Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Hai miền Nam-Bắc và Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc hoàn tất phi vũ trang Khu vực an ninh chung

2018-11-01

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Khu vực an ninh chung (JSA) thuộc làng đình chiến Bàn Môn Điếm rất có thể là khu vực biên giới liên Triều đầu tiên chứng kiến sự giảm nhẹ căng thẳng quân sự. Chỉ mới một năm trước thôi, phía Bắc Triều Tiên đã nã súng vào một binh sĩ miền Bắc chạy trốn sang Hàn Quốc thông qua JSA. Nhưng khu vực từng rất căng thẳng này sẽ được tái sinh như một biểu tượng của hòa bình, bởi các quan chức quân đội của hai miền Nam-Bắc cùng Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc đã hoàn tất kiểm chứng chung việc phi vũ trang tại JSA. Hãy cùng lắng nghe ông Shin Beom-chul, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu chính sách Asan, phân tích những nỗ lực liên Triều nhằm biến JSA trở thành một khu vực không có vũ khí.


Sau khi ký kết Hiệp định đình chiến cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1953, các phòng họp của Hội đồng Giám sát các nước trung lập (NNSC) và Ủy ban đình chiến quân sự đã được bố trí trong Khu vực an ninh chung (JSA). Đúng như tên gọi, Bộ tư lệnh Liên hợp quốc và Bắc Triều Tiên đã cùng nhau kiểm soát khu vực này. Trong quá khứ, một số sự vụ trong khu vực này đã làm căng thẳng quân sự tăng lên. Chẳng hạn, một sự kiện đẫm máu đã xảy ra ngày 18/8/1976 khi quân đội Liên hợp quốc bị các binh sĩ miền Bắc tấn công trong lúc đang chặt một cây dương trong JSA. Khi đó, các binh sĩ Bắc Triều Tiên đã giết chết hai sĩ quan bằng rìu. Giờ đây, hai miền Nam-Bắc hy vọng có thể xây dựng lòng tin thông qua việc phi vũ trang khu vực đầy căng thẳng này.


Khu vực an ninh chung (JSA) có hình chữ nhật, rộng 800m từ phía Đông sang Tây và dài 400m từ Nam tới Bắc. Ban đầu, đây vốn là khu vực trung lập, nơi binh lính của cả hai miền Nam-Bắc được phép di chuyển tự do qua biên giới. Nhưng sau vụ việc tai tiếng năm 1976, đường ranh giới quân sự bên trong JSA đã được đánh dấu bằng một tấm bê-tông, và người của các bên bị cấm đi qua lằn ranh này. Các trạm gác an ninh của hai bên tự kiểm soát khu vực của mình. Kết quả là, hai miền Nam-Bắc đã đối đầu quân sự với nhau ngay tại Khu vực an ninh chung. Nhưng giờ đây, JSA chuẩn bị chào đón một thay đổi tích cực, sau 3 Hội nghị thượng đỉnh liên tiếp giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Ủy ban quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un trong năm nay.


Trong thỏa thuận quân sự được ký kết tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 9, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã khẳng định nguyên tắc phi vũ trang Khu vực an ninh chung và nhất trí về các biện pháp cụ thể nhằm thực hiện kế hoạch này. Theo đó, các biện pháp phi quân sự, bao gồm công tác gỡ mìn, rút binh lực, vũ khí và trạm gác tại JSA, được tiến hành từ ngày 1/10. Và trên thực tế, hai miền Nam-Bắc cùng Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc đã vừa hoàn tất kiểm chứng chung việc phi vũ trang tại khu vực này.


Theo thỏa thuận quân sự liên Triều, hai miền Nam-Bắc cùng Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc đã hoàn tất quá trình phi vũ trang Khu vực an ninh chung ngày 25/10 vừa qua, rút binh lực, vũ khí và trạm gác khỏi khu vực này. Trong hai ngày sau đó, ba bên đã tiến hành kiểm chứng chung nhằm xác nhận việc thực thi công tác phi vũ trang JSA. Kết quả là, JSA đã trở thành khu vực không có vũ khí lần đầu tiên sau 65 năm kể từ ngày thành lập.


Giờ đây, một trạm gác của phía Hàn Quốc sẽ được bố trí tại phần phía Bắc của JSA, trong lúc phía Bắc Triều Tiên bố trí một trạm gác ở phần phía Nam. Sự bố trí các trạm gác có phần bất thường trên là nhằm mục đích ngăn ngừa việc đào thoát qua khu vực này. Trước đây, việc dân thường vào Khu vực an ninh chung là rất hiếm, bởi lính gác của hai miền đối đầu trực diện với nhau đầy căng thẳng. Nhưng một khi JSA được phi vũ trang, dân thường và các khách du lịch từ hai miền sẽ được phép tới thăm khu vực này và tự do thăm quan các tòa nhà ở đó. Trong đó có Ngôi nhà Hòa bình, nơi cuộc hội đàm thượng đỉnh giữa Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Kim Jong-un đã được tổ chức hồi tháng 4, cũng như Lầu gác Thống nhất thuộc phần lãnh thổ miền Bắc của làng đình chiến Bàn Môn Điếm.


9 trạm gác đã được rút khỏi Khu vực an ninh chung – 5 trong số đó của phía Bắc Triều Tiên và 4 của phía Hàn Quốc, và 70 binh sĩ không trang bị súng được cử canh gác tại khu vực trên. Sau khi Seoul thiết lập trạm gác tại phần phía Bắc và Bình Nhưỡng thiết lập trạm gác tại phần phía Nam của JSA, dân thường sẽ có thể tới thăm khu vực này ngay đầu tháng 11. Họ sẽ được phép thăm quan các cơ sở tại đó, bao gồm cây cầu nơi lãnh đạo của hai miền Nam-Bắc đã đi dạo và trò chuyện nhân Hội nghị thượng đỉnh song phương hồi tháng 4.


Hai miền Nam-Bắc vừa cho thấy một trường hợp mẫu mực về giảm nhẹ căng thẳng quân sự và xây dựng lòng tin trên bán đảo Hàn Quốc bị chia cắt. Tự do thăm quan JSA chắc chắn sẽ là một trải nghiệm mới mẻ đối với các du khách đến từ cả hai miền Nam-Bắc. Một Khu vực an ninh chung không có vũ khí sẽ là bước đi đầu tiên trong việc tăng tốc tiến triển của quan hệ xuyên biên giới. Hơn nữa, giảm nhẹ căng thẳng cũng là một cách nhằm tuân thủ cơ chế đình chiến hiện tại. Tôi cho rằng việc bình thường hóa cơ chế đình chiến là rất quan trọng.


Khu vực an ninh chung, biểu tượng của sự chia cắt đất nước và căng thẳng xuyên biên giới, đã trở thành một biểu tượng cho hòa bình và hòa hợp, giúp làm giảm một cách đáng kể nguy cơ bùng phát xung đột bất ngờ hay chiến tranh giữa hai phía. Quan trọng hơn, phi vũ trang JSA là biện pháp đầu tiên trong việc thi hành thỏa thuận quân sự liên Triều 19/9 vừa qua. Tiếp nối bước phát triển tích cực trên, các quan chức quân đội của hai miền được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh các cuộc thảo luận về nhiều vấn đề còn tồn tại khác, bao gồm việc khai quật chung hài cốt các binh sỹ hy sinh trong chiến tranh Triều Tiên bên trong Khu phi quân sự (DMZ), việc rút thí điểm trạm gác khỏi DMZ và việc nghiên cứu chung khu vực cửa sông Hàn.


Tôi tin rằng việc phi vũ trang JSA sẽ mở đường cho hai miền Nam-Bắc bán đảo Hàn Quốc thi hành nhiều thỏa thuận khác, bao gồm việc phát triển Khu phi quân sự (DMZ) thành một khu vực hòa bình. Hy vọng rằng hai bên có thể tiến tới giai đoạn xây dựng lòng tin tiếp theo là kiểm soát vũ trang.


Ngày 26/10 vừa qua, Seoul và Bình Nhưỡng đã tổ chức hội đàm quân sự cấp tướng đầu tiên kể từ Tuyên bố chung Bình Nhưỡng tháng 9. Tại cuộc gặp, hai bên đã thống nhất rút các trạm gác tại biên giới cho tới cuối tháng 11 và tiến hành nghiên cứu chung khu vực cửa sông Hàn nhằm mục đích cùng khai thác, sử dụng. Với việc tiến hành suôn sẻ kế hoạch phi vũ trang Khu vực an ninh chung, hy vọng rằng hai miền Nam-Bắc sẽ tiếp tục thực thi các thỏa thuận quân sự song phương một cách thuận lợi, nhằm biến bán đảo Hàn Quốc thành một khu vực hòa bình, loại bỏ hoàn toàn nguy cơ chiến tranh.

Lựa chọn của ban biên tập