Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Mỹ công bố chiến lược an ninh quốc gia mới

2017-12-21

Vì một bán đảo thống nhất

Mỹ công bố chiến lược an ninh quốc gia mới
Ngày 18/12 vừa qua theo giờ địa phương, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố chiến lược an ninh quốc gia mới. Theo Tổng thống Trump, “Mỹ sẽ ưu tiên các lợi ích quốc gia,” bởi “Washington đang phải đối mặt với một thế giới cực kỳ nguy hiểm.” Hãy cùng lắng nghe Giáo sư Kim Hyun-Wook từ Học viện ngoại giao quốc gia (thuộc Bộ Ngoại giao) phân tích chiến lược mới này.

Ông Kim Hyun-Wook: Chiến lược an ninh quốc gia là một văn bản trong đó mỗi một chính quyền mới ở Nhà Trắng vạch ra phương hướng liên quan tới các vấn đề an ninh, đối ngoại và chiến lược của nước Mỹ. Từ khóa quan trọng trong chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Trump chính là “nước Mỹ trên hết.” Tôi cho rằng từ khóa này không đơn thuần chỉ là sự ưu tiên nước Mỹ, mà còn là bảo vệ lợi ích và các giá trị Mỹ, đặc biệt trong lĩnh lực an ninh và quốc phòng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trên khía cạnh chính sách đối ngoại, nó bao hàm ý nghĩa duy trì hòa bình bằng sức mạnh.

Xuyên suốt văn bản dài 68 trang này, cụm từ “Bắc Triều Tiên” đã xuất hiện tới 17 lần, cho thấy chính quyền Trump đánh giá rất nghiêm trọng về vấn đề Bình Nhưỡng. Đặc biệt, ông Trump chỉ trích miền Bắc đã đổ hàng trăm triệu USD cho phát triển vũ khí hạt nhân và vũ khí hóa học trong khi để mặc người dân nước mình trong cảnh đói khát. Theo đó, nước Mỹ sẽ đáp trả các mối uy hiếp từ Bắc Triều Tiên với sức mạnh áp đảo, và sẽ thúc đẩy hơn nữa các biện pháp nhằm mục tiêu giải trừ hạt nhân trên bán đảo Hàn Quốc.

Ông Kim Hyun-Wook: Trong các vấn đề ở tầm khu vực, vấn đề hạt nhân, tên lửa Bắc Triều Tiên đe dọa nước Mỹ ở mức độ nghiêm trọng. Do đó, quan điểm nhìn chung sẽ là ứng phó cương quyết. Tuy vậy, cho tới thời điểm này, nước Mỹ vẫn chưa đáp trả một cách mạnh mẽ trước uy hiếp của Bắc Triều Tiên. Sẽ khó mà có đối thoại hoặc ý kiến từ bỏ chính sách giải trừ hạt nhân. Bởi vậy rất có thể Washington sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn với Bình Nhưỡng trong bối cảnh đối đầu kéo dài giữa hai nước.

Trong bản chiến lược an ninh quốc gia, nước Mỹ gọi Trung Quốc và Nga là các “cường quốc xét lại,” chỉ trích việc các nước này làm xói mòn các giá trị dân chủ Mỹ và làm suy yếu trật tự thế giới do Mỹ đứng đầu. Hơn nữa, Mỹ nhìn nhận Trung Quốc như một đối thủ và sẽ kiềm chế Trung Quốc tối đa. Điều này trái ngược với nỗ lực của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm biến Bắc Kinh thành “đối tác” của Washington.

Ông Kim Hyun-Wook: Theo bản báo cáo này, các cường quốc xét lại như Trung Quốc và Nga đang nỗ lực xây dựng một thế giới đi ngược lại các lợi ích và giá trị của nước Mỹ. Trên thực tế, Trung Quốc đang cố gắng xây dựng một trật tự và hệ thống quốc tế tập trung vào chính nước này, thông qua phát triển kinh tế và sự trỗi dậy Trung Hoa. Tương tự như vậy, nước Nga, bất chấp luật pháp và quy tắc quốc tế, đã tiến hành xâm chiếm lãnh thổ của các quốc gia khác như vụ xung đột ở bán đảo Krưm và Ukraina vài năm trước đây. Kết quả là bá quyền bấy lâu của Mỹ đang bị thách thức. Bởi vậy nước Mỹ sẽ tăng sức ép lên các thế lực thách thức nhằm duy trì trật tự cũ.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ chỉ trích bản chiến lược an ninh quốc gia của Tổng thống Trump rằng “nước Mỹ một mặt muốn phát triển quan hệ đối tác với Bắc Kinh, mặt khác lại đặt Bắc Kinh vào vị trí đối đầu,” đồng thời cảnh báo “nếu Mỹ và Trung Quốc hợp tác, đôi bên sẽ cùng có lợi, ngược lại nếu hai bên đối đầu, tất cả sẽ cùng thua thiệt.” Nước Mỹ được dự đoán sẽ tiến hành một đòn công kích kinh tế mạnh mẽ nhất từ trước tới nay nhắm vào Trung Quốc. Nếu điều này xảy ra, tranh chấp thương mại sẽ nổ ra giữa hai cường quốc và nỗ lực hợp tác trong giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên sẽ bị gián đoạn.

Ông Kim Hyun-Wook: Kể từ trước khi chính quyền Trump đi vào hoạt động, nước Mỹ đã coi Trung Quốc như một mối đe dọa và chỉ trích việc nước này hiện đại hóa quân sự và các vấn đề xoay quanh đảo nhân tạo trên biển Hoa Nam (mà Việt Nam gọi là biển Đông). Hiện nay nước Mỹ đang sử dụng vấn về Bắc Triều Tiên như một công cụ quan trọng để phê phán Trung Quốc. Washington nhấn mạnh rằng Bắc Kinh phải có trách nhiệm trong sự phát triển hạt nhân, tên lửa Bắc Triều Tiên, và thúc giục Bắc Kinh đóng vai trò lớn hơn trong việc thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân. Nếu Bình Nhưỡng tiếp tục khiêu khích, Washington sẽ lại đổ lỗi cho Bắc Kinh và áp đặt trừng phạt kinh tế với nước này. Nếu Mỹ tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc, khả năng đối thoại giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên sẽ ngày càng mong manh.

Vào ngày 15/12, ba ngày trước khi Mỹ công bố chiến lược an ninh quốc gia, Mỹ và Bắc Triều Tiên đã đối đầu trực diện tại một cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc xung quanh việc giải trừ hạt nhân miền Bắc và việc công nhận nước này là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thúc giục mạnh mẽ việc giải trừ hạt nhân miền Bắc, nhưng Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên hợp quốc, ông Ja Song-nam, nhấn mạnh sự cần thiết phải thừa nhận Bắc Triều Tiên là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Một cuộc đối thoại giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ được kỳ vọng bấy lâu đang dần trở nên mờ mịt.

Ông Kim Hyun-Wook: Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên hợp quốc, ông Ja Song-nam, tin rằng giờ đây miền Bắc đã là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và nước này sẽ trở thành một cường quốc hạt nhân có trách nhiệm, không phổ biến hoặc xuất khẩu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson thể hiện lập trường rằng nước Mỹ không thừa nhận điều này và sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn cho tới khi miền Bắc giải trừ hạt nhân. Rõ ràng Mỹ và Bắc Triều Tiên đang có khoảng cách lớn trong chính sách. Cuộc họp cấp bộ trưởng của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc vừa qua chỉ cho thấy rằng hai phía không hề có dấu hiệu phối hợp và thu hẹp khoảng cách.

Chủ tịch Uỷ ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã tiến hành mọi nỗ lực nhằm thúc đẩy khả năng hạt nhân, tên lửa của Bắc Triều Tiên. Kể từ khi ông Kim nắm chính quyền năm 2011, miền Bắc đã nhiều lần khiêu khích hạt nhân, tên lửa, bao gồm bốn cuộc thử nghiệm hạt nhân. Vào ngày 29/11, miền Bắc tuyên bố đã “hoàn thành sức mạnh hạt nhân quốc gia” với việc phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwaseong-15. Cùng lúc đó, nền kinh tế nước này đối mặt với lệnh trừng phạt và sức ép mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Các nhà phân tích cho rằng rất khó để Bắc Triều Tiên và Mỹ tìm ra tiếng nói chung bởi mâu thuẫn sâu sắc giữa hai nước về vấn giải trừ hạt nhân miền Bắc.

Ông Kim Hyun-Wook: Trong tình hình hiện nay, Bắc Triều Tiên sẽ khăng khăng việc thừa nhận nước này là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên Bình Nhưỡng được hy vọng sẽ tiến hành một nỗ lực ngoại giao để tìm kiếm cơ hội đối thoại nhân Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018. Vấn đề là miền Bắc sẽ làm gì nếu Mỹ không đáp lại? Bắc Triều Tiên có thể sẽ tăng cường khiêu khích để nắm thế chủ động, mong muốn đưa nước Mỹ vào một cuộc hội đàm có lợi cho miền Bắc. Tuy vậy nếu hai phía tiếp tục mâu thuẫn, căng thẳng trên bán đảo Hàn Quốc sẽ chỉ trầm trọng thêm.


Trong chiến lược an ninh quốc gia mới, Mỹ nhìn nhận Trung Quốc và Nga như các đối thủ cạnh tranh và lực lượng xét lại, và coi Bắc Triều Tiên như một chính quyền bất hảo. Trong hoàn cảnh này, nếu miền Bắc tiến hành các cuộc thử nghiệm tên lửa nhằm “tăng cường sức mạnh hạt nhân” của mình, khả năng đối thoại sẽ rất xa vời, và tình hình trên bán đảo Hàn Quốc một lần nữa lại thêm phần bất ổn. Do đó, những phán đoán mang tầm chiến lược là cần thiết hơn bao giờ hết.

Ông Kim Hyun-Wook: Trong lúc Bắc Triều Tiên và Mỹ chia rẽ về các vấn đề an ninh, tôi nghĩ rằng Hàn Quốc cần tận dụng Thế vận hội mùa đông Pyeongchang sắp tới. Nếu Hàn Quốc và Mỹ quyết định hoãn tập trận chung thường niên trong suốt thời gian diễn ra Olympic Pyeongchang 2018 và Bắc Triều Tiên ngừng khiêu khích trong khoảng thời gian này, chúng ta sẽ không phải đối mặt với sự khiêu khích của miền Bắc trong vòng một tháng rưỡi đến hai tháng. Đây có thể coi là tình trạng “ngừng tập trận-để-ngừng khiêu khích” được đề xuất bởi Trung Quốc. Nếu chuyện này diễn ra, Hàn Quốc có thể yêu cầu Trung Quốc làm người điều đình. Nói cách khác, Hàn Quốc có thể sử dụng Thế vận hội Pyeongchang như một cơ hội tốt để thay đổi tình huống.

Lựa chọn của ban biên tập