Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên và Mỹ gấp rút chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai

2019-01-17

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Môi trường đối ngoại cho hội đàm Mỹ-Triều dường như đang có thêm xung lực. Trong lúc hai nước đang chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un sau chuyến thăm Trung Quốc 4 ngày của ông Kim từ 7/1 đến 9/1, truyền thống nước ngoài vừa đưa tin ông Trump đã gửi một bức thư tới ông Kim trước chuyến thăm Bắc Kinh của ông này. Hãy cùng lắng nghe ông Hong Hyun-ik, chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu Sejong, phân tích.


Trong một cuộc họp Nội các tại Nhà Trắng đầu năm nay, Tổng thống Donald Trump cho biết ông đã nhận được một bức thư tuyệt vời từ Chủ tịch Kim Jong-un, ám chỉ bức thư mà Chủ tịch Kim gửi tới mình cuối năm ngoái. Theo một báo cáo gần đây, Tổng thống Trump đã hồi đáp và lá thư đã được chuyển tận tay tới Bình Nhưỡng. Báo cáo này cho rằng một quan chức Mỹ vừa tới thăm thủ đô của Bắc Triều Tiên nhằm khẳng định quyết tâm của ông Trump trong việc tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh nữa với ông Kim ngay lập tức. Viện dẫn những động thái trên, các nhà phân tích suy đoán rằng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai sẽ được tổ chức vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3.


Dường như hội đàm hạt nhân bị đình trệ giữa Bình Nhưỡng và Washington đang sẵn sàng được nối lại. Cả hai bên đều hy vọng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh song phương, và việc Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim trao đổi thư từ chính là một tín hiệu tích cực. Với việc lãnh đạo hai nước đẩy nhanh các nỗ lực để gặp mặt lần thứ hai, những quan chức cấp chuyên viên của hai phía cũng tỏ ra gấp rút hơn.


Tổng thống Trump đã liên tục bày tỏ mong muốn tổ chức một cuộc hội đàm thượng đỉnh nữa với Chủ tịch Kim, nói rằng địa điểm sẽ được công bố trong tương lai gần. Có nhiều nguồn tin nhận định Việt Nam rất có thể sẽ là ứng cử viên chủ nhà cho sự kiện trên. Các địa điểm khác như Bangkok (Thái Lan), Hawaii (Mỹ), Indonesia và Ulaanbaatar (Mông Cổ) cũng đã được đề xuất. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo vừa qua cũng đã tuyên bố rằng nội dung chi tiết về Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa ông Trump và ông Kim đang được thảo luận. Phát biểu của ông Pompeo cho thấy địa điểm cho sự kiện gần như đã được quyết định, và rằng thời gian cũng sẽ được chốt lại một khi nhà lãnh đạo miền Bắc đồng ý.


Mặc dù vậy, Bộ Ngoại giao Mỹ đến nay vẫn tỏ ra thận trọng, nói rằng thời gian chưa được quyết định cho bất cứ cuộc hội đàm Mỹ-Triều nào. Nhưng xét tới cụm từ “nội dung chi tiết” mà ông Pompeo đã đề cập, hai bên dường như đã có sự chuẩn bị đáng kể cho thời gian và địa điểm của cuộc gặp thượng đỉnh song phương. Lập luận này càng có thêm cơ sở khi Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên Choe Son-hui bất ngờ xuất hiện tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 15/1 vừa qua.


Kể từ khi được bổ nhiệm vào tháng 8 năm ngoái, Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun chưa từng gặp người đồng cấp miền Bắc là Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui. Tại Bắc Kinh, khi được các phóng viên hỏi, bà Choe cho biết đang trên đường tới Thụy Điển dự một hội nghị quốc tế. Tôi cho rằng Bắc Triều Tiên và Mỹ sẽ tổ chức các cuộc gặp riêng rẽ giữa bà Choe và ông Biegun, và giữa Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Kim Yong-chol và Ngoại trưởng Pompeo.


Chuyến xuất ngoại của Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên Choe Son-hui đang làm đấy lên suy đoán rằng bà sẽ tiếp xúc cấp chuyên viên với người đồng cấp Mỹ là Đặc phái viên Stephen Biegun. Nếu hai quan chức này gặp nhau, đối thoại Mỹ-Triều có thể đi theo hai hướng, là hội đàm cấp chuyên viên và đàm phán cấp cao. Trong khi đó, đài CNN (Mỹ) vừa đưa tin Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Bắc Triều Tiên Kim Yong-chol tới Washington ngày 17/1 để gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày hôm sau, 18/1.


Ngoại trưởng Pompeo đang có chuyến công du Trung Đông và được cho là vừa trở về Washington gấp để dự đám tang của người thân. Nhưng ông này cũng có thể trở về sớm để chuẩn bị cho cuộc gặp với Phó Chủ tịch Kim Yong-chol. Ông Pompeo được dự đoán là sẽ tới Thụy Sĩ từ ngày 22/1 để dự Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, bởi Tổng thống Trump sẽ không dự sự kiện trên do tình trạng đóng cửa Chính phủ Mỹ đang tiếp diễn. Vì vậy, ông Kim có thể tới Washington trong khoảng từ ngày 17 tới 20/1 để gặp Ngoại trưởng Pompeo.


Hội đàm cấp cao Mỹ-Triều đã bị hoãn đột ngột tháng 11 năm ngoái do “các vấn đề trong lịch trình”. Khoảng 70 ngày sau lần trì hoãn trên, Phó Chủ tịch Kim Yong-chol và Ngoại trưởng Mike Pompeo có thể gặp nhau vào tuần này. Hai quan chức trên đóng vai trò then chốt trong việc hiện thực hóa Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên trong lịch sử tại Singapore ngày 12/6 năm ngoái. Nếu hội đàm cấp cao diễn ra, hai bên rất có thể sẽ chốt lại các nội dung chi tiết về Hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ hai, bao gồm thời gian và địa điểm. Trong khi đó, khả năng về cái gọi là một “thỏa thuận nhỏ” đang được đặt ra. Ngày 11/1, Ngoại trưởng Pompeo cho hay mục tiêu cuối cùng của đàm phán Mỹ-Triều là “an ninh cho người dân Mỹ”. Các nhà phân tích diễn giải phát biểu trên như một sự thay đổi chính sách với Bình Nhưỡng của Washington trong vấn đề phi hạt nhân hóa.


Mỹ dường như nhận ra rằng, trên thực tế, rất khó để kỳ vọng Bắc Triều Tiên phá hủy hoàn toàn các chương trình hạt nhân của nước này ngay lập tức. Thay vào đó, Washington có vẻ đang xem xét một tiến trình phi hạt nhân hóa từng phần. Dựa trên phát biểu của Ngoại trưởng Pompeo về “an ninh cho người dân Mỹ”, chúng ta có thể dễ dàng phán đoán rằng mối đe dọa lớn nhất từ Bắc Triều Tiên đối với Mỹ tại thời điểm này, chính là các tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng. Miền Bắc có thể đã phá dỡ hoàn toàn cơ sở hạt nhân Yongbyon, tỉnh Bắc Pyongan, như đã nhất trí trong Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Bình Nhưỡng giữa Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Nếu miền Bắc cũng công bố cơ sở này và cho kiểm chứng việc phá dỡ, đồng thời từ bỏ các tên lửa tầm xa, Mỹ có thể sẽ đồng ý gác lại để thảo luận sau các vũ khí hạt nhân hiện có ở nước này. Nói cách khác, nếu Bình Nhưỡng có bước đi đầu tiên tới phi hạt nhân hóa, Washington có thể sẽ có biện pháp đáp lại tương xứng như giảm nhẹ cấm vận miền Bắc. Điều này đồng nghĩa với một sự nhân nhượng phần nào so với lập trường trước đây của Mỹ.


Hội đàm cấp cao Mỹ-Triều, một khi diễn ra, được kỳ vọng sẽ hé mở dạng thức của đàm phán trong tương lai. Sự chú ý giờ đây tập trung vào việc liệu hội đàm cấp cao có diễn ra hay không, và hai nước sẽ đưa ra quyết định gì tại sự kiện này.

Lựa chọn của ban biên tập