Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai rất có khả năng diễn ra vào năm sau

2018-10-25

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Trong một phát biểu tại Nga ngày 22/10 vừa qua, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton cho hay hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai có thể sẽ được tổ chức đầu năm sau. Đây là phát ngôn công khai chính thức đầu tiên của một quan chức Nhà Trắng về thời gian có thể diễn ra sự kiện này. Hãy cùng lắng nghe Giáo sư Jin Hee-gwan đến từ khoa Thống nhất Đại học Inje phân tích sâu hơn.


Dựa trên phát biểu của Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton, tôi cho rằng Bắc Triều Tiên và Mỹ vẫn chưa hoàn thành các công việc chuẩn bị cụ thể liên quan tới hội nghị thượng đỉnh song phương, như địa điểm, thời gian và các chủ đề thảo luận. Washingon sẽ tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo trong vòng hai năm tới. Nhưng chính Bình Nhưỡng mới là bên chịu sức ép về thời gian. Cũng trong năm 2020, miền Bắc sẽ tổ chức Đại hội đảng Lao động Bắc Triều Tiên lần thứ 8và đánh giá kết quả kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm. Nhưng để thu về những kết quả có thể trông thấy của kế hoạch kinh tế trong khoảng thời gian trên, nước này cần phải hành động ngay từ bây giờ. Đó là lý do vì sao miền Bắc không thể mất thêm thời giờ. Nếu Mỹ trì hoãn đàm phán với Bắc Triều Tiên, Bình Nhưỡng có thể cảm thấy lo sợ và mất kiên nhẫn.


Mỹ đang sử dụng thời gian để gây sức ép, buộc Bắc Triều Tiên phải có các biện pháp phi hạt nhân hóa cộng thêm, trong khi Bình Nhưỡng đang chuyển hướng tập trung từ tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) sang giảm nhẹ cấm vận với miền Bắc. Cuộc chiến cân não giữa hai bên có lẽ đã làm tăng khả năng trì hoãn hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ hai tới đầu năm sau. Cả hai phía đều có những tính toán phức tạp khi chuẩn bị cho sự kiện này. Nếu Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên tại Singapore hồi tháng 6 đã đề ra nguyên tắc cơ bản về một bán đảo Hàn Quốc không hạt nhân và hòa bình trong khu vực, thì hội đàm thượng đỉnh song phương lần thứ hai cần đem lại những kết quả cụ thể hơn.


Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai sắp tới, miền Bắc được kỳ vọng sẽ tổ chức một chuỗi các cuộc hội đàm thượng đỉnh với các quốc gia khác. Bởi nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un đã tới thăm Trung Quốc ba lần trong năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được kỳ vọng không sớm thì muộn sẽ tới thăm Bình Nhưỡng. Chủ tịch Kim Jong-un cũng rất có thể sẽ tới Nga trong năm nay. Hơn nữa, hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư giữa ông Kim và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có thể sẽ được tổ chức tại Seoul cũng trong năm nay. Tuy nhiên, việc hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai bị trì hoãn có thể sẽ ảnh hưởng tới lịch trình của những cuộc hội đàm thượng đỉnh nói trên.


Bởi Mỹ đang điều chỉnh lại tiến độ, nhiều người dự đoán rằng chuyến thăm Bắc Triều Tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và chuyến thăm Nga của Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-un, có thể cũng sẽ bị hoãn lại. Nếu hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều bị đình lại tới năm sau, kế hoạch đưa ra tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên trong năm nay cũng sẽ bị thay đổi.


Phần lớn các nhà phân tích kỳ vọng rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai chắc chắn sẽ dẫn tới việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh. Do đó, việc sự kiện trên bị trì hoãn sẽ khiến tuyên bố chấm dứt chiến tranh khó mà đạt được trong năm nay. Chưa hết, nếu hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều bị trì hoãn, dự án đường sắt liên Triều có thể chỉ kết thúc với lễ khởi công. Vậy thì sẽ rất khó cho Seoul và Bình Nhưỡng đẩy quan hệ song phương tiến xa hơn.


