Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Tầm quan trọng về kinh tế của Việt Nam – địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai

2019-02-14

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Thủ đô Hà Nội của Việt Nam đã được chọn là thành phố chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, diễn ra ngày 27 và 28/2. Sự chú ý đang tập trung vào quốc gia Đông Nam Á này, vốn đang nổi lên như một hình mẫu kinh tế cho miền Bắc. Giáo sư Lim Eul-chul, đến từ Viện nghiên cứu các vấn đề Cực Đông thuộc trường Đại học Kyungnam, phân tích lý do vì sao Việt Nam lại được chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai, và sự phát triển kinh tế theo mô hình Việt Nam có ý nghĩa thế nào với miền Bắc.


Tôi cho rằng các từ khóa của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai chính là “hòa bình” và “thịnh vượng”. Một khi Bắc Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân và hòa bình được thiết lập trên bán đảo Hàn Quốc bị chia cắt, thế giới sẽ được chứng kiến một tương lai hoàn toàn khác, trong đó kinh tế Bình Nhưỡng đạt đến tầm thịnh vượng. Mỹ đã liên tục truyền tải thông điệp này tới miền Bắc. Việt Nam có thể sẽ là một địa điểm mang tính biểu tượng. Hội nghị thượng đỉnh lần này là rất quan trọng với Bắc Triều Tiên, nước này cũng đồng thời mong muốn đẩy quan hệ với Hà Nội lên một tầm cao mới. Do đó, tôi cho rằng cuộc gặp tại Việt Nam tới đây có ý nghĩa còn quan trọng hơn cuộc gặp trước tại Singapore.


Bằng việc lựa chọn Việt Nam là địa điểm cho sự kiện, Mỹ dường như muốn cho Bắc Triều Tiên thấy những gì quốc gia cộng sản này sẽ có được nếu từ bỏ vũ khí hạt nhân, mà thay vào đó là hợp tác với Hàn Quốc và Mỹ. Thêm vào đó, Hà Nội còn có ý nghĩa đặc biệt với Bình Nhưỡng hơn là Singapore, địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên.


Trung Quốc và Việt Nam là các đồng minh thân thiết của Bắc Triều Tiên. Trong quá khứ, miền Bắc đã gửi binh sĩ và quân nhu tới Việt Nam trong cuộc Chiến tranh Việt Nam. Tương tự như Bình Nhưỡng, Hà Nội từng coi Washington là kẻ thù và duy trì quan hệ thù địch trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên, sau khi hai bên tuyên bố bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, Việt Nam đã có những bước vươn lên, phát triển kinh tế một cách ấn tượng. Vì vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một nguồn cảm hứng cho người anh em Bắc Triều Tiên. Còn đối với Singapore, Bắc Triều Tiên và nước này duy trì quan hệ thân thiện kể từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bối cảnh lịch sử, Việt Nam có ý nghĩa quan trọng hơn mang tính biểu tượng với miền Bắc, là một đồng minh thân thiết và một người anh em cùng theo thể chế xã hội chủ nghĩa.


Bắc Triều Tiên và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1950. Hà Nội có thể là hình mẫu cho Bình Nhưỡng về mặt phát triển kinh tế. Singapore thu hút sự chú ý của nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un như một thành phố tự trị kinh tế phát triển đồng thời vẫn duy trì nền chính trị một đảng. Với dân số 5,5 triệu dân, tổng thu nhập bình quân đầu người (GDP) của Singapore ước tính đạt 61.716 USD năm 2018, khiến nước này trở thành quốc gia giàu thứ 9 trên thế giới. Ngược lại, GDP bình quân đầu người của Bắc Triều Tiên ước tính chỉ đạt 1.000 USD. Vì vậy, Hà Nội so với Singapore là một hình mẫu thực tế hơn về phát triển kinh tế đối với Bình Nhưỡng.


 “Đổi mới” có nghĩa là “cải cách” hoặc “cách tân”. Việt Nam đã áp dụng một số yếu tố của nền kinh tế chủ nghĩa tư bản như mở cửa thị trường và tích cực thu hút nguồn vốn nước ngoài, cùng lúc đó vẫn duy trì hệ thống xã hội chủ nghĩa về mặt chính trị. Xét về khía cạnh này, Việt Nam khá tương đồng với Trung Quốc.


Trên thực tế, mô hình cải cách và mở cửa của Việt Nam chỉ thực sự đạt được thành công sau khi nước này cải thiện quan hệ với Mỹ. Hà Nội đã thực hiện nhiều cải cách trong một khoảng thời gian dài giữa bối cảnh duy trì quan hệ thù địch với Washington. Những cải cách này hầu hết đều không có hiệu quả. Tuy nhiên, sau khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Việt Nam đã cho thấy những bước phát triển kinh tế vượt bậc.


Cả Việt Nam và Bắc Triều Tiên đều từng đối mặt với khủng hoảng kinh tế sau sự sụp đổ của khối Cộng sản. Nhưng hai nước đã hành động rất khác nhau. Việt Nam bắt đầu chính sách đổi mới năm 1986, xông xáo thu hút đầu tư nước ngoài. Hà Nội đạt tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm hơn 7%. GDP của quốc gia Đông Nam Á này tăng gấp 14 lần trong vòng ba thập niên, đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thành nền kinh tế đứng thứ 47 thế giới.


