Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Lập trường của Seoul về đàm phán phi hạt nhân hóa và cấm vận với Bình Nhưỡng

2018-10-18

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Trong khi Mỹ dường như đang tăng cường sức ép với Bắc Triều Tiên, hai miền Nam-Bắc bán đảo Hàn Quốc vừa nhất trí khởi động dự án kết nối tuyến đường sắt và đường bộ xuyên biên giới trong năm nay. Cùng lúc đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhân chuyến công du châu Âu đã đề nghị Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nới lỏng cấm vận với miền Bắc với nhận định rằng Bình Nhưỡng đang có những biện pháp phi hạt nhân hóa thực chất. Phát biểu trên của Tổng thống Moon thu hút sự chú ý lớn của dư luận. Hãy cùng lắng nghe ông Chung Young-tae, Viện trưởng Viện nghiên cứu Bắc Triều Tiên, phân tích một loạt tin tức vừa qua liên quan đến các lệnh cấm vận miền Bắc.


Seoul và Bình Nhưỡng đã nhất trí tổ chức lễ khởi công dự án kết nối tuyến đường sắt và đường bộ dọc phía Tây và phía Đông bán đảo Hàn Quốc trong năm nay, có thể là vào cuối tháng 11. Trong quá trình tiến hành khảo sát thực địa nhằm kết nối tuyến đường sắt, Hàn Quốc có thể đưa các trang thiết bị công nghiệp cũng nhưsắt thép vào miền Bắc. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc lại cấm việc cung cấp máy móc công nghiệp, sắt thép và dầu mỏ cho Bình Nhưỡng.


Ngày 15/10 vừa qua, trong cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 9, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã nhất trí thúc đẩy lễ khởi công dự ánkết nối tuyến đường sắt và đường bộ bị cắt rời vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 năm nay. Trong dự án này, Hàn Quốc cần phải cung cấp cho miền Bắc một lượng lớn các vật liệu xây dựng, trang thiết bị hạng nặng, dầu, cũng như khoản viện trợ tài chính lớn. Tuy nhiên, do Bình Nhưỡng đang phải chịu các lệnh cấm vận quốc tế, nên việc cung cấp hàng hóa và trang thiết bị tới miền Bắc gần như là không thể. Hơn nữa, Seoul cũng cần phải xem xét tới lập trường của Washington, vốn đang có một cuộc “giằng co” với Bình Nhưỡng về vấn đề phi hạt nhân hóa.


Dự án đường sắt liên Triều có thể khiến Mỹ cảm thấy không thoải mái vì hai lý do. Thứ nhất, việc Hàn Quốc cung cấp sắt thép và máy móc cho miền Bắc dưới danh nghĩa kết nối đường sắt, có thể làm suy yếu, mặc dù nhỏ, các lệnh cấm vận quốc tế với Bắc Triều Tiên. Thứ hai, Washington đã tổ chức đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng, cùng lúc đó vẫn duy trì cấm vận với chính quyền nước này như đòn bẩy. Nhưng nếu Seoul xúc tiến đối thoại với Bình Nhưỡng hoặc thúc đẩy quan hệ song phương quá nhanh mà không xem xét tới lập trường của Washington, các lệnh cấm vận sẽ trở nên kém hiệu quả. Mỹ đang lo ngại về các khả năng này.


Mỹ rất nhạy cảm với động thái của Hàn Quốc nhằm tiến hành trao đổi kinh tế với miền Bắc, nhắc lại quan điểm của Washington rằng trước tiên Bình Nhưỡng nên phi hạt nhân hóa rồi cấm vận sẽ được nới lỏng. Điều này có nghĩa là dự án liên Triều nhằm kết nối tuyến đường sắt và đường bộ có thể vi phạm chính các lệnh cấm vận của Washington với Bình Nhưỡng. Trong chuyến công du châu Âu lần này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã trình bày tầm nhìn trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên bằng cách giảm nhẹ cấm vận một khi quá trình phi hạt nhân hóa đạt tới một ngưỡng không thể đảo ngược.


Chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in tin rằng sự cải thiện trong quan hệ liên Triều cũng quan trọng như vấn đề phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, và rằng cấm vận với miền Bắc là cực kỳ bất lợi cho quan hệ liên Triều. Nói cách khác, Chính phủ Hàn Quốc cho rằng quan hệ liên Triều có thể được cải thiện khi cấm vận được giảm nhẹ về một mặt nào đó. Đó là lý do vì sao Tổng thống Moon đang tích cực nhấn mạnh quan điểm rằng: Bình Nhưỡng cần phải có các biện pháp phi hạt nhân hóa thành thật, cùng lúc đó cộng đồng quốc tế cần phải nới lỏng cấm vận với miền Bắc.  


Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã hối thúc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giảm nhẹ cấm vận với Bắc Triều Tiên trong cuộc hội đàm thượng đỉnh song phương hôm 15/10. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Hàn Quốc yêu cầu một thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc phải có vai trò trong việc nới lỏng cấm vận với miền Bắc.Từ trước nay, Chính phủ Hàn Quốc luôn ủng hộ lập trường kiên định của Washington rằng “phi hạt nhân hóa trước, nới lỏng cấm vận sau.” Tuy nhiên, thể hiện một sự thay đổi quan điểm khá rõ ràng, Tổng thống Moon Jae-in đã đề xuất giảm nhẹ hay gỡ bỏ cấm vận để giúp đẩy nhanh quá trình phi hạt nhân hóa miền Bắc. Ông Moon tin rằng việc nới lỏng cấm vận sẽ thuyết phục Bình Nhưỡng rằng nước này đã lựa chọn đúng khi từ bỏ phát triển vũ khí hạt nhân, và sẽ là chất xúc tác cho sự phi hạt hóa hoàn toàn Bắc Triều Tiên. Dù vậy, cộng đồng quốc tế vẫn còn thờ ơ với ý kiến của Tổng thống Moon.


Đáp lại yêu cầu giảm nhẹ cấm vận của Tổng thống Moon Jae-in, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì cấm vận cho tới khi Bắc Triều Tiên có những bước đi trọng yếu tiến tới phi hạt nhân hóa. Tôi cho rằng Tổng thống Pháp đã nói những gì có thể. Là lãnh đạo của một nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, ông Macron cần phải xem xét tới quan hệ Pháp-Mỹ.Đối với Hàn Quốc, nước này cần phải thể hiện một cách rõ ràng với các quốc gia châu Âu rằng Seoul đang tích cực thuyết phục Bình Nhưỡng có các biện pháp chân thành liên quan tới phi hạt nhân hóa, và rằng các nỗ lực của Seoul đã thực sự thu về phản ứng tích cực từ Bình Nhưỡng. Hàn Quốc nên nhấn mạnh điều này nhằm lôi kéo Liên minh châu Âu (EU).


Tổng thống PhápEmmanuel Macron đã nhắc lại nguyên tắc “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” (CVID), và đưa cụm từ này vào tuyên bố chung được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Pháp-Hàn vừa qua. Bất chấp lập trường mạnh mẽ của Tổng thống Pháp về vấn đề này, Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho rằng vẫn cần phải đưa vấn đề giảm nhẹ cấm vận với miền Bắc lên nghị trình của các buổi thảo luận quốc tế. Tổng thống Moon Jae-in dự định sẽ đưa ra yêu cầu tương tự về nới lỏng cấm vận, trong các cuộc gặp riêng với lãnh đạo Anh và Đức ngày 19/10 bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) tại Bỉ. Ông Moon đang tiếp cận cộng đồng quốc tế một cách chân thành để thúc đẩy nền hòa bình dài lâu trên bán đảo Hàn Quốc.Tuy nhiên, nỗ lực của ông Moon sẽ chỉ có thể đơm hoa kết trái khi Bắc Triều Tiên cho thấy sự chân thành và sẵn sàng phi hạt nhân hóa.

Lựa chọn của ban biên tập