Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Kết quả chuyến thăm Bắc Triều Tiên của phái đoàn Hàn Quốc

2018-03-08

Vì một bán đảo thống nhất

Kết quả chuyến thăm Bắc Triều Tiên của phái đoàn Hàn Quốc
Vào 8 giờ tối ngày 6/3, Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Chung Eui-yong, trưởng đoàn đại biểu đặc biệt của Hàn Quốc tới thăm Bắc Triều Tiên, đã có cuộc họp báo về kết quả chuyến thăm này. Tại Phủ Tổng thống, ông Chung công bố kết quả của thỏa thuận liên Triều vừa qua, điều được kỳ vọng sẽ mang lại sức đẩy quan trọng cho hòa bình ổn định trên bán đảo Hàn Quốc cũng như tiến triển trong quan hệ giữa hai miền Nam-Bắc. Kết quả tích cực này mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi nó được xem như một bước ngoặt cho đối ngoại khu vực, vốn đã trở nên căng thẳng do các đợt khiêu khích hạt nhân và tên lửa của miền Bắc.

Trước hết, hai miền Nam-Bắc đã nhất trí tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ III tại Ngôi nhà hòa bình thuộc làng đình chiến Bàn Môn Điếm vào cuối tháng 4. Vì mục tiêu trên, hai bên sẽ tiến hành các cuộc thảo luận cấp chuyên viên trong thời gian tới.

Như phát biểu của ông Chung Eui-yong, đáng chú ý hơn cả, Seoul và Bình Nhưỡng đã nhất trí tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Điều này, nếu trở thành hiện thực, sẽ là Hội nghị thượng đỉnh lần thứ III giữa hai miền, sau hội nghị đầu tiên diễn ra vào ngày 15 tháng 6 năm 2000 và hội nghị thứ hai vào ngày 4 tháng 10 năm 2007. Giáo sư Nam Seong-wook đến từ Đại học Korea, phân tích về kết quả chuyến thăm Bắc Triều Tiên vừa qua của phái đoàn Hàn Quốc.

Kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun đến thăm Bình Nhưỡng nhân Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ hai vào ngày 4/10/2007, chưa hề có một hội nghị thượng đỉnh liên Triều nào diễn ra. Giờ đây, Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ III sẽ được tổ chức vào cuối tháng sau. Một sự kiện có tầm cỡ như vậy là vô cùng quan trọng, bởi đối thoại giữa các lãnh đạo ở cấp cao nhất của hai nước được cho là cách hiệu quả nhất nhằm giải quyết các vấn đề song phương. Nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un chưa từng đi thăm bất cứ quốc gia nào kể từ khi lên cầm quyền vào ngày 30/12/2011. Hơn nữa, ông này cũng chỉ thỉnh thoảng mới gặp các quan khách nước ngoài tại Bắc Triều Tiên, và mới chỉ tiếp đón quan khách các nước tầm khoảng bảy lần. Ngoài ra, các quan khách này phần lớn là các Bộ trưởng hoặc phái viên của nước ngoài, chứ không phải một nguyên thủ quốc gia. Thông qua một cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc, nhà lãnh đạo miền Bắc sẽ có lần ra mắt đầu tiên ở cấp đối ngoại thượng đỉnh.

Như một bước nhảy vọt lớn, các nhà lãnh đạo hai miền Nam-Bắc sẽ cùng ngồi vào bàn đối thoại lần đầu tiên sau 11 năm. Đây là một tiến triển quan trọng bởi ông Kim Jong-un, người vốn chưa hề có bất cứ cuộc hội đàm thượng đỉnh nào trong vòng sáu năm qua kể từ khi trở thành lãnh đạo tối cao của miền Bắc, sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc. Cũng cần phải lưu ý rằng, ông Kim sẽ là nhà lãnh đạo miền Bắc đầu tiên đặt chân tới Hàn Quốc, bởi hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ được tổ chức tại Ngôi nhà hòa bình, vốn nằm ở phần lãnh thổ của miền Nam trong làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Giáo sư Nam Seong-wook nhận định:

Hai hội nghị thượng đỉnh trước đây đều diễn ra ở Bình Nhưỡng, do đó, theo quan điểm của Hàn Quốc, Seoul nên chủ trì hội nghị tiếp theo. Nhưng nếu phải xuống tận Seoul, miền Bắc có thể cảm thấy hơi áp lực. Bằng việc đồng ý tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại phần lãnh thổ Hàn Quốc của Bàn Môn Điếm, tôi cho rằng Bình Nhưỡng đã ít nhiều đồng ý với lời đề nghị của Seoul. Hội nghị thượng đỉnh lần thứ III sẽ được tổ chức tại địa điểm khác với hai lần trước đó, và chính điều này cho thấy rằng Bắc Triều Tiên đang cam kết cải thiện quan hệ với Hàn Quốc.