Chính phủ Hàn Quốc đã giả định rằng Bắc Triều Tiên và Mỹ sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ hai trong năm nay nhằm đạt được thỏa thuận về các biện pháp tương ứng của Washington đáp lại việc Bình Nhưỡng phá dỡ cơ sở hạt nhân Yongbyon, tỉnh Bắc Pyongan. Dựa vào động thái tích cực trên, miền Nam cũng kỳ vọng rằng Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-un sẽ tới thăm Seoul, và rằng ba nước Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên và Mỹ sẽ tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Nhưng việc hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai bị trì hoãn có thể sẽ ảnh hưởng tới chuyến thăm Seoul của nhà lãnh đạo miền Bắc.


Tôi cho rằng hai miền Nam-Bắc có thể tiến tới hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ tư nhằm mở đường cho việc giải quyết các vấn đề trên bán đảo Hàn Quốc một cách chủ động hơn. Trong Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Bình Nhưỡng hồi tháng 9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho hay nhà lãnh đạo miền Bắc sẽ tới thăm Seoul cuối năm nay, trừ trường hợp đặc biệt. Việc hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều bị trì hoãn không được xem là “trường hợp đặc biệt,” bởi đây không phải là vấn đề trong quan hệ liên Triều, mà là vấn đề giữa Bình Nhưỡng và Washington. Vì vậy, bất chấp lịch trình hội đàm thượng đỉnh Mỹ-Triều, chuyến thăm Seoul của Chủ tịch Kim Jong-un có thể sẽ diễn ra trong năm nay như đã định.


Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 23/10 cho biết vẫn kỳ vọng nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un tới thăm Seoul trong năm nay như kế hoạch. Nếu nhìn vào quá khứ, việc chuyến thăm tới Bắc Triều Tiên của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng 8 bị hủy đột ngột đã làm dấy lên suy đoán rằng hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 lần thứ ba có thể bị hoãn lại. Nhưng sự kiện trên đã diễn ra như dự kiến và góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho liên lạc Mỹ-Triều.


Tuy nhiên, vẫn còn đó những lo ngại trong nội bộ nước Mỹ rằng quan hệ liên Triều đang tiến triển quá nhanh. Các chi tiết cụ thể về tuyên bố chấm dứt chiến tranh và chuyến thăm Seoul của Chủ tịch Kim Jong-un sẽ chỉ được tiết lộ sau khi Bình Nhưỡng và Washington tổ chức hội đàm cấp cao và vạch ra những nội dung chính cho hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ hai.


Hội đàm cấp cao giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ, nếu được tổ chức, sẽ thảo luận các chi tiết về lộ trình và khung thời gian cho sự phi hạt nhân hóa miền Bắc. Tôi cho rằng hai bên sẽ tiến hành tiếp xúc cấp chuyên viên tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm trước khi họp cấp cao. Nếu hai nước thực sự sẽ tổ chức hội đàm cấp cao, điều này có nghĩa họ đã đạt tới giai đoạn điều chỉnh lịch trình và nghị trình cho hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ hai. Do đó, hội đàm cấp cao sẽ báo trước thành công của hội đàm thượng đỉnh.


Thời gian và địa điểm cụ thể cho hội đàm cấp cao Mỹ-Triều vẫn chưa được xác nhận, bởi Bình Nhưỡng chưa đưa ra thông báo chính thức nào. Bắc Triều Tiên đã nỗ lực tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với Mỹ kể từ tháng 9 thông qua cái gọi là “ngoại giao thư từ” giữa lãnh đạo hai nước. Và bởi vì hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai sẽ không thể diễn ra trong năm nay, sự chú ý đang đổ dồn vào phản ứng của Bình Nhưỡng.

Lựa chọn của ban biên tập