Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Mỹ và Bắc Triều Tiên tổ chức hội đàm cấp chuyên viên tại Thụy Điển

2019-01-24

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai đang đến rất gần. Sau cuộc gặp hồi tuần trước giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Bắc Triều Tiên Kim Yong-chol tại Washington, hai bên đã tổ chức hội đàm cấp chuyên viên tại Thụy Điển từ ngày 19/1 đến 22/1 (giờ địa phương). Nhiều ý kiến kỳ vọng rằng sự chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ hai sẽ được tăng tốc. Hãy cùng lắng nghe Giáo sư Yang Moo-jin của trường Đại học-Cao học nghiên cứu Bắc Triều Tiên phân tích sâu hơn.


Tôi cho rằng cuộc họp tại Stockholm, Thụy Điển vừa qua không phải là một cuộc đàm phán giằng co, mà là một cơ hội để liên lạc, trong đó mỗi bên đưa ra lập trường của mình và lắng nghe quan điểm của phía còn lại. Một số nhà quan sát đã đánh giá cuộc gặp trên như một cuộc đàm phán cao độ, kéo dài tới 3 ngày. Tuy nhiên, đây dường như lại là một cơ hội để các đặc phái viên cấp chuyên viên của hai phía trao đổi quan điểm với nhau và đạt được đồng thuận về tầm quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai, cũng như việc xung đột có thể được giải quyết như thế nào thông qua đối thoại, và các cuộc hội đàm cấp chuyên viên đóng vai trò quan trọng ra sao.


Hội đàm Mỹ-Triều cấp chuyên viên vừa qua nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai, được Nhà Trắng công bố là sẽ diễn ra vào cuối tháng 2. Cuộc gặp trên giữa Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun và Thứ trưởng Ngoại giao miền Bắc Choe Son-hui đã đặc biệt thu hút sự chú ý, bởi đây là lần gặp gỡ đầu tiên giữa hai nhà ngoại giao cấp cao kể từ khi ông Biegun được bổ nhiệm tháng 8/2018. Hai phái đoàn đã nỗ lực thu hẹp những khác biệt và quyết định lưu lại trong 3 ngày liên tục tại một cơ sở biệt lập ở ngoại ô Stockholm.


Dường như phía Mỹ đã tập trung vào sự cần thiết phải đẩy nhanh tiến trình phi hạt nhân hóa. Nói cách khác, Washington có thể đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc công bố, thanh sát và kiểm chứng quá trình phá hủy các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), vốn liên quan tới an ninh của Mỹ. Trong khi đó, Bắc Triều Tiên rất có thể đã hối thúc Mỹ thể hiện nhiều nỗ lực chân thành hơn trong việc thiết lập một mối quan hệ mới giữa hai nước, phù hợp với các điều khoản đã nêu trong Tuyên bố chung Sentosa 12/6. Bình Nhưỡng cũng có thể đã kêu gọi nhiều nỗ lực hơn nhằm tuyên bố chấm dứt chiến tranh và ký kết một hiệp định hòa bình. Do Mỹ liên tục nhấn mạnh rằng miền Bắc phải có những bước đi tiến tới phi hạt nhân hóa trước khi được gỡ bỏ cấm vận, nên hai bên có lẽ cũng đã thảo luận kỹ lưỡng việc giảm nhẹ cấm vận từng phần để đáp lại bất cứ tiến triển nào trong quá trình phi hạt nhân hóa.         


Mục đích của cuộc hội đàm cấp chuyên viên Mỹ-Triều tại Thụy Điển là nhằm phối hợp các kế hoạch triển khai cụ thể những thỏa thuận then chốt đã đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên, như sự phi hạt nhân hóa hoàn toàn miền Bắc, việc thiết lập một mối quan hệ Mỹ-Triều mới, cũng như xây dựng một cơ chế hòa bình dài lâu và vững chắc trên bán đảo Hàn Quốc, để thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ hai. Trong lúc các chi tiết của hội đàm vẫn chưa được công bố, có suy đoán rằng hai phía đã tập trung thảo luận các biện pháp phi hạt nhân hóa của Bắc Triều Tiên và hành động đáp lại của Mỹ, vốn là các nghị sự chính sẽ được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai. Đáng chú ý, Trưởng đoàn đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân miền Bắc của Hàn Quốc Lee Do-hoon cũng đã có mặt tại hội đàm.


Cho tới nay, các cuộc hội đàm phi hạt nhân hóa đã được tổ chức riêng rẽ, hoặc là giữa hai miền Nam-Bắc bán đảo Hàn Quốc, hoặc là giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên. Nhưng sự tham gia của Trưởng đoàn đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân miền Bắc của Hàn Quốc Lee Do-hoon dường như đã báo hiệu sự hình thành của hội đàm ba bên. Trên thực tế, Hàn Quốc có thể còn hơn một người trung gian điều đình, đóng vai trò xúc tác một cách sáng tạo và tích cực hơn để có thể đưa ra được những giải pháp khả thi, khiến cuộc họp vừa qua càng thêm ý nghĩa.


Việc Chính phủ Hàn Quốc tham gia vào bàn đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều là điều khá bất thường. Đó là bởi trong quá khứ, miền Bắc luôn khăng khăng loại Hàn Quốc ra khỏi hội đàm phi hạt nhân hóa với Mỹ. Về phần mình, Washington trước đó đã bày tỏ quan ngại về tốc độ khôi phục của quan hệ liên Triều. Tuy nhiên, được biết, rất nhiều cuộc họp song phương đã được tổ chức nhân hội đàm vừa qua, như gặp gỡ Hàn-Mỹ và liên Triều, cũng như họp ba bên. Do đó, dường như Seoul đã đóng vai trò trung gian điều đìnhtrong quá trình phối hợp tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai, qua đó đẩy nhanh đàm phán giữa hai nước. Ngày 22/1 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bày tỏ lạc quan về cuộc hội đàm Mỹ-Triều cấp chuyên viên đầu tiên vừa được tổ chức tại Thụy Điển, với nhận định rằng “đã có chút tiến triển”.


Thực tế là đặc phái viên của Mỹ trong hội đàm cấp cao đã sử dụng các cụm từ “tiến triển” và “có tính xây dựng” cho thấy chắc hẳn đã có tiến triển đáng kể, thực chất. Việc đề cập tới đầu tư tư nhân dường như cũng ám chỉ khả năng giảm nhẹ cấm vận. Thêm vào đó, dường như Washington đang gửi đi một thông điệp tới cả Seoul và Bình Nhưỡng rằng các dự án hợp tác kinh tế liên Triều cấp dân sự, như Khu công nghiệp liên Triều Gaesung và dự án du lịch núi Geumgang có thể sẽ được nối lại khi tiến trình phi hạt nhân hóa đạt tới một mức độ nhất định. Tôi cho rằng điều này cũng có nghĩa là đã có những thay đổi nhỏ về mặt chiến lược từ phía Mỹ, bởi lập trường chính thức hiện nay của Washington là bất cứ sự giảm nhẹ cấm vận nào cũng chỉ tới sau khi miền Bắc phi hạt nhân hóa.


Việc ông Pompeo đề cập tới đầu tư trong lĩnh vực tư nhân tại Bắc Triều Tiên đã làm dấy lên suy đoán rằng hai bên có thể đã đạt được một thỏa thuận về quá trình phi hạt nhân hóa miền Bắc và giảm nhẹ cấm vận từ Mỹ. Tuy nhiên, điểm mấu chốt lại nằm ở các chi tiết cụ thể. Vẫn cần phải dõi xem quá trình phi hạt nhân hóa miền Bắc đã được thảo luận đến đâu, bao gồm việc phá hủy tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và các cơ sở liên quan, cũng như việc phá dỡ nhà máy làm giàu uranium ở Yongbyon, tỉnh Bắc Pyongan. Bình Nhưỡng và Washington được kỳ vọng sẽ chốt lại các chi tiết thông qua nhiều cuộc đàm phán trước Hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ hai.


Tôi cho rằng vẫn còn rất nhiều rào cản. Đang có sự khác biệt trong quan điểm về phi hạt nhân hóa và bảo đảm an ninh; phạm vi và thời điểm công bố, thanh sát và kiểm chứng; cũng như thời điểm và các bên tham gia tuyên bố chấm dứt chiến tranh. Các vấn đề trên có thể là những rào cản khó vượt qua. Cho tới lúc này, Bắc Triều Tiên và Mỹ đã tổ chức nhiều cuộc gặp không chính thức hơn là hội đàm cấp cao và cấp chuyên viên. Nhưng từ thời điểm này, tôi dự đoán rằng sẽ có nhiều cuộc họp chính thức hơn, bao gồm ít nhất một cuộc gặp cấp cao và 3-4 cuộc gặp cấp chuyên viên nữa, tại Làng đình chiến Bàn Môn Điếm hoặc quốc gia chủ nhà cho Hội nghị thượng đỉnh song phương sắp tới.


Hội đàm cấp chuyên viên để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai đã đạt được thành công bước đầu, dù những cuộc đàm phán chính thức về chương trình nghị sự cho Hội nghị mới chỉ vừa bắt đầu. Đúng như Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã nói không còn nhiều thời gian và hai bên “vẫn còn rất nhiều điều cần phải làm”. Sự chú ý giờ đây hướng tới thỏa thuận mà Bắc Triều Tiên và Mỹ sẽ đạt được khi chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ hai.

Lựa chọn của ban biên tập