Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Phương án giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên

2017-11-16

Vì một bán đảo thống nhất

Phương án giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên
Hội nghị thượng đỉnh giữa các nước Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản nhằm tìm ra giải pháp cho vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên đã khép lại cùng với chuyến thăm các nước châu Á của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hội nghị được đánh giá đã diễn ra thành công, các nước tham gia đều đề cao những ý kiến đồng nhất và giảm thiểu những ý kiến trái chiều. Lãnh đạo các nước Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đều nhất trí sẽ tiếp tục gây áp lực nhằm đưa Bắc Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán. Chúng ta hãy cùng lắng nghe ý kiến của nhà nghiên cứu Hong Hyun-ik đến từ Viện nghiên cứu Sejong.

Ông Hong Hyun-ik: Tổng thống Donald Trump đã thăm các nước Đông Bắc Á, sau đó tham dự Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam, Hội nghị thượng đỉnh Đông Nam Á tại Philippines. Các cuộc họp đều đã diễn ra suôn sẻ, tình hình chính sự trên bán đảo Hàn Quốc có chiều hướng ôn hòa hơn, đồng thời mở ra khả năng hội đàm giữa các nước có liên quan đến vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho thấy nỗ lực sẽ vừa gây áp lực vừa hướng tới đối thoại. Nhật Bản vẫn duy trì lập trường cấm vận với miền Bắc. Trong khi đó Hàn Quốc và Trung Quốc đều nhất trí ưu tiên giải quyết theo phương án hòa bình. Các nước đã đi đến thống nhất sẽ gây áp lực nhằm kéo Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán.

Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ diễn ra hôm 7/11 là hội nghị thượng đỉnh thứ ba giữa hai nước kể từ sau khi chính quyền Tổng thống Moon Jae-in ra mắt. Trong hội nghị lần này cả Hàn Quốc và Mỹ đều đã có sự điều chỉnh nhất định. Seoul không khăng khăng lập trường đối thoại với Bình Nhưỡng, trong khi Tổng thống Mỹ Trump cũng kiềm chế đưa ra những phát ngôn gay gắt. Trong thông cáo báo chí chung đưa ra sau khi kết thúc hội nghị hôm 8/11, lãnh đạo hai nước khẳng định quyết tâm điều chỉnh việc gây áp lực nhằm phi hạt nhân hóa trên bán đảo Hàn Quốc một cách toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Sau hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ, hôm 9/11 lãnh đạo hai nước Mỹ và Trung Quốc đã có cuộc họp cấp cao tại Bắc Kinh. Cuộc gặp này đã kết thúc mà không có sự bất đồng lớn nào. Tổng thống Donald Trump trong họp báo sau hội nghị tuyên bố “Mỹ và Trung Quốc nhất trí sẽ thực thi tất cả các nghị quyết cấm vận Bắc Triều Tiên của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc một cách toàn diện”. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định “Sẽ thi hành nghị quyết cấm vận của Hội đồng bảo an một cách nghiêm ngặt và toàn diện”. Mặc dù phát ngôn của hai nhà lãnh đạo có phần khác biệt về mức độ cấm vận đối với miền Bắc, tuy nhiên sự nhất trí của hai nước trong việc “tuân thủ nghị quyết của Hội đồng bảo an” thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhà nghiên cứu Hong Hyun-ik đánh giá.

Ông Hong Hyun-ik: Tại Hội nghị thượng đỉnh của hai cường quốc thế giới trong thế kỉ XXI, vị thế của Mỹ vẫn có phần cao hơn. Hiện nay, Mỹ đang thâm hụt thương mại với Trung Quốc khoảng 350 tỷ USD mỗi năm. Washington cũng luôn để ngỏ khả năng áp dụng cơ chế tẩy chay liên đới (secondary boycott) với Bắc Kinh trong trường hợp nước này tỏ ra không hợp tác về vấn đề hạt nhân Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung, việc Trung Quốc đã đề xuất giao dịch mua sản phẩm của Mỹ lên tới 254 tỷ USD đã khiến không khí hội nghị diễn ra có phần êm dịu hơn. Ông Trump đã không đề cập đến biện pháp tẩy chay liên đới, đồng thời cũng không yêu cầu Bắc Kinh dừng việc xuất khẩu dầu cho miền Bắc hoặc trục xuất toàn bộ lao động miền Bắc về nước. Cuộc họp chỉ nhắm đến việc cấm vận tài chính và mở ra khả năng thực hiện đồng thời cấm vận và đối thoại với Bình Nhưỡng.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp bên lề diễn đàn APEC tại Đà Nẵng, Việt Nam. Lãnh đạo hai nước đã khép lại mâu thuẫn liên quan tới tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD), chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ Hàn-Trung, đồng thời nhất trí sẽ tăng cường trao đổi, hợp tác trong giải quyết vấn đề chung là hạt nhân Bình Nhưỡng. Cả hai nhà lãnh đạo đều đồng nhất quan điểm cần duy trì hòa bình ổn định trên bán đảo Hàn Quốc và giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên thông qua đối thoại. Tiếp sau đó, hôm 13/11, Tổng thống Moon Jae-in cũng đã có cuộc họp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Manila, Philippines. Trong cuộc họp, Tổng thống Moon Jae-in một lần nữa khẳng định nguyên tắc hòa bình trong việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Hàn Quốc. Nhà nghiên cứu Hong Hyun-ik cho biết.

Ông Hong Hyun-ik: Tại cuộc họp giữa Tổng thống Moon Jae-in và Thủ tướng Lý Khắc Cường, Hàn Quốc và Trung Quốc thoả thuận sẽ tích cực tìm kiếm những giải pháp mới nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân miền Bắc. Hơn nữa, lãnh đạo hai nước còn thể hiện quyết tâm đưa mối quan hệ hợp tác, giao lưu Hàn-Trung quay trở lại quỹ đạo bình thường.

Mối quan hệ Hàn-Trung đang trở nên tốt đẹp hơn. Điều dư luận quan tâm hiện nay là liệu Trung Quốc có thực hiện đúng vai trò của mình trong việc cấm vận Bắc Triều Tiên ở mức độ cao hơn không. Nhà nghiên cứu Hong Hyun-ik nhận định.

Ông Hong Hyun-ik: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi bắt đầu nhiệm kỳ lãnh đạo thứ hai đã phải mất hơn sáu tháng để tập trung cho đại hội Đảng. Thêm vào đó, Washington liên tục gây áp lực bằng cách đề cập tới biện pháp tẩy chay liên đới, yêu cầu Bắc Kinh phải thực hiện chính sách cứng rắn hơn với miền Bắc. Điều này khiến Trung Quốc không thể tập trung thực hiện vai trò trung gian ngoại giao trong vấn đề Bình Nhưỡng. Trong thời điểm hiện tại, khi Chủ tịch Tập Cận Bình đã củng cố vững chắc vị trí quyền lực, cùng với khả năng thực hiện đồng thời cấm vận và đối thoại như đã đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung, có khả năng Trung Quốc sẽ tích cực hơn trong việc thực hiện cấm vận và thuyết phục Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.

Tính đến ngày 14/11, Bình Nhưỡng đã không có bất kỳ động thái khiêu khích quân sự nào sau 60 ngày kể từ lần phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 hôm 15/9. Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ Joseph Yun hôm 30/10, trong một sự kiện của hiệp hội ngoại giao Mỹ cho biết nếu Bắc Triều Tiên không thử nghiệm tên lửa, hạt nhân trong vòng 60 ngày thì Mỹ sẽ coi đó là tín hiệu tiến tới đối thoại trực tiếp. Có ý kiến cho rằng Bắc Triều Tiên vẫn có khả năng sẽ tiếp tục khiêu khích. Nhà nghiên cứu Hong Hyun-ik phân tích.

Ông Hong Hyun-ik: Việc Bắc Triều Tiên ngừng khiêu khích có liên quan mật thiết đến tình hình chính sự ở Trung Quốc, nước chiếm tới 90% giao dịch thương mại với miền Bắc. Trong thời gian này, Bình Nhưỡng chờ đợi Trung Quốc ổn định việc phân bổ quyền lực chính trị. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung cũng là yếu tố quyết định, khiến miền Bắc phải kiềm chế hành động của mình. Thêm vào đó, Mỹ đã điều ba tàu sân bay hạt nhân đến khu vực gần bán đảo Hàn Quốc, tiến hành tập trận chung với Hàn Quốc và Nhật Bản. Bất kỳ hành động khiêu khích nào của Bắc Triều Tiên hiện nay sẽ khiến miền Bắc chịu trừng phạt quân sự nghiêm trọng. Mặt khác, Bình Nhưỡng đã gửi đến Mỹ thông điệp đối thoại thông qua Vụ trưởng phụ trách quan hệ với Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên Choi Sun-hee. Tuy nhiên, việc Bắc Triều Tiên có tiếp tục khiêu khích nữa hay không còn phụ thuộc vào việc đối thoại Mỹ-Triều có diễn ra sau khi miền Bắc hoàn thiện vũ khí hạt nhân.

Việc các hội nghị thượng đỉnh giữa Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản diễn ra liên tiếp khiến Bắc Triều Tiên phải có quyết định rõ ràng. Liệu căng thẳng trên bán đảo Hàn Quốc, trong thời gian tới, có thể được hóa giải hoặc có bước ngoặt quyết định hay không? Điều này phụ thuộc vào việc kết quả của các hội nghị này được cụ thể hóa ra sao, cũng như Bình Nhưỡng sẽ có thái độ và hành động như thế nào. Nhà nghiên cứu Hong Huyn-ik nhận định.

Ông Hong Hyun-ik: Các chuyên gia nhận định phải mất một tới hai năm nữa Bắc Triều Tiên mới có thể đưa vũ khí hạt nhân vào sử dụng thực chiến. Theo đó, khả năng cao đối thoại sẽ diễn ra sau khi Bình Nhưỡng hoàn thiện chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, liệu đến thời điểm đó, Mỹ có chấp nhận đàm phán hay không lại là một luận điểm gây nhiều tranh cãi. Mặt khác, chính quyền Kim Jong-un đang chịu áp lực chưa từng thấy về vấn đề hạt nhân miền Bắc. Với tình hình hiện tại, Bình Nhưỡng có thể sẽ cân nhắc tới phương án đối thoại hơn là chọn đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn khác, kể cả khi đó không phải là giải pháp cuối cùng mà nước này theo đuổi. Do đó, tôi cho rằng giai đoạn đối thoại có thể sẽ quay trở lại.

Lựa chọn của ban biên tập