Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Tổng thống Trump chấp thuận đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh của Bắc Triều Tiên

2018-03-15

Vì một bán đảo thống nhất

Tổng thống Trump chấp thuận đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh của Bắc Triều Tiên
Vào ngày 8/3 (theo giờ địa phương), Chánh văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Hàn Quốc Chung Eui-yong đã phát biểu tại Nhà Trắng (Mỹ) rằng Seoul đã chuyển đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh của nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un tới Tổng thống Mỹ Donald Trump, và ông Trump đã chấp nhận lời đề nghị ngay lập tức. Ông Chung đã tới thăm Washington để báo cáo với chính quyền Tổng thống Mỹ về kết quả chuyến thăm Bắc Triều Tiên diễn ra trước đó. Trong bối cảnh một hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều chưa từng có tiền lệ đang được hình thành, đối ngoại khu vực xoay quanh bán đảo Hàn Quốc đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng. Hãy cùng lắng nghe Giáo sư Kim Jun-hyung từ trường Đại học Quốc tế Handong, người tham gia vào cuộc đối thoại 1.5, tức là một cuộc gặp mặt giữa các quan chức Chính phủ và các nhân vật thuộc các tổ chức phi chính phủ, tôn giáo, hoặc các chuyên gia, giữa Mỹ và Hàn Quốc tháng 1 vừa qua, phân tích sâu hơn.

Một diễn biến tích cực đã xảy đến một cách cực kỳ mau chóng mà không một chính trị gia hay một nhà chính trị học nào có thể dự đoán được. Cho tới đầu năm nay, bán đảo Hàn Quốc vẫn còn ở trong tình trạng bất ổn do căng thẳng quân sự leo thang. Nhưng miền Bắc đã nắm lấy cánh tay chìa ra từ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, và sức đẩy đối thoại cũng đã được hình thành giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ. Đây là một diễn biến cực kỳ bất ngờ và tuyệt vời, ít nhất là cho tới thời điểm này. Quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Washington từ lâu đã ở trong tình trạng thù địch, và miền Bắc là quốc gia duy nhất trên thế giới mà Mỹ không công nhận là một quốc gia bình thường. Một cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo hai nước sẽ là một sự kiện mang ý nghĩa lịch sử to lớn.

Quan hệ Mỹ-Triều đã chạm tới đỉnh điểm của căng thẳng cho tới đầu năm nay, khi Mỹ đề cập tới việc sử dụng giải pháp quân sự để đáp trả các đợt khiêu khích hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Nhưng chỉ hai tháng sau, tình hình đã hoàn toàn thay đổi và hai nước còn đang dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Hội thượng đỉnh liên Triều đang được lên kế hoạch tổ chức vào cuối tháng 4, trong khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ có thể diễn ra trong tháng 5. Giờ đây, sự quan tâm đang được dành cho phát biểu năm ngoái của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in rằng Seoul sẽ cầm lái trong các vấn đề liên quan tới bán đảo Hàn Quốc.

Khi Tổng thống Moon đề cập tới cụm từ “cầm lái,” nhiều nhà phân tích ở cả trong và ngoài nước vẫn còn hoài nghi. Xuất phát từ nghi ngờ rằng Mỹ sẽ phớt lờ Hàn Quốc khi đưa ra các quyết định quan trọng về các vấn đề liên quan tới Bắc Triều Tiên, họ cho rằng vai trò của Hàn Quốc sẽ tương đối mờ nhạt. Nhưng chỉ trong vòng 10 tháng, Seoul đã đưa Bình Nhưỡng tới đối thoại và cũng đã điều đình giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ. Kỳ tích này cho thấy rằng đúng là Hàn Quốc đang cầm lái các vấn đề liên Triều. Miền Bắc hy vọng có thể tiếp cận Mỹ thông qua Hàn Quốc, trong khi Mỹ, mặc dù còn nhiều hoài nghi với Bắc Triều Tiên, vẫn lưu ý tới khả năng ngoại giao của Seoul để kéo miền Bắc ngồi vào bàn đối thoại. Hơn nữa, Trung Quốc đã chứng kiến Hàn Quốc mở đường cho một đột phá trong các vấn đề liên quan tới Bắc Triều Tiên giữa bối cảnh quan hệ rạn nứt giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Vì vậy, phép so sánh Hàn Quốc với người cầm lái là hoàn toàn đúng.

