Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều thất bại

2019-02-28

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội, Việt Nam, diễn ra trong hai ngày 27/2 và 28/2 đã thu hút sự quan tâm cùng những kỳ vọng lớn của toàn thế giới về một cục diện mới bán đảo Hàn Quốc. Vậy nhưng, trong ngày thứ hai của sự kiện, hai nhà lãnh đạo đã hủy bỏ lịch trình bữa tiệc trưa và đặc biệt là lễ ký kết Tuyên bố chung Hà Nội. Hội nghị đã kết thúc mà không đạt được một thỏa thuận nào như kỳ vọng. Tương lai bán đảo Hàn Quốc sẽ lại chìm vào màn sương mù mịt. Nhà phân tích chính trị, tiến sĩ Lee Jong-hoon đánh giá về cái kết của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai.


Sau hội nghị, lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên đã quay trở lại ngay nơi nghỉ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tổ chức một cuộc họp báo riêng tại nơi nghỉ là khách sạn JW Marriott (Hà Nội), vốn không có trong lịch trình. Sau cuộc họp báo, ông Trump đã lập tức ra sân bay và lên chuyên cơ trở về nước. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai đã kết thúc một cách chóng vánh như vậy.


Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai là một sự kiện trọng đại đối với vận mệnh của bán đảo Hàn Quốc. Nội dung nhất trí tại hội nghị hoặc có thể thúc đẩy tốc độ phi hạt nhân hóa, hoặc có thể khiến tiến trình đàm phán Mỹ-Triều một lần nữa rơi vào bế tắc. Nếu hội nghị đạt được kết quả tốt, lộ trình thiết lập cơ chế hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc sẽ được đảm bảo vững chắc. Ngược lại, nếu hội nghị thất bại, dư luận quốc tế sẽ hoài nghi về quyết tâm phi hạt nhân hóa của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, cũng như sẽ làm giảm động lực đàm phán trong tương lai.


Trong sự theo dõi và quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế, lãnh đạo hai nước đã đến Hà Nội và hội nghị đã có khởi đầu hết sức tốt đẹp. Từ lúc 8 giờ 55 phút sáng ngày 28/2, hai nhà lãnh đạo đã hội đàm riêng trong vòng hơn 30 phút. Trong quá trình di chuyển sang địa điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh mở rộng, hai nhà lãnh đạo còn tản bộ và nói chuyện riêng tại khuôn viên khách sạn Metropole trong bầu không khí rất vui vẻ. Vậy nhưng rốt cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận.


Căn cứ vào nội dung mà Tổng thống Donald Trump phát biểu trong buổi họp báo chiều 28/2, có lẽ Mỹ đã yêu cầu Bắc Triều Tiên phá dỡ thêm một số cơ sở hạt nhân khác ngoài cơ sở hạt nhân Yongbyun. Ngoài cơ sở hạt nhân Yongbyun đã được biết đến rộng rãi, Bắc Triều Tiên còn đang vận hành một số cơ sở làm giàu uraniumvẫn còn ít được biết đến. Mỹ đã nắm bắt được và theo dõi những cơ sở này thông qua vệ tinh. Có lẽ trong hội nghị, Washington đã nhắc tới những cơ sở này và yêu cầu Bình Nhưỡng chấp thuận thanh sát quốc tế, đóng băng cơ sở đó, nếu không sẽ khó có thể coi là phi hạt nhân hóa một cách toàn diện. Về phần mình, Bắc Triều Tiên có vẻ như đã hết sức bất ngờ việc Mỹ nắm được thông tin các cơ sở hạt nhân bí mật đó, và tỏ ra khó chấp thuận yêu cầu của Mỹ. Cùng với đó, miền Bắc có thể đã yêu cầu Mỹ dỡ bỏ toàn bộ cấm vận với nước này. Rốt cuộc, có lẽ hai bên đã không thể đạt được thỏa thuận vì chính những yêu cầu này.


Mỹ và Bắc Triều Tiên đã thất bại khi không thể thu hẹp được bất đồng ý kiến liên quan đến biện pháp phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng và bước đi tương ứng của Mỹ. Trong buổi họp báo riêng sau hội nghị, Tổng thống Donald Trump đã chỉ ra rằng việc Bắc Triều Tiên đòi Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận là lý do khiến cuộc hội đàm đổ bể. Trên thực tế, từ trước đó, giới phân tích đã nhận định quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa sẽ rất phức tạp và nan giải, khó đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, vào tháng 9 năm ngoái, trong chuyến thăm Bình Nhưỡng lần thứ 4 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Chủ tịch Kim Jong-un đã cam kết sẽ phá dỡ cơ sở hạt nhân Yongbyun (tỉnh Bắc Pyongan) và cho phép quốc tế thanh sát, kiểm chứng hạt nhân. Ông này còn đề cập tới việc phá dỡ bãi phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ở xã Dongchang (tỉnh Bắc Pyongan). Tuy nhiên, Chủ tịch miền Bắc đặt ra điều kiện tiên quyết là Mỹ cũng phải có bước đi tương ứng.


Như Tổng thống Donald Trump đã giải thích trong cuộc họp báo rằng, nếu muốn, ông có thể ký kết thỏa thuận ngay với miền Bắc. Nhưng ông muốn đảm bảo một điều gì đó chắc chắn và hoàn hảo hơn, nên mới quyết định lùi việc ký kết thỏa thuận. Điều này cho thấy Mỹ muốn đàm phán cho tới khi nào đạt được thành quả ở mức cao nhất so với mức kỳ vọng. Tuy nhiên, xét trên lập trường của mình, Bắc Triều Tiên cũng mong muốn sẽ đạt được nhiều lợi ích nhất từ Mỹ. Theo tôi, chính vì nước nào cũng muốn theo đuổi lợi ích cao nhất nên mới dẫn tới cục diện như hiện nay.


Giá như Mỹ và Bắc Triều Tiên hiện thực hóa được kế hoạch phá dỡ bãi thử hạt nhân Yongbyun của miền Bắc thì Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai đã có thể trở thành cột mốc lớn nhất trong lịch sử đàm phán hạt nhân miền Bắc kéo dài suốt 30 năm qua. Tuy nhiên, do hội nghị đã thất bại, nên giờ đây dư luận chuyển hướng quan tâm sang những kịch bản có thể xảy ra liên quan tới quá trình phi hạt nhân hóa miền Bắc. Mỹ và Bắc Triều Tiên dự kiến sẽ tiếp tục đối thoại, nhưng vấn đề lớn hơn là liệu khi nào lãnh đạo hai nước sẽ gặp lại nhau.


Trước tiên, tôi nghĩ rằng Chủ tịch Kim Jong-un có thể sẽ rơi vào thế khó xử với người dân trong nước. Ông Kim đã thực hiện một hành trình rất dài bằng tàu hỏa từ Bình Nhưỡng tới Hà Nội, kỳ vọng sẽ gặt hái thành quả lớn từ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần này. Vậy nhưng, kết quả lại không được như mong muốn. Điều này sẽ làm cho nhà lãnh đạo miền Bắc đối mặt với áp lực lớn về mặt chính trị.


Về phần mình, Tổng thống Donald Trump cũng sẽ gặp sức ép tương tự, nhưng có lẽ sẽ ít hơn gánh nặng của Chủ tịch Kim Jong-un. Mặt khác, tôi cho rằng ông Donald Trump có ý đồ tiếp tục lợi dụng tiến trình đàm phán Mỹ-Triều vào tình hình chính trị trong nước. Bởi nếu hai bên kết thúc vấn đề ngay tại hội nghị lần này, thì trong thời gian tới, ông Trump sẽ không thể sử dụng quân bài hạt nhân Bắc Triều Tiên cho mục đích chính trị. Do đó, tôi xin mạn phép đưa ra một phỏng đoán thận trọng rằng lần này Mỹ quyết định không ký thỏa thuận ngay với Bắc Triều Tiên vì nghĩ rằng quân bài hạt nhân miền Bắc còn nhiều giá trị lợi dụng đối với tình hình chính trị trong nước.


Dư luận đang dấy lên lo ngại về những tác động tiêu cực có thể xảy ra sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, đặc biệt là sự phản đối của Bắc Triều Tiên. Ông Kim Jong-un có thể sẽ có biện pháp đối phó cứng rắn với Mỹ, nhằm tránh sự phản đối trong nội bộ nước này khi phải về nước “tay trắng”.


Tổng thống Donald Trump đã khẳng định rằng sẽ vẫn tiếp tục đối thoại với Bình Nhưỡng, do đó tôi nghĩ rằng động lực đối thoại Mỹ-Triều vẫn chưa chấm hết tại đây. Trong một thông cáo, Nhà Trắng cũng đã thể hiện quyết tâm duy trì động lực đối thoại với miền Bắc. Để có thể duy trì động lực đối thoại thì hai nước cần phải tiếp tục gặp gỡ, thảo luận. Theo tôi, trong các phát biểu của mình, ông Donald Trump cũng đã để ngỏ ít nhiều về khả năng diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba khi nói rằng sẽ không chỉ dừng lại ở cuộc gặp lần này với Chủ tịch Kim Jong-un, tức có thể sẽ diễn ra cuộc gặp thứ ba hoặc thứ tư, đặc biệt là trong trường hợp Tổng thống Donald Trump có ý định lợi dụng quân bài hạt nhân Bắc Triều Tiên cho mục đích chính trị. Trong thời gian tới, có khả năng quan chức cấp chuyên viên Mỹ-Triều sẽ ngồi lại để chốt lại nghị sự thảo luận. Khi đó, rất có thể Chính phủ Mỹ sẽ tập trung vào danh sách các vũ khí hạt nhân mà Bắc Triều Tiên đang sở hữu, điều mà Washington dành sự quan tâm lớn trong thời gian qua.


Trong cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai, Tổng thống Donald Trump đã nhấn mạnh rằng: “Giai đoạn hiện nay là thời điểm không nên chạy, mà phải bước đi”. Ngoại trưởng Pompeo cũng bày tỏ kỳ vọng Mỹ và Bắc Triều Tiên sẽ đạt được thỏa thuận “trong vài tuần tới”. Do đó, dù hội đàm song phương lần thứ hai đã thất bại, nhưng dư luận vẫn có thể tiếp tục tin tưởng vào tương lai đàm phán giữa hai nước trong thời gian tới.

Lựa chọn của ban biên tập