Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Trung Quốc cử Đặc phái viên của Chủ tịch nước sang thăm Bắc Triều Tiên

2017-11-23

Vì một bán đảo thống nhất

Trung Quốc cử Đặc phái viên của Chủ tịch nước sang thăm Bắc Triều Tiên
Chuyến thăm Bắc Triều Tiên bốn ngày ba đêm của ông Tống Đào - Đặc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc. Chuyến công tác của Trưởng Ban liên lạc trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc được coi là dịp hóa giải mối quan hệ Trung-Triều đang có phần căng thẳng, đồng thời được kỳ vọng sẽ là bước ngoặt trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, dư luận đánh giá chuyến đi mới chỉ thành công một nửa. Giáo sư Kang Jun-young đến từ Khoa sau đại học nghiên cứu các vấn đề Quốc tế và Khu vực, thuộc trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc cho biết.

Ông Kang Jun-young: Cách đây hai năm, vào năm 2015, ông Lưu Vân Sơn, Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc đã có chuyến thăm tới Bình Nhưỡng nhằm giải tỏa căng thẳng quan hệ Trung-Triều. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nước ngày càng trở nên xa cách do miền Bắc liên tục khiêu khích và phát triển chương trình hạt nhân. Sau Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có hội nghị thượng đỉnh, thảo luận về phương án hợp tác nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Bình Nhưỡng. Có thể thấy Bắc Kinh đang bắt đầu chủ động hơn trong vấn đề này. Do đó, chuyến thăm của Đặc phái viên Tống Đào được cho là sẽ tạo ra một xuất phát điểm mới trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Trong ngày đầu tiên thăm miền Bắc hôm 17/11, Trưởng Ban liên lạc trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Tống Đào đã có cuộc gặp với Phó Chủ tịch đảng Lao động Bắc Triều Tiên Choe Ryong-hae. Ông cũng đã có cuộc hội đàm với Phó Chủ tịch uỷ ban Ngoại giao thuộc đảng Lao động Ri Su-yong. Cán bộ cấp cao hai nước đã thảo luận về các vấn đề chung của hai đảng và hai nhà nước. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Đặc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc đã viếng thăm Cung Thái Dương Kumsusan, nơi an nghỉ của hai cố Chủ tịch miền Bắc Kim Nhật Thành và Kim Jong-il. Ông cũng tới thăm Tháp hữu nghị, biểu tượng cho mối quan hệ truyền thống Trung-Triều. Giáo sư Kang Jun-young cho biết.

Ông Kang Jun-young: Mục đích chuyến thăm lần này là trình bày về kết quả Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX. Tuy nhiên, ngoài mục đích mang tính bề mặt này, Đặc phái viên Tống Đào còn có nhiệm vụ truyền đạt lập trường của Trung Quốc xoay quanh vấn đề hạt nhân, tên lửa được đề cập đến trong các hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung, Hàn-Mỹ, Mỹ-Nhật, Mỹ-Trung diễn ra trước đó. Tuy nhiên, những vấn đề này không thuộc phạm vi mà Phó Chủ tịch đảng Lao động Choe Ryong-hae hay Phó Chủ tịch Uỷ ban Ngoại giao Ri Su-yong có thể đưa ra ý kiến. Do đó, nội dung chủ yếu được đề cập đến là phương hướng phát triển quan hệ ngoại giao Trung-Triều và mối quan hệ, giao lưu giữa hai đảng.

Dư luận vô cùng quan tâm liệu ông Tống Đào có diện kiến Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-un hay không. Tuy nhiên, cho đến 22/11 vẫn chưa có cuộc gặp nào diễn ra trong thời gian ông lưu lại Bình Nhưỡng. Ngoài ra, trong cuộc họp báo định kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã né tránh câu hỏi về cuộc gặp giữa Đặc phái viên Tống Đào và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Giáo sư Kang Jun-young cho biết.

Ông Kang Jun-young: Chúng ta đều biết Bắc Triều Tiên đã bỏ nhiều công sức để được công nhận là quốc gia sở hữu hạt nhân. Dù Đặc phái viên mà Trung Quốc cử đến là ai, chính quyền Bình Nhưỡng có thể vẫn nhận định rằng Bắc Kinh muốn thuyết phục miền Bắc kiềm chế tham vọng này. Nếu Chủ tịch Kim Jong-un gặp Đặc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc, ông ta buộc phải đưa ra một thông điệp nào đó. Thậm chí, nếu cuộc gặp này thực sự diễn ra, cũng rất khó có thể đưa ra một thông báo chính thức nào về kết quả cụ thể. Trong trường hợp Chủ tịch Kim Jong-un không gặp Đặc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hoặc miền Bắc không công bố gì về kết quả cuộc gặp, điều đó có nghĩa là Bắc Kinh đã thất bại trong việc thuyết phục Bình Nhưỡng. Nói một cách khác, miền Bắc sẽ không chịu tác động của Trung Quốc cho đến khi hoàn thiện được vũ khí hạt nhân.

Mặt khác hôm 20/11 (theo giờ địa phương) Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tái chỉ định Bắc Triều Tiên là quốc gia hỗ trợ khủng bố. Cách đây chín năm, vào năm 2008, miền Bắc đã từng được xóa tên trong danh sách các nước hỗ trợ khủng bố. Trên trang mạng xã hội Twitter cá nhân của mình, Tổng thống Donald Trump đánh giá: “Việc Trung Quốc cử Đặc phái viên của Chủ tịch nước đến Bắc Triều Tiên là một động thái lớn. Để xem điều gì sẽ diễn ra.”, đồng thời lui lại việc tái chỉ định Bình Nhưỡng là quốc gia tài trợ khủng bố sau khi kết thúc chuyến thăm các nước châu Á. Tuy nhiên, Washington đã đưa ra quyết định này tại thời điểm lịch trình thăm miền Bắc của Đặc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc Tống Đào kết thúc. Bắc Triều Tiên hiện đang chịu sự cấm vận toàn diện của cộng đồng quốc tế và các chế tài riêng của các nước như Mỹ. Do đó, việc bị đưa vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố trên thực tế không mang lại thêm hiệu quả lớn nào khác. Tuy nhiên, việc Bình Nhưỡng bị coi là quốc gia tài trợ khủng bố sẽ khiến mối quan hệ ngoại giao Mỹ-Triều khó có thể tiến tới bình thường hóa, đồng thời miền Bắc sẽ bị đóng mác là “quốc gia xấu”, gây nguy hiểm cho cộng đồng quốc tế. Hành động này của Tổng thống Donald Trump được cho là sẽ khiến chính quyền Bình Nhưỡng bị phong tỏa toàn diện. Giáo sư Kang Jun-young phân tích.

Ông Kang Jun-young: Có lẽ Washington đánh giá chuyến thăm miền Bắc của Đặc phái viên Tống Đào đã không mang lại kết quả gì. Tổng thống Mỹ vẫn tiếp tục duy trì lập trường gây áp lực và có xu hướng gia tăng áp lực tối đa. Trước đó, Quốc hội Mỹ cũng liên tục đưa ra đề nghị tái chỉ định Bình Nhưỡng là quốc gia tài trợ khủng bố. Sau nhiều lần gửi tới Bắc Triều Tiên thông điệp yêu cầu từ bỏ hạt nhân nhưng không có sự hồi đáp, Mỹ cho thấy sẽ tiến hành những biện pháp cấm vận mức độ cao nhất.

Trung Quốc cũng từng đề xuất phương án trong vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung. Đó là “Bắc Triều Tiên ngừng khiêu khích hạt nhân, tên lửa với điều kiện liên quân Hàn-Mỹ dừng tập trận chung”. Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi báo cáo kết quả chuyến công du các nước châu Á hôm 15/11 đã tuyên bố không chấp nhận phương án mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra. Theo đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ ý kiến của ông Trump với lý do: “Trong tình hình hiện nay thì việc cả hai bên cùng ngừng khiêu khích và tập trận quân sự là phương án có tính khả thi và hợp lý nhất”. Bắc Kinh cho rằng việc cả hai bên dừng chạy đua vũ trang sẽ mở ra con đường đối thoại và hiệp thương. Trung Quốc nhấn mạnh việc đồng thời phi hạt nhân hóa trên bán đảo Hàn Quốc và đàm phán về Hiệp định hòa bình Mỹ-Triều là phương án ổn định lâu dài bán đảo Hàn Quốc. Giáo sư Kang Jun-young cho biết.

Ông Kang Jun-young: Trung Quốc gần như đã thất bại trong việc thuyết phục miền Bắc dừng khiêu khích và việc đề nghị Hàn-Mỹ ngừng tập trận quân sự chung. Bắc Triều Tiên coi hạt nhân là phương tiện tự vệ khi Mỹ áp dụng các chính sách đối địch. Trong khi đó, Hàn-Mỹ cũng không thể dừng việc tập trận chung đã kéo dài suốt 40 năm nhằm đối phó với việc miền Bắc phát triển chương trình hạt nhân, tên lửa. Tình trạng mỗi nước đều khăng khăng lập trường của mình vẫn tiếp tục diễn ra như một vòng quay chưa thấy điểm dừng.

Trong thời gian tới sẽ diễn ra nhiều lịch trình liên tiếp với chủ đề nghị sự chính là vấn đề hạt nhân miền Bắc. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hàn-Trung diễn ra vào 22/11, tiếp đó ngày 27/11 sẽ có cuộc họp giữa đại diện vòng đàm phán sáu bên của Hàn Quốc và Nga. Ngoài ra, Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 12. Hơn lúc nào hết, giờ là thời điểm cần có chiến lược ngoại giao cụ thể, toàn diện về vấn đề hạt nhân miền Bắc.

Lựa chọn của ban biên tập