Trong khi đó, Bắc Triều Tiên đã chọn con đường tự lực cánh sinh. Thậm chí sau khi gặp khó khăn nghiêm trọng về kinh tế trong những năm 1990, trước thảm cảnh vô số người dân bị chết đói, miền Bắc vẫn không chịu từ bỏ vũ khí hạt nhân, một mực đối đầu với cộng đồng quốc tế, khiến nước này ngày càng bị cô lập về cả ngoại giao và kinh tế. Hậu quả là, đến nay Bắc Triều Tiên vẫn đang phải vật lộn với các khó khăn về kinh tế. Để cải thiện tình hình, miền Bắc đã thử nghiệm phát triển kinh tế kiểu Trung Quốc, vốn khác với cải cách và mở cửa theo mô hình Việt Nam về nhiều mặt.


Trước khi bắt đầu thực hiện đổi mới năm 1986, Việt Nam đã cân nhắc rất nhiều mô hình của Trung Quốc. Bắc Kinh bắt đầu áp dụng chính sách cải cách và mở cửa từ năm 1978. Trong nhiều năm, Chính phủ Việt Nam đã quan sát Trung Quốc trải qua các lần thử nghiệm và thất bại. Hà Nội đã tận dụng ưu thế của người đi sau, sáng tạo ra mô hình phát triển kinh tế của chính mình. Ngay từ khi bắt đầu cải cách, Việt Nam đã áp dụng các nguyên tắc của sự phân quyền, tư hữu hóa và thị trường hóa, một mô hình khá giống với Trung Quốc. Bắc Triều Tiên hiện cũng đang cố gắng học theo phiên bản này.


Nhưng Việt Nam đã sử dụng một cách tích cực các doanh nghiệp Nhà nước hơn Trung Quốc. Một điểm khác nữa là Trung Quốc đã thu hút đầu tư nước ngoài thông qua các đặc khu kinh tế, vốn cấu thành điểm then chốt trong chính sách mở cửa của nước này, trong khi Việt Nam đã không áp dụng phương pháp này trong giai đoạn đầu.


Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy các biện pháp cải cách vào cuối thập niên 1970 sau khi ông Đặng Tiểu Bình lên giữ chức Phó Chủ tịch Đảng Cộng sản. Năm 1979, nước này đã lựa chọn các thành phố nằm gần Hong Kong và Đài Loan, như Thâm Quyến, Châu Hải và Sán Đầu, phát triển thành đặc khu xuất khẩu. Chiến lược trên đã thu về trái ngọt cho kinh tế Trung Quốc. Hiện tại, nước này đang mở rộng động lực phát triển ra các khu vực sâu trong đất liền.


Đi theo con đường của Trung Quốc, Bắc Triều Tiên cũng đã nỗ lực phát triển các đặc khu kinh tế. Nhưng ý tưởng trên đã thất bại vì các biện pháp cấm vận, hậu quả của việc nước này phát triển vũ khí hạt nhân. Nếu cấm vận được gỡ bỏ sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai, Bình Nhưỡng rất có thể sẽ học theo chính sách mở cửa kiểu Việt Nam. Một số nhà phân tích cho rằng kế hoạch trên của miền Bắc phần nào được phản ánh trong việc lựa chọn Hà Nội là địa điểm cho cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ. Sự chú ý giờ đây chuyển hướng tới việc Bắc Triều Tiên có thể thu được gì tại Việt Nam.


Đối với Bắc Triều Tiên, điều quan trọng là được gỡ bỏ cấm vận. Nhưng trước đó, nước này phải nhận được “cái gật đầu” của Mỹ về đảm bảo an ninh cho chính quyền. Nếu Washington công bố chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), triển khai thiết lập văn phòng liên lạc tại Bình Nhưỡng, hoặc cho phép các công ty Mỹ đầu tư vào Bắc Triều Tiên, thì đó chính là hành động đảm bảo an ninh cho chính quyền nước này. Đó là lý do vì sao chính quyền miền Bắc yêu cầu Mỹ phải có hành động mang tính biểu tượng, nhằm thể hiện rằng Washington không còn tiếp tục chính sách thù địch với Bình Nhưỡng nữa.


Một trong những điểm đáng chú ý là loại hình hợp tác kinh tế mà Chủ tịch Kim Jong-un lựa chọn để phát triển nền kinh tế quốc gia. Điểm then chốt của mô hình Việt Nam là việc đưa vào một nền kinh tế thị trường và thu hút nguồn vốn nước ngoài. Hãy cùng dõi theo xem Việt Nam sẽ hướng Bắc Triều Tiên như thế nào trong vấn đề này.


Chủ tịch Kim Jong-un sẽ trở thành nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đầu tiên tới thăm Việt Nam trong vòng 54 năm kể từ chuyến thăm của nhà sáng lập nước này là cố Chủ tịch Kim Nhật Thành vào năm 1964. Hãy cùng chờ đợi và dõi xem liệu tương lai của miền Bắc có thay đổi sau chuyến thăm Việt Nam bởi người đứng đầu Nhà nước hay không.

Lựa chọn của ban biên tập