Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Ảnh hưởng của việc Trung Quốc và Nga kéo dài nhiệm kỳ lãnh đạo tới bán đảo Hàn Quốc

2018-03-22

Vì một bán đảo thống nhất

Ảnh hưởng của việc Trung Quốc và Nga kéo dài nhiệm kỳ lãnh đạo tới bán đảo Hàn Quốc
Một thời kỳ lãnh đạo kéo dài đã bắt đầu tại Trung Quốc và Nga. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tái đắc cử chức Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc với số phiếu tuyệt đối tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc vào ngày 17/3. Trước đó, ông Tập đã bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước khỏi Hiến pháp nước này. Trong khi đó, vào ngày 18/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã giành chiến thắng áp đảo tại cuộc bầu cử để bước vào nhiệm kỳ lãnh đạo thứ 4. Giờ đây, các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc và Nga, hai quốc gia có chung lãnh thổ với Bắc Triều Tiên, có thể kéo dài nhiệm kỳ của mình, đối ngoại khu vực được dự đoán sẽ có thay đổi. Hãy cùng lắng nghe nhà nghiên cứu Cho Han-beom, chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu Thống nhất Hàn Quốc, phân tích về đối ngoại khu vực sau diễn biến mới này.

Trong số các quốc gia láng giềng quanh bán đảo Hàn Quốc, Trung Quốc giờ đây đã hoàn thành cơ cấu quyền lực trong nước. Tương tự, Nga cũng đã đặt nền móng chính trị cho một thời kỳ nắm quyền dài lâu. Nói cách khác, cả hai quốc gia trên đều đã hoàn thành các kế hoạch chính trị nội bộ. Về cơ bản, chính sách của các nước này với bán đảo Hàn Quốc sẽ không có nhiều thay đổi. Nhưng giờ đây, dựa trên sự ổn định của chính trị trong nước, hai quốc gia này có thể can thiệp sâu hơn vào các vấn đề đối ngoại liên quan tới bán đảo Hàn Quốc.

Theo sau sự trỗi dậy của các cá nhân lãnh đạo có quyền lực tại Trung Quốc và Nga, hai quốc gia này sẽ có thể đẩy nhanh tiến độ hình thành chính sách với bán đảo Hàn Quốc. Là các thành viên của các cuộc đối thoại sáu bên nhằm chấm dứt khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên cũng như là thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, cả hai nước này có ảnh hưởng rất lớn tới bán đảo Hàn Quốc. Đặc biệt, Trung Quốc nhận thức rõ các suy đoán gần đây về sự suy giảm ảnh hưởng của Bắc Kinh tới Bình Nhưỡng trong bối cảnh các cuộc họp cấp thượng đỉnh sắp diễn ra giữa Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên và Mỹ.

Trong số các quốc gia láng giềng, Trung Quốc hiện đang ở trong thế khó nhất. Bắc Triều Tiên có vai trò rất quan trọng đối với Trung Quốc như một vùng đệm chiến lược, và đó là lý do vì sao Bắc Kinh luôn thể hiện mình có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất lên Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai đồng minh cộng sản đã ngày càng xấu đi kể từ khi chính quyền Bắc Triều Tiên Kim Jong-un lên lãnh đạo ở miền Bắc. Nhà lãnh đạo tối cao Bắc Triều Tiên đã hành quyết người chú ruột Jang Song-thaek của mình, một nhân vật thân Trung Quốc, và Hội nghị thượng đỉnh Trung-Triều thường kỳ vẫn chưa được tổ chức dưới thời ông Kim Jong-un. Hơn nữa, việc Trung Quốc đang thi hành một cách nghiêm túc các lệnh trừng phạt quốc tế với Bắc Triều Tiên càng làm xấu đi quan hệ Trung-Triều. Trước đây, Trung Quốc là người dẫn đầu các cuộc đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa. Nhưng tình hình đối ngoại hiện nay không cho phép Trung Quốc can thiệp nhiều vào các vấn đề liên quan tới bán đảo Hàn Quốc. Mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh cũng như sự vắng mặt của Trung Quốc trong đối ngoại khu vực đang làm suy giảm ảnh hưởng của nước này tới Bắc Triều Tiên nói riêng và bán đảo Hàn Quốc nói chung.

Trung Quốc vốn đã từng là quốc gia duy nhất trên thế giới có khả năng gây ảnh hưởng tới Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền, hai nước này đã có phần lạnh nhạt với nhau. Quan hệ song phương còn bế tắc hơn kể từ khi Trung Quốc bắt đầu tham gia các biện pháp trừng phạt miền Bắc của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc vào năm ngoái. Tuy nhiên, nhiều người dự đoán rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người vừa đảm bảo được quyền lực tuyệt đối, sẽ cải thiện quan hệ với miền Bắc, bởi ông Tập nhìn nhận việc phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc có liên hệ trực tiếp với việc nắm được uy thế ở khu vực Đông Á.

Rõ ràng Trung Quốc đang rất cần một bước tiến triển lớn. Việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Hàn Quốc nên được đi kèm với sự thành lập một chính phủ hòa bình, có nghĩa là một hiệp định hòa bình sẽ thay thế cho Hiệp định đình chiến năm 1953. Nếu điều này xảy ra, Bắc Triều Tiên và Mỹ có thể bình thường hóa quan hệ và thậm chí là thiết lập quan hệ ngoại giao. Nói cách khác, quan hệ Mỹ-Triều có thể sẽ cải thiện nhanh chóng, trong lúc quan hệ Trung-Triều đang ở thời kỳ xấu nhất từ trước tới nay. Nếu vậy, miền Bắc sẽ không còn là một vùng đệm đại diện cho quyền lợi của Trung Quốc nữa. Giờ đây khi Bắc Kinh đã bình ổn được chính trị trong nước, nước này hẳn sẽ can thiệp nhiều hơn vào các vấn đề trên bán đảo Hàn Quốc, bao gồm cả cuộc khủng hoảng hạt nhân miền Bắc.

Thời báo Hoàn cầu, phụ trương của báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 19/3 đưa tin Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ nên ngừng quấy rầy mối quan hệ hữu hảo giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Là tờ báo do Nhà nước quản lý và đại diện cho quan điểm của Chính phủ Trung Quốc, Thời báo Hoàn cầu đã thể hiện cam kết của Bắc Kinh trong việc cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng cả trong và ngoài nước. Tương tự, Nga cũng đang rất muốn can thiệp vào các vấn đề liên quan tới bán đảo Hàn Quốc. Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tiến hành “chính sách phương Đông mới” nhằm tăng cường vị thế của Nga tại Đông Á sau khi xung đột với các quốc gia phương Tây về vấn đề Ukraine. Nếu một bầu không khí hòa bình được tạo ra giữa Seoul và Bình Nhưỡng, và giữa Bình Nhưỡng với Washington, chính sách của ông Putin nhằm phát triển vùng Viễn Đông sẽ thu hút được nhiều sự chú ý hơn.

Nếu đối thoại sáu bên về phi hạt nhân hóa được nối lại, Trung Quốc hẳn sẽ lại thể hiện sức ảnh hưởng của mình. Nhưng nếu các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa hoặc một chính phủ hòa bình được tổ chức dưới dạng đối thoại Mỹ-Triều hoặc đối thoại ba bên giữa Hàn Quốc-Bắc Triều Tiên và Mỹ, các quốc gia này, chứ không phải Trung Quốc, sẽ dẫn đầu đàm phán. Đó sẽ là một tình huống khá bẽ mặt cho Bắc Kinh, mặc dù nước này có thể tham gia vào quá trình thiết lập một chính phủ hòa bình. Do đó, có khả năng Trung Quốc sẽ tính đến một hội nghị thượng đỉnh song phương với miền Bắc, và Nga cũng có thể nghĩ tới một cuộc họp cấp thượng đỉnh với Bắc Triều Tiên. Bắc Kinh và Mát-xcơ-va có thể sẽ sử dụng đối ngoại thượng đỉnh nhằm mở rộng ảnh hưởng tới các vấn đề trên bán đảo Hàn Quốc.

Bán đảo Hàn Quốc đang đứng trước một bước ngoặt về ngoại giao, với việc các quốc gia liên quan đang có một cuộc đua tranh về đối ngoại trong khu vực. Ngoài Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga cũng đang lên kế hoạch cho một chuỗi các cuộc hội đàm nhằm tăng cường sự hiện diện của họ trong đối ngoại khu vực. Trong bối cảnh nhiều cuộc họp cấp thượng đỉnh sắp diễn ra, sự chú ý đang hướng tới việc các nhiệm kỳ lãnh đạo kéo dài tại Trung Quốc và Nga có thể gây ảnh hưởng lên các diễn biến đối ngoại trong khu vực như thế nào.

Lựa chọn của ban biên tập