Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Các dấu hiệu chuẩn bị cho hội đàm cấp cao Mỹ-Triều

2018-11-22

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Hội đàm cấp cao Mỹ-Triều từng bị hoãn lại có thể sẽ được tổ chức ngay trong tháng này. Cùng lúc đó, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên và Mỹ đang tham gia vào các hoạt động đối ngoại sôi nổi trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 dự kiến diễn ra vào đầu năm sau. Trong đó, chuyến thăm Mỹ kéo dài 5 ngày của Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myung-kyun được đặc biệt chú ý. Giáo sư Chung Dae-jin đến từ Viện nghiên cứu Thống nhất, trường Đại học Ajou, phân tích.


Chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng phụ trách các vấn đề liên Triều, chứ không phải Ngoại trưởng, có thể được xem là khá bất thường. Nhưng chuyến thăm có thể được hiểu trong bối cảnh mối quan hệ độc nhất vô nhị giữa Seoul và Bình Nhưỡng. Washington nhìn nhận các vấn đề xoay quanh bán đảo Hàn Quốc từ quan điểm quốc tế, trong khi Seoul cũng xem xét đến tính chất độc đáo của quan hệ liên Triều. Hơn nữa, Hàn Quốc đã đóng vai trò trung gian điều đình và tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại Mỹ-Triều. Là người đứng đầu Bộ Thống nhất, phụ trách các vấn đề liên quan tới miền Bắc, ông Cho có thể đã chuyển thông điệp của Bình Nhưỡng tới Washington. Tôi cho rằng Bộ trưởng Cho đã phối hợp quan hệ ba bên Hàn-Mỹ-Triều trong chuyến thăm Mỹ vừa qua.


Chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myung-kyun từ ngày 13 đến 17/11 có mục đích là thảo luận về hội đàm Mỹ-Triều về phi hạt nhân hóa vốn đang bị kéo dài. Ông Cho đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 16/11, tập trung vào các biện pháp xây dựng hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Trong khi đó, Seoul và Washington vừa thành lập một nhóm công tác về các vấn đề liên quan tới Bắc Triều Tiên.


Bên cạnh các kênh liên lạc cấp chuyên viên giữa Seoul và Washington, hai đồng minh vừa thành lập một nhóm công tác với sứ mệnh tăng cường sự phối hợp Hàn-Mỹ về việc phi hạt nhân hóa miền Bắc. Một số người lo ngại rằng Hàn Quốc và Mỹ đang có mâu thuẫn về phương cách phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên. Điều này là hoàn toàn bình thường bởi ngay cả các đồng minh cũng không thể nhất quán trong mọi vấn đề. Họ có thể có quan điểm khác biệt về một số mối quan ngoại chung, nhưng làm cách nào để thu hẹp khoảng cách một cách hiệu quả sẽ quyết định sức mạnh của mối quan hệ đồng minh đó. Tôi cho rằng, cho tới thời điểm này, hai nước đã phối hợp một cách đúng đắn trong việc xử lý quan điểm khác biệt giữa hai bên. Nhóm công tác vừa được thành lập cho thấy sự hợp tác chặt chẽ và nỗ lực chủ động nhằm thu hẹp khoảng cách nếu có trong quan điểm về một số vấn đề.


Nhóm công tác Hàn-Mỹ được kỳ vọng sẽ xua tan các mối quan ngại về mối bất hòa giữa hai đồng minh về phương cách đối phó với Bắc Triều Tiên và đảm bảo liên lạc thuận lợi và hiệu quả giữa hai phía. Cuộc gặp đầu tiên của nhóm được tổ chức tại Washington, Mỹ ngày 20/11 vừa qua, dưới sự đồng chủ trì của Trưởng đoàn Hàn Quốc trong đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân miền Bắc Lee Do-hoon và Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun. Một ngày trước phiên họp đầu tiên, hai bên đã tiến hành thảo luận sơ bộ để chuẩn bị tốt hơn cho cuộc gặp.


Các chủ đề thảo luận trong cuộc gặp của nhóm cố vấn bao gồm các dự án liên Triều, như kết nối đường sắt và đường bộ xuyên biên giới. Tất nhiên, công tác xây dựng liên quan không thể bắt đầu ngay lập tức, bởi cấm vận với Bắc Triều Tiên vẫn đang có hiệu lực. Nhưng các bước đi sơ bộ như thiết kế và thanh sát thực địa nên được xúc tiến bằng cách nào đó. Tuy vậy, Hàn Quốc cũng không thể đơn phương tiến hành các biện pháp này, bởi Seoul cần phải xem xét tới quan điểm của cộng đồng quốc tế. Trong cuộc gặp của nhóm công tác trên, tôi cho rằng Hàn Quốc và Mỹ đã thảo luận khả năng hai miền Nam-Bắc có thể triển khai việc kết nối đường sắt và đường bộ xuyên biên giới mà không vi phạm các lệnh trừng phạt, hoặc liệu Mỹ có thể miễn cấm vận với miền Bắc trong dự án đường sắt hay không.


Phiên họp của nhóm công tác Hàn-Mỹ đã đề cập đế một loạt các vấn đề, bao gồm việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên và quan hệ liên Triều. Sau cuộc gặp, Trưởng đoàn Hàn Quốc Lee Do-hoon cho biết Chính phủ Mỹ bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với dự án khảo sát chung tuyến đường sát liên Triều. Ngoài ra, Seoul và Washington đã nhất trí tiếp tục tổ chức một cách hệ thống và định kỳ cuộc gặp của nhóm công tác chung để có thể phối hợp chặt chẽ hơn. Theo đó, hội đàm trong tương lai của nhóm công tác rất có thể tập trung vào cuộc gặp cấp cao Mỹ-Triều, chuyến thăm Seoul của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2. Trong khi đó, Washington đang nỗ lực liên lạc hậu kỳ với Bình Nhưỡng thông qua cả các kênh ngoại giao và tình báo. Trong đó, sự kiện Giám đốc Trung tâm nhiệm vụ Hàn Quốc thuộc Cơ quan tình báo trung ương (CIA) Andrew Kim vừa bí mật thăm Hàn Quốc, làm dấy lên các dự đoán rằng đối thoại Mỹ-Triều có thể sẽ được nối lại.


Chuyến thăm Hàn Quốc vừa qua của Giám đốc Trung tâm nhiệm vụ Hàn Quốc thuộc Cơ quan tình báo trung ương (CIA) Andrew Kim cho thấy nỗ lực của phía Mỹ nhằm tổ chức hội đàm với Bắc Triều Tiên. Trên thực tế, Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun vẫn chưa hề gặp đối tác miền Bắc là Thứ trưởng Ngoại giao Choi Son-hui kể từ khi được bổ nhiệm vào vị trí trên hồi tháng 8. Hơn nữa, hội đàm cấp cao giữa hai bên vẫn còn chưa chắc chắn. Trong tình thế trên, tin tức về chuyến thăm Hàn Quốc của ông Andrew Kim, và thậm chí là cuộc gặp của ông này với một số quan chức Bắc Triều Tiên cho thấy Mỹ đang đẩy nhanh tiến độ tổ chức hội đàm cấp cao. Có suy đoán cho rằng Bình Nhưỡng cũng muốn cải thiện quan hệ với Washington và tìm ra bước đột phá bằng những bước đi cần thiết, bao gồm hội đàm cấp cao.


Giám đốc Andrew Kim được biết đến là phụ tá thân cận của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ông Kim đã đóng vai trò then chốt trong việc hiện thực hóa Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều hồi tháng 6. Do đó, chuyến thăm Hàn Quốc vừa qua của ông này được xem như một phần trong các nỗ lực mở đường cho cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Pompeo và người đồng cấp Bắc Triều Tiên, hàm ý rằng hội đàm cấp cao có thể diễn ra trong tương lai gần.


Cuộc gặp cấp cao Mỹ-Triều có thể sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11. Khoảng 1 tháng trước, ngày 22/10, Ngoại trưởng Pompeo đã phát biểu trước báo giới rằng ông mong đợi hội đàm cấp cao Mỹ-Triều diễn ra trong 10 ngày tới. Nhưng kế hoạch cho cuộc gặp vào đầu tháng 11 đã không thành, có thể là do bất đồng về lịch trình. Bởi vậy, một khi hai bên nhất trí về lịch trình, cuộc gặp có thể được tổ chức ngay tuần sau. Tuy nhiên, thật không dễ để thống nhất được nghị trình cho hội đàm. Kể cả như vậy, Bắc Triều Tiên và Mỹ có thể xúc tiến một cuộc gặp trực tiếp chính thức để cải thiện quan hệ song phương. Vì vậy, hy vọng rằng hai bên có thể tổ chức hội đàm cấp cao ngay trong tháng này.


Bắc Triều Tiên và Mỹ đang nỗ lực hậu trường cho các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa. Chúng ta cùng chờ xem liệu các cuộc tiếp xúc giữa hai phía có thể dẫn tới hội đàm chính thức hay không.

Lựa chọn của ban biên tập