Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Chính sách đối ngoại đa phương của Hàn Quốc tại Olympic Pyeongchang

2018-02-01

Vì một bán đảo thống nhất

Chính sách đối ngoại đa phương của Hàn Quốc tại Olympic Pyeongchang
Thế vận hội mùa đông Pyeongchang sẽ được khai mạc vào ngày 9/2 với tổng số 2.925 vận động viên đến từ 92 quốc gia khác nhau tham gia tranh tài. Đây là Thế vận hội mùa đông lớn nhất trong lịch sử, nhiều hơn 67 vận động viên và bốn quốc gia so với Olympic Sochi (Nga) năm 2014. Đoàn Hàn Quốc sẽ tham dự với 144 vận động viên, trong khi đoàn Bắc Triều Tiên tham gia với 22 vận động viên tranh tài ở năm nội dung thi đấu. Trong 92 nước tham dự, Singapore, Malaysia, Nigeria, Ecuador, Eritrea và Kosovo là những nước lần đầu tiên góp mặt tại một Thế vận hội mùa đông. Ngoài các vận động viên, 26 lãnh đạo đến từ 21 quốc gia dự tính sẽ đến thăm Pyeongchang. Olympic Pyeongchang đang thu hút được sự chú ý lớn, bởi đại hội thể thao quốc tế này chính là một diễn đàn đối ngoại đa phương nổi bật lần đầu tiên được Hàn Quốc chủ trì kể từ khi Chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in lên nắm quyền. Hãy cùng lắng nghe Giáo sư Kim Hyun-Wook từ Học viện ngoại giao quốc gia, thuộc bộ Ngoại giao, phân tích chính sách ngoại giao đa phương của Hàn Quốc tại Olympic Pyeongchang.

Quan hệ liên Triều đã có tiến triển ngay trước thềm Olympic Pyeongchang. Một đoàn nghệ thuật miền Bắc sẽ biểu diễn ở Trung tâm nghệ thuật Gangneung, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc một ngày trước lễ khai mạc, và đội tuyển trượt tuyết hai miền sẽ có đợt tập huấn chung tại khu trượt tuyết nghỉ dưỡng Masikryong, thành phố Wonsan, tỉnh Gangwon, Bắc Triều Tiên. Nhiều người đang theo dõi sát sao các diễn biến mới trong quan hệ liên Triều nhân dịp Olympic và khả năng diễn ra đối thoại Mỹ-Triều. Thế vận hội này cũng là cơ hội quan trọng cho lãnh đạo các quốc gia láng giềng tới Pyeongchang để bàn thảo về tình trạng an ninh trên bán đảo Hàn Quốc.

Ngay trước lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Olympic Pyeongchang 2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ chủ trì một buổi tiếp đón các quan chức cấp cao từ nước ngoài đến thăm Hàn Quốc. Trong suốt thời gian diễn ra Olympic, Tổng thống Moon sẽ có các cuộc đối thoại song phương với lãnh đạo của 14 quốc gia để bàn về các vấn đề quan tâm chung. Ông Moon và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ họp hội nghị thượng đỉnh vào ngày 9/2, và hai nhà lãnh đạo được kỳ vọng sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác chiến lược trong chính sách với miền Bắc, bất chấp quan điểm khác biệt của hai bên về vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép mua vui cho binh lính Nhật trong Thế chiến II. Tổng thống Hàn Quốc cũng sẽ hội đàm với ông Hàn Chính, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, người sẽ tới thăm Hàn Quốc với tư cách đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình. Dư luận đang kỳ vọng ông Moon sẽ đề nghị Bắc Kinh hợp tác trong các sáng kiến hòa bình của mình. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất vẫn là cuộc gặp giữa ông Moon và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence.

Phó Tổng thống Mike Pence đã nhiều lần nhấn mạnh rằng ông sẽ ngăn cản việc Olympic Pyeongchang bị Bắc Triều Tiên lợi dụng, biến thành nơi quảng bá, tuyên truyền cho miền Bắc. Ông này cũng đề cập đến lập trường cứng rắn hiện tại của Washington với Bình Nhưỡng. Khi đến Hàn Quốc, Phó Tổng thống Mike Pence chắc hẳn sẽ truyền đạt chính sách của Mỹ đối với miền Bắc với Tổng thống Moon Jae-in. Trong các cuộc hội đàm, tôi nghĩ rằng ông Moon và ông Pence sẽ chia sẻ quan điểm chung trong vấn đề trừng phạt quốc tế với Bắc Triều Tiên.

Sự chú ý cũng được hướng tới việc ai sẽ dẫn đầu phái đoàn cấp cao miền Bắc tới Hàn Quốc. Người dẫn đầu phái đoàn được hy vọng sẽ chuyển tới Tổng thống Hàn Quốc thông điệp của nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un. Trưởng phái đoàn miền Bắc có thể là ông Choe Ryong-hae, Phó chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Bắc Triều Tiên, ông Kim Yong-nam, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tối cao, hoặc ông Kim Yong-chol, Bộ trưởng Mặt trận thống nhất. Hơn nữa, việc liệu phái đoàn cấp cao miền Bắc có gặp gỡ các quan chức cấp cao của các nước lớn, đặc biệt là Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hay không đang được quan tâm hơn cả.

Dường như Bắc Triều Tiên đang hy vọng có thể mở đường cho đối thoại với Mỹ thông qua Olympic Pyeongchang. Trong trường hợp đó, miền Bắc sẽ cử một quan chức cấp cao ngang hàng Phó Tổng thống Mike Pence, chẳng hạn như Choe Ryong-hae, tới Hàn Quốc nhằm tạo ra sức đẩy tích cực cho đàm phán Mỹ-Triều. Cho tới thời điểm này, Bình Nhưỡng và Washington không cho thấy bất cứ dấu hiệu nào của đối thoại. Nhưng vai trò trung gian tích cực của Hàn Quốc có thể đem đến khả năng đối thoại Mỹ-Triều, mặc dù hai phía có quan điểm hoàn toàn khác biệt về vấn đề phi hạt nhân hóa. Những nỗ lực hậu trường có thể dẫn tới đối thoại giữa Bình Nhưỡng và Washington.

Trong khi đó, miền Bắc đã đột ngột hủy bỏ một buổi biểu diễn văn hóa chung, vốn được lên kế hoạch tổ chức ở khu vực núi Geumgang, Bắc Triều Tiên vào ngày 9/2. Bình Nhưỡng đã gửi một bức điện tín vào tối ngày 29/1 thông báo với Seoul về việc hủy bỏ, đổ lỗi cho truyền thông báo chí Hàn Quốc. Một số người lo ngại rằng quan hệ liên Triều đang tiến triển tốt đẹp lại gặp khó khăn ở giai đoạn quan trọng.

Trên thực tế đây không phải là lần đầu tiên Bắc Triều Tiên hủy một kế hoạch đã được hai miền nhất trí từ trước. Vào tháng 1, Bình Nhưỡng đã đột ngột thay đổi ngày gửi đội tiền trạm tới Hàn Quốc để chuẩn bị cho đoàn nghệ thuật biểu diễn của họ, sau khi đã hủy việc gửi đội tiền trạm một lần trước đó. Hàn Quốc cần phải đưa dầu diesel tới núi Geumgang để giúp miền Bắc phát điện cho buổi diễn chung. Thế nhưng điểm gây tranh cãi là điều đó có vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế với Bình Nhưỡng hay không, và Seoul rất thận trọng trong vấn đề này. Dường như miền Bắc muốn miền Nam vi phạm các lệnh trừng phạt và theo đà đó, miền Nam sẽ có chính sách với miền Bắc khác với Mỹ. Nói cách khác, Bình Nhưỡng đang muốn chia rẽ Seoul và Washington. Việc đột ngột hủy bỏ được nhìn nhận như chiêu trò của miền Bắc nhằm thu lợi được nhiều hơn.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc bày tỏ sự tiếc nuối về quyết định đơn phương của Bắc Triều Tiên, nhấn mạnh rằng miền Bắc nên thi hành các thoả thuận song phương dựa trên sự tôn trọng và thấu hiểu lẫn nhau, bởi hai bên chỉ vừa mới bước được một bước tiến khó khăn hướng tới cải thiện quan hệ liên Triều. Nhiều người lo ngại rằng sự đổi ý của miền Bắc có thể ảnh hưởng đến các kế hoạch khác mà hai miền đã nhất trí thông qua. Giáo sư Kim tiếp tục phân tích:

Chính phủ Hàn Quốc đã tỏ rõ sự bất bình với việc miền Bắc đơn phương hủy bỏ một sự kiện đã được lên kế hoạch. Tôi nghĩ rằng chính phủ đã làm những gì cần làm. Quả thực miền Nam muốn cải thiện quan hệ với miền Bắc và tổ chức đối thoại liên Triều. Nhưng chính Bình Nhưỡng cũng rất muốn liên lạc với Seoul. Hiện tại, các lệnh trừng phạt quốc tế đang gây ra nhiều gánh nặng đối với Bắc Triều Tiên. Miền Bắc cảm thấy cần phải nhanh chóng xoa dịu các lệnh trừng phạt, bao gồm các lệnh trừng phạt của Mỹ, bằng cách sử dụng quan hệ liên Triều. Do đó, tôi không nghĩ rằng miền Bắc sẽ tiếp tục hủy các sự kiện chung đã được lên kế hoạch đơn giản chỉ vì Chính phủ Hàn Quốc tỏ ra không bằng lòng với việc này.

Tổng thống Moon Jae-in đã công bố sáng kiến hòa bình của mình, trong đó Hàn Quốc sẽ thuyết phục Bắc Triều Tiên tham dự Olympic Pyeongchang và cuối cùng đi đến giải quyết trong hòa bình vấn đề hạt nhân miền Bắc. Về việc Bình Nhưỡng và Washington đối đầu gay gắt trong vấn đề hạt nhân, các chuyên gia cho rằng Seoul nên sử dụng các kỹ năng ngoại giao của mình một cách thông minh, biến sức đẩy hiếm có của đối thoại liên Triều nhân dịp Olympic thành liên lạc Mỹ-Triều.

Với việc Thế vận hội mùa đông Pyeongchang đang đến gần, các tính toán quốc tế xoay quanh vấn đề hạt nhân trở nên ngày một phức tạp. Đã đến lúc chúng ta suy nghĩ về phương án cho quan hệ liên Triều cũng như vấn đề hạt nhân miền Bắc sau Olympic Pyeongchang.

Lựa chọn của ban biên tập