Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Quan hệ Trung-Triều sau đại hội đảng Trung Quốc lần thứ 19

2017-10-26

Vì một bán đảo thống nhất

Quan hệ Trung-Triều sau đại hội đảng Trung Quốc lần thứ 19
Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 đã diễn ra từ ngày 18 đến ngày 24/10. Trong đại hội lần này “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới” đã được xác lập là kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng trong Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc. “Tư tưởng Tập Cận Bình” được đưa vào Dự thảo sửa đổi điều lệ đảng như một phần ý thức hệ dẫn đường có nghĩa là Chủ tịch Tập Cận Bình được xem như nhà lãnh đạo tối cao thứ ba của Trung Quốc, sau người thành lập ra đảng Cộng sản Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Giáo sư Kang Jun-young của khoa Sau đại học nghiên cứu về quốc tế và khu vực, thuộc trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc phân tích.

Kang Jun-young: Ở Trung Quốc, việc đưa tên một nhà lãnh đạo vào Điều lệ đảng có ý nghĩa rất quan trọng. Điều lệ đảng là một văn bản pháp lý cơ bản của đảng, xác định phương hướng hoạt động của đảng. Chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng “Ba đại diện” và quan điểm phát triển khoa học là những bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, là kim chỉ nam hành động của đảng. Tư tưởng Tập Cận Bình đã được đưa vào Điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc, trở thành một quy tắc mà đảng phải tuân theo. Chủ tịch Tập Cận Bình đã được đặt ngang hàng với các nhà lãnh đạo có vai trò dựng nước, xây dựng và phát triển xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc.

Một ngày sau bế mạc đại hội đảng, hôm 25/10 Ban chấp hành Trung ương khoá 19 đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiến hành phiên họp đầu tiên bầu ra uỷ viên thường vụ khoá 19. Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị, tổ chức quyền lực cao nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc gồm có Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, Chủ nhiệm Văn phòng trung ương đảng Lật Chiến Thư, Phó thủ tướng Uông Dương, Chủ nhiệm Văn phòng chính sách đảng Vương Hộ Ninh, Trưởng ban Tổ chức trung ương Triệu Lạc Tế và Bí thư thành uỷ Thượng Hải Hàn Chính. Việc năm nhân vật mới được bổ nhiệm uỷ viên thường vụ đều là những người thân cận của Chủ tịch Tập càng củng cố thêm thể chế quyền lực duy nhất Tập Cận Bình.

Bảy uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc chính thức ra mắt, mở đầu cho thời kỳ lãnh đạo thứ hai của Tập Cận Bình. Trong nhiệm kỳ mới của Tập Cận Bình, dự kiến sẽ giải quyết các vấn đề như vấn đề kinh tế trong và ngoài nước, tình trạng bất bình đẳng xã hội, tăng cường lý luận lãnh đạo xã hội chủ nghĩa và thực hiện chính sách đối ngoại mạnh mẽ, hướng tới là một cường quốc toàn cầu. Một trong những vấn đề được quan tâm nhiều trong đại hội là mối quan hệ với Mỹ. Trong báo cáo về vấn đề hạt nhân miền Bắc, Chủ tịch Tập cho biết sẽ thực hiện một cách có trách nhiệm vai trò của một nước lớn. Giáo sư Kang Jun-young cho biết.

Kang Jun-young: Trong nhiệm kỳ lãnh đạo đầu tiên của Tập Cận Bình, Trung Quốc đã khiến các nước xung quanh lo ngại và cũng tạo ra nhiều mâu thuẫn. Do đó, bộ máy lãnh đạo Trung Quốc đương nhiên sẽ nỗ lực để xây dựng hình ảnh ôn hòa hơn. Trọng tâm trong đối ngoại là mối quan hệ với Mỹ. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang sử dụng lá bài thương mại nhằm gây áp lực với Trung Quốc trong vấn đề Bắc Triều Tiên. Liên quan đến vấn đề này, trong chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Tổng thống Donald Trump, lãnh đạo hai nước có lẽ sẽ thiết lập hướng đi với trọng tâm là hợp tác thay vì tiếp tục đào sâu thêm mâu thuẫn trong mối quan hệ hai nước.

