Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Ngoại trưởng MỹMike Pompeo thăm miền Bắc, hội đàm với Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un ngày 7/10

2018-10-04

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

Đàm phán Mỹ-Triều về phi hạt nhân hóa dường như đã trở lại đúng quỹ đạo. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 2/10 cho hay Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ tới thăm Bắc Triều Tiên vào ngày 7/10 tới, để gặp nhà lãnh đạo nước này là Kim Jong-un. Sự chú ý đang được hướng tới thành quả chuyến thăm Bình Nhưỡng sắp tới của ông Pompeo, chuyến thăm thứ tư của ông này đến miền Bắc chỉ trong vòng ba tháng. Hãy cùng lắng nghe Giáo sư Kim Yong-hyun đến từ khoa Nghiên cứu Bắc Triều Tiên, Đại học Dongguk, phân tích sâu hơn.


Bản thân chuyến thăm tới Bắc Triều Tiên của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã là vô cùng quan trọng, bởi chuyến thăm này đang được kỳ vọng sẽ phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán Mỹ-Triều về phi hạt nhân hóa. Một điểm quan trọng nữa chính là việc chuyến thăm này sẽ dàn xếp hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa hai nước. Rất khó để nói rằng chuyến thăm thứ ba tới Bình Nhưỡng của ông Pompeo hồi tháng 7 đã thu về thành quả tích cực. Nhưng lần này, xem xét tới công bố chính thức về kế hoạch trên của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhất là về cuộc gặp với nhà lãnh đạo miền Bắc vào ngày 7/10, có thể thấy người đứng đầu cơ quan này sẽ có chuyến thăm quan trọng nhằm tìm kiếm tiến triển trong quan hệ Mỹ-Triều.


Ban đầu, chuyến thăm thứ tư tới Bắc Triều Tiên của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được lên kế hoạch diễn ra vào cuối tháng 8, nhưng Tổng thống Donald Trump đã hủy sự kiện trên, đổ lỗi cho sự trì trệ trong quá trình phi hạt nhân hóa miền Bắc. Quan hệ Bình Nhưỡng-Washington đã lâm vào bế tắc kể từ đó. Bởi vậy, bản thân chuyến thăm Bình Nhưỡng của ông Pompeo đã cho thấy tiến triển trong mối quan hệ song phương. Nhiều người cho rằng chính Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 lần thứ ba tại Bình Nhưỡng hồi tháng trước, đã tạo điều kiện thuận lợi, khiến chuyến thăm sắp tới của ông Pompeo trở thành hiện thực. 


Tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra tại Bình Nhưỡng tháng 9 vừa qua, hai miền Nam-Bắc đã ký thỏa thuận quân sự mới, trong đó Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-un đã cho thấy cam kết mạnh mẽ tiến tới phi hạt nhân hóa. Tôi tin rằng chính điều này đã đóng góp lớn trong việc tạo ra bầu không khí ngoại giao tích cực giữa Bình Nhưỡng và Washington. Tôi cho rằng Bắc Triều Tiên và Mỹ đã tìm ra tiếng nói chung cho đối thoại, dựa trên thành quả của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Bình Nhưỡng vừa qua.Về vấn đề phi hạt nhân hóa, Mỹ khăng khăng rằng miền Bắc phải tiết lộ kế hoạch hoặc lịch trình cụ thể và có những biện pháp cần thiết trước, trong khi Bắc Triều Tiên yêu cầu đưa ra tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Hai bên đã không thể đạt được thỏa thuận về vấn đề này, nhưng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dường như đã dàn xếp quan điểm giữa họ như một người trung gian điều đình, khiến chuyến thăm tới Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo trở thành hiện thực sớm hơn kỳ vọng.


Trong khi đó, Bắc Triều Tiên hôm 3/10 cho hay nước này sẽ không theo đuổi tuyên bố chấm dứt chiến tranh nếu Mỹ không mong muốn. Bình Nhưỡng cũng nói thêm tuyên bố chấm dứt chiến tranh không nên được sử dụng như một biện pháp mặc cả trong vấn đề phi hạt nhân hóa. 


