Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Tình hình đối ngoại khu vực sau Olympic PyeongChang

2018-02-22

Vì một bán đảo thống nhất

Tình hình đối ngoại khu vực sau Olympic PyeongChang
Dẫn: Thế vận hội mùa đông lần thứ XXIII được tổ chức tại PyeongChang đã đi đến giai đoạn cuối cùng. Sự kiện này đã mang đến một sức đẩy hòa giải quan trọng giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên. Đây là kết quả của việc miền Bắc tham dự Olympic và việc thành lập đội tuyển liên Triều trong môn khúc côn cầu trên băng nữ. Câu hỏi đang được đặt ra là liệu sức đẩy hiếm có cho đối thoại hai miền Nam-Bắc có được tiếp tục duy trì sau Olympic hay không. Trước hết, chúng ta cùng lắng nghe ông Moon Sung-mook, giám đốc Trung tâm chiến lược thống nhất, thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc gia, nhận xét về quan điểm của Bình Nhưỡng:

Là Thế vận hội mùa đông lớn nhất trong lịch sử, Olympic PyeongChang đã thu hút được sự quan tâm chú ý trên toàn cầu, đặc biệt là sự tham gia của Bắc Triều Tiên vào sự kiện này. Miền Bắc đã thay đổi rất nhiều so với thời điểm cuối năm ngoái. Nước này đã nối lại kênh liên lạc tại Làng đình chiến Bàn môn điếm, và thậm chí còn đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Điều này thể hiện rõ mong muốn của Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-un là biến năm 2018 trở thành một cột mốc lịch sử của hai miền Nam-Bắc, như ông Kim đã trình bày trong bài diễn văn chào mừng năm mới. Rõ ràng, quan hệ liên Triều đang thay đổi theo hướng tích cực, trong khi Mỹ cũng đang gợi ý khả năng đối thoại với miền Bắc. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải chờ đợi xem liệu bầu không khí hiện tại có thực sự dẫn tới một sự thay đổi căn bản về mặt đối ngoại hay không.

Cùng với việc đối thoại Mỹ-Triều đang nổi lên như một mối quan tâm trọng yếu trong đối ngoại khu vực sau Olympic, hai bên đang tham gia vào một cuộc giằng co kịch tính. Tại Hội nghị an ninh Munich vào ngày 17/2 vừa qua, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Herbert Raymond McMaster đã nhấn mạnh rằng tất cả các thành viên của Liên hợp quốc đều phải thực hiện nghiêm túc các lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng của Hội đồng bảo an. Trong chuyến thăm tới Hàn Quốc dự Olympic PyeongChang, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã thể hiện lập trường cứng rắn với Bình Nhưỡng nhưng cũng nói rằng Washington có thể đối thoại sơ bộ với Bình Nhưỡng mà không cần đến các điều kiện tiên quyết. Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng phát biểu rằng ông vẫn đang dõi theo bất cứ tín hiệu nào cho thấy miền Bắc “sẵn sàng đối thoại.” Dường như nước Mỹ đang mở ra cánh cửa đối thoại với Bắc Triều Tiên, trong khi vẫn tiếp tục thực hiện các lệnh trừng phạt hiện tại với Bình Nhưỡng. Về khía cạnh này, ông Hong Hyun-ik, chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu Sejong, phân tích:

Mỹ dự định hợp tác với cộng đồng quốc tế và Hàn Quốc để tăng cường chiến dịch gây sức ép tối đa cho tới khi nào Bắc Triều Tiên cho thấy quyết tâm phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, sau bài diễn văn chào mừng năm mới của nhà lãnh đạo miền Bắc, nước này đã gửi phái đoàn, một đoàn nghệ thuật và một đội cổ vũ tới Olympic PyeongChang, thậm chí còn đề xuất một hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Washington đã bày tỏ lo ngại rằng tiến triển mau chóng trong quan hệ liên Triều sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới chiến dịch gây sức ép tối đa mà Mỹ đang liên tục duy trì thời gian qua, cũng như làm hỏng chiến lược tăng cường trừng phạt Bình Nhưỡng của nước này. Giờ đây, Washington đang thay đổi lập trường trước đây của mình. Điều này thể hiện trong rõ phát biểu của Phó Tổng thống Pence về “các cuộc đối thoại không chính thức phi điều kiện.” Tôi nghĩ đây là chính là thành quả từ những nỗ lực không ngừng của Chính phủ Hàn Quốc nhằm củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ và nhằm nhấn mạnh sự cần thiết phải đối thoại với miền Bắc, trong khi vẫn áp đặt các lệnh trừng phạt với nước này.

Trong khi đó, Bình Nhưỡng đã kiềm chế khiêu khích trong năm nay và đang thể hiện lập trường của mình thông qua tờ Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên. Vào ngày 17/2, tờ báo này đã phủ nhận khả năng đối thoại với Mỹ, khẳng định rằng Bắc Triều Tiên đã làm mọi điều cần làm và đã có trong tay tất cả mọi thứ, nên không thiết tha với đối thoại Triều-Mỹ.

Điều mà Bắc Triều Tiên mong muốn nhất chính là tổ chức hội đàm với Mỹ với tư cách một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Nhưng sau vụ Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15 vào cuối năm ngoái, Washington đã để ngỏ khả năng tấn công phủ đầu Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng chắc chắn không lấy gì làm dễ chịu khi không thể loại bỏ khả năng Washington sử dụng đến biện pháp quân sự. Bởi vậy, nước này đang cố gắng biện minh cho việc sở hữu vũ khí hạt nhân và theo đuổi đối thoại với Mỹ. Đây chính là những gì Bắc Triều Tiên đang suy tính. Tuy nhiên, Washington vẫn khẳng định lập trường trước đây của mình rằng đối thoại chỉ cần thiết chừng nào Bình Nhưỡng cho thấy quyết tâm phi hạt nhân hóa. Bề ngoài, miền Bắc nói rằng không quan tâm đến đối thoại với Mỹ nhưng trên thực tế, nước này đang rất cẩn trọng trong việc tìm kiếm cơ hội ngồi vào bàn đàm phán với Washington.

Trong lúc cả Bắc Triều Tiên và Mỹ khăng khăng với lập trường của riêng mình và cố tìm hiểu về chiến lược của bên còn lại, Hàn Quốc vẫn đang giữ thái độ cẩn trọng. Trong một cuộc họp báo với các phóng viên trong và ngoài nước tại trung tâm báo chí chính của Olympic PyeongChang ngày 17/2, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã bày tỏ kỳ vọng về những diễn biến tích cực trong quan hệ hai miền và nhấn mạnh sự cần thiết của đối thoại Mỹ-Triều. Về khả năng diễn ra hội nghị thượng đỉnh liên Triều, ông Moon đã bày tỏ quan điểm của mình bằng việc trích dẫn một câu thành ngữ của Hàn Quốc, “Đừng đếm gà trước khi trứng nở.”

Mỹ lo ngại rằng quan hệ liên Triều đã tiến triển quá nhanh, và thậm chí nhiều người dân Hàn Quốc nghi ngờ rằng miền Bắc đang lừa gạt miền Nam. Trong bối cảnh này, Tổng thống Moon Jae-in đã ngụ ý rằng việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều chỉ khả thi khi Mỹ và Bắc Triều Tiên chịu ngồi vào bàn đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa như Mỹ mong muốn, dựa trên nền tảng quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ. Hơn thế nữa, cần phải xóa bỏ lo ngại của công chúng Hàn Quốc trước khi tổ chức bất cứ một hội nghị thượng đỉnh nào giữa hai miền. Tổng thống Moon Jae-in cũng cho rằng Seoul và Bình Nhưỡng nên giải quyết các vấn đề còn tồn tại và đi đến các giải pháp thực tế để cải thiện quan hệ song phương, bởi một hội nghị thượng đỉnh không phải là cuộc gặp giữa các cá nhân mà là một cuộc gặp giữa các chính phủ. Các vấn đề liên Triều còn tồn tại bao gồm trừng phạt kinh tế của Seoul với Bình Nhưỡng, các cuộc gặp quân sự cấp chuyên viên giữa hai phía và việc nối lại các cuộc đoàn tụ gia đình bị ly tán. Tôi nghĩ Hàn Quốc sẽ chuẩn bị từng bước một để tiến tới hội nghị thượng đỉnh liên Triều.

Trong lúc em gái của nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un, bà Kim Yo-jong, dự buổi lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông PyeongChang vào ngày 9/2, Ivanka Trump, con gái của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã có lịch trình tới thăm Hàn Quốc và dự buổi lễ bế mạc Olympic vào ngày 25/2. Ivanka Trump là cố vấn cho cha mình tại Nhà Trắng. Mặc dù không phải là một đặc phái viên, các chuyên gia đối ngoại cho rằng Ivanka Trump sẽ gửi đến thông điệp của cha mình về vấn đề hạt nhân miền Bắc. Nếu Bắc Triều Tiên gửi một phái đoàn tới lễ bế mạc, có thể đối thoại giữa Bình Nhưỡng và Washington sẽ diễn ra.

Lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông PyeongChang là bước ngoặt cho cải thiện quan hệ giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên. Sự chú ý đang được hướng tới việc liệu an ninh trong khu vực sẽ được chứng kiến một thay đổi tích cực tương tự trong lễ bế mạc Olympic hay không. Cùng lúc đó, vai trò đối ngoại của Hàn Quốc trong việc điều đình giữa Bình Nhưỡng và Washington đang ngày một trở nên quan trọng.

Lựa chọn của ban biên tập