Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên yên ắng không có thêm hành vi khiêu khích

2017-11-02

Vì một bán đảo thống nhất

Bắc Triều Tiên yên ắng không có thêm hành vi khiêu khích
Kể từ sau vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 hôm 15/9, Bắc Triều Tiên đã không có thêm hành vi khiêu khích nào. Tình trạng yên ắng này đã kéo dài 50 ngày. Trước đó, Bắc Triều Tiên liên tiếp có những động thái khiêu khích từ sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhậm chức, thậm chí từng thực hiện hành vi khiêu khích hai lần trong một tháng. Việc Bình Nhưỡng không có hành động gì trong thời gian dài như thế này là vô cùng hi hữu. Giáo sư Kim Hyun-wook đến từ Học viện ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc cho biết.

Ông Kim Hyun-wook: Có vẻ như chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thu được hiệu quả từ những biện pháp gây áp lực về mặt quân sự đối với Bắc Triều Tiên. Sau khi kết thúc cuộc tập trận chung quân sự thường niên mang tên Ulchi Freedom Guardian (UFG), tạm dịch là “Người bảo vệ tự do Ulchi”, Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận chung trên biển. Ngoài ra, Mỹ đã điều ba tàu sân bay hạt nhân đến khu vực bán đảo Hàn Quốc. Chuyến thăm các nước châu Á của Tổng thống Trump và việc khoa trương sức mạnh đã hạn chế các hành vi quân sự của Bình Nhưỡng. Trong tình hình hiện nay, việc Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-un đưa ra quyết định thực hiện bất kỳ hành vi quân sự nào cũng sẽ là lý do khiến Washington sử dụng biện pháp quân sự. Có lẽ vì vậy mà Bắc Triều Tiên buộc phải kiềm chế để không phải trả giá đắt cho hành vi của mình.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm 29/10 đưa tin Chủ tịch đảng Lao động Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã đi thăm nhà máy sản xuất mỹ phẩm Bình Nhưỡng. Trước đó chín ngày, Chủ tịch Kim cũng đã đến thị sát nhà máy sản xuất giầy Ryuwon ở thủ đô Bình Nhưỡng. Trong thời gian Bắc Triều Tiên dừng khiêu khích quân sự, lịch trình thăm liên tiếp các cơ sở kinh tế dân sự như vườn cây, nhà máy sản xuất giầy, nhà máy sản xuất mỹ phẩm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un liên tục được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước. Điều này hoàn toàn trái ngược với việc không có bất kỳ hoạt động trong lĩnh vực kinh tế của Chủ tịch Kim Jong-un suốt 93 ngày từ 21/6 đến 20/9. Việc Chủ tịch Kim đột nhiên quan tâm đến lĩnh vực kinh tế dân sự được cho là nhằm chuẩn bị đối phó với với những áp lực quân sự của Mỹ và sự cấm vận kinh tế của cộng đồng quốc tế. Giáo sư Kim Hyun-wook phân tích.


Ông Kim Hyun-wook: Xã hội miền Bắc bất an do chịu ảnh hưởng từ việc cấm vận của cộng đồng quốc tế. Do đó, Chủ tịch miền Bắc tiến hành những cuộc thị sát kinh tế nhằm đoàn kết nội bộ, trấn an lòng dân, đồng thời khoa trương với cộng đồng quốc tế rằng nội bộ miền Bắc vẫn đang rất đoàn kết, ổn định. Bình Nhưỡng cho thấy dù có chịu cấm vận gắt gao thì tình hình trong nước vẫn rất vững chãi, miền Bắc có thể vượt qua dựa nào năng lực kinh tế nội bộ.

Hôm 27/10 vừa qua, miền Bắc đã trao trả thuyền viên và tàu đánh cá của miền Nam bị bắt do xâm phạm trái phép vào hải phận nước này chỉ sau sáu ngày. Trước đó, Bình Nhưỡng đã từng bắt giữ tàu đánh cá Hàn Quốc mang tên “55 Daeseung” bị bắt khi trôi vào vùng biển Bắc Triều Tiên do trục trặc máy móc hồi tháng 8/2010. Nhưng phải 31 ngày sau đó tàu 55 Daeseung mới được trả về nước. Năm 2005, khi mối quan hệ liên Triều đang tốt đẹp, thuyền đánh cá của Hàn Quốc bị bắt cũng được trao trả ngay sau khi thực hiện các thủ tục điều tra đơn giản. Tuy nhiên, việc tàu đánh cá của Hàn Quốc được trao trả nhanh chóng trong thời điểm mối quan hệ hai miền đang trong tình trạng căng thẳng là một điều hiếm thấy. Giáo sư Kim Hyun-wook nêu ý kiến.

Ông Kim Hyun-wook: Mặc dù việc cấm vận sẽ không khiến miền Bắc dừng chương trình hạt nhân nhưng lại ảnh hưởng về mặt kinh tế. Việc xuất khẩu hải sản, khoáng sản, dầu thô và chế phẩm dầu chiếm tới 90% kim ngạch xuất khẩu của miền Bắc đã bị ngăn chặn. Điều này khiến chính quyền Bình Nhưỡng phải tìm hướng đối thoại để tháo gỡ cấm vận. Tuy nhiên, nỗ lực tiến tới đối thoại với Washington dường như không có kết quả. Do đó, miền Bắc có xu hướng tạo dựng cơ hội đối thoại với miền Nam, tạo cầu nối để hướng tới đối thoại với Mỹ.

Trước đây, Bình Nhưỡng thường xuyên chỉ trích một cách trắng trợn việc Bắc Kinh tham gia thực hiện nghị quyết cấm vận Bắc Triều Tiên của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây miền Bắc đã thể hiện thái độ theo hướng khác. Chủ tịch đảng Lao động Kim Jong-un hôm 25/10 đã gửi điện chúc mừng Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục nhiệm kỳ Chủ tịch nước Trung Quốc. Trước đó, Uỷ ban trung ương đảng Lao động Bắc Triều Tiên cũng đã gửi điện chúc Đại hội đảng Cộng sản lần thứ 19 của Trung Quốc thành công tốt đẹp. Giáo sư Kim Hyun-wook phân tích.

Ông Kim Hyun-wook: Trước đây, sau mỗi kỳ đại hội đảng, đoàn cán bộ cấp cao Trung Quốc sẽ tới thăm Bắc Triều Tiên nhằm thắt chặt tình hữu nghị Trung-Triều. Trung Quốc mới bắt đầu nhiệm kỳ lãnh đạo thứ hai của Chủ tịch Tập Cận Bình và dự kiến sẽ có nhiều thay đổi trong chính sách đối ngoại theo xu hướng mạnh mẽ hơn. Bắc Kinh có khả năng sẽ tăng cường sức mạnh ngoại giao trong cuộc cạnh tranh với chiến lược châu Á của Mỹ. Trong bối cảnh này, vai trò bước đệm của Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên càng trở nên quan trọng hơn.

Trung Quốc, trong Đại hội đảng lần thứ 19, đã khẳng định sẽ coi trọng mối quan hệ hợp tác với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, mối quan hệ Trung-Triều gần đây đang có chiều hướng xấu đi khó có thể tốt lên trong thời gian ngắn. Giáo sư Kim Hyun-wook phân tích.

Ông Kim Hyun-wook: Hiện nay, miền Bắc có xu hướng muốn làm dịu mối quan hệ với Trung Quốc. Trong thời gian này, Bắc Triều Tiên tạm dừng việc khiêu khích. Do đó, cũng có thể mối quan hệ Trung-Triều sẽ bớt căng thẳng hơn. Tuy nhiên, việc Bắc Triều Tiên sẽ vẫn tiếp tục thử nghiệm hạt nhân hoặc tên lửa sẽ khiến cộng đồng quốc tế yêu cầu Trung Quốc thực hiện vai trò của mình. Sẽ tới thời điểm Bắc Kinh phải có lựa chọn rõ ràng trong vấn đề của Bình Nhưỡng. Qua đó, có thể thấy mối quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên khó có thể nhanh chóng trở nên tốt đẹp.

Thái độ và hành động kiềm chế của Bắc Triều Tiên trong thời gian gần đây cho thấy nỗ lực cải thiện mối quan hệ với cộng đồng quốc tế, trong đó có Hàn Quốc và Trung Quốc. Giáo sư Kim Hyun-wook cho rằng khó có thể nhận định đây là tín hiệu tích cực cho thấy sự thay đổi căn bản trong mối quan hệ liên Triều hay vấn đề hạt nhân miền Bắc. Ông nói.

Ông Kim Hyun-wook: Tôi cho rằng nỗ lực xoa dịu căng thẳng này sẽ không kéo dài lâu. Đây chỉ là động thái tạm thời chờ đến khi có cơ hội thực hiện phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Có lẽ phải sau khi hoàn tất việc phóng thử nghiệm tên lửa, trở thành nước sở hữu hạt nhân, Bắc Triều Tiên mới có thái độ ôn hòa thực sự. Khi đó, Bình Nhưỡng sẽ yêu cầu đối thoại với tư cách là một nước sở hữu hạt nhân với Mỹ.

Trong tháng 11, nhiều sự kiện chính trị quan trọng như chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) dự kiến mang lại nhiều thay đổi trong tình hình chính sự bán đảo Hàn Quốc. Giáo sư Kim Hyun-wook nêu ý kiến.

Ông Kim Hyun-wook: Hiện nay, Trung Quốc có xu hướng xây dựng mối quan hệ hữu hảo hơn với Hàn Quốc trong chiến lược đối phó với Mỹ. Ngoài ra, Nhật Bản qua lần sửa đổi hiến pháp cũng cho thấy xu hướng sẽ mạnh mẽ hơn nữa trong chính sách đối với Bắc Triều Tiên. Quan hệ hợp tác an ninh ba nước Hàn-Mỹ-Nhật có dấu hiệu sẽ được tăng cường. Chính phủ Hàn Quốc cần có chính sách ngoại giao mà trọng tâm là quan hệ đồng minh với Mỹ trong quá trình tiến tới đối thoại với Bắc Triều Tiên. Đồng thời, Seoul cũng cần chú ý để không bị mất cân bằng trong xu thế ngoại giao mạnh mẽ của Trung Quốc trong tương lai. Hàn Quốc cần củng cố vị thế, tận dụng tốt mối quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ để không bị đứng ngoài trong việc đối thoại với Bình Nhưỡng.

Bắc Triều Tiên sẽ có phản ứng gì khi những sự kiện chính trị quan trọng sẽ bắt đầu diễn ra vào tuần tới. Chúng ta hãy tiếp tục dõi theo diễn biến tiếp theo trong các chương trình sau.

Lựa chọn của ban biên tập