Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Phương án giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên

2017-10-19

Vì một bán đảo thống nhất

Phương án giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và người đồng cấp Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ có cuộc gặp vào ngày 7/11 tới. Đặc biệt, chuyến thăm Hàn Quốc lần này của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ được tổ chức dưới hình thức cấp Nhà nước. Kể từ lần thăm Hàn Quốc của cựu Tổng thống George H.W. Bush vào 1/1992, đây là lần thăm Hàn Quốc cấp nhà nước đầu tiên của một Tổng thống Mỹ sau 25 năm. Chuyến thăm cấp Nhà nước, đúng như tên gọi của nó, sẽ được tổ chức đón tiếp ở mức độ long trọng nhất. Cả Hàn Quốc và Mỹ đều vô cùng quan tâm đến cuộc gặp gỡ này. Nhà nghiên cứu Hong Hyun-ik đến từ Viện nghiên cứu Sejong phân tích.

Ông Hong Hyun-ik: Đây là chuyến công du châu Á đầu tiên của Tổng thống Donald Trump với tư cách là Tổng thống Mỹ. Đồng thời đây cũng là chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia kể từ khi Tổng thống Moon Jae-in nhậm chức. Đây là hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba của Hàn Quốc và Mỹ. Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề hạt nhân miền Bắc và tình hình an ninh trên bán đảo Hàn Quốc ngày càng trở nên nghiêm trọng. Bắc Triều Tiên không chỉ dừng lại ở việc phát triển bom hạt nhân mà đã phát triển được tên lửa tầm xa sử dụng làm phương tiện vận tải bom hạt nhân. Làm sao để giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, bảo vệ hòa bình và an ninh trên bán đảo Hàn Quốc là một bài toán đối với hội nghị thượng đỉnh tới.

Mặt khác, hôm 13/10 (theo giờ địa phương) Tổng thống Donald Trump đã bác bỏ Hiệp định hạt nhân với I-ran được ký kết dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Ông Trump cho rằng thỏa thuận hạt nhân với I-ran là “một vụ giao dịch đơn phương và tồi tệ nhất”, đồng thời tuyên bố: “Hiệp định này chỉ tạm kéo dài năng lực phát triển hạt nhân của I-ran và với tư cách là Tổng thống Mỹ, ông không thể chấp nhận được thỏa thuận này.” Hiệp định hạt nhân với I-ran là thỏa thuận quốc tế trong đó quy định sáu nước như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Đức sẽ xoá bỏ cấm vận với I-ran với điều kiện nước này ngừng chương trình hạt nhân. Tổng thống Donald Trump phát biểu sẽ không ghi nhận hiệp định này trong nội dung “Chiến lược toàn diện đối với I-ran”. Nhà nghiên cứu Hong Hyun-ik phân tích.

Ông Hong Hyun-ik: Ông Trump cho rằng thỏa thuận hạt nhân với I-ran được ký kết năm 2015 không phải phá huỷ hoàn toàn chương trình hạt nhân của Iran mà chỉ kiểm soát chặt chẽ cơ sở hạ tầng của nước này. I-ran có thể nhân cơ hội này đạt được những lợi ích mong muốn mà chỉ cần lui lại việc phát triển hạt nhân khoảng 10 năm sau. Việc rút khỏi thỏa thuận sẽ không diễn ra chỉ qua tuyên bố này. Tuy nhiên, quả bóng sẽ được chuyển tới Quốc hội Mỹ. Quốc hội Mỹ sẽ có thời gian khoảng sáu tháng để đưa ra quyết định về thỏa thuận với I-ran. Trong thời gian đó vấn đề gia tăng cấm vận với miền Bắc cũng sẽ được bàn thảo.

Cộng đồng quốc tế và cả Cơ quan năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), vốn được coi là nhà giám sát việc thực thi của I-ran, cũng không tán thành với phát ngôn của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Mặc dù ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận với I-ran chứ không phải “tuyên bố phá vỡ” như những cảnh báo trước đó, tuy nhiên điều này sẽ khiến nguy cơ hạt nhân thêm phức tạp khi có sự góp mặt của I-ran. Nhà nghiên cứu Hong Hyun-ik phân tích.

Ông Hong Hyun-ik: Thỏa thuận này được cho là không toàn diện. Mỹ cho rằng thỏa thuận chỉ được cho là hợp lý khi chương trình hạt nhân I-ran bị phá huỷ hoàn toàn, nằm trong diện kiểm soát và không thể đảo ngược. Qua đó có thể thấy việc thỏa thuận với Bắc Triều Tiên, nếu được diễn ra, sẽ đi theo chiều hướng đó. Nhóm năm nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Đức, cùng với IAEA đều nhận định I-ran không có hành động vi phạm thỏa thuận gì. Nếu Mỹ tiến tới các trình tự để phá vỡ thỏa thuận khó khăn lắm mới đạt được với I-ran sẽ khiến việc thỏa thuận với Bình Nhưỡng trở nên bất khả thi hơn bởi cho rằng Washington có thể phá vỡ hiệp định bất cứ lúc nào.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trong chuyến công du châu Á của mình. Tiếp đó, ông sẽ tham gia Hội nghị lãnh đạo Diễn đàn hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào 10/11 tại Việt Nam và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào 12/11 tại Philippines. Chuyến thăm châu Á của Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ gắn liền với vấn đề hạt nhân miền Bắc và sự kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu nhiệm kỳ lãnh đạo thứ hai của mình. Các cuộc hội nghị thượng đỉnh liên tiếp giữa người đứng đầu Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản được kỳ vọng sẽ tạo ra sự biến chuyển mới trong mối quan hệ song phương giữa Mỹ với các nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Nhà nghiên cứu Hong Hyun-ik nhận định.

Ông Hong Hyun-ik: Chuyến thăm tới từng nước của Tổng thống Donald Trump có vai trò quan trọng lôi kéo sự quan tâm của các nước, đồng thời gây ảnh hưởng lớn đến tình hình chính sự của bán đảo Hàn Quốc. Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ có vai trò quan trọng trong vấn đề an ninh thế giới, hòa bình và ổn định cho khu vực Đông Bắc Á, trong đó có bán đảo Hàn Quốc. Do đó, phải chăng xu hướng đối thoại sẽ đi theo chiều hướng tăng cường gây áp lực, đồng thời mở ra một cơ hội đối thoại trong vấn đề hạt nhân miền Bắc.

Chúng ta hãy cùng tiếp tục dõi theo diễn biến chính sự khu vực qua chuyến thăm mang tính lịch sử của nguyên thủ Mỹ tới Đông Bắc Á vào đầu tháng 11 tới.

Lựa chọn của ban biên tập