Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Thủ tướng Nhật Bản mong muốn bình thường hóa quan hệ với Bắc Triều Tiên

2019-01-31

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 28/1 vừa qua đã có bài phát biểu về chính sách thường niên trước Quốc hội nước này, trong đó nêu rõ mong muốn bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Bắc Triều Tiên. Các chuyên gia đối ngoại đang phân tích lý do vì sao ông Abe lại bày tỏ thiện chí cải thiện quan hệ với miền Bắc trong bối cảnh quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đang căng thẳng liên quan tới những tranh cãi trên biển cùng một số vấn đề mang tính lịch sử. Hãy cùng lắng nghe ông Shin Beom-chul, chuyên giathuộc Viện nghiên cứu chính sách Asan, phân tích sâu hơn.


Phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho thấy lập trường cơ bản của nước này là sẽ nỗ lực cải thiện quan hệ với Bắc Triều Tiên, từ đó tránh bị gạt ra bên ngoài hội đàm Mỹ-Triều về phi hạt nhân hóa, đồng thời giải quyết vấn đề các công dân Nhật bị miền Bắc bắt cóc từ nhiều thập niên trước. Còn nhớ, trong bài phát biểu tương tự vào năm ngoái, ông Abe đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải đẩy lùi các động thái khiêu khích hạt nhân và tên lửa của miền Bắc, sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng năm 2017. Tuy nhiên, với việc đàm phán Mỹ-Triều đang diễn ra, sự tham gia tích cực của Tokyo vào tiến trình đối thoại và một giải pháp cho vấn đề bắt cóc công dân đã cấu thành thông điệp chủ chốt trong bài diễn văn năm nay của ông Abe.


Trong bài phát biểu về chính sách năm ngoái, Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng sự phát triển hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên là một mối đe dọa lớn và chưa thể giải quyết, nhấn mạnh rằng Tokyo sẽ không lùi bước trước bất cứ sự khiêu khích nào. Thế như, trái ngược hoàn toàn với thông điệp năm ngoái, trong bài phát biểu năm nay, ông Abe nói rằng Nhật Bản và Bắc Triều Tiên cần phải phá vỡ cái vỏ của sự nghi ngờ lẫn nhau, nhằm giải quyết vấn đề các chương trình hạt nhân và tên lửa, cũng như việc miền Bắc bắt cóc công dân Nhật. Dường như tiến triển đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều đã mang lại một sự thay đổi lớn trong lập trường của Tokyo. Hơn thế, Nhật Bản cũng đang lo ngại khả năng bị gạt ra ngoài tiến trình đàm phán hạt nhân.


Bắc Triều Tiên và Mỹ vừa tổ chức hội đàm phi hạt nhân hóa với sự điều phối của Hàn Quốc, giữa bối cảnh vẫn chưa rõ việc Trung Quốc sẽ tham gia vào đàm phán trong tương lai về cơ chế hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc hay không. Nhật Bản cũng sốt sắng muốn đóng vai trò nào đó trong tiến trình trên. Nhưng Tokyo không cần phải lo lắng quá nhiều về khả năng bị gạt ra ngoài các vấn đề liên quan tới Bắc Triều Tiên. Trong quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa, các quốc gia liên quan sẽ bước vào giai đoạn thảo luận bù đắp kinh tế cho miền Bắc. Bình Nhưỡng có thể đòi hỏi viện trợ kinh tế ít nhất là 10 tỷ USD trong hội đàm với Tokyo dưới dạng đền bù thời kỳ xâm chiếm bán đảo. Nhật Bản cũng có thể liên hệ vấn đề trên với vấn đề bắt cóc công dân. Hiện tại, Tokyo có thể lo lắng về cái gọi là sự “bỏ qua Nhật Bản”, nhưng tình hình không nghiêm trọng như chúng ta nghĩ.


Thậm chí, kể cả khi vai trò ngoại giao của Nhật Bản bị giảm sút trong khu vực, thì đây cũng không hề là một vấn đề lớn, xét tới quan hệ lâu dài giữa nước này và Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, với việc tình hình đang diễn biến mau chóng như hiện nay, Tokyo lo ngại rằng có thể bị cô lập về mặt ngoại giao nếu nước này từ chối đối thoại với Bình Nhưỡng. Dường như cảm giác lo sợ khủng khoảng đã thúc đẩy Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ quyết tâm bình thường quan hệ ngoại giao với miền Bắc.


Nhật Bản vừa qua đã phái cử quan chức Bộ Ngoại giao tới hội đàm Mỹ-Triều cấp chuyên viên tại Thụy Điển, nhưng tiếp xúc Triều-Nhật vẫn chưa hề diễn ra. Diễn văn của ông Abe cho thấy nỗ lực cải thiện sự hiện diện của Tokyo trong đối ngoại khu vực thông qua việc nhấn mạnh cam kết đối thoại với miền Bắc. Đồng thời, Thủ tướng Nhật Bản đã tránh đề cập tới quan hệ song phương với Hàn Quốc trong bài phát biểu của mình.


Tại thời điểm này, tôi cho rằng chính trị nội bộ Nhật Bản đang bị ảnh hưởng lớn bởi quan hệ Nhật-Hàn hơn là Nhật-Triều. Tokyo không hài lòng với phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc buộc tội các công ty Nhật Bản cưỡng ép lao động trong Thế chiến thứ hai, khi bán đảo Hàn Quốc bị thực dân Nhật đô hộ, cũng như lập trường của Chính quyền Seoul về thời kỳ thực dân này. Nhiều người Nhật nghĩ rằng tất cả những sự đền bù liên quan tới thời kỳ thuộc địa đã được dàn xếp thông qua Hiệp định bình thường hóa quan hệ Hàn-Nhật năm 1965. Họ tin rằng giới lãnh đạo Hàn Quốc phản đối Hiệp định trên và Chính phủ Abe đang sử dụng sự bất mãn của Seoul về thời kỳ thuộc địa như một công cụ nhằm đảm bảo sự ủng hộ của công chúng.


Trong bài diễn văn kéo dài 50 phút, Thủ tướng Abe chỉ đề cập một lần tới Hàn Quốc khi giải thích chính sách của Tokyo với Bình Nhưỡng. Cho tới bài phát biểu chính sách năm 2017, ông Abe luôn nhắc tới Hàn Quốc như “quốc gia láng giềng quan trọng nhất, chia sẻ các lợi ích chiến lược”. Nhưng năm ngoái, Thủ tướng Nhật đã bỏ qua cách diễn đạt trên khi đề cập quan hệ với Seoul, thể hiện sự không hài lòng trước cam kết của Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in nhằm xoá sổ thỏa thuận gây tranh cãi giữa chính quyền tiền nhiệm và Tokyo xoay quanh vấn đề nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến. Và năm nay, ông Abe đã giữ im lặng trong quan hệ với Hàn Quốc. Bằng cách sử dụng mâu thuẫn Hàn-Nhật, Thủ tướng Abe đang cố gắng củng cố sự ủng hộ trong nước và tăng cường sự hiện diện của Nhật Bản trong đàm phán phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên và đối ngoại khu vực. Tuy nhiên, thật không dễ để Tokyo bình thường hóa quan hệ với Bình Nhưỡng.


Trong những năm 1990, có thời điểm Nhật Bản là đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Triều Tiên. Nhưng quan hệ song phương đã bị giảm sút đáng kể trong quá trình Tokyo tham gia tích cực vào cấm vận quốc tế với Bình Nhưỡng. Nhật Bản cũng đã đòi hỏi các điều kiện nghiêm ngặt về phi hạt nhân hóa miền Bắc, với cáo buộc các vũ khí hạt nhân và tên lửa Bình Nhưỡng gây ra mối đe dọa trực tiếp với Tokyo. Kết quả là, sự cải thiện trong quan hệ song phương đã bị gạt sang một bên. Đối với Bắc Triều Tiên, tại thời điểm hiện nay, đối thoại với Mỹ là điều quan trọng nhất. Miền Bắc sau đó sẽ tập trung vào quan hệ với Hàn Quốc và Trung Quốc. Nếu có được chút tiến triển trong quan hệ với những nước này, Bình Nhưỡng mới xem xét tới các vấn đề liên quan tới Tokyo.


Với việc Bắc Triều Tiên đang tập trung vào Hội nghị thượng đỉnh thứ hai với Mỹ, thật không dễ để Nhật Bản điều khiển quan hệ với miền Bắc theo ý muốn. Thêm vào đó, Bình Nhưỡng vẫn chỉ trích Tokyo không chịu thừa nhận những việc làm sai trái trong quá khứ. Đáp lại việc Nhật Bản công bố về một trường hợp nghi ngờ tàu thủy của miền Bắc vận chuyển hàng trái phép giữa các tàu, Bắc Triều Tiên đã gọi cáo buộc trên là hành vi hung hăng, đi ngược lại bầu không khi đối ngoại hiện nay. Điều đáng nói là Bình Nhưỡng đưa ra lời chỉ trích trên ngày 29/1, chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Shinzo Abe nói về bình thường hóa quan hệ Nhật-Triều.


Bắc Triều Tiên đang nỗ lực giải quyết thế tiến thoái lưỡng nan của phi hạt nhân hóa. Với vũ khí hạt nhân trong tay, chính quyền Kim Jong-un có thể đảm bảo được an ninh cho mình, nhưng quan hệ của miền Bắc với thế giới bên ngoài chỉ có thể tiếp tục xấu đi. Tuy nhiên, để cải thiện quan hệ với cộng đồng quốc tế, Bình Nhưỡng phải từ bỏ phát triển vũ khí hạt nhân. Nếu hội đàm Mỹ-Triều về phi hạt nhân hóa có tiến triển, miền Bắc có thể cải thiện điều kiện kinh tế của mình, cũng như quan hệ với Mỹ và Nhật Bản. Vậy nên trước tiên, Bình Nhưỡng cần đạt được tiến triển tại đàm phán hạt nhân.


Vào thời điểm hiện nay, đối thoại với Mỹ là điều cần thiết nhất với Bắc Triều Tiên. Trong khi đó, Nhật Bản đang hy vọng đóng vai trò trong quá trình phi hạt nhân hóa bằng cách cải thiện quan hệ với miền Bắc. Việc Tokyo và Bình Nhưỡng có thể thu hẹp khoảng cách giữa hai nước hay không, phụ thuộc chủ yếu vào kết quả đàm phán phi hạt nhân hóa và tiến trình đối ngoại xoay quanh bán đảo Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập