Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Quan hệ Mỹ-Triều sau Olympic PyeongChang

2018-03-01

Vì một bán đảo thống nhất

Quan hệ Mỹ-Triều sau Olympic PyeongChang
Cả thế giới đã chú ý tới khả năng diễn ra một cuộc tiếp xúc kín giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ nhân dịp lễ bế mạc của Thế vận hội mùa đông PyeongChang. Miền Bắc đã cử một phái đoàn cấp cao trong đó có Vụ phó Vụ các vấn đề Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên Choe Kang-il, một nhà ngoại giao thâm niên chuyên phụ trách các vấn đề đối ngoại với Mỹ, tới lễ bế mạc Thế vận hội. Trong khi đó, đoàn đại biểu cấp cao Mỹ tới dự sự kiện này có sự hiện diện của bà Allison Hooker, Cố vấn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, chuyên phụ trách các vấn đề liên quan tới bán đảo Hàn Quốc. Điều này đã làm dấy lên triển vọng về khả năng đối thoại cấp chuyên viên giữa hai nước. Ngoài ra, nhiều người tin rằng việc các quan chức cấp cao từ hai miền Nam-Bắc, Mỹ và Trung Quốc đã cùng nhau tham dự lễ bế mạc Olympic mang một ý nghĩa quan trọng. Chúng ta cùng lắng nghe Giáo sư Park Won-gon từ khoa Quốc tế học, ngôn ngữ và văn học thuộc Đại học Handong, phân tích về quan hệ Mỹ-Triều sau Olympic PyeongChang.

Hai tháng trước, căng thẳng đã leo thang trên bán đảo Hàn Quốc. Một số nước, trong đó có Mỹ, một đồng minh truyền thống của Hàn Quốc, đã ngụ ý sẽ không gửi các vận động viên tới Olympic PyeongChang vì lo ngại đến vấn đề an ninh. Nhưng cuối cùng Hàn Quốc đã tổ chức kỳ Olympic rất an toàn và thành công. Sự thật rằng các quan chức từ cả hai miền Nam-Bắc, Mỹ và Trung Quốc cùng ngồi lại một chỗ cho thấy sự kiện này đã thành công với vai trò một Olympic của hòa bình. Tôi nghĩ đây là kết quả của cam kết đầy kiên định của Chính phủ Hàn Quốc với đối thoại và hòa giải với Bắc Triều Tiên. Sau khi miền Bắc công bố hoàn thành sức mạnh hạt nhân, như nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tái khẳng định trong bài diễn văn nhân dịp năm mới, Hàn Quốc đã hy vọng rằng nước này sẽ thay đổi lập trường của mình để tìm kiếm đối thoại, và Bình Nhưỡng đã chọn Seoul là đối tác đầu tiên cho đối thoại. Chính cam kết mạnh mẽ của Seoul trong việc hòa giải với miền Bắc đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này.

Trong số các quan chức cấp cao dự buổi lễ bế mạc Olympic PyeongChang, phái đoàn Bắc Triều Tiên và Mỹ đã thu hút nhiều sự quan tâm chú ý nhất. Người dẫn đầu phái đoàn Mỹ, Ivanka Trump, đã phát biểu khi vừa đặt chân tới Hàn Quốc rằng mục đích chuyến thăm của cô là nhằm chứng minh quan hệ đồng minh vững mạnh và dài lâu giữa Washington và Seoul. Trong lúc lưu lại Hàn Quốc, Cố vấn Nhà Trắng đã kiềm chế không đưa ra bất cứ thông điệp nào về Bắc Triều Tiên. Nhưng ái nữ của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc gặp kín với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã truyền tải thông điệp của cha mình về sự cần thiết phải gia tăng áp lực tối đa với Bình Nhưỡng. Có nguồn tin cho biết Ivanka Trump đã xem xét việc gặp gỡ những người tị nạn miền Bắc trước khi tới Hàn Quốc. Tuy nhiên, cô đã tập trung vào các sự kiện xoay quanh Olympic, như cổ vũ cho các vận động viên Mỹ và tham dự buổi lễ bế mạc, nhằm tạo ra một bầu không khí thân thiện giữa Seoul và Washington.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã từng lo ngại rằng Bắc Triều Tiên có thể khủng bố Olympic PyeongChang. Trong thời gian lưu lại Hàn Quốc nhân dịp Olympic, ông Pence đã gặp những người tị nạn miền Bắc và đến thăm một đài tưởng niệm 46 thủy thủ Hàn Quốc đã hy sinh trong vụ Bắc Triều Tiên bắn chìm tuần dương hạm Cheonan năm 2010. Đối lập với động thái đầy tính chính trị của ông này, phái đoàn của Ivanka Trump tập trung nhiều hơn vào Olympic. Tuy vậy, Ivanka dường như đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ra tăng sức ép với Bình Nhưỡng vì mục tiêu phi hạt nhân hóa. Thực chất Ivanka đang đóng vai trò đệ nhất phu nhân của nước Mỹ và là biểu tượng cho các giá trị được nước Mỹ coi trọng, nhất là sự tự do. Đây là một trong những điểm mạnh nhất của Ivanka, và cô đã thể hiện nó rất tốt trong thời gian lưu lại Hàn Quốc. Quan trọng hơn cả, Ivanka đã tái khẳng định mối quan hệ đồng minh vững chắc và sự hợp tác chặt chẽ giữa Seoul và Washington.

