Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều

2018-02-15

Vì một bán đảo thống nhất

Bắc Triều Tiên đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều
Trong cuộc gặp ngày 10/2 tại Phủ Tổng thống ở Seoul giữa phái đoàn cấp cao Bắc Triều Tiên tới tham dự Olympic PyeongChang và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, em gái của nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động, bà Kim Yo-jong, đã giới thiệu bản thân như đặc phái viên của Chủ tịch Kim và chuyển bức thư của anh trai tới Tổng thống Moon. Cũng trong dịp này, bà Kim cũng chuyển lời của Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-un mời ông Moon tới thăm Bình Nhưỡng trong thời gian sớm nhất và nói thêm rằng, bà mong ông Moon sẽ đóng vai trò dẫn đầu trong việc mở ra một chương mới cho thống nhất. Trong lúc lời mời Tổng thống Moon thăm Bình Nhưỡng của nhà lãnh đạo miền Bắc khiến hy vọng về một cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều tăng lên, sự chú ý cũng được tập trung vào ý đồ thực sự của miền Bắc phía sau đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh của nước này. Hãy cùng lắng nghe ông Hong Hyun-ik, chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu Sejong, phân tích.

Bắc Triều Tiên hy vọng rằng Seoul và Bình Nhưỡng sẽ chấm dứt căng thẳng và mau chóng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh. Miền Bắc đang chịu sự trừng phạt mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế - hậu quả từ các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của nước này. Nhằm thoát khỏi sự cô lập quốc tế và các lệnh cấm vận nghiêm khắc, miền Bắc dường như đang nhắm tới một “cú đáp nhẹ nhàng” trên vũ đài ngoại giao quốc tế bằng cách sử dụng quan hệ liên Triều. Đề xuất của Bình Nhưỡng đã thể hiện rõ quyết tâm của nước này nhằm cải thiện quan hệ với Seoul. Tuy nhiên, việc bình thường hóa quan hệ song phương có vẻ không hề dễ dàng như miền Bắc mong muốn. Như một phương thức để thay đổi căng thẳng giữa hai miền Nam-Bắc, tiến tới quan hệ thân thiện, Bình Nhưỡng đã bất ngờ đưa ra một đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh.

Sự chú ý cũng hướng tới bà Kim Yo-jong. Các nhà phân tích biết rất ít về người phụ nữ này, ngoài việc bà Kim là em gái của nhà lãnh đạo miền Bắc. Nhưng trong thời gian 56 tiếng đồng hồ lưu lại Hàn Quốc tuần qua, bà Kim đã chứng tỏ sự hiện diện của mình như một nhân vật có sức ảnh hưởng trong chính quyền miền Bắc.

Với việc gia tộc họ Kim đã nắm quyền ở Bắc Triều Tiên suốt ba thế hệ, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã phái phụ tá thân cận nhất, cũng là em gái của mình, tới Hàn Quốc nhằm thể hiện sự chân thành trong nỗ lực bình thường hóa với miền Nam. Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn ngợi ca con gái Ivanka Trump, người đã tích cực tham gia vào chính trường. Truyền thông Mỹ cho rằng bà Kim Yo-jong đang đóng vai trò của Ivanka Trump tại Bình Nhưỡng và vị trí của bà tại miền Bắc tương đương với phát ngôn viên hoặc Chánh văn phòng Nhà Trắng. Dường như nhà lãnh đạo miền Bắc muốn cử một nhân vật chính trị cực kì quan trọng tới Hàn Quốc trong một khoảng thời gian ngắn nhằm chứng tỏ sự chân thành và đáng tin cậy của mình. Đó là lý do vì sao ông Kim đã phái em gái tới Pyeongchang.

Lời mời tới thăm Bình Nhưỡng của ông Kim Jong-un tới Tổng thống Moon trên thực tế là một đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba. Đáp lại, ông Moon cho biết sẽ biến điều này thành hiện thực sau khi xây dựng các điều kiện cần thiết cho hội nghị. Trong lúc hoan nghênh đề xuất của Bình Nhưỡng, ông Moon nhấn mạnh rằng vẫn có rất nhiều việc cần phải làm.

Miền Bắc đã đưa ra lập trường rằng sẽ không bàn đến vấn đề hạt nhân trong các hội đàm liên Triều. Về phần mình, Mỹ rất nghi ngờ khả năng cải thiện quan hệ hai miền Nam-Bắc trên bán đảo Hàn Quốc khi miền Bắc vẫn tiếp tục phát triểu vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa vốn có thể vươn tới tận lãnh thổ nước Mỹ. Điều kiện tiên quyết quan trọng nhất cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều chính là tiến triển trong vấn đề hạt nhân và nếu có thể chính là đối thoại Mỹ-Triều. Hơn nữa, mối quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ không nên bị ảnh hưởng bởi tiến triển mau chóng trong quan hệ liên Triều. Tổng thống Hàn Quốc đang ở trong tình thế sẽ không tổ chức một hội nghị thượng đỉnh không đem lại lợi ích gì. Xét tới quan điểm công chúng trong nước, nhiều người dân Hàn Quốc đang băn khoăn về tốc độ tiến triển của quan hệ liên Triều, vốn đột nhiên được cải thiện chỉ vừa mới đây. Cho tới năm ngoái, chiến lược điển hình của Bắc Triều Tiên là nhắm tới đối thoại trực tiếp với Mỹ trong khi loại Hàn Quốc ra ngoài. Nhưng đến đầu năm nay, nước này đột ngột có động thái hòa giải bất ngờ với miền Nam. Bởi vậy, ngay trong lòng Hàn Quốc, điều cần thiết là phải tạo ra bầu không khí hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh liên Triều.

Các chuyên gia ngoại giao cho rằng việc hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba này có thể diễn ra hay không, phụ thuộc rất lớn vào lập trường của Washington. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã thể hiện thái độ cứng rắn với miền Bắc trong chuyến thăm Hàn Quốc dự Olympic PyeongChang. Trong một bài phỏng vấn với tờ Bưu điện Washington trên đường quay trở về Mỹ, ông Pence đã phát biểu rằng nước Mỹ sẽ tiếp tục và thậm chí là tăng cường chiến dịch gây sức ép tối đa với miền Bắc. Tuy nhiên, ông cũng cho biết nếu Bình Nhưỡng muốn đối thoại, Washington luôn sẵn sàng.

Quan hệ giữa hai miền Nam-Bắc vừa qua đã có tiến triển nhanh chóng, cùng với việc Bắc Triều Tiên gửi phái đoàn tới Hàn Quốc nhân dịp Olympic. Trong bối cảnh này, đã có nhiều sự chỉ trích, kể cả trong nước Mỹ, về việc Washington tránh giao tiếp với Bình Nhưỡng trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Đó có thể chính là lý do ông Pence đánh tín hiệu về khả năng đối thoại Mỹ-Triều, trong khi nói rằng chiến dịch gây sức ép tối đa vẫn tiếp diễn. Ông Pence đã có lập trường đặc biệt cứng rắn với Bắc Triều Tiên trong chuyến thăm tới Hàn Quốc nhằm nhấn mạnh hình ảnh của mình như một chính trị gia theo đường lối bảo thủ. Dường như nhận ra quan điểm tiêu cực kể cả ở trong nước Mỹ, ông này đã gợi ý để ngỏ khả năng đối thoại. Tuy nhiên còn quá sớm để nói rằng Washington sẽ thay đổi thái độ trước đây để tích cực tìm kiếm đối thoại với miền Bắc.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc trong một cuộc họp báo thường kỳ ngày 12/2 tuyên bố rằng sẽ bắt đầu xây dựng các đối sách nhằm tạo ra các điều kiện cần thiết cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Trước hết, Chính phủ Hàn Quốc sẽ có các đối sách không liên quan tới các lệnh trừng phạt, nhằm duy trì sức đẩy hiếm có của đối thoại nhân dịp Olympic PyeongChang. Để hội nghị thượng đỉnh liên Triều có thể diễn ra, điều cần thiết là phải tạo ra một bầu không khí đối thoại giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ. Khả năng thuyết phục cả hai nhà lãnh đạo – Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump là bao nhiêu? Chính phủ Hàn Quốc đang được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò trung gian tích cực hơn nữa, để kéo Washington và Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán.

Trong trường hợp khả quan nhất, Seoul có thể thuyết phục Bình Nhưỡng dừng các chương trình hạt nhân và tên lửa. Nếu điều này là bất khả, Hàn Quốc có thể thuyết phục miền Bắc tạm dừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, ít nhất là trong quá trình đối thoại với Mỹ. Washington yêu cầu miền Bắc phải có động thái phi hạt nhân hóa trước. Nhưng Hàn Quốc có thể thuyết phục Mỹ rằng nếu Mỹ thi hành song song đối thoại và sức ép – vẫn tiến hành các cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ và áp dụng các biện áp trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc với Bắc Triều Tiên – điều này sẽ có ích cho giải pháp về vấn đề hạt nhân. Nếu Seoul thuyết phục được cả Washington và Bình Nhưỡng chịu nhân nhượng, dù chỉ nửa bước, hai bên có thể tiến hành đối thoại và hai miền Nam-Bắc cũng có thể tiến tới bình thường hóa quan hệ. Nếu mọi thứ tiến triển tốt, miền Nam và miền Bắc có thể tái khởi động khu công nghiệp Gaesung và chương trình du lịch núi Geumgang. Hơn nữa, hội nghị thượng đỉnh liên Triều có thể diễn ra trong năm nay. Với Seoul, các diễn biến trên bán đảo Hàn Quốc đang có nhiều triển vọng. Nhưng đó cũng là một nhiệm vụ thử thách khả năng ngoại giao của Seoul trong việc thuyết phục Bình Nhưỡng và Washington.

Nhiều người kỳ vọng vào khả năng của hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Seoul cần mau chóng có được một chiến lược hiệu quả nhằm đưa tới hội nghị này trong khi phải đương đầu với nhiều nhân tố ngoại giao khác nhau.

Lựa chọn của ban biên tập