Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Những vấn đề an ninh nổi bật trên bán đảo Hàn Quốc năm 2017

2017-12-28

Vì một bán đảo thống nhất

Những vấn đề an ninh nổi bật trên bán đảo Hàn Quốc năm 2017
Cơ quan văn hóa và thông tin Hàn Quốc (KOCIS) thuộc Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch vừa đưa ra kết quả phân tích tổng hợp các nguồn tin nước ngoài về Hàn Quốc năm 2017. Theo đó, báo chí nước ngoài quan tâm nhiều nhất tới quá trình nhậm chức của chính phủ mới ở Hàn Quốc, các chính sách thay đổi sau đó và quan hệ đối ngoại của Hàn Quốc với các nước láng giềng, nguy cơ hạt nhân Bắc Triều Tiên và tình hình trên bán đảo Hàn Quốc. Trên thực tế, nhiều thay đổi lớn đã diễn ra trên bán đảo Hàn Quốc năm 2017 trong bối cảnh khủng hoảng và căng thẳng về an ninh, mà nguyên nhân chính là môi trường chính trị, quân sự và đối ngoại bất ổn. Hãy cùng lắng nghe ông Hong Hyun-ik, chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu Sejong, đưa ra cái nhìn tổng quan về tình trạng an ninh trên bán đảo Hàn Quốc trong năm nay.

Tờ Bưu điện Washington vừa đưa tin “năm 2017 là một năm mãn nguyện với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un.” Ngay từ đầu năm, ông Kim đã gấp rút đẩy nhanh quá trình phát triển hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng. Bất chấp những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhằm kiềm chế chính quyền miền Bắc, ông Kim cuối cùng cũng đã đưa miền Bắc gần đạt tới giai đoạn có thể đưa tên lửa hạt nhân vào thực chiến. Vì thế, Mỹ và các nước phương Tây đã áp dụng các biện pháp trừng phạt với nước này thông qua Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Đáp lại, Bắc Triều Tiên lại tiếp tục khiêu khích, khiến cho tình hình an ninh trên bán đảo Hàn Quốc bất ổn suốt một năm qua, thậm chí đến mức có khả năng xảy ra chiến tranh. Năm 2017 sắp kết thúc, tôi cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của chính phủ Hàn Quốc chính là đẩy mạnh hợp tác với Mỹ và Trung Quốc, đồng thời nối lại đối thoại với miền Bắc.

Tốc độ phát triển hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng trong năm 2017 đã vượt mọi dự đoán. Trong bài phát biểu nhân dịp năm mới, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố nước này đang ở trong giai đoạn cuối cùng chuẩn bị cho việc phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Miền Bắc đã tiến hành tổng cộng sáu cuộc thử nghiệm hạt nhân và 15 cuộc thử nghiệm tên lửa trong năm nay, bao gồm một loại tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) mới có tên Sao Bắc Cực-2 và các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-12, 14 và 15. Các chuyên gia đều nhận định rằng Bình Nhưỡng đã tập trung vào việc hoàn thiện một loại tên lửa có khả năng vươn tới lãnh thổ nước Mỹ. Sau khi phóng thử nghiệm tên lửa (ICBM) Hwaseong-15 hôm 29/11, Bắc Triều Tiên tuyên bố đã “hoàn thành sức mạnh hạt nhân quốc gia.” Nếu miền Bắc làm chủ được công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân và phát triển được công nghệ cần thiết để đưa tên lửa trở lại bầu khí quyển, nước này có thể triển khai vũ khí hạt nhân vào thực chiến. Đây chính là lý do khiến cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại.

Nhiều người đã nghĩ rằng hậu quả của vấn đề hạt nhân, tên lửa Bắc Triều Tiên chỉ giới hạn trong bán đảo Hàn Quốc và khu vực Đông Bắc Á. Tuy nhiên, vụ phóng thử tên lửa (ICBM) Hwasong-15 ngày 29/11 vừa qua đã khiến người Mỹ lo ngại rằng Bình Nhưỡng trên thực tế đã hoàn thiện một loại tên lửa tầm xa có thể vươn tới không chỉ phần phía Tây của nước Mỹ mà còn tới tận thủ đô Washington, phía Đông lãnh thổ nước này. Nhiều chuyên gia tin rằng vụ thử hạt nhân thứ sáu trong năm vào ngày 3/9 có cường độ mạnh gấp 5-10 lần những cuộc thử nghiệm hạt nhân năm ngoái, tương đương với một quả bom hydro. Như vậy, Bắc Triều Tiên có thể phóng một tên lửa tầm xa mang theo một quả bom hạt nhân hoặc bom hydro tới tận lãnh thổ nước Mỹ. Do đây không còn là vấn đề của riêng bán đảo Hàn Quốc nữa, đối với chính quyền Tổng thống Trump, nó giờ đây đã trở thành nhiệm vụ an ninh quốc gia hàng đầu.

Từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1 năm nay, một cuộc khẩu chiến đã diễn ra giữa ông Trump và nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un với nhiều phát biểu gây hấn. Chính các phát biểu của ông Trump về Bắc Triều Tiên đã làm dấy lên lo ngại về khủng hoảng trên bán đảo Hàn Quốc. Đặc biệt, tháng 8 vừa qua, Tổng thống Mỹ tuyên bố rằng Bình Nhưỡng sẽ phải đối mặt với “ngọn lửa phẫn nộ”. Trong lúc căng thẳng leo thang với miền Bắc, ông Trump từng nói ẩn ý giữa một cuộc gặp với các tướng lĩnh quân đội cấp cao về “khoảng lặng trước cơn bão.” Các phát biểu của người đứng đầu Nhà Trắng làm nảy sinh nhiều diễn giải khác nhau. Phản ứng của miền Bắc cũng dữ dội không kém. Thông qua nhiều kênh, Bình Nhưỡng gọi Tổng thống Trump là “lão già điên” và công bố kế hoạch tấn công tên lửa vào đảo Guam. Cuộc khẩu chiến này chỉ đổ thêm dầu vào lửa trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang trên bán đảo Hàn Quốc.

Hai nhà lãnh đạo: ông Donald Trump và ông Kim Jong-un ngày càng thù địch với nhau, và đều cố gắng giữ thể diện quốc gia với cộng đồng quốc tế. Là một siêu cường, nước Mỹ đã muốn tấn công phủ đầu hòng hủy diệt Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, lựa chọn biện pháp quân sự gần như là bất khả, bởi nó sẽ gây ra thiệt hại rất lớn cho 28.500 lính Mỹ và 100.000 công dân nước này ở Hàn Quốc cũng như cho tất cả người dân Hàn Quốc và thậm chí là Nhật Bản. Đó có lẽ là lý do vì sao các lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên liên tục khẩu chiến dữ dội để làm xấu mặt nhau. Nhưng cảm xúc giận dữ của họ có thể gây hiểu nhầm, và từ đó có thể vô tình châm ngòi cho một cuộc chiến tranh. Bởi vậy, tốt nhất cả hai phía nên chấm dứt cách nói chuyện thô lỗ như vậy thì hơn.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã liên tục nhấn mạnh tới biện pháp hòa bình, không để chiến tranh xảy ra trên bán đảo Hàn Quốc kể từ khi nhậm chức tháng 5 năm nay. Ông Moon bày tỏ mong muốn khôi phục quan hệ liên Triều như đã đề cập đến trong “Sáng kiến hòa bình bán đảo Hàn Quốc (còn gọi là Tuyên bố Berlin),” bài phát biểu nhân dịp Ngày Quốc khánh 15/8, bài phát biểu trước Quốc hội và tại cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Mỹ. Tổng thống Moon khẳng định Hàn Quốc cần phải đóng vai trò dẫn đầu trong tạo dựng hòa bình ở khu vực. Ông dùng cụm từ “phải cầm lái” khi đề cập tới các vấn đề trên bán đảo Hàn Quốc. Tuy vậy, bất chấp các nỗ lực của Seoul, sự im lặng của Bình Nhưỡng đã khiến các đề xuất về việc tổ chức một hội nghị quân sự liên Triều và một đợt đoàn tụ các gia đình bị chia cắt đi đến vô vọng.

Các đề xuất của Hàn Quốc đã bao hàm nhiều khích lệ với Bắc Triều Tiên, bởi chúng đưa đến đối thoại vô điều kiện và thực thi các thỏa thuận liên Triều trước đây – điều mà miền Bắc luôn mong muốn. Bởi vậy người ta đã hy vọng rằng miền Bắc sẽ đáp lại các đề xuất đối thoại của Seoul. Nhưng Bình Nhưỡng chỉ lặp lại các hành động khiêu khích và nói rằng nước này chỉ muốn đối thoại với Washington. Đây là chiến lược điển hình của Bắc Triều Tiên: đối thoại trực tiếp với Mỹ trong khi đẩy Hàn Quốc ra rìa. Nói cách khác, miền Bắc đã áp dụng một chính sách không ai mong muốn, đó là lờ đi chính phủ Tổng thống Moon, vốn ủng hộ tình bằng hữu và hợp tác với miền Bắc. Sau tất cả, đối thoại liên Triều lại đi vào ngõ cụt, trong lúc căng thẳng leo thang và đối thoại trực tiếp giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ là một viễn cảnh xa vời.

Vào tháng Hai, người anh cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Kim Jong-un, ông Kim Jong-nam, đã bị ám sát bằng chất độc thần kinh VX tại Kuala Lumpur, Malaysia. Chất độc thần kinh VX là một chất kịch độc bị cộng đồng quốc tế xếp vào hạng vũ khí hóa học. Người ta tin rằng Bắc Triều Tiên đứng sau vụ ám sát này. Vào tháng 6, Otto Frederick Warmbier, một sinh viên người Mỹ, đã tử vong sau sáu ngày trở về nhà trong trạng thái hôn mê sau hơn một năm bị giam giữ ở miền Bắc. Trước cái chết đầy bi kịch của một thanh niên trẻ tuổi, làn sóng phản đối Bắc Triều Tiên đã lan rộng ở Mỹ. Chính phủ Mỹ đã cấm hoàn toàn du lịch tới miền Bắc. Vào tháng 11, Washington tái chỉ định Bắc Triều Tiên là quốc gia tài trợ khủng bố.

Vào ngày 21/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump tái chỉ định Bắc Triều Tiên vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố, chín năm sau khi nước này được gỡ ra khỏi danh sách. Ngày hôm sau, Bộ Tài chính Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung với miền Bắc. Trên thực tế, Mỹ đã không có bất kỳ hành động nào chống lại miền Bắc trong vòng hơn 60 ngày kể từ lần khiêu khích tên lửa của Bình Nhưỡng ngày 15/9. Sau khi bị tái chỉ định là quốc gia tài trợ khủng bố và chịu thêm các trừng phạt từ Washington, Bình Nhưỡng đã cho thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15 vào ngày 29/11. Tôi đã mong nước Mỹ cố gắng đối thoại một lần nữa với miền Bắc trước khi quyết định đưa nước này vào lại danh sách quốc gia tài trợ khủng bố nhưng điều này đã không xảy ra, căn cứ vào cái nhìn tiêu cực về Bắc Triều Tiên trong lòng nước Mỹ.

Trừng phạt quốc tế lên Bắc Triều Tiên ngày một mạnh mẽ, song song với các hành động khiêu khích hạt nhân và tên lửa chưa từng thấy của nước này. Năm nay, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã thông qua bốn nghị quyết kêu gọi trừng phạt miền Bắc. Nghị quyết 2371 và 2375 tập trung vào các nguồn thu nhập chính yếu bị nghi ngờ là tài trợ cho chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Nghị quyết 2397, được thông qua ngày 22/12 sau vụ phóng tên lửa Hwasong-15 của miền Bắc, được xem là phản ứng mạnh mẽ nhất từ trước tới nay. Nghị quyết này đã cấm gần như 90% lượng cung cấp các chế phẩm dầu mỏ cho nước này và cho hồi hương 50.000 lao động miền Bắc ở nước ngoài trong vòng hai năm. Đặc biệt, nghị quyết bao gồm một điều khoản cho phép các biện pháp thắt chặt hơn nữa nguồn cung chế phẩm dầu mỏ trong trường hợp Bình Nhưỡng tiếp tục khiêu khích. Các biện pháp trừng phạt kéo dài này dự kiến sẽ gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Bắc Triều Tiên. Dư luận quốc tế đang rất quan tâm liệu Bắc Triều Tiên sẽ hành xử thế nào về việc phát triển hạt nhân và tên lửa trong năm 2018.

Tôi không loại trừ khả năng lãnh đạo miền Bắc sẽ đề xuất đối thoại trong bài phát biểu nhân dịp năm mới vào ngày 1/1 tới. Cụ thể hơn, miền Bắc có thể đề xuất các cuộc đàm phán giải trừ quân bị, bởi họ khẳng định với quốc tế rằng mình đã hoàn thiện được sức mạnh hạt nhân chuẩn bị cho thực chiến. Họ có thể đề nghị tạm ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa đổi lấy đối thoại vô điều kiện, hoặc thậm chí đối thoại liên Triều vô điều kiện. Tôi nghĩ rằng ở thời điểm này miền Bắc sẽ chỉ theo dõi tình hình mà không có thêm khiêu khích mới sau nghị quyết 2397, ít nhất là cho tới Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018. Bởi vậy, tôi nghĩ Olympic Pyeongchang sẽ diễn ra thành công. Nếu đối thoại giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ không diễn ra trước đó, hai nước có khả năng sẽ đối đầu sau Thế vận hội mùa đông dành riêng cho người khuyết tật Paralympics Pyeongchang. Nhưng họ có thể sẽ lại tìm kiếm đối thoại, và nếu điều này xảy ra, hy vọng rằng việc này sẽ mang lại thành quả là tái khởi động các vòng đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân miền Bắc.

Bắc Triều Tiên có khả năng sẽ cố gắng cải thiện quan hệ với Hàn Quốc, trong lúc quan sát tiến triển của tình hình đối ngoại. Chúng ta hãy cùng chờ đợi và theo dõi thông điệp mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ đưa ra trong bài phát biểu nhân dịp năm mới tới đây.

Lựa chọn của ban biên tập