Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Hàn Quốc-Mỹ quyết định dừng tập trận chung nhằm đẩy nhanh phi hạt nhân hóa

2018-06-21

Vì một bán đảo thống nhất

Hàn Quốc-Mỹ quyết định dừng tập trận chung nhằm đẩy nhanh phi hạt nhân hóa
Hàn Quốc và Mỹ vừa đưa ra quyết định tạm dừng cuộc tập trận chung mang tên “Người bảo vệ tự do Ulchi” (Ulchi Freedom Guardian – UFG), vốn được lên kế hoạch vào tháng 8 năm nay, như một cử chỉ đầy thiện ý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên trong vòng 24 năm Seoul và Washington sẽ không tổ chức tập trận chung. Hãy cùng lắng nghe ông Shin Beom-chul, chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu chính sách Asan, phân tích sâu hơn.

“Người bảo vệ tự do Ulchi” là cuộc diễn tập quân sự kết hợp hai cuộc tập trận: cuộc tập trận “Ulchi” của Chính phủ Hàn Quốc và cuộc tập trận “Ống kính tiêu điểm” (Focus Lens) của Mỹ. Cuộc tập trận tham mưu sở chỉ huy trên máy tính này tập trung vào việc liên quân Hàn-Mỹ và Chính phủ Hàn Quốc sẽ phản ứng ra sao trước một cuộc tấn công của Bắc Triều Tiên. Từ trước đến nay, Bắc Triều Tiên đã luôn chỉ trích việc tập trận của liên quân Hàn-Mỹ, coi đó là chính sách thù địch với miền Bắc. Trong quá trình xây dựng lòng tin theo sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, Washington đã công bố sẽ dừng tập trận chung với Hàn Quốc.

Cuộc tập trận “Người bảo vệ tự do Ulchi” được tổ chức thường niên vào cuối tháng 8, và là một trong ba cuộc tập trận quy mô lớn của liên quân Hàn-Mỹ, cùng với các cuộc tập trận “Giải pháp then chốt” (Key Resolve) và “Đại bàng non” (Foal Eagle), dựa trên giả định xảy ra chiến tranh toàn diện trên bán đảo Hàn Quốc. Các cơ quan Chính phủ, quân đội Hàn Quốc, quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc cùng lực lượng tăng viện của quân đội Mỹ đều tham gia vào cuộc tập trận này, vốn là biểu tượng cho đồng minh Hàn-Mỹ và khả năng phòng vệ của liên quân trước Bắc Triều Tiên. Năm ngoái, 17.000 lính Mỹ đã tham gia vào cuộc tập trận “Người bảo vệ tự do Ulchi”. Bắc Triều Tiên kịch liệt phản đối các cuộc tập trận của liên quân Hàn-Mỹ và hàng năm đều yêu cầu Seoul và Washington dừng các cuộc diễn tập quân sự.

Mỗi khi Hàn Quốc và Mỹ tổ chức các đợt tập trận chung quy mô lớn, Bắc Triều Tiên đều cảm thấy lo sợ và cũng tự tổ chức các cuộc diễn tập quân sự. Lãnh đạo tối cao của nước này thậm chí còn không xuất hiện trước công chúng trong thời gian tập trận vì lý do an ninh. Rõ ràng Bắc Triều Tiên khá bực mình vì các cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ. Tuy nhiên, về mặt khác, Bình Nhưỡng đã bào chữa cho việc phát triển các vũ khí hạt nhân của nước này bằng cách liên tục đổ lỗi cho các cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ, vốn chỉ mang tính phòng vệ. Nhưng Seoul và Washington đã có động thái phủ đầu nhằm xây dựng được lòng tin, thúc giục miền Bắc tiến hành các biện pháp phi hạt nhân hóa ở giai đoạn tiếp theo.

Các cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ, với sự tham gia của tất cả các loại vũ khí chiến lược, có liên quan trực tiếp tới an ninh của thể chế miền Bắc. Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên hai đồng minh tạm thời dừng tập trận chung.

