Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Cơ cấu quyền lực của Bắc Triều Tiên năm 2018

2018-01-18

Vì một bán đảo thống nhất

Cơ cấu quyền lực của Bắc Triều Tiên năm 2018
Dẫn: Vào ngày 11/1, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã công bố các thay đổi trọng yếu trong cơ cấu quyền lực của Bắc Triều Tiên trong năm 2018. Hàng năm Bộ Thống nhất đều đưa ra bản danh sách các nhân vật chóp bu trong giới quyền lực chính trị miền Bắc. Các thông tin mới nhất đã phản ánh kết quả phiên họp thứ năm của Hội đồng nhân dân tối cao lần thứ XIII vào tháng 4 năm ngoái và phiên thứ hai của Đại hội lần thứ VII của đảng Lao động Bắc Triều Tiên. Theo bản báo cáo mới này, một số nhân vật đứng đầu các cơ quan then chốt của Bình Nhưỡng dường như đã bị thay thế. Sự xáo trộn về mặt nhân sự trong các vị trí then chốt luôn thu hút được sự quan tâm chú ý, bởi nó phản ánh các thay đổi có thể xảy ra trong nội bộ miền Bắc, cùng các động thái trong tương lai của nước này. Hãy cùng lắng nghe ông Oh Gyeong-seob, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Bắc Triều Tiên thuộc Viện nghiên cứu thống nhất, phân tích sâu hơn về cơ cấu quyền lực ở miền Bắc trong năm 2018.

Những cái tên quen thuộc như Kim Jong-Un, Kim Yong-nam, Choe Ryong-hae và Pak Pong-ju đều nằm trong Ủy ban thường vụ Bộ chính trị của đảng Lao động Bắc Triều Tiên. Ông Hwang Pyong-so tiếp tục có mặt trong danh sách này. Họ là giới lãnh đạo chóp bu ở miền Bắc do nắm trong tay quyền quyết định các vấn đề quan trọng. Nhìn vào cơ cấu quyền lực hiện nay, những người đóng vai trò chủ chốt trong các cơ quan thuộc đảng Lao động đã được lựa chọn hoặc thăng cấp kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền. Do đó, họ rất có thể sẽ tuân theo các chính sách hiện tại của nhà lãnh đạo này trong tương lai. Hiển nhiên, Bắc Triều Tiên sẽ đề ra mục tiêu vũ trang hạt nhân, vốn là ưu tiên hàng đầu của quốc gia, trong khi tập trung vào việc điều hành và kiểm soát các quan chức then chốt lẫn người dân nhằm dập tắt mọi ý đồ chống đối chính trị.

Sự thay đổi quyền lực trong giới lãnh đạo cấp cao gây chú ý nhất chính là việc ông Choe Ryong-hae, Phó chủ tịch Đảng Lao động Bắc Triều Tiên, đang giữ vị trí Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo tổ chức đảng Lao động. Ông Kim Jong-il, người cha quá cố của nhà lãnh đạo đương thời Kim Jong-un, đã giữ vị trí này từ năm 1973 cho tới khi qua đời vào năm 2011. Sau khi ông Kim Jong-il mất, nhiều người đã dự đoán rằng ông Kim Jong-un sẽ đảm nhiệm vị trí này đồng thời với vai trò Chủ tịch Đảng Lao động. Việc vị trí này đang được giao cho ông Choe, giống như việc ông Kim Yong-ju, em trai của nhà sáng lập miền Bắc ông Kim Nhật Thành, đã giữ chức vụ này trong suốt thời đại Kim Nhật Thành. Giờ đây ông Choe đang nắm giữ vài vị trí then chốt trong đảng, bao gồm chức Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo tổ chức đảng Lao động, và thành viên trong Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị, củng cố vai trò của ông này như nhân vật số hai ở miền Bắc, trên giấy tờ cũng như thực quyền.

Ủy ban chỉ đạo tổ chức đảng Lao động được xem như một bộ phận nằm trong đảng và trên cả đảng. Đảng Lao động Bắc Triều Tiên có khoảng 3 triệu đảng viên, với khoảng 5 đến 30 thành viên mỗi đảng bộ. Có khoảng 210.000 đảng bộ rải rác trong cả nước và Ủy ban chỉ đạo tổ chức điều hành tất cả các đảng bộ này. Điều này có nghĩa quyền lực của ủy ban này lớn tới mức có thể kiểm soát cả nước theo một cách rất hệ thống, và thi hành một quyền lực áp đảo dưới sự dẫn dắt của nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong-un.

Nhiều người cũng chú ý tới một sự thay đổi thế hệ trong cơ cấu quyền lực của miền Bắc. Chẳng hạn, ông Pak Kwang-ho, người lần đầu tiên xuất hiện dưới thời kỳ cầm quyền của Kim Jong-un, được xem như một nhân tố ảnh hưởng mới, bởi ông này đã nhận nhiều vị trí quan trọng, như Ủy viên Bộ Chính trị và Phó chủ tịch Ủy ban trung ương đảng. Dường như ông này cũng đảm nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền của đảng Lao động.

Việc bổ nhiệm ông Pak Kwang-ho một cách nhanh chóng và bất thường như một quan chức then chốt của đảng đã gây chú ý. Nó có nghĩa là Pak đã hỗ trợ cho em gái của ông Kim Jong-un, bà Kim Yo-jong, như một phụ tá thân cận trong thời kỳ bà này là Phó chủ tịch Ủy ban tuyên truyền, và nhờ đó, ông này được thăng chức đặc biệt. Pak thường có những bài phát biểu rất tâm huyết trên sân khấu VIP ở các sự kiện trước công chúng nhằm ca ngợi thành tựu của nhà lãnh đạo Kim khi xây dựng miền Bắc thành một cường quốc hạt nhân. Chẳng hạn, vào ngày 8/10/2017, ông này đã chủ trì một sự kiện kỷ niệm 20 năm cố lãnh đạo Kim Jong-il được bầu làm Tổng bí thư đảng Lao động. Ông này được cho là đã được thăng chức lên thành Phó Chủ tịch của Bộ Thư ký đảng Lao động kiêm Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền vào thời điểm đó. Giờ đây ông Pak đang nắm vai trò then chốt trong việc đẩy mạnh sùng bái lãnh đạo Kim Jong-un và khuyến khích công chúng cũng như giới chóp bu ủng hộ chính quyền thông qua nhiều hoạt động tuyên truyền.

Cùng lúc đó, ông Jong Kyong-thaek đã thay thế ông Kim Won-hong làm Cục trưởng Cục bảo vệ an ninh quốc gia, trong khi ông Shin Ryong-man trở thành Trưởng Văn phòng 39 trực thuộc đảng Lao động – một tổ chức chuyên thực hiện các nhiệm vụ bí mật nhằm tìm kiếm và quản lý lượng ngoại tệ cho các lãnh đạo miền Bắc. Cơ quan đặc biệt của đảng quản lý các quỹ bí mật của ông Kim Jong-un này được một trong các chuyên gia đáng tin cậy nhất của nhà lãnh đạo Kim điều hành.


Văn phòng 39 được lập ra vào giữa những năm 1970. Là một tổ chức kiểm soát lượng ngoại tệ kiếm được cho quốc gia, văn phòng này tích trữ và quản lý các quỹ bí mật của ông Kim Jong-un. Như một công cụ để tìm kiếm ngoại tệ, Văn phòng 39 đang điều phối nhiều hoạt động bất hợp pháp, như buôn lậu ma túy, gian lận tài chính, làm hàng giả, sản xuất các sản phẩm thuốc lá nhái, và tấn công mạng. Văn phòng 39 đã được ông Jon Il-chun điều hành. Sau đó, do bị liệt vào danh sách cấm vận quốc tế, ông này đã bị Phó phòng Shin Ryong-man, người được nhà lãnh đạo Kim tin tưởng tuyệt đối, thay thế.

Ủy ban thống nhất hòa bình tổ quốc Bắc Triều Tiên dường như đang thuộc về nội các Chính phủ Bắc Triều Tiên. Tương đương với Bộ Thống nhất của Hàn Quốc, Ủy ban này đã dẫn đầu phái đoàn tham gia hội đàm cấp cao liên Triều ngày 9/1. Theo Bộ Thống nhất, nội các của miền Bắc, bao gồm cả Bộ Ngoại giao, thường dùng cụm từ “nước Cộng hòa” khi nói về các cơ quan của họ. Bộ Thống nhất giải thích rằng, Bình Nhưỡng đã sử dụng cụm từ tương tự khi đề cập tới ủy ban này trong các báo cáo gần đây là “Ủy ban thống nhất hòa bình tổ quốc Bắc Triều Tiên nước Cộng hòa Bắc Triều Tiên.” Vì vậy dường như giờ đây nó đã được đưa vào trong nội các, mặc dù miền Bắc không tuyên bố chính thức về thay đổi này.


Vào tháng 6/2013, một cuộc họp liên Triều đã bị hủy bỏ do bất đồng trong việc ai sẽ dẫn đầu các phái đoàn miền Bắc và miền Nam đến cuộc họp. Vào thời điểm đó, miền Bắc đã định cử ông Kang Ji-yong, Chủ tịch Ủy ban thống nhất hòa bình tổ quốc Bắc Triều Tiên, là trưởng đoàn miền Bắc. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã phản đối trưởng đoàn của Hàn Quốc, ông Kim Nam-sik, Thứ trưởng Bộ Thống nhất. Miền Bắc cho rằng ông Kim không đồng cấp với trưởng đoàn của mình, người mà theo họ là một quan chức cấp bộ, và yêu cầu Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc phải dẫn đầu phái đoàn. Miền Nam phát biểu rằng Chủ tịch Ủy ban miền Bắc không thể nào được xem là đồng cấp với Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc được. Để tránh các trường hợp tương tự xảy ra, miền Bắc dường như đã nâng cấp ủy ban này thành một cơ quan dưới Ủy ban quốc vụ Bắc Triều Tiên để nó có thể đóng vai trò tương đương với Bộ Thống nhất của Hàn Quốc.


Trong khi đó, các cuộc hội đàm liên Triều đang được diễn ra để bàn về việc Bắc Triều Tiên tham dự Thế vận hội mùa đông Pyeongchang được tổ chức ở Hàn Quốc vào tháng sau. Hai bên được kỳ vọng sẽ tiến hành các cuộc họp quân sự chậm nhất là vào cuối tháng này. Cuộc họp quân sự liên Triều gần đây nhất diễn ra vào tháng 10/2014, khi ông Kim Yong-chol, khi đó là Tổng cục trưởng Tổng cục trinh sát Bắc Triều Tiên thuộc Quân đội Nhân dân Bắc Triều Tiên, là trưởng phái đoàn miền Bắc. Sự chú ý giờ đây được hướng tới việc ai sẽ dẫn đầu phái đoàn miền Bắc tới hội đàm quân sự.


Vào thời điểm này, vẫn chưa biết rõ chính xác ai là Tổng cục trưởng Tổng cục trinh sát Bắc Triều Tiên và Tổng cục chính trị quân đội. Vị trí Tổng cục trưởng Tổng cục chính trị quân đội đã để trống kể từ khi ông Hwang Pyong-so bị cho thôi chức. Ông Kim Yong-chol thì từng là Tổng cục trưởng Tổng cục trinh sát Bắc Triều Tiên. Sau khi được bổ nhiệm là Bộ trưởng Mặt trận thống nhất, không rõ liệu ông này có đồng thời giữ vị trí trước đó hay không, hay một nhân vật mới đã được bổ nhiệm thay. Do đó, rất khó để dự đoán ai sẽ dẫn đầu phái đoàn miền Bắc tới cuộc họp quân sự. Một trung tá hoặc quan chức cấp trung tá có thể là trưởng đoàn, nhưng ở thời điểm này, chưa thể xác định được quan chức này sẽ là ai. Cuộc gặp quân sự được kỳ vọng sẽ tập trung vào việc Bắc Triều Tiên tham dự Olympic Pyeongchang, và rất có khả năng sẽ được tổ chức dưới dạng đàm phán cấp chuyên viên, dẫn đầu bởi một quan chức cấp trung tá. Phụ thuộc vào kết quả của cuộc họp, chúng ta phải đợi và theo dõi xem liệu cuộc gặp này có dẫn tới một cuộc gặp quân sự liên Triều nữa sau Olympic hay không.

Bởi Seoul và Bình Nhưỡng đang tổ chức hội đàm để bàn về các vấn đề liên quan tới việc Bắc Triều Tiên tham dự Olympic, cơ cấu quyền lực trong giới quân sự miền Bắc sẽ thu hút được nhiều sự chú ý hơn cả. Hãy cùng chờ đợi xem giới chóp bu quyền lực miền Bắc sẽ lèo lái đất nước như thế nào.

Lựa chọn của ban biên tập