Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên và Mỹ gấp rút họp trù bị cho hội nghị thượng đỉnh

2018-05-31

Vì một bán đảo thống nhất

Bắc Triều Tiên và Mỹ gấp rút họp trù bị cho hội nghị thượng đỉnh
Vào ngày 25/5 vừa qua, Hội nghị thượng đỉnh Triều-Mỹ đã đột ngột bị hủy bỏ, nhưng hai nước lại đang mau chóng chuẩn bị cho sự kiện này. Vào ngày 26/5, chỉ một ngày sau khi công bố hủy bỏ Hội nghị thượng đỉnh Triều-Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ vẫn tổ chức sự kiện này tại Singapore vào ngày 12/6 như đã định. Sau đó, Washington và Bình Nhưỡng đã tổ chức các cuộc gặp cấp chuyên viên tại nhiều địa điểm khác nhau như Mỹ, làng đình chiến Bàn Môn Điếm và Singapore nhằm chuẩn bị cho hội đàm phi hạt nhân hóa mang tính lịch sử. Hãy cùng lắng nghe Giáo sư Jin Hee-gwan đến từ khoa Thống nhất Đại học Inje phân tích về động thái này.

Bất chấp một bước thụt lùi lớn vào tuần qua, Bắc Triều Tiên và Mỹ đã và đang gấp rút tiếp xúc cấp chuyên viên tại ba khu vực khác nhau, cho thấy việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh song phương đang diễn ra tốt đẹp. Chủ đề then chốt là làm sao để giải quyết việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn miền Bắc và Washington sẽ đảm bảo thể chế cho Bình Nhưỡng như thế nào. Do bất đồng về vấn đề này, hai bên đã tổ chức các cuộc gặp cấp chuyên viên. Cùng với việc Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Kim Yong-chol, một quan chức hàng đầu của Bình Nhưỡng, tới Mỹ, dường như hai nước không chỉ thảo luận các vấn đề nghị sự mà còn bàn về nghi thức ngoại giao cho hội nghị thượng đỉnh sắp tới.

Bình Nhưỡng và Washington đang mở ra ba kênh liên lạc để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh song phương. Hai bên sắp xếp chương trình nghị sự cho sự kiện này trong cuộc họp cấp chuyên viên tại Bàn Môn Điếm, trong khi thảo luận về nghi thức ngoại giao và an ninh tại Singapore. Kênh liên lạc cuối cùng chính là cuộc gặp cấp cao tại New York giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người đã chủ trì các cuộc đàm phán hậu trường với Bắc Triều Tiên, và Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Kim Yong-chol. Ba kênh liên lạc này được xem như một tín hiệu tích cực trong khâu chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Triều-Mỹ, sự kiện đã từng bị tuyên bố hủy bỏ. Trong ba kênh liên lạc này, Bàn Môn Điếm chính là điểm khởi đầu của các cuộc họp cấp chuyên viên song phương.

Vào ngày 26/5, Tổng thống Trump đã xác nhận cuộc tiếp xúc cấp chuyên viên giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ. Hai bên đã bắt đầu hội đàm tại lầu gác Thống nhất (Tongilgak) ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm phía Bắc Triều Tiên vào ngày 27/5. Phái đoàn Mỹ bao gồm Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim, Cố vấn Hội đồng an ninh quốc gia chuyên phụ trách các vấn đề liên quan tới bán đảo Hàn Quốc Allison Hooker và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương Randall Schriver. Đại diện phía Bắc Triều Tiên là Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui. Hai bên tiếp tục có một cuộc giằng co về việc phi hạt nhân hóa miền Bắc và một sự đảm bảo an toàn cho thể chế.

Mỹ cho rằng chỉ có thể cải thiện quan hệ song phương với Bắc Triều Tiên một khi miền Bắc hoàn toàn xóa bỏ các chương trình hạt nhân. Vấn đề then chốt chính là phương thức và thời điểm miền Bắc dỡ bỏ và chuyển giao các nguyên liệu hạt nhân, vũ khí và các thiết bị liên quan. Đây là một vấn đề rất phức tạp. Trong khi đó, mối quan tâm chính của Bắc Triều Tiên lại là cách thức Mỹ cải thiện quan hệ với miền Bắc và đảm bảo thể chế cho nước này. Chẳng hạn, hai bên có thể thảo luận việc thành lập các văn phòng liên lạc hoặc đại diện thương mại như một bước tiến tới bình thường hóa quan hệ. Tôi cho rằng phái đoàn hai bên đã thảo luận kỹ càng về quá trình dỡ bỏ chương trình hạt nhân của miền Bắc tại các cuộc gặp cấp chuyên viên vừa qua.

