Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12/6/2018

2018-06-14

Vì một bán đảo thống nhất

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12/6/2018
Chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào năm 1950 và kết thúc vào năm 1953 với một hiệp định đình chiến vốn được ký kết chỉ trong vỏn vẹn có 11 phút. Sau đó, cuộc khủng hoảng hạt nhân miền Bắc bắt đầu nổ ra vào những năm 1990. Nhằm chấm dứt sự đối đầu kéo dài nhiều thập niên và đạt được bước tiến lớn trong quan hệ song phương, Mỹ và Bắc Triều Tiên đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa của Singapore vào lúc 9 giờ 4 phút sáng ngày 12/6 theo giờ địa phương.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un xuất hiện, bước dọc theo tấm thảm đỏ. Sau đó, hai nhà lãnh đạo đã bắt tay chào nhau, báo hiệu sự chấm dứt thù địch giữa hai nước vốn đã kéo dài bảy thập niên. Hãy cùng lắng nghe ông Oh Gyeong-seop, chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc, bình luận về khoảnh khắc này.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un trong phần chụp ảnh lưu niệm quả thực rất ấn tượng. Hai nhà lãnh đạo đã có cái bắt tay lịch sử đầu tiên trước phông nền là dãy sáu lá quốc kỳ Bắc Triều Tiên và sáu lá quốc kỳ Mỹ. Bản thân cảnh tượng này đã tượng trưng cho sự chấm dứt thù địch kéo dài 70 năm giữa hai nước. Nó cũng làm dấy lên hy vọng rằng các cuộc thảo luận song phương về phi hạt nhân hóa miền Bắc, bình thường hóa quan hệ và thiết lập một chính phủ hòa bình sẽ tiến triển một cách suôn sẻ trong tương lai.

Ngay trong những phút đầu gặp gỡ, hai nhà lãnh đạo đã bày tỏ kỳ vọng về sự thành công của cuộc họp thượng đỉnh. Đặc biệt, Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã thừa nhận phải rất khó khăn mới có thể đi đến hội nghị thượng đỉnh này, nhưng cũng cho biết hai bên đã vượt qua được những trở ngại đó. Như phát biểu của nhà lãnh đạo miền Bắc, quá trình đi đến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều là không hề dễ dàng. Giáo sư Nam Seong-wook đến từ khoa Thống nhất, Ngoại giao và An ninh của trường Đại học Korea, nhận định.

Tôi nhìn nhận Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều như một bước phát triển bất ngờ trong một bộ phim khoa học viễn tưởng siêu thực. Bắc Triều Tiên đã tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu vào ngày 3/9 năm ngoái và phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào ngày 29/11. Căng thẳng giữa hai nước đã nhanh chóng lên tới đỉnh điểm. Nhưng trong bài diễn văn chào mừng năm mới vào ngày 1/1 năm nay, Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-un đã bày tỏ ý định gửi một phái đoàn tới Thế vận hội mùa đông PyeongChang được tổ chức ở Hàn Quốc. Phái đoàn đặc biệt của Hàn Quốc đã tới Bình Nhưỡng vào ngày 5/3 để gặp Chủ tịch Kim Jong-un, và Tổng thống Trump đã chấp nhận lời mời gặp mặt của nhà lãnh đạo miền Bắc. Ông Trump đã từng hoãn cuộc gặp này, nhưng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều cuối cùng cũng đã diễn ra như dự kiến vào ngày 12/6.

Quan hệ giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Trong một bài phát biển trước Hội đồng bảo an Liên hợp quốc vào tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Trump đã nói rằng Mỹ có thể hủy diệt hoàn toàn Bắc Triều Tiên để bảo vệ Washington và các đồng minh. Trên thực tế, cuộc khẩu chiến giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ thậm chí đã nổ ra từ trước lễ nhậm chức của ông Trump vào ngày 20/1/2017. Sau cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu của Bình Nhưỡng vào tháng 9 năm ngoái, ông Trump đã gửi một lời cảnh cáo mạnh mẽ tới miền Bắc, dọa sẽ “hủy diệt hoàn toàn” nước này. Bắc Triều Tiên cũng đáp trả bằng những từ ngữ gay gắt, khiến xung đột giữa hai nước ngày một tăng lên. Nhưng quan hệ Mỹ-Triều đã có một bước ngoặt sau Thế vận hội mùa đông PyeongChang vào tháng 2 năm nay. Phái đoàn đặc biệt Hàn Quốc đã tới thăm miền Bắc vào ngày 5/3 để đưa ra lời gợi ý về hội nghị thượng đỉnh giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ. Vào ngày 8/3, Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Hàn Quốc Chung Eui-yong đã chuyển lời mời tham dự hội nghị thượng đỉnh với Mỹ tới Tổng thống Trump.

Sau khi Tổng thống Trump chấp thuận đề nghị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều của Chủ tịch Kim Jong-un, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến thăm bí mật tới Bắc Triều Tiên vào cuối tháng 3, tiếp đó là Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào ngày 27/4. Chuyến thăm bí mật thứ hai tới Bắc Triều Tiên của ông Pompeo vào ngày 10/5 đã dẫn tới việc phóng thích ba công dân Mỹ bị giam giữ tại miền Bắc, và Tổng thống Trump công bố rằng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ được tổ chức vào ngày 12/6 tại Singapore. Nhưng một vấn đề ngoài dự kiến đã xảy ra khi Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên Kim Kye-gwan đề cập tới khả năng xem xét lại hội nghị thượng đỉnh đã được lên kế hoạch với Mỹ, đổ lỗi cho các cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ. Vào ngày 24/5, Tổng thống Trump tuyên bố hoãn hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo miền Bắc. Trong một nỗ lực rõ ràng nhằm cứu vãn sự kiện này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và người đồng cấp miền Bắc Kim Jong-un đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai vào ngày 26/5 nhằm tái khẳng định cam kết của Bình Nhưỡng về phi hạt nhân hóa. Sau đó, Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Bắc Triều Tiên Kim Yong-chol đã tới thăm Mỹ. Cuối cùng, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vốn rất được mong đợi đã diễn ra như đã định vào ngày 12/6.

Tổng thống Trump tỏ ra rất chắc chắn vào thành công của hội nghị thượng đỉnh, thậm chí trước cả khi sự kiện này bắt đầu. Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều đã bắt đầu gặp mặt riêng, chỉ kèm phiên dịch, vào lúc 9 giờ 16 phút sáng và tổ chức hội nghị thượng đỉnh mở rộng vào lúc 10 giờ. Sau 100 phút hội đàm với sự tham dự của ba phụ tá mỗi bên, ông Trump đã bày tỏ sự hài lòng với cuộc họp này.

Sau 140 phút hội đàm và 50 phút ăn trưa, hai nhà lãnh đạo đã đi dạo trong khuôn viên của khách sạn. Mặc dù đây chỉ là cuộc tản bộ ngắn, chỉ khoảng 30m, nhưng hai nhà lãnh đạo cảm thấy đã có sự kết nối về vấn đề phi hạt nhân hóa và đảm bảo an ninh thể chế cho miền Bắc. Hai bên đã ký một tuyên bố chung vào lúc 2 giờ 40 phút chiều, và Chủ tịch Kim đã có bài phát biểu ngay sau đó.

Trong tuyên bố chung gồm bốn hạng mục, Chủ tịch Kim Jong-un đã nhất trí phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Hàn Quốc, trong khi Tổng thống Donald Trump cam kết đảm bảo an ninh cho Bắc Triều Tiên. Hai bên cũng cam kết thiết lập mối quan hệ song phương mới và nhất trí tìm kiếm hài cốt của các binh lính bị bắt làm tù binh hoặc bị mất tích trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), bao gồm việc trao trả ngay lập tức các hài cốt đã được phát hiện.

Theo thỏa thuận này, Mỹ yêu cầu Bắc Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn, trong khi miền Bắc yêu cầu một sự đảm bảo an ninh cho thể chế nước này. Về cơ bản, Bình Nhưỡng yêu cầu hai bên chấm dứt quan hệ thù địch và thiết lập quan hệ ngoại giao, từ đó nước này sẽ tiến tới phi hạt nhân hóa. Tại hội nghị thượng đỉnh, hai bên đã khẳng định các nhiệm vụ cần phải hoàn thành nhằm giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa, và đề ra phương hướng thực tế nhằm thực hiện các nhiệm vụ trên. Tuyên bố chung cũng nêu rõ sẽ có các cuộc đàm phán theo sau, do Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và một quan chức cấp cao Bắc Triều Tiên dẫn đầu, nhằm thực thi các thành quả của hội nghị thượng đỉnh vừa qua. Xem xét tới các vấn đề trên, tuyên bố chung Mỹ-Triều có một ý nghĩa rất to lớn.

