Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Cuộc hội đàm cấp cao liên Triều

2018-01-11

Vì một bán đảo thống nhất

Cuộc hội đàm cấp cao liên Triều
Vào hồi 10 giờ sáng ngày 9/1, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã tổ chức cuộc hội đàm cấp cao mang tính lịch sử tại “Ngôi nhà hòa bình” thuộc làng đình chiến Bàn Môn Điếm của phía miền Nam. Nhận xét về sự tham gia của miền Bắc vào cuộc gặp liên Triều, các nhà phân tích cho rằng nước này đang dự tính tập trung vào phát triển kinh tế trong nước, trong khi tìm cách tiếp cận Mỹ thông qua việc cải thiện quan hệ liên Triều. Tham dự hội đàm có năm đại biểu từ phía Hàn Quốc dẫn đầu là Bộ trưởng Thống nhất Cho Myong-gyon và năm người đồng cấp miền Bắc, bao gồm trưởng đoàn Ri Son-kwon, Chủ tịch Ủy ban hòa bình thống nhất tổ quốc Bắc Triều Tiên. Hai bên đã tiến hành hội đàm suốt 11 tiếng với bốn phiên họp, trước khi công bố thông cáo báo chí chung gồm ba nội dung. Theo đó, Seoul và Bình Nhưỡng nhất trí thảo luận về việc miền Bắc tham dự Thế vận hội mùa đông Pyeongchang, về việc tổ chức cuộc họp quân sự hai miền nhằm xoa dịu căng thẳng trên bán đảo Hàn Quốc, và về việc cải thiện hợp tác và trao đổi liên Triều. Các chuyên gia đồng tình rằng cuộc hội đàm vừa qua đã tháo gỡ mối quan hệ căng thẳng giữa hai miền. Hãy cùng lắng nghe ông Hong Hyun-ik, chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu Sejong, phân tích tầm quan trọng của cuộc hội đàm vừa qua.

Trong bối cảnh đối đầu trực tiếp giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ kể từ sau vụ miền Bắc phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15, nhà lãnh đạo nước này, ông Kim Jong-un, đã phát biểu trong bài diễn văn chào mừng năm mới rằng sẽ gửi một phái đoàn tới Thế vận hội mùa đông Pyeongchang sắp được tổ chức ở Hàn Quốc. Sau đó, Seoul và Bình Nhưỡng đã nhanh chóng nhất trí về việc miền Bắc tham dự Olympic. Nói cách khác, không khí đối đầu và khủng hoảng quân sự trên bán đảo Hàn Quốc đã được cải thiện trong một khoảng thời gian ngắn, với việc hai miền sẵn sàng hợp tác để có thể tổ chức thành công Olympic. Cũng trong một động thái tích cực, hai bên đã tạo đà cho đối thoại trong tương lai và bước đệm để cải thiện quan hệ và hợp tác song phương.

Cuộc hội đàm đã khai mạc trong không khí hữu nghị. Hai bên trao đổi các chủ đề như thời tiết, các câu thành ngữ-tục ngữ, và các câu chuyện cá nhân, nhằm thể hiện quyết tâm cải thiện mối quan hệ. Trong diễn văn khai mạc, phía Hàn Quốc đề nghị miền Bắc gửi một phái đoàn và đội cổ động viên lớn tới Thế vận hội Pyeongchang và đề xuất rằng hai miền sẽ cùng nhau tiến vào lễ đài trong lễ khai mạc và bế mạc Olympic. Để đáp lại, miền Bắc tuyên bố sẽ gửi các quan chức cấp cao, một phái đoàn bao gồm Ủy ban Olympic quốc gia, các vận động viên, cổ động viên, các đội biểu diễn nghệ thuật, một đội biểu diễn võ taekwondo, các quan sát viên và phóng viên. Sự chú ý giờ đây được hướng tới việc ai sẽ dẫn đầu phái đoàn quan chức cấp cao của miền Bắc.

