Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc

2018-09-27

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 lần thứ ba diễn ra tại Bình Nhưỡng vào tuần trước, một hội nghị thượng đỉnh nữa giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ rất có thể sẽ diễn ra, bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay sẽ sớm tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un. Ông Trump đã đưa ra phát biểu trên trong cuộc hội đàm thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 24/9 vừa qua bên lề kháo họp 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ). Tại hội nghị, ông Moon và ông Trump cũng đã thảo luận vấn đề tuyên bố chấm dứt chính thức chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), đẩy cao kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ đàm phán Mỹ-Triều về phi hạt nhân hóa vốn đang bế tắc. Hãy cùng lắng nghe Giáo sư Park Won-gon đến từ trường Đại học Quốc tế Handong, phân tích sâu hơn.


Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ vừa qua rõ ràng đã mang lại một bước đột phá cho đàm phán Mỹ-Triều vốn đang bế tắc. Hội nghị thượng đỉnh liên Triều trong tháng 4 và Mỹ-Triều trong tháng 6 đã nhất trí về mặt nguyên tắc việc phi hạt nhân hóa miền Bắc, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa hề có tiến triển nào. Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên và Mỹ đang thử cách tiếp cận từ trên xuống, nhằm giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa thông qua một thỏa thuận lớn. Do đó, hội đàm giữa các nhà lãnh đạo là vô cùng quan trọng. Seoul và Bình Nhưỡng ở một mức độ nào đó, đã nhất trí về các biện pháp phi hạt nhân hóa rất tích cực trong hội nghị thượng đỉnh song phương diễn ra vào tuần trước, và điều tối quan trọng là phải thực thi các biện pháp đó thông qua hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai. Cuộc hội đàm thượng đỉnh mới nhất giữa Tổng thống Moon Jae-in và Tổng thống Trump là rất có ý nghĩa, bởi nó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho một hội nghị thượng đỉnh nữa giữa Bình Nhưỡng và Washington.


Hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-un hồi tuần trước đã mang lại một bước đột phá quan trọng khai thông bế tắc trong đàm phán Mỹ-Triều về phi hạt nhân hóa. Tại sự kiện trên, Chủ tịch Kim đã chính thức thể hiện cam kết phi hạt nhân hóa. Cuộc hội đàm Moon-Kim không tiết lộ các biện pháp hoặc lộ trình phi hạt nhân hóa cụ thể mà Mỹ đã yêu cầu. Nhưng sau khi trở về từ hội nghị thượng đỉnh liên Triều kéo dài ba ngày, vào ngày 20/9, Tổng thống Moon đã phát biểu rằng ông có một thông điệp bí mật từ Chủ tịch Kim tới Tổng thống Mỹ Donald Trump.


Tôi cho rằng thông điệp bí mật trên chính là về các biện pháp “có đi có lại” của Washington và các bước phi hạt nhân hóa cộng thêm của Bình Nhưỡng. Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un có thể đã thảo luận với Tổng thống Moon Jae-in những gì ông này muốn từ Mỹ, bao gồm việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh, cũng như các biện pháp cộng thêm của miền Bắc, hơn là việc phá dỡ cơ sở hạt nhân Yongbyon, tỉnh Bắc Pyongan của nước này. Tôi đoán rằng ông Moon đã thảo luận các vấn đề trên với Tổng thổng Mỹ Donald Trump trong cuộc hội đàm song phương vừa qua. Nếu các biện pháp tương ứng của Washington được tiến hành đồng bộ từng bước một với các biện pháp cộng thêm của Bình Nhưỡng, điều này sẽ cấu thành một lộ trình đáng mong đợi cho sự phi hạt nhân hóa miền Bắc.


Sau Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ vừa qua, Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho hay hai nhà lãnh đạo đã thảo luận kỹ lưỡng vấn đề tuyên bố chấm dứt chiến tranh, cũng như thời gian và địa điểm có khả năng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai. Đáng chú ý, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rõ ông kỳ vọng tổ chức hội đàm lần thứ hai với Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-un, và rằng đã có tiến triển to lớn với Bình Nhưỡng. Phát biểu này cho thấy đối thoại Mỹ-Triều vốn đã bị chững lại kể từ hội nghị thượng đỉnh song phương hồi tháng 6, có thể được trở lại đúng quỹ đạo. Các nhà phân tích dự đoán rằng sự kiện trên có thể sẽ được tổ chức trong tháng 10.


Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tốt nhất nên được tổ chức trong tháng 10, xét đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 6/11. Theo sau hội đàm thượng đỉnh và trước cuộc bầu cử ở Mỹ, các bên có thể đưa ra tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Nhưng trước tiên, Bình Nhưỡng và Washington cần phải tổ chức hội đàm cấp chuyên viên nhằm thảo luận về thời gian, địa điểm và cách thức tổ chức chính xác cho hội nghị thượng đỉnh song phương. Tôi cho rằng Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun và có thể là Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên Choi Son-hui, sẽ sớm bắt đầu thảo luận cấp chuyên viên tại thủ đô Viên (Áo). Một khi cuộc thảo luận này được tổ chức, các chi tiết về thời gian và địa điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều có thể sẽ được công bố.


Bình Nhưỡng và Washington đang được cho là sẽ có một cuộc “mặc cả” về địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ hai, vốn có thể quyết định phương hướng căn bản cho việc phi hạt nhân hóa và tuyên bố chấm dứt chiến tranh. Nhưng quan trọng hơn, hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Hàn-Mỹ vừa qua, cũng như hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai sắp diễn ra, được cho là sẽ mang lại xung lực tươi mới cho hội đàm về phi hạt nhân hóa dường như đang được khôi phục. Nếu hội đàm thượng đỉnh Mỹ-Triều thu về thành quả tích cực, một lịch trình cụ thể về việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh rất có thể sẽ được lên kế hoạch.


Điều then chốt là liệu việc chấm dứt chiến tranh có được công bố hay không. Bắc Triều Tiên cho biết sẽ phá dỡ cơ sở hạt nhân Yongbyon, tỉnh Bắc Pyongan, với hy vọng có thể tuyên bố chấm dứt chiến tranh. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã thảo luận kỹ lưỡng vấn đề này. Chính phủ Hàn Quốc đã xúc tiến việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh trong năm nay, như đã công bố trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 27/4. Nếu việc chấm dứt chiến tranh không được tuyên bố trong năm nay, điều này có nghĩa quá trình phi hạt nhân hóa miền Bắc đã không có tiến triển. Bởi vấn đề tuyên bố chấm dứt chiến tranh liên quan đến các bước phi hạt nhân hóa Bình Nhưỡng, hai biện pháp này nên được tiến hành song song. Đó là lý do vì sao Tổng thống Moon đang nỗ lực đạt được tuyên bố chấm dứt chiến tranh trong năm nay.


Trong một bài phỏng vấn với kênh Fox News (Mỹ) ngày 25/9 (theo giờ địa phương), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-in nói rằng ông và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thảo luận khả năng kết thúc chính thức chiến tranh Triều Tiên. Ông tin tưởng các thỏa thuận về phi hạt nhân hóa sẽ được thực thi một cách đúng đắn, bởi lãnh đạo của Mỹ và hai miền Nam-Bắc đang cam kết hết sức mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề an ninh trên. Bên cạnh đó, bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc của Tổng thống Trump cũng cho thấy sự thay đổi thái độ của ông này với miền Bắc.


Bài phát biểu vừa qua tại Liên hợp quốc của Tổng thống Trump đối lập hoàn toàn với bài phát biểu hồi tháng 9 năm ngoái, khi ông này tuyên bố nước Mỹ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc hủy diệt hoàn toàn Bắc Triều Tiên, nếu buộc phải bảo vệ chính mình và các đồng minh. Đối với Tổng thống Trump, đó là những từ ngữ nặng nề nhất nhắm vào miền Bắc. Nhưng năm nay, thái độ của ông Trump khác một trời một vực. Ông bày tỏ lời cảm ơn Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un vì sự dũng cảm và các bước đi mà ông này đã tiến hành. Ông Trump cũng đã đề cập tới vấn đề miền Bắc trong phần đầu của bài phát biểu, khoe rằng đó là một thành tựu của chính quyền Mỹ. Nếu so sánh với trước đây, Tổng thống Mỹ dường như đã thân thiện hơn với miền Bắc, và bài phát biểu của ông Trump đã cho thấy kỳ vọng và khả năng ngày một lớn về việc phi hạt nhân hóa nước này.


Phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 25/9 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng Washington đang tiếp xúc với Bình Nhưỡng nhằm “thay thế nỗi ám ảnh xung đột bằng một nỗ lực mới mẻ và táo bạo vì hòa bình.” Thế nhưng, cẫn cần phải chờ đợi và dõi xem liệu bước ngoặt to lớn trong quan hệ Mỹ-Triều chỉ trong vòng một năm qua có thể dẫn tới sự phi hạt nhân hóa miền Bắc và cải thiện trong quan hệ song phương, hay không.

Lựa chọn của ban biên tập