Vào năm 1990, Hàn Quốc và Mỹ đã dừng tập trận chung do Mỹ tham gia vào chiến tranh vùng Vịnh. Hai bên đã bỏ qua các cuộc tập trận vào năm 1992 khi Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên ký một tuyên bố cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc. Hai đồng minh cũng đã có động thái tương tự sau Thỏa thuận hạt nhân Mỹ-Triều được ký năm 1994 tại Giơ-ne-vơ. Như vậy, nếu nhìn lại lịch sử, các cuộc tập trận của liên quân Hàn-Mỹ đôi khi được dừng lại vì các lý do đặc biệt. Tương tự, động thái dừng cuộc tập trận “Người bảo vệ tự do Ulchi” gần đây là nhằm mục đích đẩy mạnh hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Bằng cách này, Hàn Quốc và Mỹ đang thúc giục Bắc Triều Tiênphải mau chóng tiến hành các bước phi hạt nhân hóa.

Vẫn coi các cuộc tập trận Hàn-Mỹ như một mối đe dọa quân sự, Bắc Triều Tiên sẽ nhìn nhận việc dừng cuộc tập trận này như một biện pháp xem xét mức độ chân thành về đảm bảo an ninh cho miền Bắc, trước khi có một khung đảm bảo an ninh lớn hơn, như tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) hay cam kết không xâm lược nước này. Như một cử chỉ mang tính biểu tượng đầu tiên hướng tới hòa bình sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, Seoul và Washington đã quyết định dừng tập trận chung. Giờ đây, sự chú ý đang được hướng tới việc Bắc Triều Tiên sẽ phản ứng như thế nào.

Trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều 12/6, Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã nói với Tổng thống Trump rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ cho tiêu hủy một bãi thử tên lửa. Các nhà phân tích cho rằng miền Bắc có thể sẽ dỡ bỏ bãi thử tên lửa ở xã Dongchang, huyện Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan, nơi nước này đã tiến hành thử động cơ cho một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng vươn tới lãnh thổ nước Mỹ. Một số lại cho rằng Bắc Triều Tiên và Mỹ có thể sẽ thảo luận về một lộ trình phi hạt nhân hóa cụ thể hơn trong chuyến thăm sắp tới của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pomep tới miền Bắc, chuyến thăm thứ ba của ông Pompeo tới Bình Nhưỡng. Điểm mấu chốt ở đây chính là thái độ của miền Bắc. Tương lai của các cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ có thể sẽ khác đi, phụ thuộc vào việc Bắc Triều Tiên sẽ tiến hành các bước phi hạt nhân hóa như thế nào.

Hàn Quốc và Mỹ thường tổ chức hai cuộc tập trận quân sự thường niên là “Giải pháp then chốt”, cuộc tập trận giả định trên máy tính và “Đại bàng non”, cuộc tập trận huy động binh lực trên thực tế, vào mùa xuân hàng năm. Điều quan trọng nhất vào thời điểm này chính là việc liệu Bắc Triều Tiên có thực sự cam kết phi hạt nhân hóa hay không. Ngoại trưởng Pompeo đang được kỳ vọng sẽ tới thăm miền Bắc một lần nữa để đàm phán. Nếu cuộc đối thoại này diễn ra tốt đẹp và quá trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên có tiến triển, Hàn Quốc và Mỹ cũng có thể dừng các cuộc tập trận vào mùa xuân năm sau. Nói cách khác, Seoul và Washington sẽ bù đắp cho Bình Nhưỡng vì sự phi hạt nhân hóa nước này dưới dạng đảm bảo an ninh thông qua việc dừng tập trận chung. Nhưng nếu miền Bắc không chân thành tiến hành các biện pháp phi hạt nhân hóa, liên quân Hàn-Mỹ sẽ tiếp tục tập trận. Đây chính quan điểm hiện tại của hai đồng minh này.

Khi công bố quyết định tạm dừng tận trận chung, Hàn Quốc và Mỹ đã nhấn mạnh rằng cuộc tập trận này sẽ được nối lại nếu Bắc Triều Tiên không tiến bộ trong vấn đề phi hạt nhân hóa nước này. Nói cách khác, cuộc tập trận này có thể được tạm dừng hoặc nối lại phụ thuộc vào các biện pháp phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng. Chỉ khi miền Bắc có thái độ chân thành, việc dừng tập trận mới có thể mang đến một sức đẩy quan trọng nhằm đẩy nhanh quá trình phi hạt nhân hóa.

Lựa chọn của ban biên tập