Nếu theo tiền lệ, rất có thể trưởng đoàn miền Bắc sẽ là ông Choe Hwi, Phó chủ tịch Đảng lao động Bắc Triều Tiên kiêm Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo thể thao quốc gia. Tuy nhiên, vị trí này cũng có thể là ông Choe Ryong-hae, nhân vật số hai ở miền Bắc. Hoặc Bình Nhưỡng có thể cử em gái của ông Kim Jong-un, bà Kim Yo-jong, tới miền Nam nhằm thu hút sự chú ý của quốc tế và cải thiện hình ảnh tiêu cực của Bắc Triều Tiên, dù nhiều người cho rằng bà Kim còn quá trẻ cho công tác này. Trong trường hợp bà Kim là người được lựa chọn, và nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi con gái Ivanka Trump tới Olympic, hai người phụ nữ có thể gặp nhau tại Hàn Quốc. Cuộc gặp hiếm có này, nếu xảy ra, sẽ thu hút sự chú ý toàn cầu.

Bên cạnh chủ đề Bắc Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa đông, hai miền còn nhất trí để các quan chức quân sự hai bên gặp gỡ nhằm làm giảm căng thẳng ở biên giới. Như vậy là sau sáu tháng kể từ khi Tổng thống Moon Jae-in đề cập đến sự cần thiết phải tổ chức cuộc họp quân sự liên Triều tại Berlin ngày 6/7 năm ngoái, thỏa thuận này cuối cùng đã đạt được. Theo đó, các chuyên gia dự đoán rằng hai miền sẽ sớm tiến hành cuộc họp quân sự, vốn đã đi vào bế tắc từ tháng 10/2014.

Tôi cho rằng miền Bắc đồng ý tổ chức cuộc họp quân sự với Hàn Quốc nhằm bàn thảo tới các vấn đề như việc triển khai các thiết bị quân sự chiến lược của Mỹ ở trên cũng như quanh bán đảo Hàn Quốc, và các cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ. Những điều này đã được đề cập đến trong thông điệp năm mới của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Trên thực tế, trong bối cảnh căng thẳng kéo dài này, một xung đột giữa hai miền, dù chỉ là tai nạn, có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh mang tầm khu vực. Do đó, cần phải ngăn chặn một cuộc khủng hoảng không mong đợi như thế nổ ra. Về phía miền Nam, cuộc họp quân sự sắp tới với miền Bắc sẽ là dịp tập trung thảo luận các phương án nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định trên bán đảo Hàn Quốc.

Nhiều người kỳ vọng rằng cuộc họp quân sự liên Triều sẽ góp phần làm giảm căng thẳng trong khu vực. Trong lúc đó, ông Ri Son-kwon, trưởng đoàn đàm phán Bắc Triều Tiên trong hội đàm liên Triều 9/1 vừa qua đã thể hiện sự phản đối mạnh mẽ khi Hàn Quốc đề cập tới vấn đề phi hạt nhân hóa. Các chuyên gia đều cho rằng thật không dễ để nối lại đối thoại liên Triều xoay quanh vấn đề này.

Kết thúc cuộc hội đàm, ông Ri Son-kwon đã trả lời các phóng viên Hàn Quốc rằng hai miền chưa từng bàn về vấn đề phi hạt nhân hóa, và việc phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng là để nhắm tới Mỹ chứ miền Bắc không hề có ý định thảo luận vấn đề này với miền Nam. Nếu Seoul đề cập tới vấn đề phi hạt nhân hóa trong cuộc họp quân sự tới đây với Bình Nhưỡng, miền Bắc có thể sẽ phản ứng dữ dội. Đây là một trong các thử thách mà Hàn Quốc cần phải lưu ý.

Mở đầu cuộc hội đàm, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myong-kyun đã đề xuất tổ chức cuộc họp Hội chữ thập đỏ liên Triều nhằm thảo luận việc nối lại các cuộc đoàn tụ gia đình bị ly tán vào dịp Tết Nguyên đán vào tháng 2 tới. Cùng với cuộc gặp quân sự, đây là một đề xuất khác của miền Bắc từ tháng 7 năm ngoái. Tuy nhiên thông cáo báo chí chung ngày 9/1 lại không đề cập tới vấn đề này. Chương trình đoàn tụ các gia đình đã bị gián đoạn từ tháng 10/2015. Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố rằng sẽ tiếp tục thảo luận với miền Bắc để đạt được tiến triển trong vấn đề nhân đạo cấp bách này.

Dường như Bắc Triều Tiên gặp phải các vấn đề mang tính thủ tục khi chuẩn bị chương trình đoàn tụ trong khoảng thời gian nghỉ lễ Tết Nguyên đán, tức là chỉ còn khoảng một tháng nữa. Dù sao cũng đang là mùa đông, miền Bắc có thể cảm thấy bất tiện nếu tổ chức cuộc đoàn tụ. Mặc dù vấn đề này đã bị loại ra khỏi thông cáo chung, triển vọng cho các cuộc thảo luận trong tương lai là vẫn có, bởi hai bên đã cam kết trong thông cáo chung rằng sẽ tổ chức đối thoại liên Triều về các vấn đề nhất định. Nếu căng thẳng biên giới dần được cải thiện, chương trình đoàn tụ có thể sẽ diễn ra trong mùa xuân này.

Truyền thông trên thế giới rất quan tâm đến cuộc hội đàm liên Triều vừa qua và đưa tin gần như đồng thời với sự kiện. Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach nhấn mạnh rằng việc Bắc Triều Tiên quyết định gửi phái đoàn tới Thế vận hội Pyeongchang là “một bước tiến lớn trong tinh thần Olympic.” Chính phủ Trung Quốc đánh giá cao hội đàm liên Triều, trong khi Mỹ bày tỏ hoan nghênh sự tham gia của miền Bắc tại Olympic Pyeongchang, đồng thời tuyên bố rằng sẽ gửi một phái đoàn cấp cao tới Hàn Quốc. Tuy nhiên, Washington cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ với Bình Nhưỡng, tách rời khỏi kết quả của cuộc đối thoại liên Triều vừa qua. Tiến triển của quan hệ Mỹ-Triều do đó thu hút được sự quan tâm của nhiều bên. Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên có khả năng sẽ tổ chức vòng hai của đối thoại cấp cao và các cuộc gặp khác nhằm cải thiện quan hệ hai miền. Nhiều người kỳ vọng vào một thay đổi trong quan hệ liên Triều trong tương lai.

Các tiến triển vừa qua đã tăng cường khả năng thành công của Olymic Pyeongchang. Quan hệ liên Triều sẽ thuận lợi ít nhất là cho tới giữa tháng 3. Tuy nhiên vẫn không chắc liệu Bắc Triều Tiên sẽ tiếp tục thể hiện cam kết cải thiện quan hệ với Hàn Quốc hay không. Quan hệ song phương đang ở trong giai đoạn nồng ấm, nhưng chính phủ Hàn Quốc cần cố gắng điều tiết quan hệ liên Triều một cách hợp lý và kiên định. Liệu Hàn Quốc sẽ thuyết phục miền Bắc như thế nào để tiến tới bàn đàm phán với Mỹ về vấn đề phi hạt nhân hóa là điều tối quan trọng. Seoul cũng cần phải thuyết phục Washington đối thoại với Bình Nhưỡng, trong khi tiến hành các nỗ lực ngoại giao nhằm thúc giục Trung Quốc và Nga ủng hộ quá trình đối thoại. Hy vọng rằng điều này sẽ dẫn tới khả năng đối thoại giữa miền Bắc và Mỹ và thậm chí là đàm phán sáu bên về hạt nhân sau Olympic Pyeongchang.

Cả Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đang được giao phó một nhiệm vụ lớn nhằm biến đối thoại liên Triều nhân dịp Olympic Pyeongchang thành một lực đẩy cho hoà bình dài lâu trên bán đảo Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập