Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên tuyên bố hoàn thiện năng lực hạt nhân

2017-12-07

Vì một bán đảo thống nhất

Bắc Triều Tiên tuyên bố hoàn thiện năng lực hạt nhân
Ba giờ 17 phút chiều ngày 29/11 vừa qua, Bắc Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15. Cùng ngày, miền Bắc tuyên bố nước này đã hoàn thiện sức mạnh hạt nhân quốc gia, trở thành một cường quốc tên lửa. Đây là lần đầu tiên Bắc Triều Tiên khẳng định “hoàn thiện sức mạnh hạt nhân”. Điều này được phân tích là một tuyên bố chính trị về việc hoàn tất phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hơn là việc khẳng định Bình Nhưỡng đã hoàn thiện về mặt kỹ thuật hạt nhân, tên lửa hoặc có khả năng đưa các vũ khí này vào thực chiến. Giáo sư Kim Dong-yeopyeop đến từ Viện nghiên cứu các vấn đề Viễn Đông, thuộc trường Đại học Kyeongnam phân tích.

Ông Kim Dong-yeop : Với tuyên bố hoàn thiện sức mạnh quân sự này, chính quyền Bình Nhưỡng trấn an mối lo ngại về an ninh của người dân, ổn định thể chế, đoàn kết nội bộ. Trong diễn văn chào mừng năm mới 2017, Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-un đã khẳng định việc nghiên cứu và phóng thử nghiệm tên lửa ICBM sẽ đi vào giai đoạn hoàn tất trong năm 2017. Năm 2018 sắp tới gần, sẽ là dịp để Bình Nhưỡng đánh giá về kết quả của năm 2017 và có thể tuyên bố rằng đã đạt được mục tiêu đề ra. Do đó, dù khía cạnh kỹ thuật còn thiếu sót nhưng việc phóng thử nghiệm tên lửa lần này vẫn là một căn cứ để Bắc Triều Tiên đưa ra tuyên bố mang tính chính trị, có ý nghĩa trong nội bộ miền Bắc.

Bắc Triều Tiên đã gọi lần phóng tên lửa Hwasong-14 ngày 4/7 là “ngưỡng cửa cuối cùng để đi đến hoàn thiện năng lực hạt nhân quốc gia”. Vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu vào ngày 3/9 được coi là có ý nghĩa lớn trong việc đạt được mục tiêu này. Và sau lần phóng thử nghiệm tên lửa hôm 29/11, Bình Nhưỡng đã tuyên bố “hoàn thiện sức mạnh hạt nhân”. Tên lửa Hwasong-15 đã đạt tới độ cao 4.475 km, bay được quãng đường 950 km. Nếu được phóng ở góc độ thông thường, Hwasong-15 có thể bay được quãng đường trên 10.000 km. Bình Nhưỡng khẳng định Hwasong-15 là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể gắn đầu đạn hạt nhân trọng lượng siêu lớn và có khả năng vươn tới toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ. Giáo sư Kim Dong-yeop cho biết.

Ông Kim Dong-yeop : Tên lửa Hwasong-15 là tên lửa có tầm bắn xa nhất trong số các tên lửa được phóng từ trước tới nay. Đặc biệt, khác với những tên lửa một động cơ trước đây, tên lửa Hwasong-15 được gắn hai động cơ, có đường kính khoảng 2m, lớn hơn tên lửa Hwasong-14 từ 0,4m đến 0,8m. Chiều dài của tên lửa Hwasong-15 cũng dài hơn tên lửa Hwasong-14 khoảng 2m. Tên lửa cỡ siêu lớn này đã được phóng từ bệ phóng chín trục, không còn là bệ phóng tám trục như các tên lửa ICBM trước đây. Từ các đặc điểm trên, có thể nhận định rằng Hwasong-15 là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa kiểu mới, hoàn toàn không phải là phiên bản cải tiến của tên lửa Hwasong-14 hoặc Hwasong-12. Bắc Triều Tiên đã có bước tiến rõ ràng về công nghệ tên lửa, cụ thể là về tầm bắn và trọng lượng đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, tên lửa Hwasong-15 vẫn chưa được kiểm chứng về khả năng quay trở lại bầu khí quyển.

Ngày đầu tiên sau khi Bắc Triều Tiên phóng tên lửa Hwasong-15, hôm 30/11, Chủ tịch Uỷ ban thường trực Hội đồng nhân dân tối cao miền Bắc Kim Yong-nam đã có cuộc gặp với một phái đoàn Hạ nghị sĩ Nga đang ở thăm Bắc Triều Tiên. Ông Bắc Yong-nam cho biết “Bắc Triều Tiên đã sẵn sàng để ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ”, với điều kiện Washington “công nhận Bình Nhưỡng là nước sở hữu hạt nhân”. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương Katina Adams trong một buổi họp báo thường kỳ cho biết việc miền Bắc dừng chương trình hạt nhân ở thời điểm hiện tại là chưa đủ, và để đi tới đối thoại, vấn đề phải tập trung vào việc làm thế nào để chấm dứt chương trình phát triển hạt nhân của miền Bắc. Phản ứng lại động thái phóng tên lửa gần đây của miền Bắc, Mỹ cũng liên tiếp có những phát ngôn gay gắt như tấn công phủ đầu quốc gia này. Giáo sư Kim Dong-yeop thuộc trường Đại học Kyeongnam nhận định.

Ông Kim Dong-yeop : Washington vẫn đồng thời thực hiện chính sách gây áp lực và can thiệp ở mức độ cao nhất bằng các biện pháp cấm vận riêng. Ngoài ra, Mỹ cũng để ngỏ khả năng tấn công phủ đầu bằng quân sự. Chính phủ Mỹ luôn cho thấy tư thế sẵn sàng đặt mọi phương án lên bàn đàm phán, đồng thời chuẩn bị đối phó quân sự trong trường hợp Bắc Triều Tiên có những hành vi khiêu khích quá đà. Mặc dù chưa thực hiện phương án nào về mặt quân sự như đã tuyên bố, Washington vẫn luôn giữ vững lập trường đối với miền Bắc như từ trước đến nay.

Mỹ đã xúc tiến biện pháp trừng phạt mới sau khi Bắc Triều Tiên phóng thử nghiệm tên lửa Hwasong-15. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đề nghị Washington và Bình Nhưỡng không nên vượt ra ngoài nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Trong một cuộc họp báo với người đồng cấp Mông Cổ hôm 4/12, ông Vương Nghị khẳng định Trung Quốc không đồng tình với việc Bắc Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa, đồng thời đã thực hiện đầy đủ nghị quyết cấm vận của Hội đồng bảo an. Ông này cho rằng bất cứ biện pháp trừng phạt nào ngoài nghị quyết của Liên hợp quốc đều không mang lại hiệu quả gì. Ông Kim Dong-yeop nêu ý kiến.

Ông Kim Dong-yeop : Trong khi Mỹ hối thúc Trung Quốc tích cực hơn trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân miền Bắc, phát biểu của ông Vương Nghị rõ ràng cho thấy Bắc Kinh đang đẩy trách nhiệm sang Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời khẳng định Trung Quốc sẽ không có biện pháp cấm vận riêng nào ngoài việc thực thi nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Trung Quốc giữ quan điểm cần phải phi hạt nhân hóa trên bán đảo Hàn Quốc. Tuy nhiên, vấn đề ổn định phải được ưu tiên hàng đầu. Nhất là sau đại hội Đảng Cộng sản lần thứ XIX, Trung Quốc hướng tới là một cường quốc. Việc áp dụng các biện pháp cấm vận có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ Trung-Triều cũng như sự ổn định của thể chế chính quyền miền Bắc, đều là nguy cơ uy hiếp đến con đường phát triển của Bắc Kinh.

Cộng đồng quốc tế đang thảo luận về phương án trừng phạt bổ sung sau khi Bắc Triều Tiên tuyên bố “hoàn thiện năng lực hạt nhân”. Có ý kiến cho rằng, miền Bắc có khả năng sẽ tiếp tục khiêu khích nhân kỷ niệm sáu năm ngày cố Chủ tịch uỷ ban Quốc phòng Kim Jong-il qua đời, cũng là kỷ niệm sáu năm nhà lãnh đạo Kim Jong-un được bổ nhiệm vào vị trí Tư lệnh tối cao hoặc trong các cuộc diễn tập quân sự của miền Bắc vào mùa đông. Giáo sư Kim Dong-yeop nói.

Ông Kim Dong-yeop : Tầm bắn thực tế của tên lửa của miền Bắc chưa được kiểm chứng. Do đó, Bắc Triều Tiên rất có thể sẽ tiếp tục tiến hành thử nghiệm tên lửa Hwasong-14 hoặc Hwasong-15 để hoàn thiện những thiếu sót về kỹ thuật. Ngoài ra, miền Bắc có thể sẽ tiếp tục phóng thử nghiệm tên lửa tầm ngắn, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, hoặc diễn tập tăng cường hệ thống phòng không nhằm đối phó với các cuộc tập trận chung của liên quân Hàn-Mỹ.


Các chuyên gia cho rằng Olympic mùa đông Pyeongchang 2018 sắp tới sẽ là dịp để thay đổi cục diện đối đầu giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ. Thế vận hội Pyeongchang được coi là thế vận hội hòa bình với mục đích tháo gỡ mâu thuẫn trong quan hệ hai miền Nam-Bắc, xây dựng hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Giáo sư Kim Dong-yeop đến từ Viện nghiên cứu các vấn đề Viễn Đông, thuộc trường Đại học Kyeongnam nhận xét.

Ông Kim Dong-yeop : Tôi cho rằng Olympic Pyeongchang 2018 là một dịp tốt để thay đổi cục diện căng thẳng hiện nay dù Bắc Triều Tiên có thể sẽ không giải quyết vấn đề thông qua Olympic Pyeongchang. Trái lại, việc nước này tham gia thế vận hội thể thao quốc tế sẽ giúp loại bỏ những nguy cơ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tháo gỡ tình hình trên chiến trường ngoại giao. Olympic mùa đông Pyeongchang có thể tạo đà thay đổi tình hình chính sự bán đảo Hàn Quốc.

Việc Bắc Triều Tiên phóng thử nghiệm tên lửa Hwasong-15 đồng thời tuyên bố hoàn thiện năng lực hạt nhân khiến vấn đề hạt nhân miền Bắc lại trở thành nghị sự nóng bỏng trên chiến trường ngoại giao. Tình hình chính sự trên bán đảo Hàn Quốc dự kiến sẽ thay đổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên của cộng đồng quốc tế, hình thức đáp trả của miền Bắc. Chính phủ Hàn Quốc, hơn lúc nào hết, cần phải có một chiến lược ngoại giao thích hợp với tình hình phức tạp hiện nay.

Lựa chọn của ban biên tập