Hai nhà lãnh đạo đã cam kết bình thường hóa quan hệ song phương, và Mỹ nhất trí cung cấp một sự đảm bảo an ninh cho Bắc Triều Tiên để đổi lấy việc Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Nội dung này đã thu hút được sự quan tâm chú ý lớn. Trên thực tế, phi hạt nhân hóa là một quá trình lâu dài. Nếu hai bên tổ chức nhiều cuộc hội đàm và xây dựng lòng tin như đã nhất trí, tuyên bố chung vừa qua sẽ được ghi nhận là một bước phát triển quan trọng. Nhưng thỏa thuận này đã thất bại trong việc đưa vào văn bản yêu cầu của Mỹ về “phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”. Sự chú ý đang được hướng tới việc tại sao tuyên bố chung lại bao gồm cụm từ “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” chứ không phải “phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”

Tôi nghĩ rằng lập trường của Bắc Triều Tiên đã được phản ánh trong thỏa thuận này. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đề cập tới “phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” ngay trước hội nghị thượng đỉnh, và Tổng thống Trump đánh giá rằng sự kiện này đã diễn ra rất “tuyệt vời”. Do đó, nhiều người đã kỳ vọng rằng tuyên bố chung Mỹ-Triều sẽ bao gồm yêu cầu kiên định của Washington về việc giải trừ hạt nhân. Nhưng cuối cùng thì tuyên bố này lại đơn thuần lặp lại Tuyên bố Bàn Môn Điếm đã được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều cuối tháng 4 vừa qua. Tôi nghĩ rằng Bắc Triều Tiên đã khăng khăng nguyên tắc của mình, và Mỹ đã nhượng bộ miền Bắc trong vấn đề này.

Dường như Mỹ đã yêu cầu phải đưa cụm từ “phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” vào thỏa thuận chung cho tới phút chót, trong khi miền Bắc lại phản đối. Việc dùng cụm từ “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” được xem như sự nhượng bộ của Washington nhằm đạt được thỏa thuận với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Trump đã nhấn mạnh rằng không cần phải lo lắng về vấn đề này.

Tổng thống Trump ngụ ý rằng nguyên tắc “phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” có thể được thực thi trong các cuộc đàm phán tiếp theo nếu hai bên xây dựng được lòng tin, mặc dù nguyên tắc này đã không được quy định trong tuyên bố chung. Sau thỏa thuận trên, Chủ tịch Kim Jong-un đã nói với Tổng thống Trump rằng miền Bắc sẽ cho tiêu hủy một bãi thử nghiệm tên lửa lớn, sau khi phá bỏ bãi thử nghiệm hạt nhân của nước này. Nhằm thi hành tuyên bố chung Mỹ-Triều, Ngoại trưởng Pompeo và một quan chức cấp cao Bắc Triều Tiên sẽ tổ chức hội đàm ngay tuần sau. Nếu miền Bắc tiến hành phi hạt nhân hóa hoàn toàn một cách chân thành, Bình Nhưỡng và Washington hy vọng sẽ có thể thiết lập một mối quan hệ song phương mới – một vấn đề khác cũng đã được nêu rõ trong tuyên bố chung. Ngoài ra, Mỹ và hai miền Nam-Bắc trên bán đảo Hàn quốc có thể sẽ tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, mở đường cho việc xây dựng lòng tin giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ. Song song với tiến triển của việc phi hạt nhân hóa miền Bắc, hai bên có thể ký một hiệp định hòa bình, thiết lập văn phòng liên lạc tại thủ đô mỗi nước và bình thường hóa quan hệ song phương. Trong quá trình đó, lãnh đạo của hai nước có thể tổ chức hội nghị thượng đỉnh tiếp theo.

Trả lời một phóng viên rằng liệu ông có mời Chủ tịch Bắc Triều Tiên tới Nhà Trắng hay không, Tổng thống Trump đã nói có, khẳng định rằng ông sẵn sàng tổ chức các cuộc hội đàm bổ sung với nhà lãnh đạo miền Bắc. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12/6 đã kết thúc lúc 2 giờ 44 phút chiều, mở ra hy vọng về một thời kỳ mới.

