Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Ngân sách quốc phòng năm 2018 tăng 7%

2017-12-14

Vì một bán đảo thống nhất

 Ngân sách quốc phòng năm 2018 tăng 7%
Trong dự thảo ngân sách năm 2018 được Quốc hội Hàn Quốc thông qua vào hôm 6/12, ngân sách lĩnh vực quốc phòng được phân bổ 43.158,1 tỷ won (39,7 tỷ USD), tăng 7% so với năm nay, và là mức tăng cao nhất kể từ sau năm 2009. Trong quá trình thẩm định dự thảo ngân sách tại Quốc hội, ngân sách quốc phòng đã được tăng thêm 40,4 tỷ won (36 triệu USD). Đây là lần đầu tiên kể từ sau năm 2011, một năm sau vụ Bắc Triều Tiên nã pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc (2010), ngân sách quốc phòng mới được tăng thêm trong quá trình thẩm định tại Quốc hội. Điều này phản ánh rõ nét tình hình an ninh nghiêm trọng hiện nay, khi nguy cơ hạt nhân, tên lửa Bắc Triều Tiên đang ngày một leo thang. Sau đây là phân tích của ông Moon Seong-mook, Giám đốc Trung tâm chiến lược thống nhất, thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc gia Hàn Quốc.

Ông Moon Seong-mook : Trong thời gian qua, Tổng thống Moon Jae-in thường xuyên đề cập tới việc sẽ duy trì sức mạnh quân sự một cách áp đảo để đối phó với uy hiếp hạt nhân, tên lửa từ Bắc Triều Tiên. Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc hiện đang xúc tiến chuyển giao sớm quyền tác chiến thời chiến từ Washington, để có thể chủ động trong tác chiến liên quân trong thời gian tới. Để làm được điều đó, ngân sách quốc phòng là vấn đề cơ bản nhất. Do vậy, việc tỷ lệ tăng ngân sách quốc phòng trong năm sau ở mức cao cho thấy quyết tâm đối phó quyết liệt với uy hiếp từ Bình Nhưỡng. Điều này cũng phản ánh nhận thức chung của Chính phủ về tình hình an ninh hết sức nghiêm trọng hiện nay, và việc cần thiết phải nâng cao sức mạnh quốc phòng để đối phó một cách triệt để với uy hiếp hạt nhân, tên lửa miền Bắc, đảm bảo an toàn cho người dân.

Trong ngân sách quốc phòng năm sau, ngân sách để cải thiện sức mạnh phòng thủ, đối phó với uy hiếp hạt nhân, tên lửa Bắc Triều Tiên được phân bổ 13.520,3 tỷ won (12,37 tỷ USD), tăng 10,8% so với năm nay. Trong đó, ngân sách để xây dựng “hệ thống ba trụ cột” là 2.273,5 tỷ won (2,08 tỷ USD), tăng 16,4% so với năm nay. Đây là ba hệ thống nhằm vô hiệu hóa các động thái khiêu khích hạt nhân và tên lửa của miền Bắc, gồm hệ thống tấn công phủ đầu bằng tên lửa "Kill Chain", hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không Hàn Quốc (KAMD) và Hệ thống trừng phạt và đáp trả trên diện rộng (KMPR).

Ông Moon Seong-mook : Trong hệ thống “Kill Chain”, việc thu thập thông tin là điều hết sức quan trọng. Để có thể thăm dò sớm các động thái phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên và tiến hành đánh chặn tên lửa, việc tăng cường khả năng giám sát, trinh sát và tấn công một cách chính xác vào mục tiêu là điều hết sức cần thiết. Do vậy, ngân sách quốc phòng năm sau đã bao gồm ngân sách cho các thiết bị giám sát, trinh sát như vệ tinh trinh sát, ra-đa cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo. Ngoài ra, ngân sách quốc phòng năm 2018 còn bao gồm hạng mục ngân sách cần thiết để thiết lập năng lực tấn công cho quân đội, như máy bay chiến đấu tàng hình F-35, và ngân sách để thu mua vũ khí trong Hệ thống trừng phạt và đáp trả trên diện rộng (KMPR), hoàn thiện hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không Hàn Quốc (KAMD). Hệ thống ba trụ cột vốn được đặt mục tiêu hoàn thiện vào giữa những năm 2020. Tuy nhiên, ngân sách quốc phòng năm sau được phân bổ tập trung cho ba hệ thống này, nhằm đẩy sớm thời gian hoàn thiện vào đầu những năm 2020.

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề chính trị Jeffrey Feltman đã có chuyến thăm Bắc Triều Tiên dài năm ngày, từ ngày 5/12 tới ngày 9/12 vừa qua. Ông Feltman cho biết trong chuyến thăm Bình Nhưỡng vừa rồi, hai bên đã trao đổi ý kiến về tình hình bán đảo Hàn Quốc. Bắc Triều Tiên cũng đồng tình rằng tình hình hiện nay trên bán đảo Hàn Quốc đang hết sức cấp bách và gây nguy hiểm tới hòa bình và an ninh thế giới. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Liên hợp quốc và nước này nhất trí sẽ định kỳ tổ chức trao đổi ở nhiều cấp. Tuy nhiên, theo ông Moon Seong-mook, chuyến thăm này đã không đạt được bất cứ một thỏa thuận cụ thể nào về phương diện ngoại giao.

Ông Moon Seong-mook : Chuyến thăm này của ông Feltman là chuyến thăm đầu tiên trong vòng bảy năm qua của một Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc. Tuy nhiên trong thời gian thăm Bình Nhưỡng, ông đã không có cuộc gặp với Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Theo tôi nhận thấy, hai bên mới chỉ dừng lại ở việc trao đổi về lập trường của mỗi bên, và nhất trí duy trì đối thoại trong thời gian tới để tránh xảy ra xung đột hoặc đẩy cao căng thẳng. Có thể coi đây là một thỏa thuận có ý nghĩa, bởi vì hai bên nhất trí chuyển từ trạng thái cắt đứt đối thoại sang đối thoại. Tuy nhiên, con đường phía trước vẫn còn rất dài.

Chuyến thăm Bắc Triều Tiên lần này của Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc diễn ra sau vụ Bắc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15 vào hôm 29/11, trong bối cảnh Chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tỏ ra quyết tâm sẽ đối phó một cách cứng rắn với động thái khiêu khích vừa rồi của Bình Nhưỡng, trong đó có việc áp đặt cấm vận bổ sung với nước này. Vậy việc Bắc Triều Tiên chấp thuận chuyến thăm của một quan chức cấp cao Liên hợp quốc trong bối cảnh nước này đang bị cộng đồng quốc tế gây sức ép, cấm vận là nhằm mục đích gì?

Ông Moon Seong-mook : Việc Bắc Triều Tiên chấp thuận chuyến thăm của Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc có thể là nhằm mục đích truyền đạt lập trường của nước này, rằng không chỉ vụ phóng tên lửa vừa rồi mà tất cả các động thái thử nghiệm hạt nhân, tên lửa trước đó của Bình Nhưỡng đều là những biện pháp tự vệ chính đáng trước sự uy hiếp của Mỹ. Miền Bắc muốn chỉ ra rằng các biện pháp cấm vận mà quốc tế áp đặt với nước này là không chính đáng. Qua đây, nước này mong muốn tìm ra một bước đột phá trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang thảo luận về biện pháp cấm vận quyết liệt hơn với Bình Nhưỡng, vừa nhằm thể hiện động thái hướng tới đối thoại.

Mặt khác, miền Bắc được cho là đang có dấu hiệu chuẩn bị phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM). Truyền thông Mỹ đưa tin nước này đã đóng xong xà lan chuyên dụng để phóng tên lửa SLBM. Hãng tin Kyodo của Nhật Bản đưa tin miền Bắc đang sản xuất phiên bản mẫu của tên lửa Sao Bắc Cực-3, một loại tên lửa SLBM kiểu mới, khiến dư luận lo ngại Bình Nhưỡng sắp sửa khiêu khích tiếp.


Ông Moon Seong-mook : Điều mà Bắc Triều Tiên hướng đến là hoàn thiện sức mạnh hạt nhân, tên lửa. Nước này đang dốc toàn lực để phát triển tên lửa ICBM có thể tấn công tới tận lãnh thổ nước Mỹ và tên lửa SLBM phóng từ tàu ngầm. Vào tháng 8 năm ngoái, miền Bắc đã phóng thành công tên lửa SLBM mang tên Sao Bắc Cực-2. Giờ đây, nước này đang đóng tàu ngầm cỡ lớn hơn để có thể chở nhiều hơn hai tên lửa SLBM, và phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm kiểu mới mang tên Sao Bắc Cực-3. Tên lửa SLBM là loại tên lửa có thể giúp Bình Nhưỡng tấn công một cách bất ngờ, bí mật. Để đối phó với điều này, Hàn Quốc cần phải tăng cường được sức mạnh tàu ngầm, đặc biệt là tàu ngầm hạt nhân. Đồng thời đẩy mạnh việc phát triển, triển khai các trang thiết bị thăm dò sớm tàu ngầm của miền Bắc, cũng như nâng cao khả năng đối phó trên phương diện liên quân Hàn-Mỹ.

Bài toán đặt ra với Hàn Quốc hiện nay là phải củng cố được sức mạnh đồng minh Hàn-Mỹ, vừa lôi kéo được sự phối hợp của Trung Quốc trong cấm vận với Bắc Triều Tiên, vừa chuẩn bị đối thoại với miền Bắc trong thời gian tới. Việc ngân sách quốc phòng năm sau tăng mạnh được kỳ vọng sẽ là cơ hội để quân đội Hàn Quốc tăng cường được sức mạnh chiến đấu, đối phó với uy hiếp hạt nhân, tên lửa Bắc Triều Tiên.

Ông Moon Seong-mook : Chính phủ Hàn Quốc coi giải quyết vấn đề hạt nhân miền Bắc là ưu tiên hàng đầu, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc cải thiện quan hệ liên Triều, xây dựng nền hòa bình bền vững và lâu dài trên bán đảo Hàn Quốc. Để làm được điều này, Chính phủ đang tìm mọi cách để tăng cường quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ, phát triển thành một mối quan hệ “đồng minh vĩ đại”, đồng thời tăng ngân sách quốc phòng để nâng cao sức mạnh quân sự. Song song với đó, Seoul đang phối hợp tích cực với Washington và cộng đồng quốc tế để đẩy cao sức ép tối đa với Bình Nhưỡng, nhưng vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại với nước này, nỗ lực kéo miền Bắc ngồi vào bàn đàm phán. Dù Bắc Triều Tiên chưa đáp lại những cố gắng này, Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in vẫn sẽ phải tiếp tục kiên nhẫn trong thời gian tới để giữ an toàn cho đất nước và người dân trước uy hiếp hạt nhân, tên lửa từ miền Bắc. Chính phủ sẽ cần đẩy cao khả năng răn đe của liên quân Hàn-Mỹ, trao đổi, phối hợp chặt chẽ với Mỹ. Ngân sách quốc phòng tăng, nhưng điều quan trọng là Chính phủ phải sử dụng hiệu quả ngân sách đó, từ đó nâng cao được sức mạnh phòng vệ.

Việc ngân sách quốc phòng lần đầu tăng trong vòng chín năm dự kiến sẽ tạo ra được động lực để Hàn Quốc đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống ba trụ cột đối phó với vấn đề hạt nhân miền Bắc. Giờ đây, dư luận đang hướng sự chú ý tới kết quả hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung sẽ ảnh hưởng ra sao tới tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân Bình Nhưỡng.

Lựa chọn của ban biên tập