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ III sẽ diễn ra tại Bàn Môn Điếm, nơi Hiệp định đình chiến năm 1953 được ký kết. Điều này đồng nghĩa với việc hai miền Nam-Bắc sẽ gửi đi một thông điệp tới cả trong nước và quốc tế rằng hai bên sẽ nỗ lực chấm dứt sự thù địch của Chiến tranh Lạnh và thay vào đó, xây dựng sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau trên một nền tảng bình đẳng hơn. Đây là một thay đổi to lớn trong quan hệ liên Triều, vốn đã đi vào bế tắc cho tới thời điểm cuối năm ngoái. Cuộc gặp liên Triều vừa qua cũng đã chứng kiến thái độ cầu tiến của miền Bắc tiến tới phi hạt nhân hóa. Điều này đã được khẳng định trong phát biểu của Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Chung Eui-yong:

Bắc Triều Tiên đã cho thấy cam kết của mình tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc, và thể hiện rõ ràng rằng nước này không có lý do gì để sở hữu vũ khí hạt nhân nếu các mối đe dọa quân sự với Bình Nhưỡng được gỡ bỏ và sự an toàn của chính quyền miền Bắc được đảm bảo.

Trước đây, mỗi khi Seoul đưa ra vấn đề phi hạt nhân hóa như một nghị sự cho đối thoại liên Triều, Bình Nhưỡng lại quả quyết rằng đó là vấn đề phải được giải quyết giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ. Tuy nhiên, lần này, ông Kim Jong-un đã khẳng định cam kết tiến tới giải trừ hạt nhân, nói rằng một bán đảo Hàn Quốc không có hạt nhân chính là niềm mong mỏi của các nhà lãnh đạo miền Bắc quá cố Kim Nhật Thành và Kim Jong-il. Bắc Triều Tiên đã đưa ra bình luận tương tự vào tháng 7/2016. Sự chú ý đang hướng tới việc tại sao miền Bắc lại đề cập đến vấn đề trên vào thời điểm này. Giáo sư Nam Seong-wool phân tích:

Điều này thể hiện Bắc Triều Tiên đang tuyệt vọng đến mức nào. Nước này đã phải chịu vô số các lệnh trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc do các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa vào năm ngoái. Sự tăng cường triệt để các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ thời gian qua đã làm trầm trọng thêm các khó khăn kinh tế của miền Bắc, khiến giá cả trong nước tăng vọt và đời sống người dân ngày một đi xuống. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt vẫn đang được tăng cường chứ không phải giảm nhẹ hay gỡ bỏ. Nước Mỹ thậm chí còn đang xem xét các lệnh trừng phạt mới nhằm chặn đứng việc miền Bắc buôn bán trái phép trên biển. Bình Nhưỡng đã tìm kiếm một cơ hội thoát ra khỏi vòng cô lập khi Thế vận hội mùa đông PyeongChang diễn ra ở Hàn Quốc. Nhân dịp Olympic, miền Bắc đã mau chóng đối thoại với miền Nam như một lối thoát cho tình huống trên. Nước này đang cố gắng vượt qua khó khăn, và thậm chí còn đề cập tới cụm từ “phi hạt nhân hóa” trong cuộc gặp liên Triều vừa qua.

Như Giáo sư Nam vừa phân tích, việc miền Bắc bày tỏ sẵn sàng giải trừ hạt nhân được nhìn nhận như chiến lược của nước này nhằm xoa dịu các lệnh trừng phạt quốc tế và chuyển từ cục diện đối đầu với Mỹ sang đối thoại. Trên thực tế, Mỹ đã liên tục nhấn mạnh rằng phi hạt nhân hóa chính là một điều kiện tiên quyết mà Washington đặt ra cho bất cứ cuộc đối thoại nào với Bình Nhưỡng. Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Chung Eui-yong cũng cho biết rằng nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un đã đánh tín hiệu về ý định tổ chức hội đàm với Mỹ trong cuộc gặp liên Triều vừa qua.

Miền Bắc đã bày tỏ sự sẵn sàng tổ chức hội đàm với Mỹ nhằm bàn về vấn đề phi hạt nhân hóa và bình thường hóa quan hệ song phương.

Thái độ tích cực của miền Bắc chính là tín hiệu tốt cho đối thoại giữa Bình Nhưỡng và Washington. Vào ngày 6/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đánh giá một cách tích cực đề xuất của Bắc Triều Tiên về đàm phán phi hạt nhân hóa. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng phát biểu rằng sẽ thảo luận với Seoul các bước đi tiếp theo khi các đặc sứ Hàn Quốc tới thăm Washington vào ngày 8/3 để trình bày với chính quyền Tổng thống Donald Trump về kết quả chuyến thăm Bình Nhưỡng. Dường như nước Mỹ đang coi khả năng phi hạt nhân hóa miền Bắc như một tiến triển đầy ý nghĩa. Chuyến thăm Bình Nhưỡng vừa qua của phái đoàn Hàn Quốc đang mở ra khả năng cho đối thoại ba bên giữa Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên và Mỹ.

Lựa chọn của ban biên tập