Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Hội đàm liên Triều về kết nối đường sắt giữa hai miền

2018-06-28

Vì một bán đảo thống nhất

Hội đàm liên Triều về kết nối đường sắt giữa hai miền
Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã tổ chức hội đàm để thảo luận về việc kết nối và hiện đại hóa các tuyến đường sắt nối hai miền Nam-Bắc, nền tảng cơ bản cho hợp tác kinh tế liên Triều hay còn được gọi là sáng kiến “Bản đồ kinh tế mới bán đảo Hàn Quốc” của Tổng thống Moon Jae-in. Các phái đoàn từ Seoul và Bình Nhưỡng đã tổ chức một cuộc hội đàm về hợp tác đường sắt liên Triều tại Ngôi nhà Hòa bình, thuộc Bàn Môn Điếm phía miền Nam vào ngày 26/6 vừa qua. Cuộc gặp này được xem như một phép thử quan trọng cho hợp tác kinh tế giữa hai miền sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 27/4. Hãy cùng lắng nghe ông Oh Gyeong-seob, chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc, phân tích sâu hơn.

Đây là lần đầu tiên trong vòng 10 năm Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên gặp mặt để thảo luận về hợp tác đường sắt. Trước đó, hai bên đã cam kết tổ chức hội đàm về vấn đề này vào cuối tháng 6 theo sau Tuyên bố Bàn Môn Điếm 27/4. Trong Tuyên bố này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã nhất trí rằng hai miền Nam-Bắc sẽ tiến hành các biện pháp thực tế nhằm kết nối và hiện đại hóa các tuyến đường sắt và đường bộ liên Triều. Tại cuộc hội đàm ngày 26/6 vừa qua, dẫn đầu phái đoàn Hàn Quốc là Thứ trưởng Địa chính và Giao thông Kim Jeong-ryeol, và trưởng đoàn miền Bắc là Thứ trưởng Bộ Đường sắt Kim Yun-hyok. Hai bên đã thảo luận việc kết nối và hiện địa hóa các đoạn đường sắt nối hai miền và thông qua một thông cáo báo chí chung.

Trong Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 27/4, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã nhất trí kết nối các tuyến đường sắt và đường bộ của hai miền vì sự phát triển cân bằng của nền kinh tế quốc gia và sự thịnh vượng chung. Hai bên hy vọng sẽ hợp tác trong hai tuyến đường sắt là tuyến Gyeongui chạy dọc phần phía Tây bán đảo Hàn Quốc, và tuyến đường sắt dọc biển Đông. Tại cuộc hội đàm cấp cao vào ngày 1/6, hai bên đã nhất trí thảo luận việc kết nối đường sắt, và kết quả chính là cuộc gặp ngày 26/6 vừa qua, kéo dài trong 10 tiếng đồng hồ.

Sau hai phiên thảo luận sơ bộ và năm cuộc tiếp xúc giữa người đại diện của mỗi bên, Seoul và Bình Nhưỡng đã nhất trí trên năm điểm. Việc điều tra chung sẽ bắt đầu từ ngày 24/7 tại phần thuộc lãnh thổ Bắc Triều Tiên của tuyến Gyeongui và tuyến đường sắt dọc biển Đông. Hai bên cũng sẽ cùng điều tra các đoạn đường sắt nối hai miền của hai tuyến đường sắt trên, là đoạn từ ga Munsan (thành phố Paju, tỉnh Gyeonggy, Hàn Quốc) tới Gaesung, Bắc Triều Tiên, và đoạn từ ga Jejin (huyện Goseong, tỉnh Gangwon) thuộc miền Nam tới núi Geumgang, miền Bắc, mặc dù vẫn chưa chốt được thời gian cụ thể. Dựa trên kết quả điều tra và thanh sát chung, hai bên sẽ có các biện pháp cụ thể theo sau, bao gồm việc xây dựng các nhà ga và việc lắp đặt các hệ thống tín hiệu và thông tin. Các nhà phân tích cho rằng cuộc hội đàm về hợp tác đường sắt liên Triều vừa qua đã tạo ra khung cơ bản cho “Bản đồ kinh tế mới bán đảo Hàn Quốc”.

Nếu các tuyến đường sắt và đường bộ liên Triều được kết nối, rất có thể Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in sẽ mau chóng thúc đẩy sáng kiến “Bản đồ kinh tế mới bán đảo Hàn Quốc”. Một trong những thay đổi quan trọng trong chính sách này đó là mong muốn của Hàn Quốc về việc xây dựng một mạng lưới giao thông nối thành phố Busan với Nga thông qua thành phố Wonsan (tỉnh Gangwon) và thành phố Rason (tỉnh Bắc Hamgyong), hai thành phố cảng của Bắc Triều Tiên nằm dọc bờ biển phía Đông của bán đảo Hàn Quốc. Bản đồ mới này phác thảo nên một vành đai giao thông, vận tải và công nghiệp mới trải dài từ các tỉnh Tây Nam Jeolla và khu vực thủ đô của Hàn Quốc tới Gaesung, Sinuiju của Bắc Triều Tiên để tới tận Trung Quốc. Việc kết nối các tuyến đường sắt liên Triều sẽ gia tăng khả năng thực hiện các dự án táo bạo này.

Sau khi nắm quyền lãnh đạo tại Hàn Quốc, Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in đã đặt ra mục tiêu xây dựng một cộng đồng kinh tế mới nơi hai miền Nam-Bắc có thể cùng tồn tại. Bản đồ kinh tế mới mong muốn phát triển “vành đai kinh tế hình chữ H” với sự tham gia của các khu vực phía Tây và phía Đông bán đảo Hàn Quốc cũng như khu vực biên giới liên Triều, và kết nối vành đai này với nền kinh tế của khu vực Đông Bắc Á. Tại cuộc hội đàm đường sắt vừa qua, Seoul và Bình Nhưỡng được cho là đã phác thảo bản thiết kế cho dự án cơ sở hạ tầng, giao thông này.

Việc kết nối các tuyến đường sắt phía Tây và phía Đông sẽ giúp người và hàng hóa có thể di chuyển sang châu Âu bằng tàu hỏa. Đặc biệt, một thay đổi quan trọng về mặt vận tải đang rất được kỳ vọng. Hiện tại, phải mất tới 30 ngày để đi tàu thủy từ thành phố Busan tới thủ đô Mát-xcơ-va của Nga. Nhưng sẽ chỉ mất 14 ngày để di chuyển quãng đường tương tự nếu đi bằng tàu hỏa. Phải mất khoảng hai tháng Busan mới nhận được hàng hóa nhập khẩu từ Đức. Nhưng vào thời đại khi mà đường sắt và đường thủy liên Triều được vận hành, sẽ chỉ mất khoảng 35 ngày. Tương tự như vậy, 800 USD là chi phí hiện tại để vận chuyển một công-te-nơ bằng tàu thủy từ cảng Incheon, Hàn Quốc tới cảng Nampo của Bắc Triều Tiêu, nhưng con số này sẽ giảm tới 75%, tức chỉ còn 200 USD, khi tuyến đường sắt Gyeongui được đưa vào sử dụng. Việc kết nối các tuyến đường sắt liên Triều được kỳ vọng sẽ mang lại một thay đổi mang tính cách mạng về giao thông và vận tải.

Hội đàm đường sắt liên Triều vừa qua là thành quả đầu tiên trong lĩnh vực kinh tế trong các bước đi theo sau Tuyên bố Bàn Môn Điếm. Theo đà tích cực đó, Seoul và Bình Nhưỡng sẽ tổ chức hội đàm về lâm nghiệp vào ngày 4/7. Nếu tiến xa hơn, hai bên có thể sẽ mở rộng hợp tác kinh tế song phương ra các lĩnh vực khác như nông nghiệp, y tế và môi trường, như đã nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2007. Nhưng có lẽ sẽ phải mất một thời gian nữa lễ khởi công dự án đường sắt liên Triều mới diễn ra.

Việc kết nối đường sắt liên Triều sẽ chỉ có thể được tiến hành khi Liên hợp quốc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Bắc Triều Tiên. Thứ trưởng Địa chính và Giao thông Hàn Quốc Kim Jeong-ryeol cho rằng, nếu các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ, tuyến đường sắt dọc biển Đông có thể được mở trong khoảng thời gian nhanh nhất là bốn năm, hoặc sẽ là sáu tới bảy năm, với điều kiện việc xây dựng đoạn nối Gangneung - Jejin được hoàn thành và các vấn đề khác được giải quyết. Nhưng khó mà nói rằng việc kết nối sẽ đảm bảo việc đưa tuyến đường sắt liên Triều đi vào hoạt động. Kể cả sau khi việc xây dựng được hoàn thành, cần phải kiểm tra độ an toàn của chúng. Thậm chí hệ thống điều khiển và tín hiệu của hai miền cũng khác nhau, nên hai bên cũng phải thống nhất về vấn đề này. Xem xét tất cả các yếu tố trên, tôi ước tính rằng phải mất bốn năm, hoặc sáu tới bảy năm mới hoàn thành được việc kết nối đường sắt liên Triều.

Việc dỡ bỏ cấm vận đối với Bắc Triều Tiên phải được Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Quốc hội Mỹ thông qua. Vì vậy, Hàn Quốc cần tránh vội vàng thúc đẩy các dự án kinh tế với miền Bắc và thay vào đó, kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng đường sắt của nước này trước nhất. Nếu Seoul và Bình Nhưỡng thực sự muốn thực hiện Tuyên bố Bàn Môn Điếm dựa trên quan điểm chung tại cuộc hội đàm về hợp tác đường sắt vừa qua, hai bên sẽ tiến gần hơn đến giấc mơ kết nối các tuyến đường sắt hai miền.

Lựa chọn của ban biên tập