Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Ẩn ý việc Bắc Triều Tiên cử ông Kim Yong-nam làm trưởng đoàn tới Olympic Pyeongchang

2018-02-08

Vì một bán đảo thống nhất

Ẩn ý việc Bắc Triều Tiên cử ông Kim Yong-nam làm trưởng đoàn tới Olympic Pyeongchang
Vào ngày 4/2, Bắc Triều Tiên đã thông báo với Hàn Quốc về việc một phái đoàn cấp cao do ông Kim Yong-nam, Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tối cao miền Bắc, dẫn đầu sẽ tới thăm Hàn Quốc trong ba ngày, kể từ ngày 9/2, ngày khai mạc Thế vận hội mùa đông Pyeongchang. Ngoài ông Kim Yong-nam, phái đoàn miền Bắc bao gồm ba quan chức khác và 18 nhân viên tháp tùng. Phủ Tổng thống Hàn Quốc hôm 5/2 đã bày tỏ hoan nghênh chuyến thăm sắp tới của ông Kim, cho biết đây sẽ là chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên của ông này và ông Kim Yong-nam cũng là nhân sự cấp cao nhất của miền Bắc từng đến Hàn Quốc. Phủ Tổng thống cũng cho rằng chuyến thăm của một nhà lãnh đạo hàng đầu miền Bắc thể hiện thiện chí của Bắc Triều Tiên trong việc cải thiện quan hệ liên Triều và việc tổ chức thành công Thế vận hội. Hãy cùng lắng nghe Giáo sư Shin Beom-cheol từ Học viện ngoại giao quốc gia, thuộc bộ Ngoại giao, phân tích các ẩn ý trong việc Bắc Triều Tiên cử ông Kim Yong-nam làm trưởng đoàn tới Olympic Pyeongchang.

Quyết định của Bắc Triều Tiên khi cử ông Kim Yong-nam cho thấy miền Bắc sẵn sàng đối thoại, điều mà Chính phủ Hàn Quốc rất hoan nghênh. Dù hiện chưa rõ liệu ông Kim có gặp lãnh đạo các quốc gia khác trong thời gian lưu lại Hàn Quốc hay không, nhưng chuyến thăm của ông này là tín hiệu rõ ràng về việc miền Bắc để ngỏ khả năng đối thoại.

Theo Hiến pháp Bắc Triều Tiên, Hội đồng nhân dân tối cao được xem như cơ quan quyền lực chính trị cao nhất của nước này. Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tối cao, tương đương với Chủ tịch Quốc hội, là người đại diện cho Nhà nước và tiếp nhận quốc thư từ các phái viên ngoại giao nước ngoài. Điều này có nghĩa, về mặt nghi thức, ông Kim Yong-nam là nguyên thủ quốc gia của Bắc Triều Tiên. Ông Kim đã dẫn đầu phái đoàn của nước này tới Thế vận hội mùa hè Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 2008 và Thế vận hội mùa đông Sochi (Nga) năm 2014 để tiến hành các cuộc gặp thượng đỉnh. Ông này cũng tham gia vào hai hội nghị cấp cao liên-Triều trước đó ở Bình Nhưỡng. Là Ngoại trưởng miền Bắc từ năm 1983 đến 1998, ông Kim được xem là một chuyên gia về chính sách đối ngoại, rất thông thạo các nghi thức ngoại giao.

Sinh năm 1928, quan chức 90 tuổi này đại diện cho Bắc Triều Tiên về mặt ngoại giao. Sau thời gian học tập ở Matx-cơ-va những năm 1950, ông Kim Yong-nam phần lớn phụ trách các vấn đề đối ngoại của Đảng Lao động hoặc của Chính phủ miền Bắc. Kể từ khi chính quyền Kim Jong-un lên cầm quyền, ông Kim giữ chức Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tối cao, tiến hành các hoạt động ngoại giao, như tiếp đón các phái viên ngoại giao nước ngoài. Ông đã từng gặp các cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun ở Bình Nhưỡng vào năm 2000 và 2007. Nói một cách ngắn gọn, ông đại diện cho miền Bắc trong quan hệ đối ngoại và quan hệ liên Triều.

Việc Bắc Triều Tiên quyết định gửi một nhà lãnh đạo về mặt nghi thức tới Olympic Pyeongchang là một nỗ lực rõ ràng chứng minh với toàn thế giới cam kết của nước này về một chính sách ngoại giao hòa bình như một quốc gia bình thường. Hơn nữa, miền Bắc dường như đang muốn tích cực sử dụng Thế vận hội Pyeongchang như một diễn đàn ngoại giao, bởi có 26 lãnh đạo cấp cao từ 21 quốc gia đã lên kế hoạch tới thăm Hàn Quốc nhân dịp Olympic.

Tôi cho rằng Bắc Triều Tiên có hai mục đích. Thứ nhất, nước này muốn cải thiện bối cảnh bất lợi bên ngoài bằng việc chấp nhận lời đề nghị của Hàn Quốc tham dự vào Olympic. Thứ hai, miền Bắc muốn gửi đi một thông điệp rằng nước này có thể làm bạn với các quốc gia láng giềng kể cả khi sở hữu vũ khí hạt nhân. Như chúng ta đã biết, Bắc Triều Tiên không bao giờ nhượng bộ về vấn đề hạt nhân và khăng khăng lập trường phát triển chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Nhận thức rõ ràng về cả hai mục đích trên, Seoul đang tìm cách đối phó hợp lý với tình huống này về mặt trung và dài hạn, cố gắng thuyết phục Bình Nhưỡng thay đổi quan điểm.

Phái đoàn cấp cao Bắc Triều Tiên sẽ lưu lại Hàn Quốc từ ngày 9/2 đến ngày 11/2. Trong khoảng thời gian này, ông Kim Yong-nam có thể gặp gỡ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại buổi tiếp đón hoặc lễ khai mạc Olympic Pyeongchang vào ngày 9/2, hay trong một trận đấu của đội tuyển chung khúc côn cầu trên băng nữ vào ngày 10/2, hoặc tại một buổi biểu diễn của đoàn nghệ thuật miền Bắc ngày 11/2. Dư luận hiện đang quan tâm đến thông điệp mà vị quan chức miền Bắc sẽ chuyển tới Tổng thống Hàn Quốc, nếu hai người thực sự gặp mặt.

Tôi chắc chắn rằng Tổng thống Hàn Quốc sẽ có cuộc gặp với vị quan chức này của miền Bắc. Tuy nhiên, cuộc gặp đó sẽ không được coi là một hội nghị thượng đỉnh bởi không có sự tham dự của ông Kim Jong-un, nhà lãnh đạo tối cao của miền Bắc. Tổng thống Moon Jae-in sẽ gặp gỡ ông Kim Yong-nam để truyền tải các thông điệp của mình, một trong số đó sẽ là tổng quan về quan hệ liên Triều. Về phần mình, ông Kim Yong-nam chắc sẽ bày tỏ mong muốn Hàn Quốc tổ chức thành công Olympic Pyeongchang, và cải thiện quan hệ liên Triều, như ông Kim Jong-un đã đề cập đến trong diễn văn chào mừng năm mới. Trong trường hợp nhân vật số 2 miền Bắc tới thăm Hàn Quốc, người này thường gửi một thông điệp miệng, thay vì “thông điệp giấy”. Do đó, ông Kim Yong-nam rất có thể sẽ chuyển thông điệp của lãnh đạo miền Bắc bằng lời.

Mọi sự chú ý giờ đây tập trung vào lịch trình của ông Kim Yong-nam và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, bởi cộng đồng quốc tế đang quan tâm tới khả năng của đối thoại Mỹ-Triều trong thời gian diễn ra Thế vận hội Pyeongchang. Ông Kim sẽ tới Hàn Quốc vào ngày 9/2 và về nước vào ngày 11/2, trong khi ông Pence sẽ kết thúc chuyến thăm ba ngày vào ngày 10/2. Do đó, thời gian lưu lại Hàn Quốc của hai quan chức sẽ trùng nhau trong vòng một ngày rưỡi. Các chuyên gia nghi ngờ về khả năng gặp gỡ giữa hai bên trong khoảng thời gian ngắn như vậy. Trong một bài phát biểu ngày 2/2, ông Pence cho biết sẽ tới Pyeongchang để truyền đi thông điệp ngắn gọn và rõ ràng rằng thời kỳ “kiên nhẫn chiến lược” – chính sách với miền Bắc của cựu Tổng thống Barack Obama – đã hết. Ông Pence cũng lên kế hoạch tham dự lễ khai mạc Olympic với cha mẹ của Otto Warmbier, sinh viên người Mỹ đã bị giam giữ ở Bắc Triều Tiên hơn một năm và qua đời tháng 6 năm ngoái sau khi được thả ra trong tình trạng hôn mê. Dường như Washington sẽ tăng cường sức ép lên Bình Nhưỡng bằng việc nhấn mạnh vấn đề nhân quyền miền Bắc. Hơn nữa, Mỹ tuyên bố không có kế hoạch gặp gỡ các quan chức Bắc Triều Tiên. Triển vọng cho đối thoại Mỹ-Triều, do đó, trở nên khá mờ mịt.

Khó có khả năng ông Pence sẽ gặp ông Kim Yong-nam ở Hàn Quốc. Với bối cảnh chính trị trong nước, rất khó để Mỹ gặp gỡ Bắc Triều Tiên nếu miền Bắc tiếp tục phô trương sức mạnh hạt nhân của mình. Cho tới giữa tháng 1, Washington đã bày tỏ ủng hộ đối thoại liên Triều. Tổng thống Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc điện đàm đầu tháng trước đã chia sẻ quan điểm rằng cần phải sử dụng một cách hợp lý sức đẩy đối thoại. Nhưng lo ngại đã dấy lên trong nước Mỹ khi Bắc Triều Tiên đã thay đổi ngày thành lập quân đội từ ngày 25/4 theo quy định trước đó thành ngày 8/2. Cho tới thời điểm hiện tại, Washington khẳng định sẽ không thay đổi lập trường của mình là phi hạt nhân hóa miền Bắc.

Xét theo mối quan hệ hiện tại giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên, hai bên khó có thể tiến hành bất cứ một cuộc đối thoại nào. Kể cả nếu có gặp, đó cũng chỉ là một cuộc gặp mặt tình cờ. Nhưng nếu các quan chức miền Bắc và Mỹ có động thái chào nhau giữa bối cảnh đối đầu căng thẳng giữa hai nước, đây sẽ là một cảnh tượng quan trọng. Trong lúc vẫn chưa rõ nhân tố nào sẽ dẫn tới đối thoại Mỹ-Triều, Hàn Quốc cần phải tìm cách tận dụng một cách chiến lược sức đẩy hiếm có của đối thoại.

Chỉ còn một ngày nữa Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 sẽ diễn ra. Sự chú ý toàn cầu đang hướng tới Pyeongchang. Hy vọng rằng, Olympic này sẽ góp phần xoa dịu căng thẳng quanh bán đảo Hàn Quốc và mang tới sức đẩy tươi mới cho đối thoại Mỹ-Triều.

Lựa chọn của ban biên tập