của Bình Nhưỡng. Đáp lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trình bày “mô hình Trump”, trong đó đưa ra giải pháp mau chóng cho vấn đề hạt nhân miền Bắc.

Bắc Triều Tiên vừa qua thậm chí đã đe dọa hủy hội nghị thượng đỉnh với Mỹ. Nhưng ông Trump vào ngày 18/5 đã thể hiện thái độ cầu tiến, nói rằng nước Mỹ sẽ không áp dụng “mô hình Li-bi” vào phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên và sẽ đảm bảo an toàn cho chính quyền cộng sản miền Bắc. Bình Nhưỡng kịch liệt phản đối kịch bản phi hạt nhân hóa kiểu Li-bi và đặt sự an toàn của chính quyền lên trên hết. Các vấn đề này một lần nữa đã được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ. Vì thế, tôi nghĩ rằng về một mặt nào đó Mỹ đã trả lời các câu hỏi của miền Bắc.

Về việc phi hạt nhân hóa Bình Nhưỡng, chính quyền của Tổng thống Trump cho tới nay đã xem xét tới giải pháp dựa theo mô hình Li-bi, vốn được Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton ủng hộ. Mô hình Li-bi kêu gọi phi hạt nhân hóa trước rồi nhận đền bù sau, và Bắc Triều Tiên đã chỉ trích mô hình này chẳng khác nào đơn phương ép buộc từ bỏ hạt nhân. Thay vào đó, “mô hình Trump” là một gói thỏa thuận quy định việc đổi giải trừ hạt nhân lấy đền bù trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể. Kế hoạch này dường như linh hoạt hơn giải pháp trước đó. Tuy nhiên, ông Trump cũng để ngỏ khả năng hội đàm với Bình Nhưỡng có thể bị hoãn lại nếu các điều kiện không được đáp ứng. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Trump đề cập tới khả năng hoãn hoặc hủy Hội nghị thượng đỉnh Triều-Mỹ.

Ý của ông Trump là Mỹ có thể sẽ không tổ chức hội đàm với Bắc Triều Tiên nếu các điều kiện từ phía Mỹ không được đáp ứng. Các điều kiện ở đây chính là miền Bắc phải thể hiện rõ quyết tâm phi hạt nhân hóa và làm rõ thời điểm giải trừ hạt nhân. Nếu miền Bắc không chấp nhận các điều kiện tối thiểu này của Mỹ, Washington sẽ khó có thể tổ chức hội đàm với Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, phát biểu của ông Trump cũng có thể là nhằm nâng cao khả năng đàm phán. Tổng thống Trump luôn tự mô tả mình như một bậc thầy về đàm phán. Dường như Bắc Triều Tiên đã nắm được ý tưởng này từ ngày 16/5, và ông Trump đã đưa ra các phát biểu cứng rắn nhằm nâng cao khả năng đàm phán một lần nữa, từ đó đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa miền Bắc theo cách mà Mỹ muốn.

Tổng thống Trump đã đề cập tới khả năng hoãn Hội nghị thượng đỉnh Triều-Mỹ nhằm thể hiện nguyên tắc trước đó của Washington về phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên. Nhưng ông này cũng cho hay Mỹ sẽ đảm bảo an ninh và thịnh thượng cho chính quyền miền Bắc nếu Bình Nhưỡng thực hiện phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn. “Quả bóng” giờ đây đang lăn trên phần sân của miền Bắc.

Bắc Triều Tiên đã liên tục nói về phương án phi hạt nhân hóa “theo giai đoạn và đồng bộ” đối lập với gói thỏa thuận mà Mỹ đưa ra. Vào thời điểm này Bình Nhưỡng rất có thể sẽ không thay đổi lập trường của mình. Nhưng nếu miền Bắc cam kết chắc chắn tiến tới phi hạt nhân hóa, và nếu Hàn Quốc, Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế cung cấp một sự đảm bảo về thể chế xứng đáng cho miền Bắc, Bình Nhưỡng có thể sẽ chấp nhận gói thỏa thuận trên. Mặc dù vậy, kể cả khi áp dụng gói thỏa thuận này, một vài biện pháp mang tính “giai đoạn và đồng bộ” vẫn nên được tiến hành. Tôi nghĩ rằng khả năng diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Triều-Mỹ là rất cao. Thành công hay thất bại của hội nghị này phụ thuộc vào việc hai bên sẽ tham gia vào đàm phán một cách tích cực và chân thành đến đâu, cũng như liệu họ có đạt được một thỏa thuận trong vòng ba tuần lễ sắp tới hay không.

Vào ngày 23/5, ngay sau khi Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ vừa kết thúc, Bắc Triều Tiên đã cho phép các phóng viên Hàn Quốc được nhập cảnh để đưa tin về việc tháo dỡ bãi thử nghiệm hạt nhân của nước này. Miền Bắc đã mời các phóng viên từ năm quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, tới dự lễ khai mạc, nhưng sau đó đã từ chối tiếp nhận danh sách các phóng viên của Seoul. Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ dường như đã ảnh hưởng đến sự thay đổi thái độ vào phút chót của Bình Nhưỡng. Đương nhiên, còn quá sớm để lạc quan. Liên lạc chặt chẽ và đối thoại với miền Bắc dựa trên lòng tin là yếu tố then chốt cho sự thành công của Hội nghị thượng đỉnh Triều-Mỹ. Với mục tiêu này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dự kiến sẽ nỗ lực hết mình để giải quyết mâu thuẫn giữa hai nước. Chỉ còn 20 ngày nữa là Hội nghị thượng đỉnh Triều-Mỹ sẽ diễn ra. Các nỗ lực ngoại giao trong khoảng thời gian này sẽ quyết định vận mệnh của bán đảo Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập