Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Khả năng tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều

2018-06-07

Vì một bán đảo thống nhất

Khả năng tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều
Cả thế giới đang đếm ngược tới Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ diễn ra tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa của Singapore vào lúc 9 giờ sáng ngày 12/6 theo giờ địa phương. Trước thềm sự kiện vốn được mô tả như “cuộc đàm phán thế kỷ” này, sự chú ý đang được hướng tới khả năng công bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.

Trong cuộc gặp với Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Bắc Triều Tiên Kim Yong-chol vào ngày 1/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khẳng định rằng hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-un sẽ diễn ra như dự kiến, đồng thời đề cập tới khả năng tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Hãy cùng lắng nghe Giáo sư Yang Moo-jin đến từ trường Đại học nghiên cứu Bắc Triều Tiên phân tích sâu hơn.

Năm 2018 đánh dấu kỷ niệm 65 năm ký kết Hiệp định đình chiến năm 1953. Chiến tranh lạnh gần như đã bị xóa sổ trên toàn thế giới, ngoại trừ bán đảo Hàn Quốc. Hơn nữa, hai miền Nam-Bắc vẫn đang ở trong tình trạng ngừng bắn. Mặc dù vậy, thật may mắn là bầu không khí hòa bình trong khu vực đã được duy trì kể từ tháng 1 năm nay, với việc Bắc Triều Tiên tham dự Thế vận hội mùa đông PyeongChang tại Hàn Quốc vào tháng 2. Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào tháng 4 đã trở thành kim chỉ nam cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới, vốn được kỳ vọng sẽ mở đường cho việc phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc và thiết lập một chính phủ hòa bình. Tôi tin rằng sự kiện này sẽ là một cơ hội lớn cho Hàn Quốc để đặt nền móng cho thống nhất trong hòa bình. Tổng thống Trump đã đề cập đến vấn đề tuyên bố chấm dứt chiến tranh tại cuộc gặp với đặc phái viên của Bắc Triều Tiên là ông Kim Yong-chol, ngụ ý rằng tuyên bố này có thể được đưa ra trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Hiệp định đình chiến trên bán đảo Hàn Quốc được Chỉ huy quân đội Liên hợp quốc do Mỹ đứng đầu, Bắc Triều Tiên và Trung Quốc ký kết vào ngày 27/7/1953. 65 năm đã trôi qua, nhưng bán đảo Hàn Quốc bị chia cắt, về cơ bản, vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Nếu việc chấm dứt chiến tranh được công bố sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, chiến tranh Triều Tiên vốn kéo dài nhiều thập niên sẽ chính thức kết thúc. Đương nhiên tuyên bố chấm dứt chiến tranh sẽ không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, bởi đây sẽ chỉ là một thỏa thuận chứ không phải một hiệp định quốc tế. Nhưng xét tới đặc điểm địa-chính trị độc đáo của bán đảo Hàn Quốc, vốn đã ở trong tình trạng đình chiến một thời gian dài, việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh được kỳ vọng sẽ xua tan sự nghi kỵ giữa hai miền Nam-Bắc và trở thành chất xúc tác cho việc ký kết một hiệp đình hòa bình. Do đó, câu hỏi đặt ra là tại sao Tổng thống Mỹ Donald Trump lại nêu lên vấn đề quan trọng này?

Tôi cho rằng Tổng thống Trump đã trực tiếp đề cập tới vấn đề này để gợi ra việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, bằng cách ngụ ý rằng Mỹ có thể đảm bảo an ninh cho miền Bắc. Không có quy tắc quốc tế nào về cách thức chấm dứt một cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng có ba cách, bao gồm tuyên bố chấm dứt chiến tranh, ký kết một hiệp định hòa bình, và thiết lập quan hệ ngoại giao. Có thể áp dụng một trong ba cách thức này, hoặc là cả ba. Dường như chiến lược của ông Trump là lần lượt tiến hành ba cách trên theo thứ tự, với việc Bắc Triều Tiên chấp nhận tuyên bố chấm dứt chiến tranh như bước đầu tiên tiến tới một sự đảm bảo an ninh cho thể chế. Tuyên bố này rất quan trọng bởi nó có thể xoa dịu các mối lo ngại về an ninh cho miền Bắc và giúp quá trình phi hạt nhân hóa tiến triển tốt đẹp.

Việc chính thức tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên có thể là bước đầu tiên tiến tới chấm dứt sự thù địch giữa Bình Nhưỡng và Washington, vốn đã kéo dài hơn nửa thế kỷ. Đặc biệt đối với Bắc Triều Tiên, việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh, cùng với ký kết một hiệp định hòa bình và thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ sau đó, sẽ dẫn tới sự đảm bảo an ninh cho nước này. Dường như công bố chiến tranh đang được coi như một nhân tố tích cực nhằm nâng cao khả năng thành công cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Giờ đây sự chú ý đang hướng tới việc liệu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có tới Singapore để tham gia vào quá trình tuyên bố chấm dứt chiến tranh hay không.

Hiện tại, có khả năng tuyên bố chấm dứt chiến tranh sẽ được đưa ra với sự hiện diện của Tổng thống Moon Jae-in. Vấn đề này đã được công bố trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào tháng 4 và cũng đã được thảo luận kỹ càng tại Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ vừa qua. Cả Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đều cảm thấy cần phải nhanh chóng giải quyết vấn đề này. Xem xét tới quan điểm của hai nhà lãnh đạo và cam kết mạnh mẽ hướng tới hòa bình của Tổng thống Hàn Quốc, khả năng tuyên bố chấm dứt chiến tranh giữa ba bên Seoul-Bình Nhưỡng-Washington tại Singapore là rất cao.

Vào ngày 27/5, khi thông báo về kết quả Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ hai với Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Moon Jae-in đã bày tỏ hy vọng về việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên sẽ được đưa ra trong cuộc gặp ba bên Hàn-Triều-Mỹ. Tuy nhiên, điều này chắc chắn vấp phải nhiều khó khăn do Trung Quốc, nước đã từng tham gia ký kết Hiệp định đình chiến năm 1953, bày tỏ mong muốn tham gia vào việc đưa ra tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Bởi vậy, cho đến nay, vẫn chưa chắc chắn về việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Hàn Quốc sẽ được đưa ra khi nào và bằng cách nào. Ngoài ra, một vấn đề khác nữa là tuyên bố này, kể cả có được thực hiện, chỉ là một thỏa thuận chính trị, chứ không phải là một hiệp định.

Tuyên bố chấm dứt chiến tranh là một công bố chính trị nhằm thể hiện cam kết chấm dứt chiến tranh và đưa ra các nguyên tắc cơ bản cũng như phương hướng đẩy mạnh hòa bình trong tương lai. Tổng thống Moon tin rằng tuyên bố trên nên đi kèm với việc ký kết một hiệp định hòa bình để có được sự đảm bảo mạnh mẽ hơn. Đó là lý do vì sao Tuyên bố Bàn Môn Điếm đã nêu rõ hai miền Nam-Bắc sẽ công bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên và tiến tới một hiệp định hòa bình trong năm nay. Ý nghĩa của tuyên bố chấm dứt chiến tranh sẽ bị giảm đi nếu được nhìn nhận riêng rẽ với một hiệp định hòa bình. Vì một nền hòa bình vững chắc và ổn định trên bán đảo Hàn Quốc, nên xem xét đồng thời hai khái niệm trên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã nhấn mạnh rằng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ là sự mở đầu, qua đó ngụ ý rằng rất khó để có thể cùng lúc giải quyết các vấn đề liên quan tới việc công bố chấm dứt chiến tranh và ký kết hiệp định hòa bình. Chúng ta cần chờ đợi và dõi xem tuyên bố lịch sử này sẽ tiến triển ra sao vì mục tiêu chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.

Lựa chọn của ban biên tập