Bắc Triều Tiên đang đề ra cơ sở chính trị nhằm thu được nhiều nhượng bộ hơn từ phía Mỹ. Phát biểu trên, nghe thì có vẻ nghịch lý, hàm ý rằng Washington cần phải trao cho Bình Nhưỡng một món quà, chính là tuyên bố chấm dứt chiến tranh. Điều mà miền Bắc đang cố gắng diễn tả chính là sẽ rất khó cho nước này có bước đi tiếp theo, trừ phi Mỹ chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo Hàn Quốc. Nói cách khác, Bình Nhưỡng đang dùng vấn đề trên như một biện pháp để gây sức ép với Washington.


Dường như Bắc Triều Tiên đang có một cuộc chiến cân não với Mỹ trước thềm chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo. Giờ đây, sự chú ý đang được hướng tới việc liệu cuộc gặp giữa ông Pompeo và Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-un sẽ quyết định thời gian và địa điểm cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai hay không, và hai bên sẽ thảo luận các biện pháp phi hạt nhân hóa cũng như tuyên bố chấm dứt chiến tranh cụ thể đến đâu. Các biện pháp phi hạt nhân hóa ở đây chính là việc phá dỡ và thanh tra các cơ sở hạt nhân của miền Bắc–một chủ đề đã được thảo luận chính thức theo sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tháng 9 vừa qua. 


Điều then chốt là liệu Bắc Triều Tiên và Mỹ có đạt được thỏa hiệp về vấn đề phi hạt nhân hóa và tuyên bố chấm dứt chiến tranh hay không. Điểm quan trọng mà chúng ta có thể tập trung vào chính là liệu Bình Nhưỡng có thể đáp ứng yêu cầu của Washington trên một mức độ nào đó, và Ngoại trưởng Mỹ Pompeo sẽ đưa ra câu trả lời gì với miền Bắc liên quan tới vấn đề tuyên bố chấm dứt chiến tranh. Một điểm đáng lưu ý khác chính là liệu hai bên sẽ chốt lại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai trong chuyến thăm Bình Nhưỡng sắp tới của ông Pompeo hay không.


Bắc Triều Tiên và Mỹ đã trải qua khoảng thời gian lạnh nhạt, và Bình Nhưỡng đã yêu cầu đưa ra tuyên bố chấm dứt chiến tranh và giảm nhẹ cấm vận, trong khi Washington cho rằng miền Bắc nên có các biện pháp phi hạt nhân hóa thực tiễn trước.Tuy nhiên, liên quan tới chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Pompeo, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng đàm phán phi hạt nhân hóa đang đi đúng hướng. Lần này, Washington thậm chí còn tiết lộ trước kế hoạch về cuộc gặp giữa ông Pompeo và nhà lãnh đạo miền Bắc – một điều chưa hề có tiền lệ trong ba chuyến thăm trước đây của ông này tới Bắc Triều Tiên. Điều này cho thấy rằng hai nước có thể đã gần đạt được một thỏa thuận về phi hạt nhân hóa và các biện pháp tương ứng. Và nếu thời gian cũng như địa điểm của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai được chốt lại, đây sẽ là một bước ngoặt quan trọng cho sự thiết lập một cơ chế hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc không có hạt nhân. 


Sau chuyến thăm miền Bắc của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo vào cuối tuần này, điều quan trọng nhất cần phải theo dõi chính là liệu hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai có diễn ra hay không. Đối với Washington, sẽ là lý tưởng nếu kết quả chuyến thăm Bình Nhưỡng của ông Pompeo sẽ dẫn tới một cuộc hội đàm nữa giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-un trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ ngày 6/11.


Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun sẽ tới thăm Bình Nhưỡng cùng Ngoại trưởng Pompeo. Sự chú ý đang tập trung vào việc liệu miền Bắc và Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận lớn về những gì Washington mong muốn là phi hạt nhân hóa, và những gì Bình Nhưỡng mong muốn là tuyên bố chấm dứt chiến tranh, trong cuộc gặp giữa ông Pompeo và nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un ngày 7/10 tới, hay không. 

Lựa chọn của ban biên tập