Mặt khác, hôm 22/10 (theo giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump trong một buổi phóng vấn đã gọi ông Tập là “một người tốt” và giữ vai trò quan trọng trong vấn đề Bắc Triều Tiên. Ông Trump cũng nhận định Bắc Kinh đã thực hiện cấm vận miền Bắc tích cực hơn so với trước đây, đồng thời thể hiện lập trường sẽ tiếp tục tận dụng đòn bẩy Trung Quốc để giải quyết triệt để nguy cơ hạt nhân miền Bắc. Giáo sư Kang Jun-young nói.

Kang Jun-young: Mặc dù phản đối việc cấm vận riêng với miền Bắc, nhưng Trung Quốc vẫn ủng hộ nghị quyết cấm vận của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, đồng thời tham gia thực hiện nghị quyết tích cực hơn so với trước đây. Dù chưa có kết quả mang tính quyết định nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng kỳ vọng vào Chủ tịch Tập Cận Bình. Qua trả lời phỏng vấn, ông muốn gửi đến thông điệp hi vọng sẽ tiếp tục là đối tác hợp tác với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Bắc Triều Tiên đã không có thêm động thái khiêu khích nào kể từ sau vụ phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung hôm 15/9, khác với dự đoán của dư luận trước đó. Trong quá khứ, Bình Nhưỡng thường có những hành động khiêu khích mỗi khi Bắc Kinh tổ chức sự kiện quan trọng nào đó. Giáo sư Kang Jun-young phân tích.

Kang Jun-young: Nếu Bình Nhưỡng tiến hành phóng tên lửa thì giai đoạn tiếp theo sẽ là thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) gắn bom nhiệt hạch có thể tấn công đến lãnh thổ Mỹ. Điều này sẽ khiến phạm vi hoạt động của Trung Quốc bị giới hạn. Do đó, hành động này không phải là công kích Mỹ mà có thể được nhìn nhận theo hướng kích động Trung Quốc. Rất có thể trước đó Bắc Kinh đã gửi đến Bình Nhưỡng một thông điệp yêu cầu hạn chế các hành vi khiêu khích trong thời gian này.

Vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên không chỉ liên quan trực tiếp đến an ninh trên bán đảo Hàn Quốc và còn ảnh hưởng tiêu cực đến Trung Quốc. Chính phủ Mỹ Donald Trump tận dụng điều này để tìm kiếm sự ủng hộ từ Bắc Kinh, lôi kéo Trung Quốc tích cực tham gia vào vấn đề hạt nhân Bình Nhưỡng, đưa vấn đề này trở thành chủ đề nghị sự nóng hổi trên thế giới. Giáo sư Kang Jun-young nhận định.

Kang Jun-young: Trong bối cảnh hiện nay, chưa có lý do nào để Bắc Kinh từ bỏ Bình Nhưỡng. Bắc Triều Tiên dù là một gánh nặng đối với Trung Quốc nhưng sự tồn tại của Bình Nhưỡng giúp Trung Quốc kiềm chế Mỹ, Nhật và Hàn Quốc. Chính quyền Bắc Kinh sẽ không thực hiện việc gây áp lực quá đà, biến Bình Nhưỡng trở thành một nước không ai có thể khống chế được. Bởi việc gây áp lực không đảm bảo sẽ giải quyết được vấn đề. Cũng không dễ dàng sử dụng phương án quân sự như Mỹ tuyên bố. Do đó, trong nhiệm kỳ thứ hai của Chủ tịch Tập Cận Bình, mối quan hệ Mỹ-Trung, Hàn-Trung, Hàn-Mỹ sẽ tiếp tục vận hành như hình ảnh con sóc quay bánh xe trong lồng xung quanh vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình củng cố quyền lực trong nhiệm kỳ lãnh đạo thứ hai qua Đại hội đảng Cộng sản lần thứ 19. Vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên dự kiến sẽ có sự biến đổi lớn qua chuyến công du châu Á đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tình hình chính sự bán đảo Hàn Quốc sẽ đối mặt với một bước ngoặt quan trọng.

Lựa chọn của ban biên tập