Hội nghị thượng đỉnh vừa qua được cho là đã giúp chấm dứt lịch sử thù địch kéo dài giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ, đồng thời giải quyết các vấn đề theo cách ngoại giao. Đây là một sự kiện rất quan trọng về mặt lịch sử, bởi hội đàm Mỹ-Triều đã đem đến một bước tiến mới tới phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc và thay đổi cơ cấu căn bản của chính trị quốc tế tại Đông Bắc Á. Hai nhà lãnh đạo đã bước vào một giai đoạn mới nhằm giải quyết một vấn đề nan giải, chính là phi hạt nhân hóa, với niềm tin rằng một cuộc gặp gỡ mới sẽ mang lại một kết quả mới. Nhưng xem xét tới việc hai bên đã ký một văn bản mang tính toàn diện thay vì chi tiết, việc tổ chức các hội nghị thượng đỉnh tiếp theo là rất cần thiết. Hai nước sẽ phải thảo luận về thời gian và cách thức phi hạt nhân hóa thông qua các cuộc hội đàm cấp cao. Hai bên sẽ phải nỗ lực rất nhiều nhằm thu về thành quả cho phi hạt nhân hóa.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đã báo hiệu sự khởi đầu của quá trình “tan băng” trên bán đảo Hàn Quốc bị chia cắt và hòa bình thế giới, nhưng cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ cần phải giải quyết. Liên quan tới các cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ, Tổng thống Trump phát biểu ông nghĩ rằng thật vô lý khi tiến hành tập trận chung trong lúc đàm phán với Bắc Triều Tiên, và rằng việc dừng các cuộc tập trận sẽ tiết kiệm được chi phí. Phát biểu của ông Trump được đưa ra vào thời điểm Mỹ đã đề cập tới một sự đảm bảo an ninh cho thể chế miền Bắc và giảm các mối đe dọa quân sự với nước này. Phủ Tổng thống Hàn Quốc tỏ ra thận trọng về phát biểu của ông Trump, nói rằng tình hình không có gì thay đổi. Trong tình huống này, nhà nghiên cứu Oh Gyeong-seop cho rằng, cam kết của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về việc Seoul sẽ “cầm lái” trong các vấn đề liên quan tới bán đảo Hàn Quốc đang trở nên vô cùng quan trọng.

Trong bốn hạng mục của tuyên bố chung Mỹ-Triều, cách thức phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên đang được coi là nhiệm vụ quan trọng nhất, và sẽ được Washington và Bình Nhưỡng tiếp tục thảo luận. Trong quá trình đàm phán, hai bên có thể đưa ra quan điểm khác biệt lớn và việc đàm phán nên được duy trì. Hàn Quốc cần hợp tác chặt chẽ với Mỹ để Washington kiên định với lập trường của mình nhằm thúc đẩy việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn miền Bắc. Seoul cũng cần phải truyền tải chính xác tới Washington các mong muốn hoặc yêu cầu của Bình Nhưỡng. Nói cách khác, Hàn Quốc nên đóng vai trò điều phối một cách tích cực hơn nhằm khuyến khích cả Bắc Triều Tiên và Mỹ giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa theo một cách phù hợp, từ đó quan hệ Mỹ-Triều sẽ được cải thiện và cuối cùng một chính phủ hòa bình sẽ được thiết lập trên bán đảo Hàn Quốc.

Một thay đổi quan trọng đã mở ra khi Bắc Triều Tiên và Mỹ bắt đầu hành trình tiến tới hòa bình, bỏ lại phía sau sự thù địch kéo dài nhiều thập niên. Báo hiệu sự mở đầu của việc xóa bỏ tàn dư cuối cùng của chiến tranh lạnh, Hội nghị thượng đỉnh Kim-Trump vừa qua được so sánh với Hội nghị thượng đỉnh Malta năm 1989 giữa Mỹ và Liên Xô vốn đã dẫn đến sự chấm dứt chiến tranh lạnh. Trong bối cảnh một thay đổi lớn của nền chính trị quốc tế, cần phải dõi xem Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên và Mỹ sẽ chung tay và thể hiện sự sáng suốt của mình như thế nào vì mục tiêu cuối cùng là xây dựng hòa bình dài lâu trên bán đảo Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập