Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Ý nghĩa của việc Bắc Triều Tiên tham gia Olympic Pyeongchang

2018-01-25

Vì một bán đảo thống nhất

Ý nghĩa của việc Bắc Triều Tiên tham gia Olympic Pyeongchang
Bắc Triều Tiên sẽ gửi phái đoàn 46 người, bao gồm 22 vận động viên và 24 quan chức tới Thế vận hội mùa đông Olympic Pyeongchang. Quyết định này được đưa ra trong cuộc họp do Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach chủ trì ở Lausanne, Thụy Sỹ, vào ngày 20/1. Theo quyết định này, miền Bắc cử đoàn vận động viên tới tranh tài ở các nội dung trượt băng nghệ thuật, trượt băng tốc độ vòng ngắn, trượt tuyết băng đồng và trượt tuyết đổ đèo. Hơn nữa, miền Bắc và miền Nam sẽ hợp thành một đội tuyển chung lần đầu tiên tại Olympic ở nội dung khúc côn cầu trên băng nữ. Trong lễ khai mạc vào ngày 9/2, hai miền Nam-Bắc sẽ cùng nhau tiến vào sân vận động với cái tên “Korea” dưới lá cờ bán đảo Hàn Quốc thống nhất, vẽ bản đồ một bán đảo thống nhất với hình ảnh bán đảo màu xanh dương trên nền cờ trắng. Nhiều người hy vọng rằng việc Bắc Triều Tiên tham dự Olympic Pyeongchang và sự thành lập một đội thi đấu hợp nhất sẽ góp phần cải thiện quan hệ liên Triều. Hãy cùng lắng nghe ông Hong Hyun-ik, chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu Sejong, phân tích ý nghĩa của việc Bắc Triều Tiên tham gia Olympic Pyeongchang 2018.


Cùng với các vận động viên, Bắc Triều Tiên sẽ gửi một đoàn cổ động viên, một đoàn nghệ thuật và một đoàn biểu diễn môn võ Taekwondo đến Thế vận hội mùa đông được tổ chức ở Hàn Quốc. Nhờ đó, hai miền sẽ cho thấy nỗ lực hòa giải trước toàn thế giới. Nếu miền Bắc không tham gia vào Olympic lần này, nhiều người hẳn đã nghi ngờ khả năng tổ chức một kỳ Thế vận hội thành công và hòa bình của Hàn Quốc. Tuy nhiên, điều này giờ đã bị xua tan. Mong rằng mọi thứ sẽ phát triển theo hướng tích cực để có thể dẫn tới một giải pháp cho vấn đề hạt nhân miền Bắc và cuối cùng là sự hòa bình ổn định của bán đảo. Vì vậy, việc Bình Nhưỡng tham dự Olympic Pyeongchang được xem là bước khởi động quan trọng tiến tới mục tiêu đó.

Phần thu hút được sự chú ý nhất trong cuộc gặp ở Lausanne, Thụy Sỹ, chính là việc thành lập một đội tuyển liên Triều ở môn khúc côn cầu trên băng nữ, trong đó có 23 vận động viên Hàn Quốc và 12 vận động viên Bắc Triều Tiên. Tên viết tắt cho đội hình hợp nhất này sẽ là “COR,” dựa trên tên tiếng Pháp của “Corée” và các vận động viên sẽ mặc đồng phục thi đấu đặc biệt với hình ảnh bán đảo Hàn Quốc. Chủ tịch IOC Thomas Bach phát biểu rằng đội hình này là một biểu tượng tuyệt vời cho sức mạnh hợp nhất của Olympic. Đây là lần đầu tiên hai miền Nam-Bắc hợp thành một đội thi đấu sau 27 năm kể từ khi hợp nhất trong môn bóng bàn và bóng đá năm 1991. Sự kiện này cũng đánh dấu lần đầu tiên Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên có đội tuyển chung tham dự Olympic.

Đội khúc côn cầu trên băng nữ của Hàn Quốc có mặt ở Olympic Pyeongchang với tư cách chủ nhà. Nhằm góp phần thể hiện tinh thần hòa bình của Olympic, một đội tuyển chung giữa hai miền sẽ được thành lập, với tổng số vận động viên lên tới 35 người. Dựa trên tinh thần thi đấu công bằng với các đội tuyển khác, 22 vận động viên sẽ được phép thi đấu mỗi trận. Các vận động viên Bắc Triều Tiên sẽ sớm nhập cuộc với đội tuyển Hàn Quốc để cùng tham gia tập luyện dưới sự chỉ đạo của huấn luyện viên. Quá trình này sẽ chứng minh với thế giới rằng hai miền đang chung tay nhằm đẩy mạnh hòa giải, hợp tác và cuối cùng đi tới thống nhất. Bởi vậy, tôi nghĩ rằng đội hình này có ý nghĩa rất lớn.

Vào ngày 21/1, tờ Lao động – cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên – công bố rằng Hàn Quốc rất cảm kích với việc miền Bắc chung tay góp sức trong Thế vận hội mùa đông, vốn bị xem là kém thu hút nhất trong các giải đấu thể thao. Các nhà phân tích cho rằng Bắc Triều Tiên đang sử dụng truyền thông trong nước để khẳng định rằng việc họ gửi phái đoàn tới Olympic Pyeongchang là một món quà cho chính phủ Hàn Quốc.


Miền Bắc trên thực tế đã thua miền Nam trong cuộc đua về mặt thể chế. Nước này lo ngại rằng người dân miền Bắc sẽ cảm thấy hoang mang với sự thịnh vượng mà người dân miền Nam đang được hưởng và thất vọng với chính quyền Bình Nhưỡng. Bắc Triều Tiên chưa từng sử dụng cụm từ “Thế vận hội Pyeongchang” và chỉ gọi chung chung là “Thế vận hội mùa đông.” Với bên ngoài, Bình Nhưỡng quảng cáo bản thân như thể đang giúp đỡ nhiệt tình Seoul nhằm tổ chức thành công Olympic. Nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un phát biểu trong bài diễn văn nhân dịp năm mới rằng năm nay Hàn Quốc sẽ tổ chức Olympic, trong khi Bắc Triều Tiên kỷ niệm 70 năm thành lập đất nước vào ngày 9/9. Nhấn mạnh vào sự kiện quan trọng diễn ra vào mùa thu năm nay, miền Bắc dường như đang muốn nói với miền Nam hãy nối lại hợp tác kinh tế và dỡ bỏ trừng phạt.

Chi phí cho hoạt động của đoàn vận động viên Bắc Triều Tiên tham dự Olympic Pyeongchang sẽ do phía IOC chi trả. Tuy nhiên, ngoài các vận động viên, nhiều người quan tâm đến việc hỗ trợ các đoàn nghệ thuật và đội cổ động miền Bắc, bởi việc làm này có thể mâu thuẫn với các lệnh trừng phạt hiện nay với Bình Nhưỡng.

Nhiều người băn khoăn liệu việc này trên thực thế có đi ngược lại các quyết định trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc hoặc cộng đồng quốc tế hay không. Đó chính là lý do vì sao IOC đã bày tỏ nguyện vọng được chi trả cho các vận động viên miền Bắc. Ngoài đoàn vận động viên, các chi phí cho các phái đoàn cấp cao, đội cổ động, đoàn nghệ thuật và các chi phí khác dường như sẽ do Quỹ hợp tác liên Triều thanh toán. Cần phải nhấn mạnh rằng mục đích của các lệnh trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là nhằm ngăn cản chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt miền Bắc. Trong khi đó, các vận động viên, cổ động viên, và các đoàn nghệ thuật Bắc Triều Tiên tới Hàn Quốc tham dự Olympic vì hòa bình. Hơn nữa, việc chi trả này không cung cấp tiền mặt cho phía miền Bắc, mà chỉ bao gồm chi phí đi lại hay ăn ở. Vì vậy, nếu nói rằng hành động này vi phạm các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thì hơi quá.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump, người thường xuyên có những phát biểu mạnh mẽ về Bắc Triều Tiên, vừa qua đã thể hiện một thái độ tích cực, rằng ông ủng hộ đối thoại liên Triều 100 phần trăm và cho biết rằng khả năng đàm thoại với ông Kim Jong-un là hoàn toàn có thể. Sự chú ý giờ đây được hướng tới việc liệu không khí đối thoại xoay quanh Olympic Pyeongchang có dẫn tới đối thoại Mỹ-Triều hay không.

Hàn Quốc là một đồng minh quan trọng của Mỹ. Ông Donald Trump đã đồng ý gửi một phái đoàn cấp cao, bao gồm gia đình của ông này và Phó Tổng thống Mike Pence, tới Thế vận hội mùa đông ở Hàn Quốc, trong khi các quan chức Mỹ hy vọng rằng Hàn Quốc có thể tổ chức thành công Olympic. Nhưng chưa chắc không khí tích cực này có thể góp phần giải quyết vấn đề hạt nhân miền Bắc. Washington nói rằng sẽ thảo luận vấn đề trên sau Olympic Pyeongchang và Thế vận hội mùa đông dành riêng cho người khuyết tật Paralympic Pyeongchang. Đối thoại giữa Bình Nhưỡng và Washington có lẽ sẽ không sớm xảy ra, bởi thời điểm hiện tại, miền Bắc không thực sự muốn liên lạc với Mỹ. Do nhìn chung các quan chức Mỹ không tiết lộ chính thức về quá trình liên lạc với miền Bắc, thật khó để biết chính xác cái gì đang diễn ra giữa hai phía. Tuy nhiên, tôi cho rằng hai bên có thể đối thoại gián tiếp thông qua các cuộc tiếp xúc không chính thức bên lề Liên hợp quốc, hay còn gọi là “kênh ngoại giao.”

Việc hai miền Nam-Bắc sẽ thể hiện như thế nào ở Olympic Pyeongchang cũng quan trọng như việc Bắc Triều Tiên tham dự Thế vận hội hay việc thành lập một đội tuyển chung. Chính phủ Hàn Quốc cần nhanh chóng đưa ra một chiến lược hiệu quả để biến sức đẩy hiếm có của đối thoại liên Triều thành đối thoại Mỹ-Triều, và mang tới một giải pháp cho việc tạo dựng hòa bình trong khu vực.

Hàn Quốc có thể sẽ nỗ lực nhằm khiến Bắc Triều Tiên tạm dừng chương trình hạt nhân và các cuộc thử nghiệm tên lửa. Seoul cũng có thể thuyết phục Washington giảm bớt các điều kiện tiên quyết cho đối thoại Mỹ-Triều. Trong khi cố gắng kéo miền Bắc và Mỹ đi tới bàn đàm phán, Seoul nên kêu gọi sự hỗ trợ từ Trung Quốc và Nga. Nhờ đó, Hàn Quốc có thể giảm bớt căng thẳng xuất phát từ các cuộc tập trận chung thường niên Hàn-Mỹ, mang tên “Giải pháp then chốt” và “Đại bàng non”. Nếu căng thẳng được xoa dịu theo phương thức hòa bình, quan hệ liên Triều sẽ được cải thiện và đối thoại Mỹ-Triều cũng sẽ có khả năng mở ra. Khi đó, bán đảo Hàn Quốc chắc chắn sẽ đi vào giai đoạn hòa bình. Nếu có bất cứ tiến triển nào trong các cuộc thảo luận về vấn đề hạt nhân, việc nối lại các chương trình liên Triều, như dự án khu công nghiệp Gaesong và các tour du lịch núi Geumgang, sẽ hoàn toàn khả thi.

Thế vận hội mùa đông Pyeongchang sẽ được khởi động vào ngày 9/2. Với vai trò một Olympic của hòa bình, hy vọng rằng sự kiện này sẽ mở đường cho đối thoại liên Triều và mở ra triển vọng cho hòa bình trong khu vực.

Lựa chọn của ban biên tập