Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Chính sách đối với Bắc Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump

2017-11-30

Vì một bán đảo thống nhất

Chính sách đối với Bắc Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng tuyên bố sẽ áp dụng chính sách “gây áp lực và can thiệp ở mức độ cao nhất” đối với Bắc Triều Tiên sau khi chính thức ra mắt hồi tháng 4/2017. Trong thời gian qua, Washington vừa tiến hành các biện pháp cấm vận riêng, vừa yêu cầu cộng đồng quốc tế tham gia gây áp lực với miền Bắc, đồng thời cũng hé mở cánh cửa đàm phán. Tất cả đều hướng tới mục tiêu khiến Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Chúng ta hãy cũng nghe ý kiến của giáo sư Kim Yong-hyeon đến từ khoa Bắc Triều Tiên, trường Đại học Dongkuk đánh giá về chính sách đối với Bắc Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ trong bảy tháng qua.

Ông Kim Yong-hyeon: Tổng thống Donald Trump đã từng đưa ra những bình luận khiêu khích như “tiêu diệt hoàn toàn” miền Bắc. Tuy nhiên, ông Trump vẫn đề cập đến phương án đối thoại với Bình Nhưỡng. Trong vòng bảy tháng qua, chính sách của Washington đối với miền Bắc có thể gói gọn trong cụm từ “gây sức ép tối đa”. Đáp lại điều này, Bình Nhưỡng cũng có những phản bác mạnh mẽ không kém, tạo nên thế căng như dây đàn giữa hai nước.

Chính phủ Mỹ cũng đã đưa ra nhiều phát ngôn gay gắt. Bản thân Tổng thống Trump cũng nhiều lần chỉ trích Chủ tịch uỷ ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un thông qua các trang mạng xã hội như Twitter, khiến tình hình bán đảo Hàn Quốc thêm phần căng thẳng. Những biện pháp cấm vận của riêng Mỹ và của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc được thực thi ở mức độ cao hơn từ trước đến nay. Gần đây nhất là việc Tổng thống Donald Trump tái chỉ định Bắc Triều Tiên là nước tài trợ khủng bố sau chín năm xóa miền Bắc khỏi danh sách này. Không chỉ vậy, ngay sau đó Mỹ còn bổ sung một cá nhân và 13 cơ quan, tổ chức, 20 thuyền vào danh sách cấm vận. Chính phủ Mỹ đang tiếp tục tiến hành việc “gây áp lực ở mức độ cao nhất” như đã từng tuyên bố. Giáo sư Kim Yong-hyeon phân tích.

Ông Kim Yong-hyeon: Bắc Triều Tiên từng bị xếp vào danh sách quốc gia tài trợ khủng bố năm 1988 sau vụ nước này đánh bom khủng bố một chiếc máy bay của hãng hàng không Hàn Quốc Korean Air vào năm 1987 và được xóa tên khỏi danh sách này năm 2008. Tuy nhiên, lần tái chỉ định Bình Nhưỡng là quốc gia tài trợ khủng bố này khác với tình hình trước năm 2008. Đây có thể coi là một chiến thuật của Washington. Nếu Bắc Triều Tiên đi đến đối thoại thì nước này có thể được xóa tên khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố. Nói một cách khác, việc Mỹ tái chỉ định miền Bắc vào danh sách đen là nhằm mục đích khiến nước này phải từ bỏ chương trình hạt nhân.

Mỹ không chỉ áp dụng chính sách gây áp lực về kinh tế đối với Bắc Triều Tiên mà còn sử dụng nhiều biện pháp ngoại giao nhằm cô lập miền Bắc trong cộng đồng quốc tế. Hôm 21/11 (theo giờ địa phương), Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết có tới 20 nước tham gia vào việc thực hiện cấm vận riêng đối với Bình Nhưỡng ngoài nghị quyết cấm vận của Hội đồng bảo an. Năm nước Mexico, Peru, Kuwait, Tây Ban Nha, Ý đã trục xuất Đại sứ Bắc Triều Tiên. Bồ Đào Nha cũng đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với miền Bắc. Sudan là quốc gia Châu Phi đầu tiên tuyên bố chấm dứt quan hệ với Bình Nhưỡng. Giáo sư Kim Yong-hyeon nhận định.

Ông Kim Yong-hyeon: Việc có tới 20 nước thực hiện cấm vận riêng với miền Bắc mang ý nghĩa tượng trưng, tạo áp lực về mặt tâm lý với chính quyền Bình Nhưỡng. Nhưng điều quan trọng hơn là động thái của Trung Quốc. Đặc biệt, việc Bắc Kinh thực hiện cấm vận và phối hợp với cộng đồng quốc tế ở mức độ nào sẽ mang tính chất quyết định và đem lại hiệu quả thực tế.

Sau khi Bắc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hồi tháng 8 và thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu hồi tháng 9 năm nay, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã ban hành hai nghị quyết cấm vận miền Bắc có mức độ cao nhất trong lịch sử chỉ sau lần lượt một tháng và một tuần. Qua đó, có thể thấy cộng đồng quốc tế đều nhất trí trong việc gây áp lực đối với Bình Nhưỡng. Điều đáng nói ở đây là sự thay đổi của Trung Quốc. Theo thống kê vào tháng 10/2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của Bắc Triều Tiên sang Trung Quốc là 90 triệu USD, giảm 62% so với cùng kỳ năm trước là 238 triệu USD. Tổng giao dịch thương mại Trung-Triều tháng 10 là 330 triệu USD, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2017 cho đến nay. Không chỉ vậy, mặc dù không tán thành việc Washington tái chỉ định Bình Nhưỡng là quốc gia tài trợ khủng bố, hãng hàng không quốc doanh Air China của Trung Quốc đã ngừng các chuyến bay trên chặng Bắc Kinh-Bình Nhưỡng. Cây cầu nối giữa thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc và thành phố Sinuiju, tỉnh Bắc Pyongan, Bắc Triều Tiên cũng bị đóng cửa tạm thời. Giáo sư Kim Yong-hyeon nêu ý kiến.

Ông Kim Yong-hyeon: Với vai trò là một trong hai cường quốc lớn (G2), Trung Quốc đang thể hiện lập trường một cách rõ ràng hơn. Bắc Kinh cho thấy đang tích cực tham gia gây sức ép với Bình Nhưỡng, đồng thời giám sát chặt chẽ các hoạt động giao dịch trái phép ở khu vực biên giới Trung-Triều. Hiện nay, Trung Quốc đang tham gia cấm vận Bắc Triều Tiên, phối hợp với cộng đồng quốc tế ở mức độ cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, có lẽ Trung Quốc sẽ phải cân nhắc vì khó có thể duy trì việc cấm vận gay gắt miền Bắc trong thời gian dài.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên hôm 22/11 đã bày tỏ lập trường chính thức của chính quyền miền Bắc trong buổi họp báo với phóng viên Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA). Bình Nhưỡng coi việc Mỹ tái chỉ định Bắc Triều Tiên vào danh sách các nước tài trợ khủng bố là “hành động khiêu khích và xúc phạm nghiêm trọng”. Nước này nhấn mạnh sẽ khiến Mỹ phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Phản ứng của Bình Nhưỡng được cho là khá mềm mỏng so với trước đó. Kể từ lần phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 hôm 15/9, Bắc Triều Tiên đã không có thêm hành động khiêu khích nào suốt 75 ngày. Có ý kiến cho rằng chính quyền Bắc Triều Tiên đang có sự điều chỉnh nhằm thay đổi cục diện. Tuy nhiên, vào lúc 3 giờ 17 phút rạng sáng ngày 29/11, Bắc Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm xa Hwasong-15 từ khu vực Pyongsong, tỉnh Nam Pyongan về vùng biển phía Đông nước này. Tên lửa đã đạt tới độ cao khoảng 4.500 km, bay được quãng đường khoảng 960 km, độ cao lớn nhất mà tên lửa miền Bắc đạt đến từ trước tới nay. Các chuyên gia nhận định rằng động thái này của Bắc Triều Tiên cho thấy nước này sẽ không từ bỏ việc phát triển hạt nhân, tên lửa bất chấp sự gia tăng sức ép của Mỹ và cộng đồng quốc tế. Giáo sư Kim Yong-hyeon phân tích.

Ông Kim Yong-hyeon: Hành động của Bắc Triều Tiên được cho là phản ứng với việc Mỹ tái chỉ định nước này là quốc gia tài trợ khủng bố. Thêm vào đó, chuyến thăm Bắc Triều Tiên của Trưởng Ban liên lạc đối ngoại trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Tống Đào được đánh giá là không thành công. Bình Nhưỡng đã lựa chọn đối đầu, không khuất phục trước áp lực của Mỹ và cộng đồng quốc tế.

Chính phủ Hàn Quốc phê phán gay gắt hành động phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên. Miền Nam yêu cầu miền Bắc dừng mọi hành vi khiến tình hình thêm căng thẳng. Washington quy kết hành động phóng tên lửa của Bình Nhưỡng phá vỡ sự ổn định của cộng đồng quốc tế. Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ có phương án đáp trả, khẳng định lập trường không thay đổi trong chính sách đối với miền Bắc. Giáo sư Kim Yong-hyeon nêu ý kiến.

Ông Kim Yong-hyeon: Mỹ có thể sẽ có màn đáp trả mạnh mẽ với hành động này của Bắc Triều Tiên; thậm chí cùng với các nước khác, tiếp tục gia tăng cấm vận với miền Bắc. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế vận hội Olympic Pyeongchang sắp diễn ra, cộng đồng quốc tế trong đó có Mỹ, Trung Quốc sẽ điều chỉnh việc gây sức ép, nhằm thuyết phục miền Bắc hạn chế khiêu khích.

Cộng đồng quốc tế vừa quan tâm vừa lo ngại khi Bắc Triều Tiên tiếp tục khiêu khích đồng thời dõi theo diễn biến thực thi việc cấm vận đối với miền Bắc của Mỹ và cộng đồng quốc tế.

Lựa chọn của ban biên tập