Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Thông điệp năm mới của Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un

2019-01-03

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã có bài phát biểu chúc mừng năm mới ngày 1/1 vừa qua, tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn và tổ chức Hội nghị thượng đỉnh thứ hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thông điệp năm mới của ông Kim đã cho thấy cách miền Bắc sẽ điều hành các vấn đề của đất nước trong năm tới. Các nhà phân tích đang tập trung vào việc liệu có diễn ra một bước đột phá trong đối thoại Mỹ-Triều vốn đã lâm vào bế tắc suốt 6 tháng qua hay không. Hãy cùng lắng nghe Giáo sư Chung Dae-jin đến từ Viện nghiên cứu Thống nhất, trường Đại học Ajou, phân tích sâu hơn.


Format chưa từng có tiền lệ của diễn văn mừng năm mới lần này đã thu hút nhiều sự chú ý hơn cả chính nội dung bài phát biểu. Trong cảnh ghi hình được phát sóng sau đó, Chủ tịch Kim Jong-un đã bước từ bậc thang xuống tầng một trụ sở đảng Lao động Bắc Triều Tiên, được tháp tùng bởi ba quan chức chủ chốt, là Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động Kim Yo-jong, em gái của Chủ tịch Kim, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Chang-son, và Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tổ chức đảng Jo Yong-won, ngụ ý phản ánh cuộc sống thường ngày của nhà lãnh đạo. Ông Kim diện vest và thắt cà-vạt, thay vì bộ quần áo kiểu Mao Trạch Đông thường mặc.


Chủ tịch Kim đã đọc bài diễn văn tại một căn phòng trong bầu không khí cổ điển và trang nhã, được trang trí bởi chân dung của ông nội và cha mình, lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Jong-il. Bởi đây đều là những chi tiết lần đầu tiên được trông thấy, dường như căn phòng trên đã được chuẩn bị cho dịp đặc biệt này.


Năm nay, Chủ tịch Kim Jong-un đã mang đến một diện mạo mới cho bài phát biểu chúc mừng năm mới. Trong các năm trước, ông Kim thường đứng trên bục để đọc diễn văn, với phông nền là lá cờ của đảng Lao động Bắc Triều Tiên. Nhưng năm nay, nhà lãnh đạo miền Bắc đã ngồi trên ghế sô-fa trong văn phòng của đảng Lao động. Một điểm trái với thông lệ nữa, đó là ông Kim đã mặc vest màu xanh đen và thắt cà-vạt màu xanh xám, trong một nỗ lực quảng bá hình ảnh thân thiện của mình với người dân Bắc Triều Tiên, và cũng nhằm chứng tỏ với thế giới bên ngoài hình ảnh nhà lãnh đạo của một quốc gia bình thường. Nhìn chung, bài phát biểu dài 30 phút của Chủ tịch Kim đã làm nổi bật phong thái mềm mại và tự tin của nhà lãnh đạo miền Bắc.


Hai phần ba bài diễn văn năm nay là dành cho thông điệp tới khán giả trong nước, nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng một nền kinh tế tự lực. Về quan hệ liên Triều, Chủ tịch Kim Jong-un kêu gọi việc nối lại vô điều kiện dự án Khu công nghiệp liên Triều Gaesung và chương trình du lịch núi Geumgang, đều nằm ở miền Bắc. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình trong quan hệ song phương. Trong thông điệp gửi tới Mỹ, ông Kim cho biết sẵn sàng gặp lại Tổng thống Donald Trump bất cứ khi nào, đồng thời tái khẳng định quyết tâm theo đuổi phi hạt nhân hóa. Nói một cách ngắn gọn, Chủ tịch Kim đã nhắc lại quyết tâm tìm kiếm đối thoại và hòa bình trong quan hệ với Hàn Quốc cũng như Mỹ. Trong tương lai, Bình Nhưỡng và Washington sẽ cần phải giải quyết nhiều vấn đề cụ thể hơn thông qua đối thoại cộng thêm, kể cả hội đàm cấp cao.


Được phát sóng trên Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV), bài phát biểu của Chủ tịch Kim Jong-un có thể được miêu tả bằng hai từ –  hòa bình và kinh tế. Khác với năm ngoái, ông Kim đã tránh những lời lẽ khiêu khích và bày tỏ cam kết mạnh mẽ về một sự cải thiện trong quan hệ Mỹ-Triều. Về mặt đối nội, Chủ tịch Kim hứa sẽ nỗ lực hết sức nhằm phát triển nền kinh tế.


Đây là lần đầu tiên Chủ tịch Kim Jong-un đề cập tới cụm từ “phi hạt nhân hóa hoàn toàn”. Ông Kim cũng nói rằng Bắc Triều Tiên sẽ không sử dụng hoặc phổ biến vũ khí hạt nhân. “Phổ biến” ở đây có nghĩa là phát triển hạt nhân. Mỹ cực kỳ quan tâm tới vấn đề không phổ biến hạt nhân. Tất nhiên, đối với các chiến lược gia ở Washington, mục tiêu chính là sự phi hạt nhân hóa hoàn toàn miền Bắc. Nhưng nếu họ không còn cách nào khác phải chấp nhận một cấp độ phi hạt nhân hóa thấp hơn, thì “không phổ biến hạt nhân” có thể là mức độ nhượng bộ cao nhất. Chủ tịch Kim, bằng việc dùng cụm từ “phổ biến”, được cho là đã gián tiếp gửi một thông điệp tới Mỹ.


Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố rằng phi hạt nhân hóa hoàn toàn là lập trường kiên định của đảng và Chính phủ, và rằng Bắc Triều Tiên sẽ không sản xuất hay thử vũ khí hạt nhân, cũng như không sử dụng hay phổ biến chúng. Cụm từ “không phổ biến hạt nhân” ở đây có thể được hiểu là lời hứa của ông Kim nhằm chấm dứt phổ biến hạt nhân, điều mà Mỹ đặc biệt đề phòng, cảnh giác. Nếu nhà lãnh đạo miền Bắc thực hiện đúng lời hứa, Bình Nhưỡng và Washington có thể bỏ qua các cuộc đàm phán hạt nhân và tiến tới đàm phán về việc vô hiệu hóa các vũ khí hạt nhân hiện có ở nước này. Cách ông Kim bày tỏ cam kết phi hạt nhân hóa đã phản ánh hy vọng về việc cải thiện quan hệ với Mỹ.


Chủ tịch Kim Jong-un cho hay ông sẽ bước trên con đường phi hạt nhân hóa hoàn toàn nếu Mỹ có những biện pháp đáp lại tương xứng. Tuy nhiên, theo ông Kim, nếu không có các biện pháp tương xứng từ Washington, Bình Nhưỡng sẽ tìm kiếm một lối đi mới. Phát biểu này có phần đáng lo ngại, nhưng đây vẫn là một cách diễn đạt mang tính chất hòa giải, so với phát ngôn về “nút bấm hạt nhân” năm ngoái. Về mặt tổng quát, nhà lãnh đạo miền Bắc đã đề xuất cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump để đối thoại.


Dường như Chủ tịch Kim đang gấp rút giải quyết vấn đề hạt nhân, giống như việc ông này nỗ lực mau chóng phát triển kinh tế. Nghĩa là, ông Kim có thể nghĩ tới việc bỏ qua hội đàm cấp cao cũng như những cuộc họp cấp chuyên viên khác, và trực tiếp tiến tới Hội nghị thượng đỉnh với ông Trump nhằm dẫn dắt tiến trình phi hạt nhân hóa. Để làm được điều này, ông Kim có thể sẽ hối thúc cộng đồng quốc tế giảm nhẹ cấm vận với miền Bắc và mở đường cho việc xây dựng một nền kinh tế vững mạnh. Diễn văn mừng năm mới của Chủ tịch Kim đã thể hiện quyết tâm trên.


Chủ tịch Kim Jong-un cũng cho biết sẵn sàng gặp trực tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa, nhưng vẫn cảnh báo rằng sẽ lựa chọn con đường khác nếu Mỹ phán đoán sai về sự nhẫn nại của mình. Đây được nhìn nhận là chiến lược nước đôi của Bắc Triều Tiên nhằm tìm kiếm đối thoại, đồng thời tạo ra sức ép nhằm thuyết phục Mỹ thay đổi thái độ. Nó cho thấy mong muốn mãnh liệt của ông Kim về Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với ông Trump. Nói một cách ngắn gọn, thông điệp của Chủ tịch Kim bao gồm cả cam kết đối thoại và lời cảnh báo. Có thể nói, quả bóng giờ đây đang được đá sang phần sân của Mỹ. Trong khi đó, về quan hệ liên Triều, ông Kim lại đặt ra một nhiệm vụ với Chính phủ Hàn Quốc.


Chủ tịch Kim Jong-un nói sẵn sàng mở lại Khu công nghiệp liên Triều Gaesung và tái khởi động các tour du lịch Hàn Quốc tới núi Geumgang. Ông Kim đang gián tiếp hối thúc chính quyền Seoul trì hoãn cấm vận, ít nhất là trong hợp tác kinh tế liên Triều, để miền Bắc có thể tiếp tục cải thiện quan hệ với miền Nam, đồng thời xây dựng lòng tin với Mỹ.


Hàn Quốc cần khuyến khích Bắc Triều Tiên đạt được những thành quả khả quan trong vấn đề phi hạt nhân hóa. Để phù hợp tới tiến triển của phi hạt nhân hóa, Seoul nên đảm bảo với Washington rằng Bình Nhưỡng đang rất chân thành trong việc xây dựng quan hệ tốt đẹp hơn và lòng tin với Mỹ. Năm nay, Chính phủ Hàn Quốc được giao phó trọng trách thuyết thục cả hai phía.     


Hợp tác kinh tế liên Triều sẽ chỉ có được xung lực sau khi cấm vận quốc tế với Bắc Triều Tiên được giảm nhẹ hoặc gỡ bỏ. Do đó, vào thời điểm hiện nay, các chuyên gia cho rằng cần phải theo dõi sát sao diễn biến tiếp theo của đối thoại Mỹ-Triều. Trên tài khoản Twitter cá nhân, Tổng thống Trump cho biết rất mong đợi được gặp Chủ tịch Kim, cho thấy phản ứng tích cực trước thông điệp năm mới của nhà lãnh đạo miền Bắc. Cả ông Kim và ông Trump đều đã thể hiện rõ ràng cam kết đối thoại. Bởi vậy, các biện pháp cụ thể tiếp theo rất có thể sẽ quyết định tiến triển trong đàm phán Mỹ-Triều.

Lựa chọn của ban biên tập