Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Diễn biến bất ngờ trong quan hệ Mỹ-Triều

2019-03-28

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Bắc Triều Tiên và Mỹ đang ở trong thế “giằng co” quyết liệt. Bình Nhưỡng đã đột ngột rút nhân lực khỏi Văn phòng liên lạc liên Triều tại thị trấn vùng biên Gaesung ngày 22/3. Về phần mình, Bộ Tài chính Mỹ ngày 21/3 (giờ địa phương) đã áp đặt cấm vận bổ sung với miền Bắc. Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại chỉ thị rút lại các lệnh cấm vận này. Có vẻ như quan hệ Mỹ-Triều đang ở trong trạng thái khá hỗn độn và không chắc chắn. Hãy cùng lắng nghe ông Kim Geun-sik, Giáo sư Khoa học chính trị của trường Đại học Kyungnam, phân tích sâu hơn.


Giữa bối cảnh bế tắc trong quan hệ Mỹ-Triều sau sự đổ vỡ của hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội, Bắc Triều Tiên đã gây sức ép với Hàn Quốc. Khi mà cả Bình Nhưỡng và Washington đều muốn đối phương phải nhượng bộ, dường như miền Bắc đang hối thúc miền Nam đứng về phía mình và giúp đưa ra biện pháp giảm nhẹ cấm vận với nước này.


Về động thái đơn phương rút khỏi Văn phòng liên lạc liên Triều tại Gaesung, Ủy ban hòa bình thống nhất Tổ quốc hoặc truyền thông Bắc Triều Tiên lẽ ra phải đưa ra tuyên bố chính thức về quyết định này như vẫn làm trước đây. Tuy nhiên, miền Bắc chỉ thông báo ngắn gọn với miền Nam thông qua quan chức tại Văn phòng liên lạc liên Triều.Bình Nhưỡng đang tỏ ra bất mãn với thái độ hiện tại của Washington, nhưng tôi không cho rằng động thái bất ngờ vừa qua của miền Bắc là nhằm gây sức ép với Mỹ.


Sau hội nghị bất thành tại Hà Nội, Bắc Triều Tiên dường như đã khôi phục bãi thử tên lửa xã Dongchang (huyện Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan), mà nước này đã cam kết phá dỡ vào năm ngoái. Đồng thời, hoạt động bất thường tại cơ sở nghiên cứu tên lửa phường Sanum, thủ đô Bình Nhưỡng cũng bị phát hiện. Trong bối cảnh đó, Mỹ đã công bố cấm vận bổ sung với miền Bắc ngày 21/3, lần bổ sung đầu tiên trong năm nay, trong một nỗ lực nhằm gây sức ép với miền Bắc.


Chỉ một ngày sau, miền Bắc rút các quan chức khỏi Văn phòng liên lạc liên Triều tại Gaesung, vốn là biểu tượng của lòng tin giữa hai miền Nam-Bắc. Đây là động thái đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ sau hội nghị tại Hà Nội, và quyết định trên đã thể hiện một cách gián tiếp sự bất mãn với tình trạng bế tắc hiện tại trong đàm phán hạt nhân. Sau biện pháp mang tính đối đầu của Bắc Triều Tiên, Tổng thống Trump đã viết trên trang Twitter cá nhân ngày hôm sau (22/3), rằng ông vừa chỉ thị rút lại những biện pháp trừng phạt mới với miền Bắc.


Về căn bản, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un không muốn từ bỏ hoàn toàn đối thoại, bởi hành động như vậy sẽ tạo ra một gánh nặng chính trị rất lớn lên chính mình. Tôi cho rằng Chủ tịch Kim đã suy tính rất kỹ càng, cố gắng đọc được ý định của Mỹ vào thời điểm này. Tương tự như vậy, ông Trump không muốn từ bỏ đàm phán với ông Kim, dù Tổng thống Mỹ đã yêu cầu Bắc Triều Tiên làm rõ cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn và chấp nhận đề xuất của Washington về một “thỏa thuận lớn”. Ông Trump vẫn kiên định với lập trường trước đó là duy trì, thậm chí tăng cường cấm vận với miền Bắc. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cũng không muốn Bình Nhưỡng vì bị dồn vào thế chân tường, mà từ bỏ đàm phán. Ông Trump có lẽ cảm thấy cần phải tiếp tục duy trì đàm phán bằng cách xoa dịu nhà lãnh đạo miền Bắc.   


Căng thẳng gia tăng trở lại giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ sau khi Washington công bố cấm vận bổ sung với Bình Nhưỡng và miền Bắc đột ngột rút nhân lực khỏi Văn phòng liên lạc liên Triều. Nhưng việc Tổng thống Trump hủy lệnh cấm vận dường như đã làm hồi sinh xung lực cho đối thoại. Thực tế là, một số quan chức Bắc Triều Tiên đã trở lại Văn phòng liên lạc tại Gaesung ngày 25/3. Tất nhiên, vẫn chưa rõ liệu động thái mang tính hòa giải của ông Trump có liên quan tới việc Bình Nhưỡng đảo ngược quyết định hay không, nhưng điều chắc chắn là hai bên đang mong muốn duy trì xung lực cho đối thoại. Sau khi hội nghị thượng đỉnh song phương kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào, Bắc Triều Tiên và Mỹ đã sử dụng cả các biện pháp mang tính răn đe lẫn hòa giải. Sự quan tâm giờ đây đổ dồn vào con bài tiếp theo mà mỗi bên sẽ đưa ra.


Bắc Triều Tiên sẽ tổ chức phiên họp đầu tiên của Hội đồng Nhân dân tối cao mới vào đầu tháng 4. Ngay trước sự kiện này, phiên họp toàn thể của Ủy ban trung ương đảng Lao động hoặc cuộc họp của Ban chấp hành trung ương đảng sẽ được tổ chức nhằm đưa ra nhiều quyết sách quan trọng của đất nước.


Đối với Chủ tịch Kim Jong-un, sẽ rất khó để miền Bắc chịu nhún nhường trước tất cả các yêu cầu mà Mỹ đưa ra. Hiện tại, ông Kim đang có hai lựa chọn. Thứ nhấtlà có thể hoãn đàm phán với Mỹ một thời gian và chuyển hướng sang Nga và Trung Quốc để có thêm thời gian. Trên thực tế, có dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đang nỗ lực xúc tiến hội đàm thượng đỉnh Nga-Triều và Trung-Triều. Thứ hai, Chủ tịch Kim có thể đề nghị Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thuyết phục Tổng thống Trump xem xét lại chính sách của Washington với Bình Nhưỡng. Nhà lãnh đạo miền Bắc được kỳ vọng sẽ đưa ra quyết định liên quan tới hai khả năng này vào đầu tháng 4.


Bắc Triều Tiên thường đưa ra những quyết sách lớn tại phiên họp toàn thể của đảng Lao động. Sau đó, Hội đồng Nhân dân tối cao (tương đương Quốc hội Hàn Quốc) thông qua chính sách và thi hành các điều luật liên quan. Trong tháng sau, Chủ tịch Kim Jong-un có thể sẽ tái khẳng định chính sách theo đuổi đối thoại với Mỹ và Hàn Quốc, hoặc công bố quyết định có “lối đi mới”. Về khả năng này, ông Kim vừa qua đã phái cử Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Chang-son, người được biết đến như tham mưu trưởng của mình, tới Nga, làm dấy lên suy đoán rằng nhà lãnh đạo miền Bắc sẽ sớm thăm Mát-xcơ-va để hội đàm thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin.


Tổng thống Trump vừa qua đã giải quyết được một vấn đề chính trị lớn trong nước. Công tố viên đặc biệt đã đưa ra kết luận ông Trump không âm mưu, đồng lõa với Nga trong chiến dịch vận động bầu cử năm 2016. Do đó, Tổng thống Mỹ giờ đây có nhiều khoảng trống hơn để thúc đẩy các chính sách và có được sự tự tin trong lần tái tranh cử sắp tới. Sau hội nghị bất thành vừa qua, ông Trump có thể sẽ nỗ lực tổ chức đàm phán với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên một lần nữa, nếu có đủ các điều kiện. Để được tái đắc cử, ông Trump cần phải đạt được một số thành quả trong vấn đề hạt nhân miền Bắc. Tôi cho rằng Tổng thống Mỹ sẽ kiên định lập trường cứng rắn về phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bình Nhưỡng, đồng thời tiếp tục duy trì đàm phán.


Với việc Bắc Triều Tiên đã trở lại Văn phòng liên lạc liên Triều hai ngày sau khi Tổng thống Mỹ chỉ thị rút lại cấm vận bổ sung, sự quan tâm với phương thức “từ trên xuống” trong vấn đề hạt nhân miền Bắc lại được làm mới. Mặc dù vậy, nhiều người cũng đặt câu hỏi về tính hiệu quả của tiến trình ngoại giao này sau khi hội nghị tại Hà Nội đổ bể.Bởi vậy, một số nhà phân tích đang nêu ra khả năng tiếp xúc sau hậu trường giữa hai nước.


Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun vừa qua đã tới thăm Bắc Kinh. Ông Biegun đang cố gắng gây sức ép với miền Bắc thông qua hợp tác với Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga. Trong lúc Đặc phái viên Mỹ đang ở Trung Quốc, Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động phụ trách ngoại giao miền Bắc Ri Su-yong cũng đã tới Bắc Kinh trước khi lên đường thăm Lào. Dường như miền Bắc đang xem xét việc biến liên lạc với Trung Quốc và Nga thành một con bài đàm phán mới trong hội đàm phi hạt nhân hóa với Mỹ. Bình Nhưỡng và Washington khó có khả năng sớm tiếp xúc sau hậu trường. Tôi cho rằng hai nước sẽ tiếp tục giữ thái độ chờ đợi và thận trọng trong giai đoạn giảm nhiệt này để chốt lại quan điểm của mỗi bên.    


Một tháng sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều bất thành tại Hà Nội, cộng đồng quốc tế giờ đây đang nín thở chờ đợi những động thái tiếp theo của mỗi bên.

Lựa chọn của ban biên tập