Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 lần thứ ba tại Bình Nhưỡng

2018-09-20

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un vừa tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương kéo dài ba ngày, bắt đầu từ ngày 18/9, nhằm mang đến một bước ngoặt quan trọng trong việc thiết lập hòa bình dài lâu trong khu vực.Đây là hội nghị thượng đỉnh liên Triều thứ ba giữa Tổng thống Moon và Chỉ tịch Kim, sau hội nghị đầu tiên tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm vào ngày 27/4 và hội nghị thứ hai vào ngày 26/5. Đây cũng là chuyến thăm tới Bắc Triều Tiên đầu tiên của Tổng thống Moon kể từ khi nhậm chức. Tại cuộc hội đàm mang tính điểm mốc này, hai nhà lãnh đạo đã công bố “Tuyên bố chung Bình Nhưỡng tháng 9”. Hãy cùng lắng nghe Giáo sư Choi Soon-mi từ Viện nghiên cứu thống nhất trường Đại học Ajou phân tích về tầm quan trọng và thành quả của sự kiện trên.


Hội nghị thượng đỉnh vừa qua là cuộc gặp thứ ba giữa lãnh đạo của hai miền Nam-Bắc dưới thời Chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in. Năm nay, hội nghị thượng đỉnh liên Triều đã diễn ra trước, theo sau là hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ và Mỹ-Triều. Điều này cho thấy đối thoại liên Triều đã mở đường cho hội đàm Mỹ-Triều cũng như Hàn-Mỹ. Nếu so sánh với trước đây, một chuỗi các cuộc hội đàm như vậy là khá bất thường. Cuộc gặp thượng đỉnh vừa qua cũng đã được chủ trì bởi hai miền Nam-Bắc bán đảo Hàn Quốc. Tôi cho rằng đây là điều hết sức quan trọng.


Tự đặt mình là người điều phối giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ trong hội đàm Mỹ-Triều về phi hạt nhân hóa, Tổng thống Moon Jae-in một lần nữa lại khuấy đảo vũ đài ngoại giao thông qua hội nghị thượng đỉnh liên Triều mới nhất. Dư luận quốc tế rất quan tâm tới việc liệu chuyến thăm tới Bình Nhưỡng của Tổng thống Hàn Quốc sẽ giúp cải thiện tiến trình đối thoại Mỹ-Triều đang lâm vào bế tắc, bất chấp giai đoạn thuận lợi ngay sau hội nghị thượng đỉnh song phương vào tháng 6, hay không. Kỳ vọng đã được đặt ra cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Bình Nhưỡng ngay từ khi bắt đầu.


Đích thân Chủ tịch Kim Jong-un và vợ là bà Ri Sol-ju đã tới sân bay quốc tế Bình Nhưỡng. Quả là ấn tượng khi chứng kiến cái ôm chào đón nồng nhiệt giữa Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Kim, cũng như cuộc gặp gỡ và trò chuyện giữa các Đệ nhất phu nhân. Ông Moon và ông Kim đã đi cùng xe, diễu hành qua các đường phố của thủ đô Bình Nhưỡng. Tổng thống Hàn Quốc còn gặp gỡ, bắt tay người dân thủ đô. Hai nhà lãnh đạo đã tổ chức hội đàm thượng đỉnh ngay trong ngày đầu tiên, khác với hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều trước đó vào năm 2000 và 2007. Điều này phản ánh quyết tâm mạnh mẽ nhằm thảo luận một cách kỹ lưỡng các vấn đề còn tồn tại và mau chóng đạt được một thỏa thuận.


Ngay từ lúc bắt đầu, hội nghị thượng đỉnh tại Bình Nhưỡng vừa qua đã được tiến hành trái với thông lệ. Đây là lần đầu tiên Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-un tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Bình Nhưỡng, và ông Kim đã tiếp đón Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với nghi lễ ở mức cao nhất. Dường như nhận thấy các kỳ vọng rất cao về thành công của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai, cũng như sự cải thiện trong quan hệ liên Triều, hai nhà lãnh đạo đã ngồi vào bàn họp ngay trong ngày đầu tiên. Ông Moon và ông Kim đã công bố kết quả của cuộc hội đàm vào ngày thứ hai, 19/9.


Tất nhiên, phần thu hút được nhiều sự chú ý nhất chính là việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên. Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vừa qua đã không đạt được các kỳ vọng về việc miền Bắc tiết lộ danh sách các cơ sở hạt nhân, hay Chủ tịch Kim Jong-un sẽ trực tiếp đề cập tới cụm từ “phi hạt nhân hóa”. Nhưng Tuyên bố chung Bình Nhưỡng đã đề cập tới các bước phi hạt nhân hóa miền Bắc, bao gồm việc đóng cửa vĩnh viễn bãi thử nghiệm động cơ và bệ phóng tên lửa tại xã Dongchang (huyện Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan), và cả các biện pháp cộng thêm, như việc phá dỡ vĩnh viễn cơ sở hạt nhân Yongbyon, tỉnh Bắc Pyongan. Như chúng ta đều biết, phi hạt nhân hóa hoàn toàn là điều không thể đạt được một sớm một chiều. Hơn nữa, vấn đề này không chỉ liên quan tới hai miền Nam-Bắc mà còn cả Mỹ nữa. Nếu cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều vừa qua mở đường thành công cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai, hoặc tạo ra điều kiện thuận lợi cho hội đàm giữa Washington và Bình Nhưỡng về những vấn đề trên, tôi cho đó là một tiến triển đầy ý nghĩa.


Bắc Triều Tiên được cho là đã bắt đầu dỡ bỏ bãi thử nghiệm tên lửa tại xã Dongchang (huyện Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan) vào tháng 7. Nhưng động thái này chưa hề được kiểm chứng, khác với việc phá hủy bãi thử hạt nhân tại xã Punggye vào tháng 5, khi miền Bắc đã mời các phóng viên nước ngoài tới chứng kiến sự kiện. Đó là lý do vì sao Washington nghi ngờ sự thành thật của Bình Nhưỡng. Do đó, việc đóng cửa vĩnh viễn bãi thử tên lửa tại xã Dongchang có nghĩa về một mặt nào đó, miền Bắc sẽ chấp nhận yêu cầu kiểm chứng của Mỹ. Các biện pháp phi hạt nhân hóa được nhất trí thông qua tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều vừa qua đang được kỳ vọng sẽ được thảo luận kỹ lưỡng tại hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ dự kiến diễn ra vào ngày 25/9 sắp tới. Bên cạnh các biện pháp phi hạt nhân hóa cụ thể, Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Kim Jong-un còn nhất trí nhiều vấn đề khác.


Tuyên bố Bình Nhưỡng cho thấy cam kết của hai miền Nam-Bắc nhằm chấm dứt sự thù địch quân sự kéo dài nhiều thập niên và duy trì hòa bình. Hai bên đã nhất trí tổ chức lễ khởi công việc kết nối các tuyến đường sắt và đường bộ liên Triều trong năm nay. Hai miền cũng cho thấy quyết tâm bình thường hóa hoạt động của khu công nghiệp liên Triều Gaesung và chương trình du lịch tới núi Geumggang ở Bắc Triều Tiên, cũng như thảo luận vấn đề thiết lập đặc khu kinh tế dọc biển Tây và đặc khu du lịch dọc biển Đông. Tuyên bố này còn bao gồm các nỗ lực nhân đạo hướng tới các gia đình bị ly tán bởi chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), như Chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in đã liên tục yêu cầu. Thêm vào đó, hai bên quyết định tổ chức trao đổi trên nhiều lĩnh vực, bao gồm văn hóa, nghệ thuật và thể thao. Một điểm đáng lưu ý khác là nhà lãnh đạo miền Bắc đã hứa sẽ có chuyến thăm lại Seoul một ngày gần đây. Tổng thống Moon còn cho biết thêm nếu không có đột biến, chuyến thăm này sẽ diễn ra trong năm nay. Do đó, chúng ta có thể kỳ vọng vào một hội nghị thượng đỉnh liên Triều nữa trong năm nay.

Lựa chọn của ban biên tập