Phái đoàn gồm tám người của Bắc Triều Tiên, bao gồm Phó Chủ tịch Uỷ ban trung ương đảng Lao động kiêm Chủ tịch Mặt trận thống nhất Kim Yong-chol, và Chủ tịch Ủy ban hòa bình thống nhất tổ quốc Ri Son-kwon, đã đến Hàn Quốc ngày 25/2. Một thành viên khác trong phái đoàn, ông Choe Kang-il, Vụ phó Vụ các vấn đề Bắc Mỹ của Bộ ngoại giao Bắc Triều Tiên, đã thu hút được sự chú ý. Choe được xem như nhân vật then chốt trong việc xử lý các vấn đề ngoại giao với Mỹ. Việc Bắc Triều Tiên đưa ông Choe vào phái đoàn tới dự bế mạc Olympic PyeongChang đã làm dấy lên các suy đoán về cách nước này thể hiện quan điểm của mình về quan hệ với Mỹ hoặc vấn đề hạt nhân, hay liên lạc hậu trường giữa các phái đoàn hai nước.

Chuyến thăm Hàn Quốc của ông Kim Yong-chol gần như đã được lường trước bởi ông này phụ trách các vấn đề về quan hệ liên Triều.
Ngoài chức Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động và Chủ tịch Mặt trận thống nhất, ông Kim đã giữ thêm một chức vụ nữa từ tháng 7/2016, là Chủ tịch Ủy ban chuẩn bị của Bắc Triều Tiên cho cho các cuộc họp liên Triều toàn diện giữa các đảng phái và cá nhân vì hòa bình và thống nhất bán đảo Hàn Quốc. Điều này có nghĩa là ông Kim phụ trách các công tác chuẩn bị cho việc cải thiện quan hệ liên Triều và hợp tác song phương. Do đó, chuyến thăm Hàn Quốc nhân bế mạc Thế vận hội của ông Kim được cho là để tập trung vào cải thiện quan hệ giữa hai miền. Một điểm gây chú ý khác là sự xuất hiện của Vụ phó Vụ các vấn đề Bắc Mỹ Choe Kang-il. Vấn đề hạt nhân đang được Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên phụ trách, chứ không phải Mặt trận Thống nhất hoặc Ủy ban hòa bình thống nhất tổ quốc. Chuyến thăm tới Hàn Quốc của ông Choe cho thấy Bình Nhưỡng đang sẵn sàng thảo luận về vấn đề hạt nhân.


Vào 5 giờ chiều ngày 25/2, ngay trước lễ bế mạc Olympic, phái đoàn miền Bắc đã có cuộc họp kín với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ông Moon nói rằng Bắc Triều Tiên nên mau chóng tổ chức đối thoại Mỹ-Triều nhằm cải thiện quan hệ hai miền Nam-Bắc và giải quyết một cách căn bản các vấn đề của bán đảo Hàn Quốc. Như một lời gợi ý, phái đoàn miền Bắc nói rằng nước này có ý định hội đàm với Mỹ. Trong bữa trưa với Chánh văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Chung Eui-yong một ngày sau đó, ông Kim Yong-chol đã có các phát biểu tương tự nhằm đánh tín hiệu rằng Bình Nhưỡng sẵn sàng đối thoại với Washington.

Đây là thông điệp đáng mong đợi nhất từ miền Bắc. Mới chỉ tuần trước thôi, tờ Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên đã tuyên bố rằng nếu các nước khác đang trông chờ Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân thì việc chờ sông cạn đá mòn xem ra còn khả thi hơn. Bình Nhưỡng cũng nói rằng nước này sẽ không cầu xin đối thoại với Washington. Khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đến Hàn Quốc nhân dịp Olympic, ông đã lên kế hoạch gặp phái đoàn miền Bắc, nhưng Bắc Triều Tiên đã đơn phương hủy bỏ cuộc gặp chỉ hai tiếng trước đó. Tuy nhiên giờ đây, miền Bắc lại phát biểu rằng cánh cửa đang mở ra cho đối thoại với Mỹ. Một ngày trước lễ khai mạc Thế vận hội PyeongChang, miền Bắc đã tổ chức diễu hành quân sự, dù vẫn tham dự Olympic. Có vẻ như Bình Nhưỡng muốn nói với cộng đồng quốc tế rằng Bắc Triều Tiên, mặc dù sở hữu vũ khí hạt nhân, sẽ không trở thành một mối đe dọa với các quốc gia láng giềng, kể cả Hàn Quốc. Miền Bắc liên tục nhấn mạnh rằng thế giới nên công nhận nước này là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và thiết lập quan hệ bình thường với Bình Nhưỡng.

Liên quan đến việc Bắc Triều Tiên bày tỏ mong muốn đối thoại với Mỹ, Nhà Trắng cho biết sẽ theo dõi xem liệu thông điệp này của Bình Nhưỡng có thể hiện bước đi đầu tiên tiến tới phi hạt nhân hóa hay không. Tổng thống Trump ngày 26/2 phát biểu rằng chính quyền của ông muốn đối thoại với Bình Nhưỡng nhưng chỉ với các điều kiện hợp lý. Các chuyên gia cho rằng Washington sẽ vẫn giữ lập trường trước đây của mình với Bình Nhưỡng nhưng cũng đã mở ra khả năng đối thoại Mỹ-Triều.

Nhà Trắng đã thể hiện rõ ràng rằng ông Trump vẫn cam kết đạt được sự phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc một cách hoàn toàn và không thể đảo ngược, và rằng Mỹ sẽ tiếp tục chính sách gia tăng sức ép tối đa với Bình Nhưỡng cho tới khi nước này từ bỏ các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Washington cũng gợi ý rằng chỉ đối thoại với Bình Nhưỡng khi đó là cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa. Bình Nhưỡng khẳng định rằng sẽ duy trì hòa bình, kể cả khi đã có trong tay vũ khí hạt nhân. Đáp lại, Mỹ cho rằng hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc chỉ đạt được khi không có vũ khí hạt nhân và chỉ có phi hạt nhân hóa mới dẫn đến ổn định dài lâu tại đây. Đối với nước Mỹ, khả năng đối thoại vẫn đang mở ra. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence vốn đã lên kế hoạch gặp phái đoàn Bắc Triều Tiên trong chuyến thăm Hàn Quốc nhân dịp Olympic. Về cơ bản, lập trường của Mỹ có thể tiến hành đối thoại không chính thức phi điều kiện với miền Bắc, nhưng đây không nên chỉ đơn thuần là đối thoại. Thông qua hội đàm, Mỹ sẽ yêu cầu một cách rõ ràng miền Bắc phải phi hạt nhân hóa và Washington vẫn đang giữ lập trường kiên định về vấn đề này.

Đáp lại ý định của miền Bắc trong việc tổ chức đối thoại với Mỹ, Washington đã đề cập tới cụm từ “với các điều kiện hợp lý.” Hai bên được cho là sẽ trao đổi ý kiến về cuộc hội đàm. Trong hoàn cảnh đó, vai trò của Hàn Quốc là tìm ra các điểm chung giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ, phối hợp và điều đình giữa hai bên để kéo hai nước ngồi vào bàn đàm phán.

Thế vận hội mùa đông PyeongChang đã được tổ chức trong sự quan tâm chú ý xen lẫn kỳ vọng và lo ngại của toàn cầu. Giờ đây, Olympic PyeongChang đã khép lại, đã đến lúc Hàn Quốc nỗ lực toàn diện để tận dụng không khí hòa giải hiếm có nhằm cải thiện hơn nữa quan hệ liên Triều và đưa đến đối thoại Mỹ-Triều.

Lựa chọn của ban biên tập