Như Giáo sư Kim vừa phân tích, Hàn Quốc đã đặt nền móng cho Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đang được lên kế hoạch tổ chức, và cả Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Kể từ khi nhậm chức, chính quyền của Tổng thống Moon đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Hàn Quốc với vai trò là người cầm lái đối ngoại khu vực. Seoul tích cực thuyết phục Bắc Triều Tiên và Mỹ, và đã gửi một phái đoàn đặc biệt tới miền Bắc đầu tháng này nhằm đưa tới một kết quả rõ rệt. Hàn Quốc cũng đã thông báo tới các quốc gia láng giềng về kết quả của cuộc đàm phán vừa qua với miền Bắc, từ đó dẫn đầu việc xử lý các vấn đề an ninh trong khu vực.

Hàn Quốc là quốc gia có liên quan trực tiếp tới các vấn đề trên bán đảo Hàn Quốc, bao gồm cả vấn đề hạt nhân miền Bắc. Nhưng vấn đề hạt nhân cũng là một mối quan ngại quốc tế với sự liên quan của bốn cường quốc là Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản. Họ không thể bị đẩy ra ngoài các cuộc đàm phán về việc thành lập một chính phủ hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc và sự thống nhất của bán đảo này. Do đó, việc Hàn Quốc hợp tác với các nước trên là vô cùng quan trọng. Giờ đây, các quốc gia liên quan đang chứng kiến một sự kiện chưa từng xảy ra, và thật khó để dự đoán cái gì sẽ đến trong hai tháng tới. Một cuộc xung đột căng thẳng về đối ngoại được dự đoán sẽ nổ ra trong khoảng thời gian này.

Giáo sư Kim vừa cho biết rằng thật khó để có thể tìm ra một giải pháp cuối cùng cho vấn đề hạt nhân nếu không có sự hợp tác với các quốc gia láng giềng, kể cả nếu hai miền Nam-Bắc và Mỹ có chuẩn bị một đề cương cơ bản cho việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên đi chăng nữa. Đó là lý do vì sao Hàn Quốc đã cử các đặc sứ tới các nước này. Đầu tuần vừa qua, Chánh văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Chung Eui-yong đã tới Trung Quốc và Nga, trong lúc Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Seo Hoon đã tới thăm Nhật Bản. Ông Chung và ông Seo đều là đặc sứ của Tổng thống Moon tới Bắc Triều Tiên và Mỹ trong tháng này để dàn xếp giữa hai nước. Tại Trung Quốc, phía Hàn Quốc đã nhấn mạnh vai trò đặc biệt của Bắc Kinh trong giải quyết vấn đề hạt nhân miền Bắc. Tại Nhật Bản, với mục tiêu gây sức ép lên Bắc Triều Tiên, Seoul đã thúc giục Tokyo tham gia vào không khí đối thoại. Tại Nga, Seoul cũng đã thảo luận về phương án hợp tác nhằm giải quyết các vấn đề trên bán đảo Hàn Quốc. Bởi Hàn Quốc đang tạo ra một khuôn khổ đối ngoại mới mẻ, các nước láng giềng đang kỳ vọng sẽ có phản ứng của riêng họ đối với thay đổi này.

Trung Quốc đã dẫn dắt các cuộc đối thoại sáu bên về hạt nhân trước đây. Dù hai miền Nam-Bắc và Mỹ có đi tới nhất trí đi chăng nữa, có lẽ thỏa thuận này nên ở dưới dạng thức một thỏa thuận của cuộc đối thoại sáu bên để được thừa nhận trong cộng đồng quốc tế và có được sự ủng hộ về pháp lý. Theo đó, vai trò của Trung Quốc là rất quan trọng. Hơn nữa, Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng cung cấp một lượng viện trợ kinh tế lớn nhằm đạt được sự ổn định tại Đông Bắc Á. Vì vậy, Trung Quốc cùng với Hàn Quốc có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp viện trợ kinh tế cho Bắc Triều Tiên. Về phần mình Nhật Bản sẽ nhanh chóng đồng thuận với Mỹ một khi Washington khẳng định chính sách hòa giải với Bình Nhưỡng. Nhìn lại lịch sử, cựu Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi đã có chuyến thăm bất ngờ tới Bắc Triều Tiên năm 2002, sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000. Nhật Bản rất có thể sẽ thay đổi chính sách với Bắc Triều Tiên của mình, tùy thuộc vào tình hình.

Hàn Quốc đang tạo nên một mạng lưới đối ngoại và đối thoại nhằm tăng cường sự hợp tác quốc tế. Seoul đã giúp làm giảm căng thẳng giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ, và tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Chúng ta cùng chờ đợi và dõi xem liệu vai trò điều đình của Hàn Quốc có thể thu được một thành quả đáng kể hay không.

Lựa chọn của ban biên tập