Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Thông điệp năm mới của Bắc Triều Tiên

2018-01-04

Vì một bán đảo thống nhất

Thông điệp năm mới của Bắc Triều Tiên
Vào 9 giờ 30 phút sáng ngày 1/1, Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên đã phát sóng bài diễn văn chào mừng năm mới của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. So với năm ngoái, bài phát biểu năm nay có nhiều điểm khác biệt. Trong năm 2017, ông Kim đã tự trách mình, một điều có thể coi là bất thường đối với một lãnh đạo tối cao. Ngược lại, năm nay, gương mặt và giọng nói của ông Kim khi phát biểu thông điệp năm mới thể hiện sự tự tin cao độ. Hãy cùng lắng nghe Giáo sư Kim Hyun-wook đến từ Học viện ngoại giao quốc gia Hàn Quốc đánh giá về bài diễn văn năm mới của ông Kim Jong-un.

Nhìn chung, thông điệp năm mới đã thể hiện sự tự tin của miền Bắc. Bình Nhưỡng khoe khoang khả năng ngăn chặn hạt nhân của mình chống lại Mỹ và thành quả kinh tế to lớn trong năm 2017 nhờ kế hoạch năm năm. Với Hàn Quốc, miền Bắc đề xuất đối thoại nhân dịp Thế vận hội Pyeongchang, nhấn mạnh đến người dân hai miền và hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Dường như ông Kim Jong-un đã củng cố vững chắc quyền lực của mình.

Phần thu hút được sự chú ý nhất chính là lúc ông Kim đề cập đến khả năng Bắc Triều Tiên tham dự Thế vận hội mùa đông Pyeongchang. Nhà lãnh đạo miền Bắc nói rằng Olympic mùa đông được tổ chức tại Hàn Quốc là một cơ hội tốt để thế giới thấy được tầm vóc của dân tộc hai miền và kỳ vọng rằng sự kiện này sẽ diễn ra thành công. Ông cũng cho biết miền Bắc đã sẵn sàng các bước cần thiết, bao gồm việc gửi phái đoàn Bắc Triều Tiên tới Hàn Quốc, và hai bên có thể gặp gỡ ngay lập tức để chuẩn bị cho mục tiêu này. Nhà lãnh đạo miền Bắc nói thêm rằng việc hai miền Nam-Bắc, vốn là những người cùng dòng máu, cùng chia sẻ niềm vui và hỗ trợ lẫn nhau là điều hết sức tự nhiên. Trong một động thái hiếm thấy, Bắc Triều Tiên đã dành phần lớn thông điệp năm mới cho quan hệ liên Triều nhằm thể hiện cam kết cải thiện quan hệ hai miền.

Tôi cho rằng Bắc Triều Tiên cần phải tìm kiếm một giải pháp trong bối cảnh trừng phạt kéo dài. Vào tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã gửi đi thông điệp tới cả Mỹ và miền Bắc về Olympic Pyeongchang. Theo đó, ông Moon đề xuất Mỹ ngừng tập trận chung cho tới sau Thế vận hội, đồng thời đề nghị Bắc Triều Tiên tham gia Olympic. Bình Nhưỡng đã có phản ứng tích cực với đề xuất này thông qua thông điệp năm mới của người đứng đầu Nhà nước. Dường như Bắc Triều Tiên đã quyết định tận dụng Olympic Pyeongchang như một công cụ quan trọng nhằm kiếm tìm lối ra trong tình hình hiện tại, khi mà khả năng cải thiện quan hệ với Mỹ gần như bất khả.


Phủ Tổng thống Hàn Quốc hoan nghênh đề xuất của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên về ý định gửi vận động viên tới Olympic mùa đông Pyeongchang sắp tới. Vào ngày 2/1, Bộ trưởng Bộ thống nhất Hàn Quốc Cho Myong-gyon đề xuất rằng hai miền sẽ tổ chức các cuộc đội đàm cấp cao ở “Ngôi nhà hòa bình” nằm trong làng đình chiến Bàn Môn Điếm, vào ngày 9/1, bởi chỉ còn một tháng nữa là đến Thế vận hội mùa đông. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng Seoul sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng bất kể thời gian, địa điểm và hình thức nào.

Vào ngày 3/1, Bắc Triều Tiên tuyên bố sẽ mở kênh liên lạc liên Triều tại Bàn Môn Điếm bắt đầu từ 3 giờ 30 phút chiều cùng ngày. Ông Ri Son-kwon, chủ tịch Ủy ban thống nhất hòa bình tổ quốc Bắc Triều Tiên, đã công bố kế hoạch này trên Đài phát thanh trung ương của miền Bắc. Ông Ri nói rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chỉ đạo việc nối lại đường dây nóng liên Triều nhằm thảo luận các vấn đề liên quan đến quá trình gửi phái đoàn miền Bắc tới Olympic Pyeongchang và các cuộc hội đàm liên Triều trong tương lai. Đây là lần đầu tiên kênh liên lạc được khôi phục sau gần hai năm kể từ khi bị cắt đứt vào tháng 2/2016 khi khu công nghiệp liên Triều Gaesong bị ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, đối lập với thiện ý hòa giải của Bình Nhưỡng với Seoul, thông điệp năm mới cho thấy rằng miền Bắc không hề thay đổi lập trường về vấn đề hạt nhân. Ông Kim Jong-un khẳng định toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ đều nằm trong tầm với của tên lửa hạt nhân Bình Nhưỡng, và đe dọa rằng nút bấm hạt nhân luôn có sẵn trên bàn làm việc của mình.

Bắc Triều Tiên và Mỹ tiếp tục khăng khăng quan điểm đối lập một trời một vực. Miền Bắc tuyên bố việc hoàn thiện sức mạnh hạt nhân trong năm 2017. Nước này gửi thông điệp tới Mỹ rằng sẽ đối thoại nếu được công nhận là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Mỹ chẳng hề mảy may quan tâm và không có ý định đàm phán với miền Bắc. Ở thời điểm này, chính sách của Mỹ đối với Bắc Triều Tiên là bóp chặt kinh tế nước này bằng những đòn trừng phạt mạnh mẽ hơn nữa. Nếu tình hình này tiếp diễn, nền kinh tế miền Bắc sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2018. Do hai bên không hề khoan nhượng, Bình Nhưỡng không có lý do gì để gửi đi thông điệp hòa giải với Washington. Kể cả khi miền Bắc đề nghị đàm phán, Mỹ cũng sẽ không thay đổi lập trường theo ý của miền Bắc. Bình Nhưỡng đang tiến hành một chiến lược nhằm gửi đi thông điệp cứng rắn tới Mỹ, đồng thời với việc cố gắng giải quyết các vấn đề thông qua Hàn Quốc.

Trong khi Bắc Triều Tiên thể hiện một thái độ gây hấn với Mỹ trong thông điệp năm mới, nước này dường như tránh chỉ trích Mỹ nặng nề. Tuy vậy, miền Bắc đã cho thấy sự tự tin hoàn toàn vào khả năng ngăn chặn hạt nhân chống lại Mỹ, dựa trên việc hoàn thành sức mạnh hạt nhân. Dư luận quốc tế đang quan tâm liệu quan hệ Mỹ-Triều sẽ tiến triển ra sao trong tương lai.

Còn quá sớm để lạc quan về quan hệ Mỹ-Triều. Chúng ta cần phải theo dõi xem quan hệ liên Triều sẽ đi tới đâu qua Olympic Pyeongchang và cơ hội này liệu có thể dẫn tới đối thoại giữa miền Bắc và Mỹ. Xét tới việc Washington vẫn nhất quyết trừng phạt cứng rắn Bình Nhưỡng, chúng ta phải đợi và quan sát xem đà đối thoại trong suốt Thế vận hội còn được duy trì sau đó hay không.

Ông Kim Jong-un đã đề cập tới cụm từ “hạt nhân” tới 22 lần trong bài diễn văn năm nay, nhiều hơn bốn lần so với thông điệp năm ngoái, trong khi cụm từ “kinh tế” xuất hiện tới 21 lần. Nhiều người nhận định rằng ông Kim sẽ tiếp tục đẩy mạnh chính sách “phát triển song song hạt nhân và kinh tế” trong năm 2018. Một số khác lại cho rằng miền Bắc đang lo lắng về đời sống khó khăn của người dân – hậu quả từ những nghị quyết trừng phạt ngày một gia tăng của cộng đồng quốc tế.

Các vấn đề kinh tế chiếm thời lượng đáng kể của thông điệp. Ông Kim Jong-un nói rằng miền Bắc sẽ tiến hành các chiến lược kinh tế cần thiết trong năm 2018, năm thứ ba của kế hoạch phát triển kinh tế năm năm. Dường như ông Kim muốn nói với người dân rằng miền Bắc đã hoàn thành sức mạnh hạt nhân dựa trên chính sách song song và đang thi hành các chính sách kinh tế như dự định mà không hề gặp phải vấn đề gì. Qua đó, nhà lãnh đạo đang muốn nâng tầm địa vị chính quyền và củng cố quyền lực của mình. Tuy nhiên vấn đề là ở chỗ liệu Bắc Triều Tiên có thể thực thi kế hoạch phát triển kinh tế một cách thuận lợi trong bối cảnh trừng phạt quốc tế. Trong giai đoạn đầu, miền Bắc đã chống chọi được với các lệnh trừng phạt. Giờ đây, dựa trên khả năng hạt nhân và tên lửa của mình, đã đến lúc Bình Nhưỡng thoả thuận với cộng đồng quốc tế và giành được lợi thế nào đó để chèo chống kinh tế. Thành công hay thất bại trong cuộc chơi này chính là một bước ngoặt cho kinh tế miền Bắc năm 2018.

Về thông điệp năm mới của ông Kim, các hãng truyền thông lớn, bao gồm CNN, đã lưu ý tới những lời của ông này về “nút bấm hạt nhân” trong khi đề cập hòa giải với Hàn Quốc. Truyền thông nhà nước Trung Quốc thì tập trung vào lời đề nghị hòa bình của miền Bắc, chẳng hạn như ý định tham gia Olympic Pyeongchang. Thế vận hội mùa đông được tổ chức vào tháng 2 này dự kiến sẽ là một cột mốc quan trọng trong đối ngoại khu vực nửa đầu năm nay.

Từ đầu tháng 2 đến giữa tháng 4, tôi không nghĩ rằng khiêu khích hay khủng hoảng an ninh sẽ nổ ra trên bán đảo Hàn Quốc. Trong suốt Thế vận hội, miền Bắc sẽ nỗ lực tạo ra sức đẩy cho đối thoại liên Triều và đối thoại với cả Mỹ nữa. Thông qua đối thoại liên Triều, miền Bắc sẽ tiếp tục gửi tín hiệu tới Mỹ, thúc giục nước Mỹ công nhận nước này là cường quốc hạt nhân. Sau Olympic, Hàn Quốc và Mỹ sẽ bắt đầu các cuộc tập trận chung, mà có thể khiến miền Bắc khiêu khích trở lại nếu Bình Nhưỡng và Washington vẫn tiếp tục thất bại trong việc thu hẹp khoảng cách lập trường hai bên. Phụ thuộc vào việc liệu các bên có đạt được thỏa thuận nào trong giai đoạn Olympic, sức đẩy cho hòa bình hay bất ổn sẽ được hình thành sau Thế vận hội.

Các chuyên gia nhận định rằng cần thiết phải có một chiến lược cẩn trọng đối với đề nghị hòa bình của miền Bắc, vốn vẫn nắm trong tay nút bấm hạt nhân. Hy vọng rằng sau Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018, một luồng gió đối ngoại ấm áp sẽ thổi tới bán đảo Hàn Quốc mùa xuân năm nay.

Lựa chọn của ban biên tập