Sau khi đàm phán cấp chuyên viên lần thứ nhất vào ngày 27/5, Bắc Triều Tiên và Mỹ đã có cuộc gặp lần thứ hai vào ngày 30/5, cũng tại Bàn Môn Điếm, nhằm thảo luận về quá trình xóa bỏ hạt nhân cũng như sự đảm bảo an toàn thể chế và viện trợ kinh tế cho miền Bắc. Trong khi đó, tại Singapore, Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng Joe Hagin đã gặp Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Chang-son vào ngày 29 và 30/5 nhằm thảo luận về an ninh và nghi thức ngoại giao cho Hội nghị thượng đỉnh Triều-Mỹ.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Chang-son là một trong các nhân vật có ảnh hưởng nhất trong chính quyền của Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Chỉ có hai người – ông Kim Chang-son và em gái của Chủ tịch Kim là bà Kim Yo-jong, hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Bắc Triều Tiên – là được phép thoải mái ở bên cạnh ông Kim trong suốt Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tháng 4 vừa qua. Điều này cho thấy vị thế quan trọng của ông Kim Chang-son tại miền Bắc. Ông này được xem như tham mưu trưởng cho Chủ tịch Kim Jong-un. Ông Kim Chang-son sẽ phụ trách phần nghi thức của Hội nghị thượng đỉnh Triều-Mỹ, nhưng các động thái của ông này cũng thể hiện một cách chính xác ý định của nhà lãnh đạo miền Bắc. Do đó, cuộc gặp cấp chuyên viên tại Singapore vừa qua có thể đóng vai trò quan trọng cho thành công của hội nghị thượng đỉnh song phương.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Chang-son và Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng Joe Hagin đều là các chuyên gia về nghi thức ngoại giao. Ông Kim là một trong các phụ tá thân cận nhất của cố Chủ tịch Kim Jong-il và Chủ tịch Kim Jong-un, còn ông Hagin phụ trách việc sắp xếp lịch trình cho Tổng thống trong chính quyền Trump. Cuộc gặp cấp chuyên viên giữa hai quan chức này, vốn là những người được lãnh đạo mỗi bên tin tưởng, được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hội nghị thượng đỉnh thành công giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ, chứ không chỉ dừng lại là dàn xếp khâu hậu cần. Trong lúc hai bên chốt lại các vấn đề chi tiết cho hội nghị thượng đỉnh song phương thông qua tiếp xúc cấp chuyên viên trên hai kênh, sự chú ý đang được hướng tới cuộc hội đàm cấp cao giữa Ngoại trưởng Mike Pompeo và Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Kim Yong-chol tại New York vào ngày 30 và 31/5.

Ông Kim Yong-chol là quan chức Bắc Triều Tiên cấp cao nhất từng đến thăm Mỹ trong vòng 18 năm qua. Sau khi Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Jo Myong-rok, một quan chức quân đội hàng đầu của miền Bắc tới thăm Washington vào năm 2000 để gặp Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton, Bắc Triều Tiên và Mỹ đã công bố một thông cáo chung, vốn được xem như một bước tiến tới bình thường hóa quan hệ song phương. Chuyến thăm của ông Kim Yong-chol với New York là vô cùng quan trọng, bởi nó cho thấy sự cải thiện trong quan hệ Triều-Mỹ ở một thời điểm rất lâu sau thông cáo chung năm 2000. Điều này báo hiệu quan hệ song phương đang tiến triển tốt đẹp. Ông Kim được kỳ vọng sẽ chuyển tới thông điệp miệng của Chủ tịch Kim Jong-un, có nghĩa là hai bên đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về các chủ đề thảo luận chính cho hội nghị thượng đỉnh sắp tới.

Hội đàm cấp cao quan trọng giữa Ngoại trưởng Mike Pompeo và Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Kim Yong-chol chắc chắn sẽ hoàn tất bản thiết kế cho Hội nghị thượng đỉnh Triều-Mỹ. Tại cuộc gặp này, câu hỏi đặt ra là liệu Bắc Triều Tiên có thuyết phục được Mỹ về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn hay không, và liệu Mỹ có thể xua tan mối lo ngại của miền Bắc về sự an toàn cho thể chế. Dường như hai bên đang nỗ lực hết sức nhằm tiến tới hội nghị thượng đỉnh song phương như đã lên kế hoạch.

Lựa chọn của ban biên tập